Chính phủ Mỹ đóng cửa ‘2 năm’
Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ tiếp tục đóng cửa sang đến năm 2019 do tranh cãi quanh vấn đề ngân sách xây tường biên giới tại “sàn đấu” quốc hội.
Quốc hội Mỹ đã nhóm họp vài phút vào ngày 27-12 nhưng vẫn không có giải pháp cụ thể nào được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần và hoãn họp đến tuần tới. Tính đến 27-12, chính phủ Mỹ đóng cửa sáu ngày nhưng lưỡng viện vẫn lâm vào tình trạng bế tắc trong việc khôi phục ngân sách hoạt động của khoảng 25% chính phủ bị ảnh hưởng. Giờ đây việc đóng cửa một phần chính phủ Mỹ có thể kéo dài đến tuần sau và nhiều khả năng sẽ sang đến đầu năm 2019.
Câu chuyện bức tường
Theo tờ Washington Examiner, lần đóng cửa chính phủ này xuất phát từ đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump về việc cấp ngân sách 5 tỉ USD tiền thuế của người dân để xây dựng bức tường biên giới phía Nam với Mexico. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã từ chối thông qua khoản ngân sách này, trong đó toàn bộ thành viên thuộc đảng Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa khăng khăng nói rằng họ chỉ tán đồng chưa đầy phân nửa trong số đó, tức khoảng 1,3-1,6 tỉ dành cho cả an ninh biên giới và hỗ trợ thảm họa.
Trong khi các phụ tá đang tích cực làm việc phía sau hậu trường tại đồi Capitol và không có nhà lập pháp nào được nhìn thấy, ông Trump cũng không xuất hiện nhưng dùng Twitter để công kích phe Dân chủ. Chủ nhân Nhà Trắng phê phán các thành viên Dân chủ “cản trở bức tường thật sự cần thiết” và rằng phe Dân chủ “không để cho Donald Trump và phe Cộng hòa giành phần thắng”.
Trong chuyến thăm bất ngờ đến Iraq hôm 26-12, ông Trump cũng đã “lên lớp” các thành viên đảng Dân chủ về việc chống lại yêu cầu cấp ngân sách xây tường của ông, đồng thời khẳng định việc ngăn chặn khủng bố xâm nhập lãnh thổ Mỹ là một phần trong chiến lược an ninh nội địa bao quát hơn. Trước đó, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng thương thảo một khoản ngân sách dưới 5 tỉ USD, ông nói đó là “vấn đề phức tạp” và rằng cá nhân ông “muốn nó tăng thêm” – theo đài ABC News.
Video đang HOT
Chưa biết khi nào cánh cửa chính phủ Mỹ rộng mở trở lại. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Không có bên thắng cuộc
Một số chuyên gia nhận định trong khi không có bên nào có thể nổi lên như là người chiến thắng vượt trội từ việc đóng cửa một phần chính phủ Mỹ, Tổng thống Trump có thể “mất” nhiều nhất. “Bất kỳ ai sở hữu việc đóng cửa sẽ thất bại. Khi ông Trump tuyên bố sở hữu điều đó, đó là điều không bình thường để làm” – đài CBC dẫn lời sử gia chính trị David Eisenbach tại ĐH Columbia (Mỹ) nhận định. Tại một cuộc họp cách đây hai tuần với lãnh đạo thiểu số của hai phe tại lưỡng viện, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ “tự hào đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới” và “sẽ là người làm điều đó”. Tuy nhiên, ông Eisenbach coi đó là một “tính toán sai về chính trị”, do cử tri Mỹ “tập trung nhiều hơn vào các vấn đề như kinh tế”.
Khoảng 47% người được hỏi cho rằng Tổng thống Donald Trump là người chịu trách nhiệm cho việc đóng cửa chính phủ trong khi 33% đổ lỗi cho đảng Dân chủ và 7% “quy tội” cho các thành viên phe Cộng hòa, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos được công bố ngày 27-12.
Ông Bill Schneider, giáo sư về các vấn đề chính sách tại ĐH George Mason (Mỹ), nói rằng phe Dân chủ sai lầm khi cho rằng đa số công chúng xem việc đóng cửa chính phủ là một cuộc khủng hoảng, do các dịch vụ thiết yếu như an sinh xã hội, chăm sóc y tế và quân đội vẫn tiếp tục được tài trợ. Tuy nhiên, theo ông, những hậu quả nói chung “sẽ tồi tệ cho tổng thống”. “Khi một tổng thống không cho phép chính phủ vận hành, điều đó có nghĩa ông ấy không làm nhiệm vụ của mình” – ông Schneider nói.
Nhưng ông Marc Thiessen, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ, lại cảnh báo phe Dân chủ có thể gánh chịu hậu quả. “Nếu ông Trump là người thỏa hiệp và phe Dân chủ đòi hỏi một sự đầu hàng tuyệt đối, điều đó sẽ có tác dụng ngược với họ vì đó không phải là điều người Mỹ muốn” – ông nói.
