Chính quyền chôn heo chết gần trại nuôi heo, dân Bình Thuận kêu cứu
Dù đang chăn nuôi heo (lợn) an toàn và xa khu dân cư, nhưng ngày 11/7 vừa qua, một số hộ chăn nuôi ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh ( Bình Thuận) tá hỏa khi thấy chính quyền ở đây đưa xe chở lợn chết dịch đến khu vườn cao su gần trại của mình để tiêu hủy. Ngay sau khi phát hiện, bà con đã ra sức phản đối, đồng thời báo cho chính quyền cấp trên thì sự việc mới được ngăn chặn.
Chính quyền thị trấn Đức Tài đưa lợn chết dịch đến tiêu hủy gần trại nuôi của bà con chẳng khác nào rắc dịch.
Theo phản ánh của anh Nguyễn Vĩnh Lộc, một người dân chăn nuôi heo ở thôn 6, xã Đức Tín đến thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, sự việc trên được anh phát hiện khoảng 9 giờ sáng ngày 11/7, khi đó tại vườn cao su cách trại anh khoảng 30m xuất hiện 1 xe ô tô tải chở lợn chết dịch đến và một máy xúc đang đào hố để chuẩn bị tiêu hủy số heo trên.
“Chúng tôi ở đây đang chăn nuôi heo rất an toàn, chưa bị dịch tả lợn châu Phi nhưng giờ họ mang lợn dịch đến sát trang trại của mình tiêu hủy chả khác nào rắc dịch và mang “án tử” đến cho đàn heo của chúng tôi” – anh Lộc nói.
Các hố chôn heo được phun, rắc vôi tiêu độc khử trùng, không cắm biển báo.
Anh Lộc cho biết thêm, địa phương nơi anh nuôi heo đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi khoảng 1 tháng trở lại đây và đây là lần đầu anh thấy chính quyền đưa heo chết dịch đến khu vực gần trại của mình để tiêu hủy.
“Lúc tôi phát hiện và chạy tới thì họ đã tiêu hủy được 1 – 2 hố, khoảng trên dưới 100 con, các hố còn lại đã được đào nhưng chưa kịp chôn heo thì bị tôi ngăn cản” – anh Lộc kể lại.
Video đang HOT
Ngay sau khi phát hiện, anh Lộc lên trụ sở UBND thị trấn Đức Tài để gặp lãnh đạo yêu cầu dừng sự việc và có lời giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, khi đó đại diện chính quyền vẫn cho rằng, việc tiêu hủy lợn của địa phương là đúng quy trình, đúng nơi quy định nên vẫn chỉ đạo tiếp tục cho chôn heo ở đó.
“Nhận thấy sự việc không được xử lý thỏa đáng, tôi đã xin số điện thoại và trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo huyện Đức Linh, khi vị này chỉ đạo xuống thì vụ việc mới được dừng lại” – anh Lộc nhớ lại.
Theo anh Lộc, khu đất chôn heo dịch này được chính quyền ở đây thuê lại của một người dân đang trồng cao su.
Dù vụ việc đã được chính quyền ở đây giải quyết, xử lý tạm thời nhưng khu hố đã chôn heo chết dịch đang bắt đầu bốc mùi hôi thối, theo chiều gió bay về trại của anh Lộc và bà con ở đây khiến mọi người rất bất an và lo lắng.
“Hiện tôi đã dùng đủ mọi cách từ rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng rất kỹ và che chắn các khu chuồng trại nhưng nguy cơ dính dịch luôn hiện hữu vì nguồn nước giếng tôi đang dùng rất dễ bị nhiễm bệnh” – anh Lộc chia sẻ.
Trước nguy cơ đàn lợn nhận “án tử” anh Lộc và một số hộ ở đây đã bắt đầu tìm cách xuất chuồng đàn lợn để hạn chế rủi ro.
Hiện, đàn lợn trên dưới 200 con của anh Lộc và đàn lợn của các hộ bên cạnh đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Phân trần với PV Dân Việt về vụ việc này, ông Nguyễn Tấn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài cho rằng: “Do lợn bị dịch quá nhiều, xã quá tải không còn chỗ chôn nên phải tìm mọi cách, mọi chỗ, thậm chí là thuê lại đất trồng cao su để tiêu hủy”.
