Chinh phục “tiểu sa mạc” Hòa Thắng
Sau khi chinh phục chán chê các đỉnh núi, nhóm chúng tôi tìm thử thách mới bằng cung “hành xác”: chinh phục đồi cát Hòa Thắng, một trong những đồi cát lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là một “tiểu sa mạc”.
Những dấu chân trên cát nóng – Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa |
Di chuyển bằng xe máy từ Sài Gòn ra gần tới Hòa Thắng, chúng tôi tập kết tại nhà nghỉ của bác An để nghỉ ngơi.
Nhà bác An cách đồi cát 3km nếu tính từ điểm gần chùa Bình Nhơn. Bác An còn kiêm cả vai trò cứu nạn, khi cần sẽ phóng xe đi giải nguy cho các phượt thủ khi có sự cố trên sa mạc.
Đúng 14g30, nhóm chúng tôi gồm 10 thành viên, thuê chiếc xe Jeep của con trai bác An chở đến điểm trek mà chúng tôi gọi là “khúc cua Sao Hỏa”. Thời tiết mát và dễ chịu hơn nhiều so với dự đoán của mọi người.
Một khung cảnh vô cùng đẹp mắt ngay trước mắt. Ở giữa là cung đường tỉnh lộ 728B trải dài, phía đông là biển, phía tây là những đồi cát, đụn cát nối liền trải dài xa tít…
Đồi cát Hòa Thắng thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận là một trong những đồi cát lớn nhất Việt Nam với tổ hợp gồm nhiều đụn cát, đồi cát, bãi cát… nối nhau thành một hoang mạc rộng lớn, được mệnh danh là “Sahara của Việt Nam”. Nằm cách TP.HCM khoảng 230km, cách TP Phan Thiết khoảng 50km về phía bắc, đồi cát trải dài dọc theo biển Hòn Rơm, song hành với tỉnh lộ 728B, tuyến đường được mệnh danh là một trong những con đường đẹp nhất miền Trung. |
Có những đoạn qua bức tường cát, cả nhóm phải bò – Ảnh: Trần Thắm |
|
Những đàn bò được chăn thả ở hiếm hoi các mảng xanh trong đồi cát – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
|
Đi trên cát khi mây đen vần vũ trên đầu… – Ảnh: Trần Thắm |
Leo núi đi rừng thì nhiều, các thành viên trong nhóm chưa từng treking qua sa mạc. Những bước chân đầu tiên tiến vào sa mạc lúc trời nắng thật nặng nề. Chỉ hơn 200m đầu chúng tôi đã cảm nhận được sự nặng nề của đôi chân và bắt đầu hốc nước.
Video đang HOT
Lộ trình 2km đầu tiên là thử thách thực sự cho những ai yếu sức, cần đưa ra quyết định đi tiếp hay bỏ cuộc nếu cảm thấy không thể vượt nổi chặng đường phía trước. Thành viên rút lui phải quyết định rời đoàn trong 2km này, vì khi tiến sâu vào sa mạc là không thể quay lại được nữa.
Nhưng qua 2km mệt nhoài, 10 thành viên không ai bỏ cuộc.
Tiến sâu vào sa mạc, kiếm tìm một bóng mát dừng chân là cực hiếm. Chỉ lác đác một vài bụi cây nhỏ đủ để dựa lưng, tránh bớt ánh nắng chiếu vào mặt.
Sau một giờ di chuyển trong sa mạc, trời bắt đầu kéo mây đen. Tiết trời dịu hơn nhưng nỗi lo dông sét khiến chúng tôi có chút lo sợ.
Sau 17g mưa ập tới. Trời tối sầm. Cơn mưa nặng hạt như trút. Chúng tôi mặc áo mưa, vẫn đi với la bàn và vài cái đèn pin nhỏ. Trên đầu ánh chớp liên tục nhì nhằng cùng tiếng sấm đinh tai nhức óc.
Sau hai giờ mưa liên tục, khi chúng tôi tìm được một khu đất bằng phẳng để dựng lều thì mưa cũng tạnh. Cả nhóm quây quần nhóm lửa, nấu nước; cùng nhau nấu mì gói, nướng gà ăn và hát thật to những bài hát trong đêm đen u tịch để xóa đi cái lạnh về đêm của sa mạc…
Hành trình gian nan – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
|
Khoảnh khắc khó quên – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
|
Cây và trái ma dương, một thứ trái cây chống khát mọc nhiều ở sa mạc – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
Sau buổi sáng với cà phê và trà, cả nhóm lại lên đường di chuyển về phía nam đồi cát. Nắng vẫn gay gắt nhưng ở đoạn này chúng tôi gặp được những mảng cây bụi cao khoảng 2m nên đã có bóng mát nghỉ ngơi.
Vượt qua mảng xanh là bắt đầu vào đoạn có các đồi cát đẹp nhất của Hòa Thắng. Các đồi cát lớn liên tiếp nối nhau. Có cả bức tường cát cao hơn 4m là thử thách thật sự đối với đoàn khi nhiệt độ ngày càng tăng và đôi chân vừa mỏi vừa bị ngấm nước mưa.
Nhưng khi lê những bước chân nặng nề lên đến đỉnh những đồi cát chập chùng, chúng tôi ngồi xuống, yên lặng ngắm những ngọn gió thổi dần che lấp các dấu chân của các thành viên trong đoàn in lại khi đi trên cát.