Giới phân tích nhận định Quốc hội Mỹ sẽ khó đạt thỏa thuận để chấm dứt việc đóng cửa chính phủ trước khi qua tháng 1-2019. Vào ngày 3-1-2019, Quốc hội nhiệm kỳ 2017-2018 sẽ được thay bằng Quốc hội nhiệm kỳ 2019-2020 và quyền kiểm soát sẽ được chuyển từ Cộng hòa sang Dân chủ. Tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cam kết sẽ hành động nhanh để mở lại chính phủ và các hạ nghị sĩ Dân chủ sẽ bỏ phiếu về dự luật ngân sách trong ngày 3-1.
Trong khi đó, phe Cộng hòa sẽ tăng số ghế tại Thượng viện lên 53 nhưng vẫn sẽ cần sự ủng hộ của phe Dân chủ để thông qua bất cứ dự luật nào với tỉ lệ đa số 60/100 phiếu. Hiện chưa rõ nội dung dự luật mới nhưng nó có thể không bao gồm kinh phí xây tường biên giới và đây sẽ là bài toán khó cho ông Trump ngay sau kỳ nghỉ.
Gần 1 triệu nhân viên liên bang bị ảnh hưởng
Theo báo The Washington Post, khoảng 1/4 chính phủ liên bang đã bị đóng cửa do cuộc tranh cãi với khoảng 800.000 nhân viên liên bang bị ảnh hưởng. Những nhân viên được xếp loại là “thiết yếu”, bao gồm an ninh sân bay, quân đội và những người làm các công việc dịch vụ khẩn cấp khác, sẽ tiếp tục làm việc trong khi khoảng 350.000 người phải nghỉ ở nhà mà không có lương. Việc đóng cửa càng kéo dài, càng có thêm nhiều hoạt động của chính phủ bị đình đốn. Tình trạng này đã gây ra sự thiếu hụt kinh phí ở chín trong 15 cơ quan bộ và hàng chục tổ chức khác bao gồm các bộ An ninh nội địa, GTVT, Nội vụ, Nông nghiệp, Ngoại giao và Tư pháp. Nhiều công viên quốc gia đã đóng cửa hoặc giới hạn hoạt động. Chương trình Bảo hiểm thực phẩm quốc gia sẽ không gia hạn hoặc cấp hợp đồng mới trong thời gian xảy ra vụ đóng cửa.
TRÙNG QUANG
Theo PL
Doanh nhân Nga tuyên bố thà ngồi tù chứ không phản quốc
Doanh nhân người Nga Viktor Bout - người đang bị chính phủ Mỹ giam giữ với cáo buộc buôn lậu vũ khí xuyên quốc gia - cho biết bản thân sẽ không bôi xấu danh dự của đất nước để đối lấy bất kỳ thỏa thuận nào với hệ thống tư pháp Mỹ.
Doanh nhân Nga Viktor Bout (áo đỏ) khi được áp giải tới một tòa án hình sự ở Bangkok hồi tháng 10.2010. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn điện thoại với TASS, doanh nhân Viktor tiết lộ rằng các luật sư có liên hệ với phía Mỹ đã nhiều lần đưa ra đề nghị "hắc ám" với ông nhằm đổi lại nhiều sự tưởng thưởng, nhượng bộ.
"Đã có nhiều lần họ bảo tôi rằng hãy nói với chính quyền Mỹ về hành vi tham nhũng ở Điện Kremlin. Tôi đáp lại rằng: Tôi có liên quan gì tới việc này và làm sao mà tôi nói về một thứ không hề tồn tại được", Viktor nói với TASS.
Theo Viktor, các luật sư phía Mỹ thường xuyên đề cập đến các "phần thưởng" khác nhau, bao gồm cả thẻ xanh cho gia đình cư trú vĩnh viễn ở Mỹ, để đối lấy cáo buộc Điện Kremlin tham nhũng từ phía ông. Tuy nhiên, vị doanh nhân tiết lộ rằng Washington chưa bao giờ cân nhắc đổi ông lấy một công dân Mỹ bị Nga bắt giữ vì phạm tội.
Được biết, sau khi bị bắt giữ trong một chiến dịch được Mỹ lên kế hoạch cẩn thận vào năm 2008 tại Thái Lan, doanh nhân Nga Viktor Bout đã ngồi tù cho tới tận ngày nay. Vào năm 2012, với việc bán vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), ông đã bị Mỹ truy tố tội âm mưu sát hại công dân nước này và phải chịu án 25 năm tù.
"Hệ thống tư pháp Mỹ không chỉ điếc với mù và dường như còn bị điên", Viktor nói.
Theo RT, trước khi dập máy, Viktor Bout bày tỏ sự "tự tin hoàn toàn" rằng một ngày nào đó, ông sẽ quay trở về quê hương. Vị doanh nhân 51 tuổi vẫn giữ vững lập trường rằng bản thân vô tội và chỉ có liên quan tới hoạt động kinh doanh hàng hóa hợp pháp.
Theo Danviet
Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đóng cửa một phần Sau khi các nghị sỹ của hai đảng trong Thượng viện Mỹ không đạt thêm bước tiến nào liên quan đến việc cấp kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải đóng cửa một phần trong tuần tới. Một phần Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải đóng cửa tới ngày 2/1/2019 do...