Chinh phục vùng cát trắng, chắt lọc “vàng mười”
Chinh phục vùng cát trắng thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình từ những năm 2000, bây giờ sở hữu cơ ngơi vào hàng nhất nhì xã nhưng ông chủ trang trại Nguyễn Văn Tam vẫn trăn trở với nhiều dự định cho tương lai. 17 năm gắn bó cùng cát, “sống chết” với cát… anh Nguyễn Văn Tam thực sự đãi từ trong cát, chắt lọc ra “vàng mười”.
Giữa khu trang trại mênh mông màu xanh tựa như một ốc đảo nhỏ giữa muôn trùng cát trắng, anh Nguyễn Văn Tam nhớ lại thời điểm hai vợ chồng dắt díu, chân trần lội cát lập nên cơ ngơi bề thế: “Năm 25 tuổi, tôi vừa lập gia đình xong, thời điểm đó, phía trong làng đất chật, người đông, gia cảnh quá khó khăn, mở mắt thấy toàn đói nghèo. Nhìn ra phía biển, đất mênh mông, nhưng chỉ toàn cát. Hai vợ chồng bàn nhau xin đất, khai hoang, bắt tay tính chuyện làm kinh tế”.
Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Tam (Võ Ninh, Quảng Ninh) đa dạng với nhiều loại cây, con.
“Bây giờ kể lại không ai tin đâu. Ban đầu chúng tôi lợi dụng con suối nhỏ chảy ra từ trong lòng cát, đắp đập, nắn dòng để trồng chuối, trồng sắn, trồng môn. Vốn liếng chẳng có bao nhiêu, chồng ngày ngày khai hoang, cải tạo cát trắng, vợ chắt chiu từng tàu môn, buồng chuối, quả mướp, hoa bí… mang ra chợ. Cứ tích trữ theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Thế rồi, qua giai đoạn khó khăn, hai vợ chồng chinh phục được cát, để từ đó, cát trắng cho vàng”.
Trang trại vợ chồng anh Nguyễn Văn Tam dần thành hình hài trên vùng cát Hà Thiệp dù vẫn đối mặt với bốn bề khó khăn: không điện, không đường, không thông tin liên lạc, không cơ sở vật chất. Bao nhiêu vốn liếng tích trữ dồn cả vào chăn nuôi bò, số lượng ban đầu 30 con. Những năm tiếp theo, quy mô trang trại được mở rộng dần trên cát với các loại con mới như: lợn, gà, vịt…
Năm 2008, Hội Nông dân quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình anh Tam vay 20 triệu đồng vốn mở rộng mô hình. Nhờ đó, anh phát triển thêm 5 lợn nái và 60 lợn thịt. Trang trại phát triển, được tỉnh, huyện thẩm định, cấp giấy công nhận đạt tiêu chuẩn trang trại. Lúc này, quy mô khoảng 25 lợn nái, 300 lợn thịt, 20.000 con gà, trên diện tích 70.000m2.
Năm 2013, khi gia đình anh Tam mạnh dạn đầu tư mở rộng, phát triển thêm con giống thì siêu bão ập đến, trang trại tan hoang theo bão. Không nản lòng, anh Nguyễn Văn Tam cùng gia đình tiếp tục khắc phục khó khăn, vừa mở rộng thêm chuồng trại chăn nuôi gà, vịt đẻ; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, năng động nắm bắt thị trường, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh sản xuất. Từ đó, trang trại tăng lên 32 lợn nái, 600 lợn thịt, 30.000 con gà thịt, 1.000 con vịt đẻ trứng và 300 cặp bồ câu bố mẹ…
Ngoài việc phát triển kinh tế trang trại, gia đình còn sản xuất theo mùa vụ, lấy ngắn nuôi dài, như: trồng xen cây ăn quả và các loại hoa màu, cùng một số cây công nghiệp nhằm tăng thêm nguồn thu.
