Chinh phục núi Tà Chì Nhù vào mùa hoa tím
Tháng 10, Tà Chì Nhù không chỉ là điểm săn mây hấp dẫn mà còn thu hút dân leo núi vì loài hoa tím trải khắp các sườn núi.
Nóc nhà của tỉnh Yên Bái có chiều cao 2.979 m là đỉnh cao thứ 7 Việt Nam nằm ở khu vực xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Điểm cao này được du khách chinh phục lần đầu tiên vào năm 2013 và được mệnh danh là “thiên đường mây nơi hạ giới”. Năm ngoái một bộ ảnh hoa tím trên đỉnh Tà Chì Nhù được chia sẻ trên diễn đàn dành cho dân đam mê leo núi khiến địa điểm này trở nên nổi tiếng. Người bản địa, khi ai hỏi về loài hoa tím dại, cũng nói “chi pâu” (nghĩa là “không biết tên”).
Để đến được đỉnh Tà Chì Nhù cần 7-8 tiếng leo và nghỉ ăn trưa, nên đoàn 17 người chúng tôi thuê ôtô và xuất phát từ Hà Nội chiều tối hôm trước và tới nghỉ ở thị trấn Trạm Tấu (cách Hà Nội 5 – 6 tiếng chạy xe). Một số đoàn khác thuê xe giường nằm đến thị trấn Nghĩa Lộ và nghỉ đêm ở đây để sáng hôm sau đi ôtô hoặc xe máy chạy thẳng đến điểm leo cách khoảng 30 km.
Sau khi dậy ăn sáng ở Trạm Tấu, đoàn di chuyển một quãng đường rất xấu và dài 15 km tới khu Mỏ Chì. Sau khi trao đổi với đội ngũ dẫn đường và chuyển đồ cho các porter (người gùi đồ), mọi người mang theo balo gọn nhẹ đựng nước và đồ ăn nhẹ để chinh phục Tà Chì Nhù vào lúc 8h sáng.
Do vào cuối tuần, khách leo lên tới gần 150 người nên Mỏ Chì từ chối cho đi nhờ qua khu vực nhà máy của họ, toàn bộ khách leo phải đi đường vòng, vượt 2 con suối lớn. Mọi người mất khoảng 1 tiếng để vượt qua chặng đường ngắn này do đông người và dòng suối chảy xiết.
Sau khi vượt suối, đoàn đi qua mấy quả đồi trước khi nghỉ trưa. Những ngọn đồi này không quá dốc, nhưng do thời tiết nắng nóng và không có bóng cây nên thể lực của mọi người bị “bào mòn” khá nhanh.
Khoảng 12h30, tất cả các đoàn leo đều tìm chỗ thoáng mát để ăn trưa và nghỉ ngơi, lấy lại sức để chuẩn bị vượt một con dốc “gắt” nhất cung leo núi này – dốc Hai Cây.
Video đang HOT
Đường lên rất vất vả, nhưng bù lại cảnh núi và mây trong đoạn leo này đẹp và nên thơ. Mọi người vừa đi vừa chụp ảnh, quay phim các áng mây trắng bên sườn núi và cánh rừng già trải dài trong nắng chiều cực đẹp, nên mất khá nhiều thời gian.
Sau khi vượt qua dốc Hai Cây, đoàn đi qua khu rừng trúc nhỏ trước khi tới khu lán nghỉ. Chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên tới được lán trại lúc 16h30. Từ lán có thể nhìn thấy đỉnh Tà Chì Nhù và theo các hướng dẫn viên thì người bình thường mất khoảng 2 tiếng để lên tới đỉnh.
Khu lán nghỉ chứa được khoảng 120 người mới được dựng lên năm ngoái sau khi có nhiều du khách tới khám phá. Dịp cuối tuần khi chúng tôi leo có khoảng 150 du khách nên phải ngủ ở lều bên ngoài do không đủ chỗ nằm trong lán. Theo anh Giàng A Long, porter của đoàn, dịp đông nhất từng có tới 200 du khách tới khám phá Tà Chì Nhù.
Khu vực lán nghỉ được bố trí làm hai dãy nhà bằng gỗ, có hai khu nhà vệ sinh khá sạch sẽ và có nước nóng (50.000 đồng/ xô nước nóng) để tắm. Tuy nhiên, do đông người nên phải xếp hàng hơi lâu mới được dùng phòng tắm và nhà vệ sinh.
Chúng tôi ăn tối lúc 19h và sau đó nhanh chóng đi ngủ để giữ sức cho ngày hôm sau. Dự kiến dậy lúc 5h và xuất phát lúc 6h để leo lên đỉnh và xuống núi luôn trong ngày mai.
