Chính phủ yêu cầu quản lý chặt xe ôm công nghệ để tránh tai nạn
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT sớm có giải pháp để quản lý xe ôm công nghệ, không để hoạt động tràn lan, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm quý IV.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu giải pháp để quản lý chặt chẽ môtô tham gia chở người có thu tiền (xe ôm công nghệ). Ông yêu cầu không để xảy ra tình trạng hoạt động tràn lan của loại phương tiện này gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Hiện Grab, Go-Viet là 2 hãng có lượng xe ôm công nghệ lớn nhất tại Việt Nam. Grab tuyên bố có 175.000 đối tác tại Việt Nam gồm cả xe 2 bánh và 4 bánh. Go-Viet không cho biết số lượng tài xế là bao nhiêu nhưng tuyên bố có 35% thị phần trong tay.
Tình trạng tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông khá phổ biến hiện nay. Ảnh: Việt Hùng.
Thị trường xe ôm công nghệ còn có Mai Linh Bike nhưng số lượng rất hạn chế. Mới đây, một hãng gọi xe thuần Việt là ABER cũng tiếp tục triển khai dịch vụ này.
Từ lâu tình trạng tài xế xe ôm công nghệ vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ khá phổ biến trên các tuyến phố. Điển hình là các hành động như vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại di động, chở quá số khách quy định, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…
Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Ban An toàn giao thông Hà Nội, TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển môtô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đặc biệt là đối với các lái xe môtô, xe gắn máy sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với khách hàng.
Video đang HOT
Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Công ty TNHH Grab tăng cường tuyên truyền trật tự an toàn giao thông cho các đối tác là lái xe tham gia cung ứng dịch vụ vận tải của công ty, đặc biệt yêu cầu các lái xe môtô, xe gắn máy tham gia ứng dụng GrabBike của công ty tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động khi lái xe, xem xét chấm dứt hợp đồng với những lái xe cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao trong quý III và 9 tháng đầu năm; các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp (xe dù, bến cóc; vi phạm trọng tải phương tiện), kiến nghị xử lý vi phạm.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện và công an huyện trong quản lý tải trọng xe.
Chủ tịch UBND Hà Nội, TP.HCM chỉ đạo tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; kiểm tra, xử lý các hành vi điều khiển phương tiện giao thông đi lên vỉa hè, vườn hoa, khu vực dành riêng cho người đi bộ và các hoạt động phi giao thông.
Hiếu Công
Theo Zing
Thời 4.0: Grab đeo mào taxi, khách lên xe phải cầm theo bút ký hợp đồng?
Nếu dự thảo của Bộ GTVT được chấp thuận, tới đây, các hãng taxi công nghệ như Grab, Vato, Fastgo, ABer và sắp tới là Go-Viet,... cũng phải đeo mào và chịu sự quản lý như các hãng taxi truyền thống, chỉ khác ở chỗ tính tiền bằng phần mềm thay vì đồng hồ tính tiền.
Không những thế, người dùng còn buộc phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân, ký hợp đồng bản cứng trong thời đại 4.0 (?!).
Ở dự thảo lần này, Bộ GTVT bỏ hoàn toàn khái niệm "hợp đồng điện tử" đã từng nêu ở các dự thảo trước đây.
Bỏ chung một giỏ (?!)
"Thay vì cởi trói cho taxi truyền thống để cạnh tranh công bằng, người ta lại trói taxi công nghệ để cho giống nhau!", một đồng nghiệp của chúng tôi đã nhận xét như vậy sau khi đọc nội dung dự thảo lần thứ 6 Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ.
Trong dự thảo lần này, Bộ GTVT cho rằng nên sửa đổi khái niệm kinh doanh taxi. Theo đó, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.
Theo tinh thần đó, việc kinh doanh taxi, các quy định giữa taxi truyền thống (tính tiền qua đồng hồ) và taxi điện tử (tính tiền qua phần mềm) cùng được đưa theo cùng một quy định, chỉ phân biệt bằng việc tính tiền qua đồng hồ và phần mềm.
Bộ GTVT khẳng định việc đồng nhất này là nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.
Khẳng định rõ hơn, ở dự thảo lần này, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm "hợp đồng điện tử" đã nêu trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử mà Grab và Uber (trước đây) tham gia. Dự thảo nghị định lần thứ 6 này yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ).
Ngoài việc phải liên thông hóa đơn tới cơ quan thuế, Bộ GTVT dự kiến yêu cầu các xe taxi công nghệ cũng phải thực hiện gắn phù hiệu "Xe Taxi" gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định.
Không những thế, xe taxi công nghệ cũng phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.
Các xe taxi công nghệ (sử dụng phần mềm), Bộ GTVT yêu cầu "phải đảm bảo kết nối và cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả (VND). Phần mềm phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trước khi thực hiện".
Tiền hậu bất nhất
Được biết, trước đó, vào tháng 8/2018, trong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đề xuất taxi sử dụng đồng hồ có hộp đèn trên nóc xe ghi là "XE TAXI", còn taxi sử dụng phần mềm tính tiền có hộp đèn là "TAXI ĐIỆN TỬ". Với taxi điện tử, phải thông báo hóa đơn tới cơ quan thuế và Sở GTVT địa phương nơi cấp đăng ký kinh doanh.
Grab, Vato, Fastgo đang có nguy cơ bị coi là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải và phải tuân thủ các quy định điều kiện kinh doanh của loại hình này.
Theo đó, nếu dự thảo nghị định được thông qua, các xe taxi công nghệ như Grab 4 bánh, VATO, Fastgo và tới đây còn có ABer, Go-Viet,... muốn tiếp tục hoạt động thì phải gắn mào, được định nghĩa là phương tiện taxi và bị quản lý hoàn toàn như taxi truyền thống.
Ngoài ra, trong dự thảo lần này, Bộ GTVT cũng quy định rõ, hợp đồng vận tải điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về dân sự và giao dịch điện tử. Theo đó, cần có nhiều thông tin cụ thể của hành khách, như tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có) và đặc biệt, phải có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia ký kết.
Trao đổi với PV về việc này, một nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, dường như Bộ GTVT đang bế tắc trong việc quản lý và tiên lượng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ. Việc này thể hiện rất rõ ở việc tiền hậu bất nhất trong các tờ trình, văn bản và cũng vì thế nên mới quy taxi truyền thống và taxi công nghệ về "chung một giỏ" mà không làm bật được việc tạo điều kiện cho các loại hình mới phát triển.
Cùng suy nghĩ trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO nhận định, từ bản dự thảo gần nhất, việc đưa khái niệm "taxi điện tử" nhưng vẫn gắn với nhiều quy định bất hợp lý, dư thừa như yêu cầu gắn phù hiệu, hộp đèn... đã thể hiện sự lúng túng trong định danh của cơ quan quản lý.
"Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng hơn nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành taxi. Điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4", luật sư Đức nói.
Theo viettimes
Hết 2019, phải xử lý dứt điểm điểm đen TNGT Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng 11/10. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khảo sát nhằm cải tạo các vị trí thường xảy ra tai nạn trên QL1 qua địa bàn -...