Video đang HOT
Trang trại tổng hợp còn áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, vệ sinh môi trường, sử dụng 2 hầm khí Biogas để xử lý phân thải và tận dụng nước thải tưới cho cây trồng. Sau cơn bão năm 2013, trước nguy cơ xâm thực của nạn cát bay, cát lấp, anh Nguyễn Văn Tam nảy ra sáng kiến, nắn dòng chảy của con suối sao cho vừa tạo thành con đập lớn ngăn cát tràn vào khuôn viên trang trại, vừa giữ được nước tưới tiêu cho những tháng hè khô hạn.
Dựa theo địa thế, anh thuê xe ủi một lòng suối, lấy cát đắp đê, hình thành dòng chảy mới. Vào mùa mưa lũ, nước theo dòng suối mới này chảy ra biển không tràn vào phía bên trong. Mùa hè, nước ngấm sâu vào cát, theo bờ suối chảy ra tưới cho cây trồng xanh tốt. Tại khu vực chuồng trại chăn nuôi gà, anh Tam trồng hàng trăm gốc mưng tạo bóng mát cho gà ngày nắng nóng.
Tính từ 2012 đến nay, tổng doanh thu bình quân của trang trại gia đình anh Tam đạt trên 2,7 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, trang trại anh Tam giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5 – 5 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài ra, trang trại còn tạo điều kiện hỗ trợ về con giống, thức ăn cho các hộ chăn nuôi, hộ nghèo trong xã và các địa bàn lân cận, đồng thời hướng dẫn cách làm ăn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ khó khăn, giúp họ vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Tam dự định xây dựng khu du lịch sinh thái ven biển.
Trang trại tạo lập trên cát ổn định, bảo đảm thân thiện với môi trường, ông chủ Nguyễn Văn Tam còn hướng đến một tương lai vững chắc hơn – xây dựng khu du lịch sinh thái cạnh bờ biển. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, anh ngăn hẳn một bên của trang trại, cho đào hệ thống ao, tích nước, nuôi cá. Dọc hệ thống bờ, anh thuê người trồng cây xanh dựa theo ý tưởng do mình nghĩ ra.
“Mình phải đi tắt, đón đầu cơ hội”- Nguyễn Văn Tam cho biết – “Trang trại có vị trí khá thuận lợi khi cách Bảo Ninh khoảng 7 cây số và cách xã Hải Ninh chừng 10 cây. Tương lai dự án FLC Hải Ninh hoàn thành, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng ở Bảo Ninh mở rộng ra, sẽ có nhiều du khách đến tham quan trang trại gia đình. Tất nhiên với một vị thế đẹp, gần gũi thiên nhiên, trang trại gia đình sẽ níu chân du khách bằng những sản phẩm sạch do trang trại làm ra”.
Dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, sợ khổ… đó là bản lĩnh của ông chủ trang trại Nguyễn Văn Tam. Chắc chắn với những gì đã định hình trên cát trắng, anh Tam sẽ tiếp tục “cho cát đẻ ra vàng”.
Theo Hương Trà (Báo Bình Thuận)
Lão nông đi xe Camry, ở nhà biệt thự
Gặp ông ở trụ sở Hội ND Quảng Bình khi ông vừa bước xuống từ chiếc xe Camry 2.5 đời mới với áo quần "đóng thùng" thẳng nếp, chân đi giày da bóng loáng. Được biết, ông còn là chủ nhân một căn biệt thự 3 tầng ở mặt tiền Quốc lộ 1A.
Nhưng ông không phải là một doanh nhân mà là một nông dân chính hiệu. Cơ ngơi đó ông kiếm được từ trang trại tổng hợp mà vợ chồng ông đã dày công gây dựng nên... Ông là Mai Xuân Hải (SN 1967), thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trang trại của ông nằm dưới chân đèo Lý Hòa trên con đường thiên lý Bắc Nam. Đây là một trang trại tổng hợp cả chăn nuôi và trồng trọt có quy mô hiện đại vào loại bậc nhất hiện nay ở Quảng Bình.
