Chinh phục núi Bà Đen – nóc nhà miền Đông Nam Bộ
Cách trung tâm TP.HCM hơn 110km, từ lâu Núi Bà Đen một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của vùng đất Tây Ninh.
Núi Bà Đen – nhìn từ dưới đồng bằng Tây Ninh
Núi Bà Đen cách trung tâm TP HCM hơn 110km, từ lâu là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của vùng đất Tây Ninh. Nơi đây còn là điểm du lịch tâm linh với ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch gắn liền với truyền thuyết Bà Đen, thu hút hàng triệu lượt du khách thăm viếng mỗi năm.
Thú vị và gian nan chinh phục núi Bà Đen
Với độ cao trên 900m, núi Bà Đen luôn là nơi thu hút đông đảo khách hành hương vào những ngày cuối tuần. Bạn sẽ chinh phục được địa điểm này sau 1.000 bậc thang từ dưới chân núi. Trên đường lên núi Bà Đen, bạn được tham quan các ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang. Và các hang động như Thanh Long, Ông Hổ, động Ba Cô, Ba Tuần, Thiên Thai, Ông Tà…
Nếu đi đường máng trượt, bạn phải di chuyển hết sức chậm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình của non nước hai bên. Khi máng trượt xuống, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác tóc gió tung bay khi lao nhanh qua nhiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Giá vé trượt máng là 80 nghìn đồng/người/lượt.
Nếu bạn lựa chọn đi cáp treo thì chỉ khoảng 20 phút. Hệ thống cáp treo núi Bà Đen đã được hoàn thành từ năm 1998 dài 1,2km và cao 225m với 20 cột mốc.
Để chinh phục đỉnh núi Bà Đen, ngoài đi theo 1.000 bậc thang từ dưới chân núi, bạn có thể đi men theo các lối mòn sau lưng Điện Bà. Đường lên đỉnh núi Bà Đen quanh co, khúc khuỷu với cây rừng, đá núi và sông suối hai bên, bạn phải đi khoảng 2 – 4h mới lên tới đỉnh núi. Sau quãng đường leo núi gian nan và thú vị đó, vượt qua nhiều con sông suối và những tảng đá, hang động bất ngờ hiện ra trên đường, bạn sẽ được trải nghiệm không gian khoáng đạt trên “nóc nhà Đông Nam Bộ”.
Video đang HOT
Trên đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống đồng bằng
Thưởng thức thằn lằn núi – “đệ nhất ẩm thực” Tây Ninh
Được xem là đệ nhất ẩm thực ở Tây Ninh, thằn lằn núi luôn được nhiều thực khách săn đón khi đến đây. Thằn lằn núi được chế biến thành nhiều món ngon như băm nhỏ xào với tiêu xanh ăn kèm bánh tráng và lá lốt. Nhưng ngon nhất phải kể đến là thằn lằn núi chiên giòn ăn cùng xà lách, rau thơm và mắm me.
Ngoài ra, “món ngon nhớ lâu” khi tới vùng đất này còn có bánh tráng phơi sương làm từ gạo ngon, không pha trộn. Bánh khi chín được đem phơi nắng, nướng trên một cái lò đặc biệt đến khi chuyển màu và tiếp đó được phơi sương trong khoảng thời gian nhất định. Bánh tráng phơi sương thường ăn kèm với rau sống, thịt heo luộc và chấm với nước mắm pha chế công phu.
Sau khi thưởng lãm cảnh đẹp và chiều chuộng bao tử bằng những món ăn ngon, bạn có thể ngủ tại một số khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực núi Bà Đen như: Khách sạn Mai Anh Bời Lời, Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh; Khách sạn Nhất Quý (số 353 đường 30 Tháng 4, ĐT: 0276 3811 177) hoặc Nhà nghỉ tại Núi Bà (trong khuôn viên Núi Bà), Khách sạn Hòa Bình (Địa chỉ: 20B Đại lộ 30/4 Thị xã Tây Ninh, ĐT: 0276.820304) với giá từ 250 – 450 ngàn đồng/đêm.
Một góc chùa tại núi Bà Đen
Đường nào tới núi Bà Đen nhanh nhất?
Nếu đi ô tô hoặc xe máy, có thể chạy theo quốc lộ 22A khoảng 36km sẽ gặp ngã 3 Trảng Bàng. Tại đây, có thể đi tỉnh lộ 784/đường Bời Lời (hướng đi về huyện Dương Minh Châu) 50 km là tới thị xã Tây Ninh. Cung đường này giúp bạn rút ngắn thời gian di chuyển (bình thường khoảng 2,5 – 3 tiếng) nhưng có một số đoạn nhỏ hẹp khá khó đi, mật độ phương tiện lưu thông cao. Ngã ba Bàu Đồn dễ bị nhầm vào hướng kênh Đông về huyện Củ Chi.
