Chính phủ thống nhất hỗ trợ toàn bộ việc mai táng cho người mất vì COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Sáng 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sơ kết một tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó”
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ông nhắc lại đây là ưu tiên số một trên phạm vi cả nước trong lúc này và cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khi quyết định giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16: Ưu tiên cho công tác chống dịch nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch. Nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, phải tiếp tục rà soát lại để làm tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Cần tranh thủ thời gian vàng “giãn cách” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng.
Cạnh đó, phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm việc phòng ngừa, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước…
Liên quan đến việc thực hiện chủ trương “4 tại chỗ”, Thủ tướng nhấn mạnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch.
Do vậy, lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Trung ương. Thủ tướng chia sẻ điều này không có nghĩa là Trung ương “bỏ mặc”, Trung ương vẫn phải lo nguồn dự trữ để hỗ trợ khi các địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần là phải chủ động, mỗi cấp, mỗi ngành theo chức năng, vị trí, vai trò của mình để thực hiện nhiệm vụ, việc của ai người đó phải lo.
Thí điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm
Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần “thần tốc” xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp… “Tiến hành xét nghiệm mà tạo ra ổ dịch mới thì không được”- Thủ tướng lưu ý và gợi mở hướng thí điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, Bình Dương tiến hành xét nghiệm diện rộng hoặc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo yếu tố dịch tễ, phù hợp tình hình…
Video đang HOT
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết).
“Chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này”- Thủ tướng nói.
Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi…
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế…
Khắc phục ngay tình trạng kén chọn vaccine
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm…
Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay tình trạng khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong bối cảnh đang khan hiếm vaccine và dịch bệnh đang lây lan nhanh. Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị lực lượng công an, quân đội vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm tình hình, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…
Trong thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86, Thủ tướng yêu cầu đối với từng vùng có nguy cơ rất cao, phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị số 16.
Tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp các vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng vùng xanh an toàn; đối với vùng xanh có thể giảm nhẹ các yêu cầu giãn cách (áp dụng Chỉ thị 15), song dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Thủ tướng nhắc lại việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu. Lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết…
Nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh.
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chỉ đạo triển khai nhanh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ; nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TP. HCM.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ Y tế, Công Thương và địa phương cần lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và người dân, khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện cho phù hợp các mô hình như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ về xét nghiệm, tổ chức ăn ở cho công nhân… để duy trì sản xuất và thúc đẩy sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữ chuỗi cung ứng không đứt gãy…
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để bất kỳ ai bị thiếu đói trên địa bàn.
Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều tỉnh đang phải đối mặt với thực tiễn hằng ngày số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị dù đã có sự chi viện của Trung ương cũng như các tỉnh, thành khác.
Đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Phó Thủ tướng đề nghị kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là vùng xanh an toàn gồm 8 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh; ở khu vực Tây Nguyên là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện di chuyển qua hầm đèo Hải Vân. Tất cả lái xe, người đi trên xe khi ra, vào những địa phương này đều phải xét nghiệm nhanh.
Xây dựng quy trình vận tải riêng áp dụng tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong vận tải hàng hóa.
Tuy nhiên, vẫn có những nơi, những thời điểm xảy ra ùn tắc do việc thực hiện không thống nhất của địa phương. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) đang xây dựng quy trình vận tải riêng để các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg áp dụng, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Theo lãnh đạo TCĐBVN, với sự vào cuộc đồng bộ của các Bb, ngành, địa phương, bước đầu đã tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông nhanh chóng. Đến thời điểm này, việc xây dựng và thực hiện cấp mã QR Code cho các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động trên luồng xanh vận tải đã cơ bản tháo gỡ được tình trạng ùn tắc qua các trạm kiểm soát dịch COVID-19, nhất là tại cửa ngõ ra vào các địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn có tình trạng chưa tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa có giấy nhận diện QR Code do ngành GTVT cấp được đi vào hoặc đi ngang qua tỉnh. Trong thời gian mới triển khai, do nhu cầu cấp thẻ nhận diện của doanh nghiệp lớn và cùng đề nghị trong một thời điểm, đã dẫn đến việc xử lý thông tin, cấp mã QR Code chưa đáp ứng kịp thời so với yêu cầu thực tế. Việc cấp mã QR Code ưu tiên hoạt động trên luồng xanh tại các địa phương còn chậm...
