Chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa, các địa điểm du lịch đã mở cửa trở lại
Mặc dù chính phủ Mỹ vẫn chưa hoạt động trở lại, một số địa điểm du lịch thuộc sự quản lý của nhà nước đã mở cửa đón khách tham quan.
Theo thông báo mới nhất từ 2 bang New York và Arizona, hai biểu tượng du lịch của nước Mỹ là tượng Nữ thần Tự do và Công viên quốc gia Grand Canyon, được mở cửa trở lại, sau khi phải ngừng hoạt động kể từ ngày chính phủ Mỹ đóng cửa.
Công viên quốc gia Grand Canyon, bang Arizona, đã mở cửa trở lại
Các thông báo này được đưa ra cùng ngày thứ sáu 12/10 theo giờ địa phương từ thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo và ông Jan Brewer, là thống đốc bang Arizona. Cùng ngày, chính quyền bang Utah và Colorado tuyên bố sẽ sử dụng tiền của bang để mở cửa trở lại các địa điểm du lịch.
Chính quyền New York đã đạt được một thoả thuận với bộ nội vụ để chi ra 369.000 USD để mở cửa và duy trì hoạt động địa danh du lịch trong thời gian từ ngày 12 đến 17/10. Ông Cuomo phát biểu: “Do chính phủ vẫn đang đóng cửa, chúng tôi không thể để mất hàng nghìn lượt du khách đến thăm các khu công viên mỗi ngày. Vì thế, trong khi trục trặc vẫn tiếp diễn tại Washington D.C, không thể sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, New York đang phải tự đứng lên nhận trách nhiệm cho vấn đề này.”
Tượng Nữ thần Tự do – một trong những địa danh thu hút du khách tại New York, Mỹ
Video đang HOT
Tại bang Arizona, khu Công viên quốc gia Grand Canyon đã mở cửa vào ngày thứ bảy 12/10 vừa qua theo giờ địa phương, dưới sự thoả thuận giữa thống đốc Jan Brewer cùng các viên chức liên bang. Bang Arizona sẽ chi trả khoản tiền 651.000 USD – chi phí cho một tuần đầu tiên khu Công viên hoạt động trở lại. Số tiền này đến từ ngân quỹ bang, cùng với các quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp khác.
Chính quyền bang South Dakota cũng cho biết, vào ngày thứ sáu vừa qua rằng đã vận động hơn 12 doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quyên góp để có đủ chi phí 15.200 USD mỗi ngày, cho việc mở cửa và hoạt động địa danh Khu tưởng niệm quốc gia Núi Rushmore – một trong những biểu tượng lịch sử nước Mỹ. Dự kiến địa danh này sẽ mở cửa trở lại vào thứ hai tuần sau, 14/10.
Đại diện bang Colorado cho biết sẽ chi một khoản 360.000 USD để mở cửa trở lại khu Công viên Quốc gia Rocky Mountain vào khoảng 20/10. Trong vòng 10 ngày đầu chính phủ Mỹ đóng cửa, các địa danh du lịch ngừng hoạt động, thống kê có hơn 80.000 du khách đã bị từ chối vào tham quan khu Công viên Quốc gia Rocky Mountain, và nền kinh tế đã bị mất khoảng 4,8 triệu USD cho việc này. Bang Colorado sẽ chi ra khoảng 40.000 USD mỗi ngày, để đảm bảo hoạt động cho khu công viên Rocky Mountain. Tháng trước, ngành du lịch tại Colorado cũng đã gặp phải nhiều rắc rối do những trận bão lũ nghiêm trọng xảy ra tại đây. Thống đốc bang Colorado, ông John Hickenlooper, cho biết việc mở cửa trở lại khu công viên là vô cùng quan trọng trong việc hồi phục nền kinh tế sau trận bão lũ tháng trước.
Quyết định của chính quyền các bang được đưa ra, sau khi có quyết định từ ông Obama vào ngày thứ năm 10/10 cho phép các bang được mở cửa hoạt động trở lại 401 công viên, địa danh du lịch quốc gia thuộc sở hữu của Nhà nước.
Bang Utah là bang đầu tiên thực hiện mở cửa các địa danh du lịch nổi tiếng trong vùng. Bang Utah phải chi một khoản không nhỏ – 1,67 triệu USD – cho việc đưa năm khu công viên quốc gia (bao gồm Capitol Reef, Arches, Canyonlands, Zion và Bryce Canyon) cùng 3 khu Tưởng niệm vào hoạt động trở lại. Dự kiến những địa danh này sẽ mang lại cho nền kinh tế của Utah một khoản lên tới 100 triệu USD trong tháng 10. Tháng 10 là một mùa du lịch quan trọng tại Mỹ, nếu bỏ lỡ thời điểm này thì “cũng giống như bỏ lỡ kỳ nghỉ Giáng sinh”, theo lời ông Gary Herbert, Thống đốc bang Utah.