Con đường thứ 2, bạn rẽ trái chạy theo quốc lộ 22B và tiếp tục chạy thêm 10km sẽ tới vòng xoay Gò Dầu và thêm khoảng 20km sẽ đến trạm dừng chân Minh Anh (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu). Chạy thêm 19km nữa sẽ gặp nhà hàng sinh thái Tây Ninh (ấp Hiệp Trường, xã Hiệp tân, huyện Hòa Thành). Từ đây đi thêm vào đường Ba mười tháng tư, qua đường Bời Lời khoảng 20km nữa sẽ tới núi Bà Đen. Cung đường này xa hơn cung thứ nhất nhưng đường khá dễ đi và phong cảnh bên đường bắt mắt với vẻ đẹp dòng sông Vàm Cỏ Đông.
Có thể bắt nhiều tuyến xe buýt để đến Bến xe Mộc Bài/Bến xe Tây Ninh và từ đây bạn chuyển tiếp bằng taxi và xe ôm để lên núi Bà Đen
Xe khách chạy tuyến TP.HCM -Tây Ninh, chủ yếu là xe 16 chỗ, 24 chỗ như Xe Đồng Phước: (ĐT: 028 35044999; 028 38830478), xe Quốc Dũng (ĐT: 028 37186318), Nhà xe Kim Ngân (02837186857). Giá vé là 60 – 80 nghìn đồng/người.
Chinh phục núi Bà Đen bằng đường bậc thang
Theo baogiaothong.vn
"Săn" mây trên đỉnh Bà Đen
Cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) trở thành một địa điểm lý tưởng bậc nhất khu vực Đông Nam bộ để các bạn trẻ chinh phục độ cao.
Phong trào "săn" mây và đón bình mình trên đỉnh Bà Đen rất được các phượt thủ hưởng ứng vào các dịp cuối tuần. Dịp Quốc khánh 2-9, đỉnh núi Bà Đen là địa điểm lý tưởng được chúng tôi lựa chọn để thả mình vào không gian lãng mạn của mây trời phiêu dạt, bồng bềnh.
Chinh phục đỉnh cao
Để có được cảm giác "săn" mây đúng nghĩa trên đỉnh Bà Đen, chúng tôi đã phải chuẩn bị sức khỏe từ vài ngày trước đó, bằng cách luyện tập thể dục, đi bộ để giãn cơ bắp. Đường lên đỉnh có nhiều hướng, dành cho nhiều dạng phượt thủ khác nhau.
Từ đỉnh Bà Đen nhìn về khu vực lòng hồ Dầu Tiếng
Theo giới thiệu của anh Nguyễn Tài Chung - một người dân địa phương thành thạo đường lên núi, ai sức khỏe bình thường thì có thể đi cung đường cột điện vì đây là đường dễ đi nhất. Nếu đi đường này, phượt thủ có thể tìm được các hang động theo kiểu "thiên đường và địa phủ" ở khu vực phía Tây sườn núi. Cung đường Ma Thiên Lãnh là phức hợp giữa 2 yếu tố lội suối, băng rừng với những con đường nguyên thủy nên cần phải có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm đi rừng dày dạn. Riêng cung Đá Trắng khó leo nhất. Sau một hồi bàn tán, tôi và mấy người bạn quyết định đi con đường ngắn nhất dành cho người có sức khỏe yếu nhất - đường Chùa Bà.
18 giờ, từ cổng Khu du lịch núi Bà Đen, chúng tôi dễ dàng leo núi vì độ dốc thoai thoải và có những bậc thang kiên cố làm sẵn, có luôn cả tay vịn và nhà mát cho người nghỉ mệt. Tây Ninh những ngày này mưa sập sùi nên đường lên Chùa Bà có không khí rất riêng, mát lạnh và trong lành. Chiều đến, khung cảnh Chùa Bà và Chùa Hang chìm trong màn sương cô liêu, mỏng manh rồi đặc dần. Trời càng khuya, không khí càng trở nên mát lạnh như ở Đà Lạt. Nhóm chúng tôi xin nghỉ chân và ăn cơm chay ở Chùa Hang rồi tiếp tục lên đường.
Chùa Hang nằm ngay lưng chừng núi, cao thứ hai sau chùa Quán Âm. Từ đây, chúng tôi có thể phóng tầm mắt hướng về phía lòng hồ Dầu Tiếng, khu vực thị trấn Dương Minh Châu và xã Suối Đá. Trong bóng đêm, điện lấp lánh, nước dưới lòng hồ tĩnh lặng khiến chúng tôi như có cảm giác được chìm vào không gian của hồ Tuyền Lâm ở xứ xở Đà Lạt mộng mơ.
