Chính phủ và quốc hội Mỹ đồng ý bổ sung 500 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế
Lãnh đạo Nhà Trắng và quốc hội Mỹ ngày 21/4 đã thống nhất bổ sung gần 500 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nếu khoản tiền này được quốc hội thông qua và Tổng thống Donald Trump ký thành luật, gói hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra sẽ lên tới gần 3.000 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA Today.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi quốc hội sớm thông qua khoản tiền này để sớm tiến hành thảo luận một dự luật khác nhằm hỗ trợ chính quyền các bang đối phó với nguồn thu ngân sách sụt giảm do Covid-19. Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này tối ngày 21/4 (theo giờ Mỹ), trong khi Hạ viện dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu vào 23/4.
Khoản tiền bổ sung bao gồm 321 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay, 75 tỷ USD hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện và 25 tỷ USD cho chương trình xét nghiệm Covid-19 quốc gia. Đây sẽ là dự luật hỗ trợ tài chính thứ 4 được thông qua nhằm giúp giảm nhẹ những ảnh hưởng của Covid-19 đối với nước Mỹ. Đại dịch đã khiến hơn 42.000 người Mỹ tử vong và hơn 22 triệu người mất việc.
Nhà Trắng lên kế hoạch mở cửa lại các văn phòng liên bang
Nhà Trắng đã lên kế hoạch từng bước mở cửa lại các văn phòng liên bang và đưa nhân viên liên bang dần trở lại làm việc sau thời gian phải làm việc tại nhà do Covid-19.
Theo bản ghi chép được công bố ngày 20/4 bởi Quyền Giám đốc Văn phòng quản lý nhân sự Michael Rigas), các hạt hoặc bang cụ thể sẽ được phép mở cửa trở lại theo từng giai đoạn nếu đáp ứng một số tiêu chí cần thiết. Các tiêu chí này bao gồm các bệnh giống cúm và Covid-19 phải có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; các ca mắc Covid-19 đã được xác nhận và các ca thử dương tính phải giảm trong vòng 14 ngày trong khi không giảm số lượt thử; và các bệnh viện địa phương phải có khả năng điều trị tất cả các bệnh nhân mà không gặp khủng hoảng, trong khi đó những nơi làm việc phải thực hiện chương trình hoặc kế hoạch khám sức khỏe cho nhân viên của mình.
Video đang HOT
Các cơ quan liên bang được khuyến khích duy trì làm việc từ xa đặc biệt là đối với nhóm những người được cho là có rủi ro cao gặp biến chứng với Covid-19 bao gồm phụ nữ mang thai.
Mặc dù có chỉ dẫn như vậy nhưng dịch bệnh Covid-19 tại khu vực thủ đô Washington bao gồm đặc khu Columbia, bang Maryland và Virginia đều chưa có xu hướng suy giảm.
Phạm Huân
Tổng thống Trump và "lựa chọn sinh tử" cho New York vì Covid-19
Chỉ nhận được sự hỗ trợ rất hạn chế từ Chính phủ để ứng phó với Covid-19, Thị trưởng New York Bill de Blasio đã chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump.
"New York sống hay chết?"
Phát biểu trong chiến dịch yêu cầu Chính phủ liên bang cung cấp thêm tiền hỗ trợ cho các thành phố bị ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt là New York - tâm dịch lớn nhất trên toàn nước Mỹ - Thị trưởng New York Bill de Blasio đã đặt câu hỏi, liệu chính quyền của Tổng thống Trump "sẽ giang tay cứu New York hay để mặc New York chết vì Covid-19?".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tuyên bố của ông Blasio được đưa ra ngày 19/4 trong bối cảnh, trước đó, Thị trưởng New York từng cảnh báo sẽ cắt giảm thêm 2 tỷ USD tiền cho ngân sách các cơ quan trong thành phố do dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng theo ông Blasio, New York có thể thiệt hại khoảng 7,4 tỷ USD tiền thuế trong năm tài khóa 2020 và 2021.
Chính vì thế, Thị trưởng Blasio đã không ngần ngại chỉ trích gay gắt gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD mà Tổng thống Trump ký hồi tháng 3. Ông Blasio cho biết, New York chỉ nhận được có 1,4 tỷ USD trong khi riêng ngành hàng không được ưu đãi nhận tới 58 tỷ USD.
Thị trưởng New York mong muốn, trong gói cứu trợ kinh tế tiếp theo - mà các thành viên Chính phủ và Quốc hội Mỹ khẳng định "đã rất gần với việc đạt được thỏa thuận chính thức" - các tiểu bang và thành phố sẽ phải nhận được ít nhất là hàng chục tỷ USD.
