Chính quyền Biden loại hàng chục công tố viên thời Trump
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ yêu cầu gần như tất cả công tố viên do Trump bổ nhiệm từ chức, ngoại trừ người giám sát cuộc điều tra con trai Biden.
Một quan chức tư pháp Mỹ ngày 8/2 cho biết 56 công tố viên, do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn, sẽ sớm nhận yêu cầu từ chức, song không nêu rõ thời điểm. Các quan chức tư pháp Mỹ đã lên lịch thảo luận với các công tố viên trên cả nước về quá trình chuyển giao công việc, dự kiến mất nhiều tuần.
Tuy nhiên, sẽ có một số ít ngoại lệ trong nỗ lực “thanh lọc” bộ máy tư pháp này. Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Monty Wilkinson hôm 8/2 yêu cầu David Weiss, công tố viên bang Delaware, tiếp tục tại vị. Weiss đang giám sát cuộc điều tra thuế nhằm vào Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden.
John Durham, người được cựu bộ trưởng tư pháp William Barr bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt để xem xét lại nguồn cơn cuộc điều tra nhằm vào mối quan hệ Trump – Nga, sẽ tiếp tục công việc của mình. Tuy nhiên, ông này có thể sẽ phải đệ đơn từ chức công tố viên bang Connecticut.
Việc thay đổi công tố viên sau mỗi đời tổng thống Mỹ là hoạt động thường lệ, song thường chứa đựng yếu tố chính trị. Năm 2017, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó là Jeff Sessions yêu cầu 45 công tố viên, do cựu tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, nộp đơn từ chức. Một số ít được ở lại trong thời gian ngắn, song phần lớn phải lập tức rời nhiệm sở.
Video đang HOT
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Monty Wilkinson. Ảnh: DOJ .
Do không tin tưởng vào những người được bổ nhiệm dưới thời Trump, chính quyền Biden đã chỉ định Wilkinson, một quan chức tư pháp, làm quyền Bộ trưởng Tư pháp, trong lúc chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn Merrick Garland làm lãnh đạo cơ quan này.
Phiên điều trần phê chuẩn Garland dự kiến diễn ra hôm 8/2, song bị hoãn sau khi cựu chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham phản đối. Thượng nghị sĩ Graham cho rằng phiên điều trần tại Thượng viện của Garland được thúc đẩy quá nhanh.
Thượng nghị sĩ Graham cho biết cần thời gian để chất vấn Garland về các cuộc điều tra hiện tại. Trong thư gửi Wilkinson hôm 2/2, Graham kêu gọi quyền Bộ trưởng Tư pháp “không can thiệp hoặc hủy bỏ” các cuộc điều tra này.
Trong số 94 công tố viên tại các quận của Mỹ, 25 người là quyền công tố viên sau khi những người được Trump bổ nhiệm từ chức ngay trước lễ nhậm chức của Biden. Một số công tố viên có thể được chính quyền Biden giữ lại gồm Michael Sherwin, quyền công tố viên tại thủ đô Washington đang giám sát cuộc điều tra về vụ bạo động ở tòa nhà quốc hội hôm 6/1.
Một số công tố viên cao cấp không từ chức trước lễ nhậm chức của Biden bao gồm công tố viên Quận phía Nam Ohio David DeVillers, công tố viên Utah John Huber và công tố viên Pittsburgh Scott Brady.
Huber được Obama bổ nhiệm, sau đó được Trump tái chỉ định làm công tố viên. Huber được giao nhiệm vụ giám sát cuộc điều tra về giao dịch kinh doanh của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Quỹ Clinton. Huber sau đó kết thúc điều tra và kết luận không có lý do gì để mở lại.
Brady được cựu bộ trưởng Barr giao nhiệm vụ xem xét các tuyên bố liên quan đến gia đình Biden và Ukraine, vốn do luật sư Rudy Giuliani của Trump đưa ra. Việc Brady chấp nhận và thúc đẩy tiến trình xem xét các tuyên bố trên dẫn đến tranh cãi với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và những bên khác. Kết quả của cuộc điều tra này chưa được công bố.
Tổng thống đắc cử Mỹ J.Biden xác nhận đề cử vị trí Bộ trưởng Tư pháp
Ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden xác nhận ông sẽ lựa chọn thẩm phán Merrick Garland làm Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền sắp tới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Garland là thẩm phán Tòa án phúc thẩm thủ đô Washington từ năm 1997 và là Chánh án của tòa án này từ năm 2013. Cách đây 5 năm, cựu Tổng thống Barack Obama đã đề cử ông Garland vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao, nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó đã từ chối tổ chức phiên điều trần về đề cử này.
Trước khi trở thành thẩm phán, ông Garland làm công tố viên liên bang, nơi ông tham gia luận tội đối với Timothy McVeigh trong vụ đánh bom kinh hoành tại thành phố Oklahoma. Ông cũng nằm trong nhóm luận tội cựu Thị trưởng Washington Marion Barry vì tàng trữ cocaine. Ngoài nhiệm vụ công tố viên, ông Garland từng đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng tại Bộ Tư pháp, bao gồm cả chức vụ Trợ lý chính cho Thứ trưởng Tư pháp Jamie Gorelick bắt đầu từ năm 1994.
Ông Garland được nhìn nhận là một thẩm phán trung lập và không thiên về đảng phái chính trị nào. Việc đề cử ông Garland làm người đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ cần được Thượng viện Mỹ thông qua.
Trước đó, báo Politico dẫn hai nguồn thạo tin cho biết ông Biden cũng dự kiến đề cử cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trong khi luật sư Kristen Clarke làm Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp phụ trách quyền dân sự.
Nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa chúc mừng ông Biden Sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin ông Joe Biden - ứng viên đảng Dân chủ - giành 273 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết để đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 3-11 vừa qua, một số thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, đã chúc...