Theo ông Hùng, thị trấn Đức Tài xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi từ ngày 26/6, hiện số lượng lợn chết dịch vẫn đang tăng chóng mặt nhưng địa phương không còn chỗ để tiêu hủy.
“Chỗ nào chôn được chúng tôi đã chôn hết rồi, giờ đàn lợn còn khoảng 4.000 con nhưng Đức Tài không còn chỗ để xử lý nữa, đất công cũng hết. Chúng tôi đang bí bách quá” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm, không chỉ thị trấn Đức Tài gặp khó về chỗ tiêu hủy lợn dịch mà các xã trên địa bàn huyện Đức Linh cũng đang trong tình trạng tương tự.
“Chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu tìm ra các giải pháp tiêu hủy lợn dịch khác để gỡ khó cho các địa phương, tránh tình trạng lợn chết dịch quá tải không chôn kịp bị vứt bỏ ra sông, hồ…, làm ô nhiễm môi trường” – ông Hùng kiến nghị.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng ở Bình Thuận
Hơn một tháng xuất hiện tại Bình Thuận, dịch tả lợn châu Phi đã diễn biến phức tạp và tiếp tục lan rộng đến 14 xã thuộc 4/10 huyện, thị xã trong toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND kiểm tra tại ổ dịch xã Đức Chính, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN
Để dập dịch và hạn chế lây lan đến các huyện còn lại, ngành nông nghiệp cùng các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đối phó với dịch tả lợn châu Phi.
Toàn bộ lực lượng thú y cơ sở có trên địa bàn cấp huyện đều được huy động để thực hiện nhiệm vụ trực chốt và chống dịch tại vùng dịch và vùng uy hiếp. 63 chốt kiểm dịch động vật tạm thời đã được thành lập khắp tỉnh để kiểm soát và phun thuốc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.
Để hỗ trợ cho lực lượng thú y thực hiện các nhiệm vụ trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, các cấp hội, đoàn thể, mặt trận cũng được huy động để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh. Việc giám sát vùng dịch được triển khai đến tận thôn, khu phố, hộ chăn nuôi.
Khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm được đẩy mạnh. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung cấp thêm hơn 4.800 lít thuốc sát trùng và 11.000 kg vôi cho các địa phương tiến hành phun xịt, tiêu độc khử trùng liên tục tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực chợ, cơ sở giết mổ...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để dập dịch, ngoài việc yêu cầu các các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát, khử trùng tiêu độc các phương tiện ra vào ổ dịch; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt lợn nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh... Sở cũng yêu cầu các địa phương chú ý quản lý chặt chẽ đàn lợn rừng lai nuôi tại các hộ gia đình, không để xảy ra trường hợp bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh từ đàn heo rừng lai và lây lan cho đàn lợn của các địa phương....
Tại Yên Bái, ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tỉnh đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh gây ra; đồng thời, đặt mục tiêu khống chế hoàn toàn dịch bệnh trước ngày 30/9.
Yên Bái đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra, đánh giá kết quả hỗ trợ tiêm phòng gia súc định kỳ trên địa bàn tỉnh. Thời gian kiểm tra từ ngày 11/7 đến ngày 18/7 tại 9 huyện, thị xã, thành phố.
Các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; chi trả hỗ trợ cho các chủ vật nuôi có lợn bắt buộc tiêu hủy. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiêm phòng gia súc trên địa bàn tỉnh, xác định rõ nguyên nhân và những bất cập trong thực hiện chính sách...
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 3,3 triệu con.
Theo Hồng Hiếu - Ngọc Anh (TTXVN)
Bị phạt 200.000 đồng vì sờ ngực nữ hàng xóm Người bị hại cho rằng năm lần bị sàm sỡ trong khi người bị tố cáo chỉ thừa nhận có một lần ôm, sàm sỡ do đùa giỡn. Ngày 11/7, bà L (37 tuổi, ngụ tại một xã của huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại Công an huyện này đến Giám đốc Công an...