Trai làng biển bén duyên nông nghiệp
Ông Hải kể rằng, ông vốn sinh ra và lớn lên ở làng biển, bố mẹ, xóm làng của ông cũng chưa ai làm nông nghiệp ngày nào. Thế nên, khi biết ông dồn hết vốn liếng đầu tư làm trang trại không ít người thân, bạn bè đã ngăn cản quyết liệt. Nhưng với ông, nông nghiệp như là cái duyên trời định."Lúc mới bắt tay vào làm, vợ chồng tui cũng không khỏi bỡ ngỡ, cũng đã gặp không ít khó khăn sau những lần gặp thiên tai, dịch bệnh. Nhưng có một điều rất lạ, những lúc đứng trước những khó khăn như vậy, chưa một lần tui nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Lợn gà bị chết tui đi mời thú y, các chuyên gia về coi lại thật kỹ càng vì sao hắn chết để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tiền hết thì tui đi vay bạn bè, ngân hàng để đầu tư chuồng trại khang trang, đúng kỹ thuật hơn..." - ông Hải chia sẻ.
Ông Hải (thứ 2 bên phải) trao đổi kinh nghiệm làm trang trại với đoàn cán bộ Hội ND Quảng Bình. Ảnh: Phan Phương
Nói về chuyện làm trang trại, ông Hải cho biết, năm 2008, sau nhiều năm bôn ba lao động ở trời Tây trở về, ông cũng tích lũy được một số vốn kha khá. Ở thời điểm đó, trong lúc những người bạn cùng đi lao động nước ngoài về đều mở doanh nghiệp để kinh doanh các ngành nghề như xây dựng, buôn bán cá... những nghề dễ dàng sinh lợi, kiếm ra tiền thì một mình ông lại đi mua đất để làm trang trại.
Qua nhiều ngày rong ruổi tìm kiếm, ông Hải thấy vùng đất hoang hóa rộng chừng 5ha nằm dưới chân đèo Lý Hòa, tuy hơi cằn cỗi, nhưng xa khu dân cư và có nguồn nước khá dồi dào là nơi có thể làm trang trại được. Vùng đất này trước đây một số người dân địa phương đã vào khai hoang để trồng mía và những loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác nhưng không hiệu quả nên bị bỏ hoang. Thế nhưng khi ông Hải vào đặt vấn đề để mua lại mảnh đất đó thì họ đòi giá rất cao. Ông đã phải bỏ ra 500 triệu đồng, một số tiền rất lớn, họ mới đồng ý.
Mua được đất, vợ chồng ông Hải đã bắt tay tạo dựng trang trại. Năm đầu tiên vợ chồng ông đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi thử 30 con lợn và trồng các loại cây ăn quả trên phần đất còn lại. Thế nhưng, lứa lợn và cây đầu tiên đó, vợ chồng ông Hải đã nếm ngay mùi thất bại. Đàn lợn đang lớn bỗng dưng bị chết hàng loạt do dịch bệnh, còn nhiều loại cây ăn quả không hợp khí hậu, thổ dưỡng, lớn không nổi nói gì cho quả. Không bỏ cuộc, ông Hải đã bỏ công đi học các lớp trung cấp thú y, các lớp kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho lợn. Ngày đó hễ nghe ở đâu có lớp tập huấn là ông Hải lại cơm đùm gạo bới đi học, dù nhiều chỗ ông không được mời.
Sau một thời gian "tầm sư học đạo", đã nắm vững những kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi lợn, ông Hải bắt tay đầu tư lớn hơn cho trang trại. Không chỉ nuôi lợn thịt, ông đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, khép kín để nuôi lợi nái ngoại, vừa có con giống để nuôi vừa xuất bán cho bà con trong vùng và nhiều nơi khác. Đối với số diện tích đất còn lại, ông Hải cũng quy hoạch lại quy củ hơn, phần ông đào ao nuôi cá, phần trồng các loại cây ăn quả phù hợp với đất đai, khí hậu như: Cam, xoài...
