Chính phủ Slovenia công nhận nhà nước Palestine
Thủ tướng Slovenia Robert Golob cho biết ngày 30/5, chính phủ nước này đã thông qua quyết định công nhận nhà nước Palestine, tiếp sau động thái tương tự của các nước Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland.
Thủ tướng Slovenia Robert Golob. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ljubljana, Thủ tướng Golob nêu rõ Chính phủ Slovenia “đã quyết định công nhận Palestine là một nhà nước độc lập và có chủ quyền”. Ông cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột Hamas-Israel tại Dải Gaza và thả tất cả con tin.
Quyết định trên của Chính phủ Slovenia còn cần phải được Quốc hội nước này thông qua.
Ngày 28/5 vừa qua, Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đã chính thức công nhận nhà nước Palestine. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của Israel, nguy cơ làm trầm trọng thêm quan hệ ngoại giao giữa các nước. Israel cũng đã triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại ba quốc gia nói trên để “tham vấn khẩn cấp”.
Trước đó, trong số 27 quốc gia thành viên EU, các nước Thụy Điển, CH Cyprus, Hungary, CH Séc, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria đã công nhận nhà nước Palestine. Malta cho biết có thể sớm thực hiện việc này. Anh và Australia cho biết đang xem xét trong khi Pháp cho rằng hiện chưa phải là thời điểm phù hợp. Trong khi đó, Đức và Mỹ cho rằng giải pháp hai nhà nước chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại.
WB cảnh báo nguy cơ sụp đổ tài chính của Palestine
Ngày 23/5, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chính quyền Palestine đang đối mặt với khả năng sụp đổ tài chính, khi nguồn thu cạn kiệt và hoạt động kinh tế suy giảm nhanh chóng trong bối cảnh cuộc xung đột leo thang ở Gaza.
Người di cư tại khu định cư Do Thái Maale Adumim (phía sau) trên sa mạc Judea, cách Jerusalem, Khu Bờ Tây khoảng 5km. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của WB nêu rõ: "Tình hình tài chính của chính quyền Palestine đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong 3 tháng qua, làm tăng đáng kể nguy cơ sụp đổ tài chính. WB dự báo trong những tháng tới, thâm hụt ngân sách của chính quyền sẽ lên tới 1,2 tỷ USD, gấp đôi mức tài trợ là 682 triệu USD vào cuối năm 2023. Nền kinh tế Palestine được dự đoán sẽ suy giảm từ 6,5 - 9,6%. WB nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng hỗ trợ nước ngoài cho chính quyền Palestine.
Theo WB, gần nửa triệu việc làm trong nền kinh tế Palestine đã bị mất kể từ tháng 10/2023, khi bùng phát xung đột tại Gaza, trong đó bao gồm 200.000 việc làm ở Dải Gaza và gần 150.000 việc làm ở Israel do những người Paletine sống ở Bờ Tây đảm nhận. WB cho biết nghèo đói đã gia tăng và "hiện tại, gần như mọi người dân ở Gaza đều sống trong cảnh nghèo đói".
Hồi tháng 2 vừa qua, WB cũng đã dự báo Palestine có thể trải qua tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. WB ghi nhận mức độ thiệt hại chưa từng có về người và tài sản ở Dải Gaza.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ca ngợi quyết định của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine - biện pháp mà ông cho rằng sẽ có "tác động tích cực đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Trên mạng xã hội, Tổng thống Lula Lula da Silva khẳng định đây là "quyết định mang tính lịch sử" vì hai lý do. Thứ nhất, "quyết định này thực hiện công bằng đối với yêu sách của cả một quốc gia, được hơn 140 quốc gia công nhận, về quyền tự quyết" và thứ hai, "quyết định này sẽ có tác động tích cực trong việc hỗ trợ các nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực". Ông nhấn mạnh hòa bình và ổn định "sẽ chỉ đến khi sự tồn tại của nhà nước Palestine độc lập được đảm bảo".
Tổng thống Lula da Silva lưu ý rằng Brazil là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ủng hộ nền độc lập của Palestine khi nước này công nhận nhà nước Palestine vào năm 2010.
Tác động ngoại giao, quân sự sau khi 3 nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine Quyết định của ba quốc gia châu Âu là đáng chú ý và sẽ có tác động nhất định, có thể gây áp lực lên các đồng minh để có lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc xung đột Israel - Hamas. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store phát biểu trong cuộc họp báo ở Vácsava, Ba Lan ngày 28/2/2024. Ảnh:...