Đó là một cảm giác thật khó tả, giữa mênh mông đồi cát, và chúng tôi khi đó mới thấu hiểu câu nói “Chúng ta thật nhỏ bé, chỉ là hạt cát trong sa mạc”….
|
Lên cao – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
|
Con người thật nhỏ bé giữa sa mạc cát – Ảnh: Thanh Ngọc Trần |
|
Ngồi ngắm cát phủ bay các bước chân trên đỉnh đồi cát – Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa |
Thông tin cho bạn Băng qua “tiểu sa mạc” có hai hướng: một là đi từ chùa Bình Nhơn băng qua sa mạc đến khúc cua Sao Hỏa, di chuyển hướng tây – bắc; hai là hướng ngược lại, di chuyển theo hướng đông – nam. Khoảng thời gian tháng 10, nhiệt độ của miền Trung 32 – 35 độ C, vào buổi trưa nhiệt độ của mặt cát lên đến 50 độ C bạn có thể bị say nắng, bị sốc nhiệt. Cát lún nên di chuyển rất chậm, nếu không biết điều phối được lực của chân, bạn rất dễ bị chuột rút trong quá trình đi. Phải biết cách phân chia sức lực hợp lý. Các thành viên phải tự chuẩn bị cho mình ít nhất khoảng 8 lít nước/người, chanh, các loại thức uống điện giải để hạn chế mất nước. Dùng đồ ăn khô để hạn chế nấu nướng, chuẩn bị bạt và túi ngủ (hoặc mền) để ngủ giữa đồi cát hoặc che mưa. Về trang phục, quần áo nên dùng dài tay và thoáng, giày phải kín vì nhiệt độ cát rất cao dễ bị phỏng chân, trang bị các loại mũ nón có vành che. Do chỉ ở lại trong đồi cát một đêm, nên bạn chỉ cần mang một bộ quần áo là đủ, tránh mang vác quá nhiều khiến hành lý thêm nặng. |
Mũi Trèo - điểm đến 'lạ' giữa vùng đất quen
Dịp tết, bạn có thể ghé thăm Quảng Trị - mảnh đất đầy chứng tích lịch sử và có những thắng cảnh be bé xinh xinh mà không kém phần độc đáo.
Mũi Trèo ở Vĩnh Kim, Vĩnh Linh, Quảng Trị - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Một trong số những điểm đến thu hút du khách trẻ, các phượt thủ hiện nay là Mũi Trèo - tên một mũi đất nhô ra biển ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh.
Nếu bạn đến làng hầm Vịnh Mốc, một ngôi làng được người dân Vĩnh Thạch đào nên trong lòng đất, bất ngờ khám phá ra dưới độ sâu vài chục mét có đủ căn hộ, nhà trẻ, hầm chiếu phim, cả kho chứa vũ khí để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những năm chiến tranh; tra "Google Map", bạn sẽ thấy Mũi Trèo chỉ cách đó 4km.
Nằm nhô ra trên thềm biển Vĩnh Kim và bị bao phủ bởi cánh rừng rậm của Rú Bàu nên trước đây không ai nhận ra có vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa lãng mạn của nó. Rồi đường sá chạy ngang qua, từ bãi biển nhìn lên, những phượt thủ ưa khám phá những nơi hoang vắng đã tìm cách chinh phục nó, tìm đường đưa chiếc môtô của mình ra dựng trên mũi đất mạo hiểm ấy để có một tấm ảnh chênh vênh giữa mênh mông trời xanh biển biếc.
Điều đặc biệt là Mũi Trèo không chỉ có mũi đất nhô ra biển, lơ lửng ở độ cao mấy chục mét đầy "khiêu khích" mà ở đây còn có một bãi biển đẹp mê hồn chạy dài hàng cây số ra tận xã Vĩnh Thái, nước xanh như ngọc và cát trắng mịn màng.
Quanh Mũi Trèo là bãi đá rộng gần 2.000m 2 với nhiều hình thù lạ mắt, màu sắc biến ảo. Từ con đường ven biển đi ra Mũi Trèo, bạn phải đi xuyên qua một cánh rừng nguyên sinh.
Mũi Trèo đã tự phát trở thành một điểm đến lạ giữa vùng đất quen. Nhìn Mũi Trèo dễ liên tưởng tới những điểm đến cheo leo, gieo khát vọng cho các phượt thủ như chóp đá trên đỉnh Pha Luông (Thanh Hóa), tảng đá chồng ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) hay mỏm đầu rùa ở Tà Xùa (Yên Bái)...
Trên con đường xuyên rừng ra Mũi Trèo, bạn cũng sẽ thấy hai bên đường có rất nhiều hố bom từ thời chiến tranh để lại. Đã nửa thế kỷ trôi qua, đa số hố bom đã bị lấp đi để gieo những mùa màng, thì trên con đường này, bạn sẽ được những hố bom gợi về quá khứ, hiểu thêm hơn giá của một ngày bình yên hôm nay. Bình yên tận hưởng mùa xuân, tận hưởng thiên nhiên, lịch sử để tha thiết yêu thương đất nước mình.
Phượt thủ U80 lái xe máy từ Hà Nội đi Tây Tạng 41 ngày đêm Chỉ nhắn gia đình một câu 'Bố đi chơi mấy ngày' mà không nói địa điểm, ông Hùng lái mô tô chinh phục hơn 14.000km lên Tây Tạng - Trung Quốc suốt 41 ngày đêm. Trong quán cà phê nhỏ của gia đình, ông Trần Lê Hùng, 71 tuổi, dáng người nhỏ gầy, mái tóc dài bạc trắng được buộc gọn phía sau...