Lắp điều hòa cho lợn
Đất không phụ công người, sau gần 10 năm quăng quật với đất, kiên định với mục tiêu của mình, bây giờ gia đình ông Hải đã trở thành tỷ phú, mỗi năm thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Hải cho biết, hiện nay trang trại của ông mỗi năm xuất bán hơn 1.500 con lợn giống, 105 tấn thịt lợn hơi. Mới đây ông còn đầu tư nuôi lợn rừng và mỗi năm cũng xuất bán hơn 100 con lợn giống, 2,5 tấn thịt lợn rừng cho các nhà hàng, khách sạn lớn trong tỉnh. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm hàng ngàn con gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng và hơn 2 tấn cá các loại. Trang trại của ông hiện có 8 lao động làm việc thường xuyên được ông trả lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hải dẫn khách tham quan trang trại nuôi lợn khép kín của gia đình. Ảnh: Phan Phương
Nhờ những thành tích xuất sắc trong sản xuất, trồng trọt, nhiều năm qua, ông Mai Xuân Hải luôn được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2015, ông Hải được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội ND tỉnh Quảng Bình...
Ông Hải dẫn chúng tôi thăm trang trại, mặc dù nuôi nhiều lợn, gà như vậy nhưng tuyệt nhiên không hề có mùi hôi. Trước lúc vào trang trại, chúng tôi cũng đã trải qua khâu khử trùng để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào. Chuồng trại nuôi lợn được xây dựng hiện đại, khép kín với hệ thống làm mát bằng quạt máy, được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Đặc biệt ở khu nuôi lợn nái còn được gắn máy điều hòa nhiệt độ.
Ông Hải cho hay: "Tui thành công cũng là nhờ chăn nuôi khép kín, từ con giống đến thức ăn, nhất là thú y, trước đây tui tự học, tự làm được nhưng nay tui đã thuê hẳn những cán bộ có kỹ thuật vào làm việc nên dịch bệnh đã không còn xuất hiện ở trang trại nữa".
Dù trang trại nằm trong chân núi, nhưng lợn gà đến kỳ xuất bán, ông Hải chỉ cần nhấc điện thoại là có khách vào tận nơi để mua. Riêng lợn thịt, chỉ cần xe tải đỗ ở cổng trang trại hệ thống cân đo và dây chuyền tự động sẽ đưa lợn từ chuồng chuyển thẳng lên xe. Ông còn cho biết, đang có kế hoạch cải tạo và đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại hơn nữa để chăn nuôi lợn nái với số tiền đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Với hệ thống chuồng trại mới này, 100% lợn nái ở trang trại ông sẽ được ở trong phòng điều hòa, mùa hè mát, mùa đông ấm.
Nói về ông Hải, ông Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Trạch nhận xét: "Ông Hải không chỉ là một nông dân giỏi biết làm giàu cho gia đình mà trong quan hệ với xóm làng, đặc biệt là bà con nông dân ông cũng tận tình giúp đỡ. Nhiều năm qua, ông Hải đã đem những kinh nghiệm "máu xương" truyền cho nhiều nông dân khác phát triển kinh tế. Hàng năm, ông còn tích cực hỗ trợ các hộ nông dân nghèo về con giống, kỹ thuật để họ thoát nghèo. Riêng với Hội ND, ông Hải là một hội viên rất tích cực, hàng năm ông đều hỗ trợ Hội ND xã hàng chục triệu đồng để xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các hội viên nông dân, ngư dân gặp khó khăn do thiên tai...Tích cực đóng góp, xây dựng quỹ hội nông dân...".
Theo Danviet