Xây dựng quy trình vận tải riêng áp dụng tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Đặc biệt, một số nơi ở cơ sở còn không cho xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông qua chốt kiểm dịch, vì chưa nắm rõ chủ trương, quy định, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải quyết cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông. Đáng chú ý, một số địa phương đã linh hoạt hình thành các địa điểm test nhanh ngay tại các chốt, trạm thu phí hoặc yêu cầu lái xe đến các địa điểm gần nhất để test nhanh, nhưng do nhiều nơi chưa có điều kiện triển khai, khiến đội ngũ lái xe vận tải phải quay đầu xe, gây lãng phí về thời gian, phát sinh chi phí vận chuyển.
Trước thực tế này, TCĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế sớm cập nhật dữ liệu về con người vào phần mềm quản lý người ra - vào các nơi công cộng như: Bến tàu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không... để đáp ứng với các phương án kịch bản luồng xanh; đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đưa phần mềm quản lý để tạo thuận lợi hơn cho vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, TCĐBVN đã đề nghị Bộ Công an phối hợp trong việc tổ chức phân luồng xanh cho phương tiện chở hàng hóa, công nhân, chuyên gia. Đồng thời thống nhất với Bộ Công an, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội sẽ không kiểm tra phương tiện lưu thông có mã QR Code và kiểm tra qua hậu kiểm với nơi đến vận chuyển hàng hóa, nhất là đối với hệ thống cảng biển.
Sau quá trình tích cực tháo gỡ các vướng mắc, phương tiện vận tải hàng hóa trên cả nước hiện đã lưu thông thông suốt, không còn tình trạng ách tắc hàng hóa, giao thông tại các chốt kiểm dịch theo phản ánh của đội ngũ lái xe.
Song, theo kiến nghị của lãnh đạo TCĐBVN, về lâu dài, chiến lược ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa thiết yếu liên tỉnh, liên vùng cần được các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa, để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, phòng chống dịch hiệu quả.
Quy trình vận tải riêng
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN, Tổng cục đang phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ GTVT soạn thảo "Quy trình vận tải an toàn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19" thống nhất áp dụng cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, cũng như phòng chống dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp, lái xe vận tải.
Quy trình sẽ áp dụng cho phương tiện vận chuyển hàng hoá, hành khách đi ra, đi vào hoặc đi qua khu vực, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 được an toàn, thông suốt, tránh ùn tắc, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân. Quy trình gồm: Tổ chức vận tải an toàn, đảm bảo phòng chống dịch; quy định về nhiệm vụ của đơn vị vận tải, người trên phương tiện phải thực hiện các nội dung công việc đảm bảo phòng chống dịch ở các giai đoạn trước, trong sau khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển; phương án điều tiết giao thông tại các chốt kiểm dịch, hạn chế ùn tắc giao thông.
Qua tìm hiểu, Chính phủ đã quy định rất rõ, xe đã được cấp thẻ ưu tiên luồng xanh có mã QR Code khi đi qua các địa phương thì không được phép dừng, kiểm tra. Chỉ kiểm tra từ nơi đi, đến nơi đến của phương tiện để đảm bảo an toàn.
Tiếp thu chỉ đạo này, TCĐBVN đã đề nghị Sở GTVT các địa phương căn cứ theo tình hình thực tế dịch bệnh tại cơ sở, bổ sung thêm các luồng xanh để tạo điều kiện cho phương tiện vận tải hàng hóa; tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định đối với doanh nghiệp, lái xe vận tải vi phạm quy định phòng chống dịch trong quá trình kiểm tra tại các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá.
Do đó, quy trình vận tải trên áp dụng vào thực tế sẽ giúp các địa phương đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, đảm bảo mục đích vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân sinh và đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng tốc thi công cao tốc Mai Sơn - QL 45 trong 'bão' dịch Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương, nhưng trên công trường dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long (Đại diện chủ đầu tư...