Ông Herbert cũng cho biết bang Utah đã sẵn sàng để tiếp tục chi trả kinh phí nếu như việc đóng cửa chính phủ kéo dài thêm. Ông cũng bày tỏ hy vọng số tiền mà bang phải chi trả sẽ được chính phủ bồi thường – giống như đợt chính phủ Mỹ đóng cửa vào năm 1995, những bang mở cửa hoạt động các khu địa danh du lịch quốc gia đã được chính phủ hoàn tiền.
Du khách đã được vào đứng bên ngoài cổng Công viên Quốc gia Zion, ngày 9/10 (Ảnh: AP)
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa dẫn đến một loạt các địa danh du lịch phải ngừng hoạt động, đã và đang gây ra thiệt hại không nhỏ cho nền du lịch nước này. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã không có được một kỳ nghỉ như mong muốn, đồng thời nhiều người dân bị mất việc làm do các khu du lịch đóng cửa, đặc biệt là vào mùa du lịch này.
Theo ANTD
Mỹ mở cửa trở lại một số địa điểm nổi tiếng
Một số địa điểm nổi tiếng của Mỹ, trong đó có tượng Nữ thần Tự do, sẽ chính thức được mở cửa trở lại từ ngày 12/10 theo giờ Mỹ (12 giờ trưa ngày 13/10 ở Việt Nam).
Tượng nữ thần Tự do sẽ mở cửa đón khách trở lại từ ngày 12/10.
Những địa điểm được mở trở lại bao gồm các công viên quốc gia và khu danh thắng ở bang New York và Arizona.
Theo tính toán của giới chức liên bang và bang New York, mọi chi phí hoạt động cho việc mở cửa trở lại tượng Nữ thần Tự do sẽ lên tới 600.000 USD/ngày và do chính quyền bang chi trả.
Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, nói rằng việc đóng cửa tượng Nữ thần Tự do ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và ngành du lịch của địa phương.
Bang Arizona cũng đồng ý trả tiền để mở cửa lại Công viên quốc gia Grand Canyon.
Tuy nhiên, giới chức các bang vẫn tiếp tục kêu gọi sớm tìm ra giải pháp cho bế tắc tài chính hiện này và nói rằng chính quyền bang không thể chi tiền trong một thời gian dài.
Tất cả các công viên quốc gia và một số cơ quan chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa từ hôm 1/10 khi chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động một phần do không có kinh phí hoạt động. Dù thời gian đóng cửa đã kéo dài gần hết 2 tuần song mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được hạ nhiệt trong nay mai.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức phản đối kế hoạch kéo dài thời hạn vay nợ cho chính phủ do đảng Cộng hòa đề xuất, đưa bế tắc giữa hai đảng xung quanh vấn đề ngân sách tiếp tục bước sang ngày thứ 12.
Trong bài phát biểu hàng tuần của mình, Tổng thống Obama nhận định việc kéo dài trần vay nợ thêm 1-2 tháng không phải là một hành động khôn ngoan bởi sẽ đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm lễ hội của người Mỹ. Theo ông, tác động của trần nợ sẽ không chỉ tác động mạnh tới thị trường tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi gây khó khăn cho họ trong việc vay tiền.
Theo luật định ở Mỹ, đến thời điểm ngày 17/10, nếu lưỡng viện Quốc hội không thể nhất trí về việc nâng trần nợ công lên quá 16.700 tỷ USD thì nước Mỹ sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật, được dự báo sẽ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào thảm họa chưa từng có.
Vũ Anh
Theo Dantri
Lao xe kinh hoàng, nghi phạm nữ bị bắn chết trước tòa nhà Quốc hội Mỹ Một vụ rượt đuổi xe từ gần Nhà Trắng đến Tòa Bạch Ốc đã gây nên tình trạng náo loạn ở thủ đô Washington, Mỹ hôm 3-10. Vụ việc kết thúc trong tiếng súng khi lực lượng an ninh bắn chết nghi phạm là một phụ nữ 34 tuổi. Theo nguồn tin từ phía cảnh sát, vụ rượt đuổi xảy ra vào 14h12...