Chính phủ Nhật Bản thận trọng trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19
Mặc dù tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã vượt mốc 50% nhưng chính phủ nước này vẫn thận trọng trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/1/2022. Ảnh:THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong ngày 1/2, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trên 80.000 ca, trong đó riêng thủ đô Tokyo ghi nhận ngày thứ 8 liên tiếp trên 10.000 ca/ngày với 14.445 ca. Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế ở Tokyo là 50,7%, lần đầu tiên vượt mốc 50% kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 6. Đây là cơ sở để chính quyền thành phố xem xét kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo Tiến sĩ Wada, thuộc Phòng khám nội khoa Wada tại thủ đô Tokyo, một trong những cơ sở y tế được chỉ định để thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19, tình trạng người dân có biểu hiện đau họng, ho, sốt đặt lịch khám bệnh luôn quá tải trong những ngày gần đây. Đối với từng trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19, phòng khám thực hiện các nội dung như xét nghiệm kháng nguyên, lấy mẫu xét nghiệm PCR, kê đơn các loại thuốc hạ sốt, giảm ho, đồng thời kê đơn thuốc Molnupirvir cho bệnh nhân đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và có nguy cơ chuyển nặng. Tiến sĩ Wada cho biết, nếu như ở thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 5, tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân sốt cao chỉ là 20-30% thì những ngày qua, tỷ lệ này đạt gần 100%.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện Chính phủ Nhật Bản đang bày tỏ sự thận trọng trước quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không đối với thủ đô Tokyo. Trả lời họp báo ngày 31/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumido cho biết ông chưa xem xét đến khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm lần này tuy lây lan nhanh nhưng tỷ lệ ca bệnh nặng ở mức thấp và đã có thuốc đặc trị dạng uống, chính phủ nước này muốn tránh đưa ra quyết định có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của các hoạt động kinh tế xã hội. Trong số 34 địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, có 13 địa phương, bao gồm cả thủ đô Tokyo, sẽ hết hạn vào ngày 13/2. Căn cứ vào tình hình thực tế của diễn biến dịch bệnh tại các địa phương này, chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng, và không loại trừ khả năng sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu sức ép đối với hệ thống y tế tiếp tục gia tăng ở thủ đô Tokyo.
Dịch COVID-19: Nhật Bản sẽ bước sang giai đoạn 'bình thường mới' từ ngày 30/9
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn là ngày 30/9.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 4/4, toàn bộ 47 địa phương của Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Người dân tuân thủ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại buổi họp báo công bố quyết định trên, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng, cuộc chiến chống COVID-19 tại Nhật Bản đã bước sang một giai đoạn mới là sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19, đồng thời chủ động sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Thủ tướng Suga nhấn mạnh, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, người dân Nhật Bản vẫn phải nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người. Từ ngày 27/9, bất cứ người dân nào cũng có thể mua bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên tại các hiệu thuốc để tự xét nghiệm nếu nghi ngờ đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được duy trì đều đặn. Chính phủ đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất sẽ hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho tất cả những người đã đăng ký vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Nhật Bản sẽ sớm vươn lên dẫn đầu các nước phát triển về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên tổng dân số. Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua khoảng 200 triệu liều vaccine phục vụ chiến dịch tiêm chủng mũi thứ ba dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay, trước mắt sẽ tiêm cho những người đã hoàn thành mũi thứ hai 8 tháng trở lên.
Thủ tướng Suga cũng cho biết, với những tín hiệu tích cực về công tác phòng chống COVID-19, các hoạt động kinh tế xã hội sẽ dần được bình thường hóa khi các biện pháp hạn chế sẽ được từng bước nới lỏng. Sau ngày 1/10, thời gian phục vụ của các cơ sở ăn uống sẽ được kéo dài đến 21 giờ, nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn như lắp đặt tấm chắn, cải thiện hệ thống thông gió. Việc cho phép phục vụ đồ uống có cồn sẽ do chính quyền từng địa phương quyết định căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng khu vực cụ thể. Người dân cũng được phép tham dự các sự kiện đông người nhưng tối đa không quá 10.000 người.
Về đi lại, Chính phủ đang xem xét việc sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng và giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như một trong những điều kiện quan trọng để nới lỏng các quy định về đi lại, nhất là người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản. Trước mắt, từ ngày 1/10, những người này sẽ được giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ xem xét cho phép các sinh viên quốc tế có thể nhập cảnh vào Nhật Bản trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan như tiến độ tiêm chủng và tính trạng lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản cũng như tại từng quốc gia.
Nhật Bản thêm 8.234 ca mắc, 40 ca tử vong do COVID-19 Ngày 6/9, Nhật Bản ghi nhận 8.234 ca mắc mới và 40 ca tử vong trên toàn quốc. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm 9 ca so với một ngày trước đó xuống còn 2.198 người. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca mắc mới đã giảm...