Thời tiết trên núi về đêm khá lạnh, gió mạnh và trời mưa cả đêm. Chúng tôi khi tỉnh dậy đều nghĩ rằng mưa to cả đêm nên chắc chắn sẽ không thể leo lên đỉnh được vì đường trơn trượt và khả năng có lũ. Tuy nhiên, anh Mạnh Chiến, trưởng nhóm tổ chức chuyến đi cho biết cả đêm chỉ mưa nhẹ, do mưa đập vào mái tôn làm cho có cảm giác mưa to. Chúng tôi vẫn có thể thực hiện kế hoạch. Ai cũng thở phào, nhanh chóng dậy ăn sáng và chuẩn lên đường.
Chúng tôi xuất phát lúc 7h30, chậm hơn 1,5 tiếng so với kế hoạch ban đầu. Sau hơn 30 phút leo, đoàn tới các triền núi nơi loài hoa tím dại mọc dầy đặc. Thời tiết lúc này vẫn mưa nhẹ nên hoa không sặc sỡ như mọi người mong đợi. Tuy nhiên, không ai bỏ lỡ dịp để tạo dáng và chụp ảnh bên loài hoa đặc biệt chỉ mọc nhiều ở vùng này.
Chúng tôi đi khoảng 1 tiếng nữa thì tới đỉnh. Lúc này đã có hơn chục bạn trẻ xuất phát trước đó đang cùng nhau chụp ảnh với điểm mốc.
Theo anh Mạnh Chiến thì Tà Chì Nhù không chỉ có hoa tím này mà còn là nơi ngắm mây và đón bình minh đẹp nhất trong các núi mà anh từng đặt chân tới.
“Hoa tím cũng có ở Bạch Mộc Lương Tử nhưng với số lượng ít hơn nên không có cảnh cả vạt núi đầy hoa nở rực rỡ như ở đây. Tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa chi pâu còn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, Tà Chì Nhù là địa điểm săn mây lý tưởng cho du khách”, anh Mạnh Chiến nói.
Lần đầu leo núi, chị Linh Đinh cho biết cung leo Tà Chì Nhù quá khó với chị, nhiều lúc chị muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, do được các bạn bè và người dẫn đường có kinh nghiệm động viên, hỗ trợ cùng cảnh rừng núi đẹp với những áng mây và hoa tím thơ mộng đã giúp chị chinh phục được đỉnh núi.
“Thực sự leo lên đến đỉnh cực kỳ vất vả với tôi, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng bù lại bạn sẽ thấy được đền đáp xứng đáng với khung cảnh trên đỉnh”, chị Linh Đinh chia sẻ.
Chúng tôi quay trở lại lán ăn nhẹ và sau đó một nhóm đi cùng với porter xuống dưới chân núi trước. Lúc đi mất khoảng 7 tiếng thì lúc xuống đoàn chỉ mất khoảng nửa thời gian dù đường khá trơn trượt. Một lý do khác chúng tôi đi nhanh hơn đó là nhờ qua khu Mỏ Chì, không phải vượt 2 dòng suối như hôm trước.
Kinh nghiệm khi leo xuống trong điều kiện thời tiết mưa và đường trơn trượt là đi chậm và xoay ngang bàn chân. Đây cũng là thời điểm nhiều người bị đau đầu gối hoặc cổ chân, mũi chân và hai bắp đùi do trọng lượng cơ thể liên tục dồn xuống các bộ phận này này khi xuống núi. Leo núi dù có sức khỏe tốt, bạn nên chuẩn bị bó đầu gối, cổ chân và gậy leo núi để giúp giảm chấn thương cho cơ thể.
Nhóm đi trước xuống tới điểm xuất phát lúc 15h30 và đi xe ôm về thị trấn Trạm Tấu tắm nước khoáng nóng trong khi đợi các thành viên còn lại của đoàn xuống núi. Cả đoàn rời thị trấn Trạm Tấu lúc 19h tối về Hà Nội, kết thúc hành trình leo Tà Chì Nhù 2 ngày 1 đêm đáng nhớ.
Rủ nhau lên Sapa 'ướp lạnh' mùa hè, xem 'Vó ngựa trên mây'
Sa Pa tháng 7 lại lên hot search với 'món lạ' là giải đua 'Vó ngựa trên mây' cùng điểm check-in mát lạnh với chú gấu bông khổng lồ giữa đồi hoa tím thơ mộng.
Mùa hè ở Sa Pa là một mùa hè được "ướp lạnh". Nếu đi cáp treo lên đỉnh Fansipan thời gian này, du khách sẽ còn thực sự cảm thấy chớm đông giữa lòng mùa hạ. Với team cần một chuyến đi tránh nóng, cảnh sắc thiên nhiên và không khí mát lành của Sa Pa đủ khiến bạn muốn xa nhà vài hôm.