Sau khi nạp năng lượng, chúng tôi lần theo bóng đêm thẳng lên đỉnh núi theo hướng đường Chùa Bà. Khoảng 500m đầu cung đường rất dễ, nhưng càng lên cao, sườn dốc cheo leo, trơn trượt với những hòn đá tảng chắn ngang. Đường lạ, bóng đêm và rừng núi, muỗi mòng khiến chúng tôi cảm thấy chùn chân, mỏi gối, nhưng hoặc là bước về phía trước với những khám phá mới, hoặc là lùi lại phía sau. Nghĩ vậy nên tôi và nhóm bạn bước tiếp, đôi khi vì quá mệt, vì trượt chân nên phải ngồi nghỉ và bầy muỗi rừng thi nhau được tẩm bổ. Cũng may trên cung đường này, chúng tôi gặp được các phượt thủ đã nhiều lần chinh phục đỉnh Bà Đen và được họ chỉ cho một vài mẹo lên núi, xuống núi, hít thở khi không khí loãng trên cao. Có thêm bạn đồng hành, cung đường cũng trở nên ngắn lại, dễ đi hơn và vui hơn rất nhiều.
Sau hơn 1 tiếng, chúng tôi mới bò lên tới đỉnh núi Bà Đen. Ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng cảm giác rất khoan khoái. Những nhóm "phượt" bắt đầu lục tục dựng lều, bạt và nướng đồ ăn, thưởng thức cái cảm giác chinh phục cung đường dài gian khổ. Trăng cuối tuần mờ nhạt dưới sương đêm chẳng đủ chiếu tỏ mặt người nhưng mùi thơm từ thịt nướng, khô nướng hắt lên thật ấm áp, ngon lành. Tiếng thì thầm nói chuyện nhỏ dần rồi im lặng khi sương đêm đã đặc quánh cửa lều.
"Hít" khí núi
Đỉnh Bà Đen, cao nhất khu vực Đông Nam bộ với những huyền sử rất riêng, linh thiêng không thể kể bằng lời. Nghe đồn, nhiều người dân sống gần khu vực quanh núi đã "hít" được khí núi mà khỏe mạnh trở lại sau khi bị bệnh nặng và bị nhà thương trả về. Lời đồn vang xa nên dân công chức trong tỉnh thường tranh thủ cuối tuần lên núi đón nắng, đón gió và hít khí núi. Chúng tôi gặp nhóm khách ở Báo Tây Ninh cũng lên đây đón nắng, đón gió rồi nghỉ lại tại Trạm thu phát sóng của Đài truyền hình Tây Ninh.
Ở độ cao gần 1.000m nên trên đỉnh Bà Đen vào dịp cuối tuần thường có cái nhộn nhịp rất riêng. Từng tốp, từng tốp người nối nhau đi chinh phục đỉnh cao, rèn luyện thể lực, săn hình và ngắm mây trời bảng lảng. Chúng tôi đón bình minh trên đỉnh núi Bà huyền sử, diễm lệ mà uy nghiêm bằng một niềm vui khó tả. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi, ánh nắng xiên lên đẹp một vẻ đẹp rất riêng và lạ. Trên đường đi, nhóm tôi kết bạn với nhóm của Lê Minh Tân ở Biên Hòa (Đồng Nai) để cùng chơi và cùng xuống núi. Tân cho biết, nhóm này đã 3 lần chinh phục đỉnh Bà Đen và cảm nhận được những thú vị rất riêng. Vì có kinh nghiệm rồi nên nhóm Tân mang khá đầy đủ đồ ăn, ngủ. Tân đã đi đường cột điện, đường chùa, đường Ma Thiên Lãnh, dịp tới Tân và nhóm sẽ đi đường Đá Trắng cho đủ bộ sưu tập đường lên đến đỉnh Núi Bà.
Mặt trời đã lên, sương và mây đã tan dần, chúng tôi chia tay đỉnh Núi Bà mà trong lòng vẫn còn lưu luyến. Con đường xuống sẽ chập chùng dốc, hứa hẹn những chiếc đầu gối sẽ nhừ vì mỏi, nhưng chúng tôi mặc kệ. Tựa vào những chiếc gậy tre, những đôi chân lần đầu leo núi sẽ bình tĩnh "mò" xuống lại đồng bằng về với phố thị, bỏ lại phía sau là cả khoảng trời mênh mông mây núi, những tảng đá nhấp nhô nâu đỏ khắp các cung đường...
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Về An Giang lễ chùa dịp đầu năm Đi xa lễ chùa ngày đầu năm sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Hãy ghé thăm mảnh đất miền Tây sông nước An Giang với những ngôi chùa, miếu nổi tiếng linh thiêng nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Đi lễ chùa vào dịp Tết đã trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Người dân...