Chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đóng cửa trong tháng này
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các nhà lập pháp cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận đối với dự luật phân bổ ngân sách cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đóng cửa trong tháng 12 này.
Trong khoảng thời gian từ nay cho tới ngày 7/12, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua 7 dự luật phân bổ ngân sách nhằm cấp kinh phí cho chính phủ hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp của hai đảng vẫn đang bất đồng đối với dự luật phân bổ ngân sách cho Bộ An ninh nội địa với khoảng 5 tỷ USD theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Sputnik)
Theo đề nghị của Thượng nghị sĩ Richard Shelby, số tiền trên tài trợ cho việc xây dựng bức tường biên giới sẽ được phân bổ trong hai năm. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng đây là đề xuất không khả thi. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nita Lowey tuyên bố đây là một khoản chi lãng phí quá lớn.
Video đang HOT
Trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận về ngân sách xây dựng bức tường biên giới vào tuần này, có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một gói ngân sách ngắn hạn cho hoạt động của chính phủ, cũng như giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để tiếp tục đàm phán.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật chi tiêu cho Bộ An ninh nội địa, theo đó sẽ phân bổ 1,6 tỷ USD cho an ninh biên giới. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu tăng số tiền lên tới 5 tỷ USD nhằm xây dựng bức tường biên giới.
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ một dự luật chi tiêu nào nếu phe Dân chủ không ủng hộ các kế hoạch tăng cường an ninh biên giới và cải cách nhập cư của ông, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng đóng cửa chính phủ nếu các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Đầu năm nay, Chính phủ liên bang Mỹ đã hai lần đóng cửa trong 3 tuần cũng vì phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện không thể đạt thỏa thuận chung trong vấn đề nhập cư. Ngày 28/9 vừa qua, Tổng thống Trump đã phải ký ban hành luật chi tiêu, giúp cho chính phủ hoạt động ít nhất cho tới ngày 7/12.
Nguồn: Báo Tin Tức
Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường tới sát quần đảo Hoàng Sa
Hải quân Mỹ đã điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, trong một động thái được cho là nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Tàu USS Chancellorsville (Ảnh: US Navy)
Hãng tin CNN dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nathan Christensen ngày 29/11 cho biết Washington ngày 26/11 đã điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Chancellorsville di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và duy trì quyền tiếp cận các vùng biển tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
Theo CNN, một tàu của Trung Quốc được cho là đã theo sát tàu hải quân Mỹ trong suốt nhiệm vụ tuần tra.
"Lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó có Biển Đông. Toàn bộ các hoạt động đều phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rằng Mỹ có thể điều máy bay, tàu thuyền tới hoạt đông ở bất cứ nơi đâu luật lệ cho phép", ông Christensen nhấn mạnh.
Quan chức này nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo quyền lợi, sự tự do của tất cả các quốc gia trong việc di chuyển trên vùng biển và vùng trời tuân thủ theo quy tắc và thông lệ.
CNN dẫn một số nguồn tin từ quan chức chính phủ Mỹ nói rằng Bắc Kinh đã ra tuyên bố phản đối về mặt ngoại giao sau nhiệm vụ tuần tra của tàu tuần dương Mỹ.
Trong khi hải quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải trên khắp mọi nơi trên thế giới, Trung Quốc dường như đặc biệt tỏ ra "nhạy cảm" với các nhiệm vụ tại khu vực Biển Đông, do các tàu và máy bay của Mỹ thường tiến tới hoặc bay gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa phi pháp.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra của hải quân tại khu vực, không quân Mỹ cũng điều máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tàu Mỹ đôi lần vướng vào những vụ đụng độ với tàu Trung Quốc.
Hồi tháng 9, một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã chỉ trích một tàu chiến Trung Quốc thực hiện "động thái không an toàn và thiếu chuyên nghiệp gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa".
Theo đó, tàu của Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt động thái gây hấn với cấp độ tăng dần, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi vùng biển và "áp sát nguy hiểm" khi chỉ cách tàu Mỹ khoảng "41m". Trước tình huống này, tàu Mỹ buộc phải chuyển hướng "để tránh va chạm" trong khi đang di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa để thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Business Insider
Nhọc nhằn đi tìm giấc mơ Mỹ Giấc mơ Mỹ của hàng ngàn người di cư Trung Mỹ khả năng lớn sẽ tan thành mây khói khi chính phủ Mỹ kiên quyết dùng biện pháp cứng rắn kiểm soát nhập cư. Một tháng rưỡi sau khi xuất phát từ Honduras, đoàn người di cư Trung Mỹ đã đến TP Tijuana thuộc bán đảo Baja California (Mexico) giáp với Mỹ vào...