Tuy nhiên nếu chỉ có không khí mát mẻ, Sa Pa sẽ không thể hấp dẫn du khách đến thế. Nơi đây có vô vàn những thứ đáng yêu "đốn tim" du khách, đem lại ấn tượng về một thị trấn mờ sương vừa lãng mạn vừa nhiều trải nghiệm khó quên trong đời.
Tháng 7 lên Sa Pa, thung lũng hoa tím mộng mơ vẫn tươi thắm cả một góc trời. Bên cạnh thánh địa check-in hoa tím ngay sát đường tàu hỏa leo núi Mường Hoa, đồi hoa Thủy Chung ngay cổng ga đi cáp treo Fansipan bắt đầu tăng nhiệt, chiếm sóng trên khắp các mặt trận hình ảnh. Đó là bởi ở đây mới xuất hiện những con thú khổng lồ tô điểm cho đồi hoa thêm sinh động, vừa là những góc check-in siêu ấn tượng.
Những chú gấu, ngựa, voi, đại bàng...được chế tạo thủ công từ cỏ cây, gỗ, xơ dừa..., đẹp đến từng chi tiết nhỏ để du khách chụp hình dù xa hay cận đều sẽ vô cùng ấn tượng. Cạnh đó là khung cửa sổ đỏ rực nhìn ra biển mây và đại ngàn Hoàng Liên hùng vĩ, một điểm sống ảo mới toanh ôm trọn vẹn vẻ đẹp đúng chất "lãng mạn Sa Pa".
Ốc đảo hoa hồng đạt kỷ lục thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam vẫn đang rực rỡ khoe sắc. Tại đây tháng 7 này, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức "món lạ" vô cùng đặc sắc mang đậm sắc màu Tây Bắc. Đó chính là giải đua ngựa duy nhất tại Sa Pa mang tên "Vó ngựa trên mây"- một trải nghiệm mỗi thú vị mỗi năm chỉ có một lần, nhất định không thể bỏ lỡ.
30 "tuấn mã vùng cao" dưới sự điều khiển điêu luyện của 30 "kỵ sỹ" đến từ 5 địa phương gồm Bắc Hà, Simacai, Sơn La, Lai Châu và Tuyên Quang sẽ mang tới những pha biểu diễn ngoạn mục, những màn tranh tài gay cấn trên đường đua ngát hương hoa. Rất nhiều "ngôi sao" từ giải đua truyền thống Bắc Hà cũng góp mặt tại Sa Pa để giành giải thưởng lớn trị giá 10 triệu đồng của giải đua lần này.
Xen kẽ những vòng đua hào hứng là những màn diễu hành đầy màu sắc của đội "kỵ binh" với cung nỏ, cờ phướn ngợp ngời, tái hiện lại không khí kiêu hùng xưa kia của vùng núi cao Tây Bắc. Tiếng móc sắt kêu đục đạc, tiếng hô đầy uy lực của những "kỵ sĩ" trên lưng ngựa, tiếng reo hò của khán giả cùng sự phấn khích tột cùng trước vạch đích ... sẽ là combo xúc cảm bạn chỉ có thể cảm nhận được khi được chứng kiến tận mắt giải đua "Vó ngựa trên mây" từ ngày 16/7 đến 26/7 tới.
Sau những phút tranh tài nảy lửa, những chú ngựa kiêu dũng trên đường đua sẽ lại trở về nơi làng bản, về với công việc hàng ngày chuyên chở hàng, kéo cày làm nương... cùng những "kỵ sỹ" vốn là những người nông dân dân tộc Mông, Tày, Nùng... chân chất. Du khách vì thế cũng đừng quên tranh thủ lưu giữ những khung hình cùng đội "kỵ binh" độc đáo này, vì chỉ duy nhất tháng 7 mới có một Sa Pa đầy ắp những trải nghiệm tuyệt vời như thế.
Một chuyến du lịch ngắn ngày vào cuối tuần đến Sa Pa thôi là đủ bù đắp cho những những ngày gò mình với deadline, công việc, khói bụi phố phường... Mà Sa Pa nào đâu có xa xôi gì!
Khung cảnh 'hút hồn' các tín đồ du lịch của hòn đảo 'tím lịm tim' Với những tín đồ du lịch mê màu tím, yêu thích những cánh đồng hoa oải hương của sắc tím mộng mơ, chắc hẳn đây sẽ là địa điểm không thể bỏ lỡ. Từ lâu, Hàn Quốc đã ghi danh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Bên cạnh những địa điểm quen thuộc...