Ông Blasio cho rằng, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đều đã phớt lờ "lời cầu cứu khẩn thiết từ ông". Trong thông điệp gửi Chính phủ Mỹ vào ngày 19/4, ông đã trích dẫn dòng tít nổi tiếng trên một tờ báo New York đăng tải khi thành phố rơi vào cuộc khủng hoảng ngân hàng trong thập niên 70 của thế kỷ trước khiến New York đứng trước nguy cơ phá sản.
"Tờ Daily News từng chạy dòng tít nổi tiếng: "Tổng thống Ford nói với thành phố: Để mặc nó chết. Câu hỏi của tôi là, ngài Trump, ngài Tổng thống, ông có định cứu New York hay để mặc New York chết? Ông chọn cách nào?
Điều gì đang diễn ra vậy Tổng thống Trump? Sao ông yên lặng thế. Bình thường ông là một người hoạt ngôn và luôn nêu rõ quan điểm về mọi vấn đề. Tại sao giờ ông lại không nói gì về việc hỗ trợ cho các thành phố và các bang của Mỹ.
Ông đã thất bại trong việc cứu chính những người mà ông từng lớn lên cùng. Nếu các thành phố không thể hoạt động bình thường, làm thế nào ông có thể khôi phục lại được cả quốc gia?", ông Blasio đặt câu hỏi.
Tờ Daily News chạy dòng tít trên khi Tổng thống Mỹ khi đó, ông Gerald Ford có bài phát biểu vào năm 1975, trong đó nhấn mạnh, ông sẽ phủ quyết một dự luật có thể giúp thành phố New York tránh phải đối mặt với việc tuyên bố phá sản.
Dòng tít trên tờ Daily News về Tổng thống Gerald Ford.
Áp lực tài chính ngày càng gia tăng
Cũng giống như New York, nhiều tiểu bang và thành phố khác của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách và các nhà lãnh đạo đang phải rất nỗ lực để chống lại tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đền nền kinh tế.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ đang tìm cách "hồi sinh" gói 4.000 tỷ USD dưới dạng các trái phiếu cho phép các tiểu bang và các thành phố vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện và đường cao tốc.
Cũng trong ngày 19/4, hai Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Cassidy đã đề xuất một quỹ trị giá 500 tỷ USD dành riêng cho chính quyền tiểu bang và các địa phương nằm trong gói cứu trợ kinh tế tiếp theo.
Nhận được thông tin này, Thị trưởng New York Blasio cho biết, ông đang tham vấn các đối tác ở Miami và Denver về cách thức vượt qua những khó khăn về tài chính hiện nay trước khi các gói cứu trợ có thể đến tay các tiểu bang và thành phố.
Theo thống kê từ bang New York, cho đến nay, đã có gần 14.000 người trong bang này thiệt mạng vì Covid-19. Con số này là con chưa tính đến hơn 4.000 được cấp giấy chứng tử là chết vì dịch bệnh này nhưng chưa được xác nhận chính thức từ các cơ sở y tế và trung tâm xét nghiệm.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết, bang này cần thêm cả những khoản tiền hỗ trợ khác từ Chính phủ Mỹ để có thể thực hiện việc xét nghiệm hàng loạt trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Cuomo, điều này khó có thể xảy ra: "Tổng thống Mỹ đã nói tới 15 lần rằng: "Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các thống đốc", nhưng khi thông qua dự luật, các bạn biết họ cho các bang những gì không: Không, không, không và không".
Dù vậy, ông Cuomo khẳng định, việc xét nghiệm vẫn sẽ được tiến hành vào tuần tới nhưng sẽ chỉ giới hạn ở mức ngẫu nhiên vì bang New York không đủ năng lực xét nghiệm cho toàn bộ 19 triệu dân: "Xét nghiệm này sẽ lần đầu hé lộ tỷ lệ dân số mắc Covid-19. Như vậy chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về việc chúng ta đang đối mặt với điều gì".
Dù vậy, Thống đốc Cuomo cảnh báo người dân New York phải luôn đề cao cảnh giác và nhấn mạnh, đã có tới 1.300 người phải nhập viện vì Covid-19 trong một ngày qua: 'Đừng chủ quan. Đừng tự mãn. Covid-19 đang đi trước chúng ta một bước và chúng ta vẫn đang ở giữa tâm dịch"./.
Trần Khánh
Phương pháp mới phát hiện chính xác SARS-CoV-2 chỉ trong vài phút Các nhà nghiên cứu vừa tìm ra một phương pháp mới giúp phát hiện SARS-CoV-2 chính xác và nhanh hơn nhiều so với các phương pháp trước đây. Hiện tại quá trình phát hiện SARS-CoV-2 chủ yếu sử dụng bộ dụng cụ dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Phương pháp này khuếch đại RNA SARS-CoV-2 từ dịch họng của bệnh nhân để...