Chính phủ Lào tạm dừng triển khai các dự án thủy điện đã ký MOU và PDA
Trưa 7/8, Bộ Ngoại giao Lào đã tổ chức cuộc họp báo về tình hình lũ lụt tại Lào và tiến độ khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện Xepian – Xenamnoy thuộc tỉnh Attapeu.
Sự cố vỡ đập thuỷ điện tai Sepien Senamnoi gây nhiều thiệt hại nặng nề. Ảnh: TTXVN phát
Ngoài lãnh đạo Bộ Ngoại giao Lào, tham dự và chủ trì cuộc họp báo còn có lãnh đạo các Bộ Năng lượng và Mỏ; Bộ Y tế và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội của Lào.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào – ông Khammany Inthirath cho biết do sự cố vỡ đập thủy điện Xepian Xenamnoy, Chính phủ Lào đã quyết định tạm dừng việc triển khai toàn bộ các dự án thủy điện đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) và Hợp đồng phát triển dự án (PDA) trên toàn quốc để tiến hành đánh giá và kiểm tra thêm.
Tham dự cuộc họp báo có đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, đông đảo phóng viên trong và ngoài nước cùng đại diện các bộ ngành liên quan của Lào.
Trước đó, vào lúc 20h00 ngày 23/7 theo giờ Việt Nam đã xảy ra vỡ đập thuỷ điện Xepian – Xenamnoy, gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn.
Video đang HOT
Vụ vỡ đập đã làm trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 người bị ảnh hưởng và nhiều người mất tích. Hiện Chính phủ Lào đang phối hợp với các đoàn công tác trong và ngoài nước nỗ lực khác phục hậu quả sự cố, hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng sớm khôi phục cuộc sống thường nhật./.
Theo TTXVN
Các đập thủy điện tại Lào
Lào xây dựng nhiều đập thủy điện trên các nhánh của sông Mekong để phục vụ nhu cầu điện trong nước và xuất khẩu sang Thái Lan.
Đập Xayaburi của Lào được xây tại dòng chính sông Mekong. Ảnh: AFP.
Tối 23/7, một trong 5 đập phụ tại dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ, khiến lượng nước khổng lồ trút xuống hạ lưu, gây ngập nặng 7 ngôi làng, nhiều người chết và mất tích. Dự án này được khởi công từ năm 2013 với công suất dự kiến 410 MW.
Thủy điện là nguồn tài nguyên quan trọng ở Lào, với công suất tiềm năng ước tính là 18.000 MW. Từ tháng 9/2013 đến tháng 10/2014, các nhà máy thủy điện của Lào đã tạo ra gần 15,5 tỷ kWh. Trong số này, gần 12,5 tỷ kWh được xuất khẩu, thu về hơn 610 triệu USD. Thị trường chủ yếu của Lào là Thái Lan.
Hầu hết các đập đang hoạt động và đang xây dựng của Lào nằm trên các nhánh của sông Mekong. Lào đang xây dựng hai con đập trên dòng chính sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong.
Trang web của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào liệt kê 22 đập thủy điện đang hoạt động, 22 đập đang được xây dựng và hàng chục dự án được đề xuất. Đập lớn đầu tiên được xây dựng là trên sông Ngum ở Vientiane, cho nhà máy thủy điện Nam Ngum 1. Nó được hoàn thành vào năm 1971 và có công suất 155 MW. Nhà máy này đã cung cấp phần lớn điện được sử dụng ở Lào cho đến cuối thế kỷ 20.
Đập cao nhất là Nam Ngum 2 với chiều cao 185 m. Hồ chứa lớn nhất là Nakai, có diện tích 450 km2 được hoàn thành vào năm 2008, phục vụ cho nhà máy Nam Theun 2 có công suất lớn nhất cả nước là 1.080 MW.
Một số đập thủy điện ở Lào. Đồ họa: International Rivers.
Một trong những dự án thủy điện hiệu quả nhất ở Lào là Theun-Hinboun, được xây dựng trong hai giai đoạn vào năm 1998 và 2012 với các chủ đầu tư Thái Lan, Na Uy và Lào. Dự án ban đầu có đập và hồ chứa tương đối nhỏ, cho công suất 220 MW. Sau khi Theun-Hinboun cung cấp những lợi ích kinh tế đáng kể cho Lào thông qua việc bán năng lượng cho nước láng giềng Thái Lan vào thời điểm nước này có ít sản phẩm xuất khẩu, thành công của nó đã dẫn đến dự án mở rộng vào năm 2012, khiến công suất được nâng lên thêm 280 MW.
Thủy điện Xekaman 3 được xây dựng trên dòng Nam Pagnou tại Sekong, được hoàn thành vào năm 2013, có công suất 250 MW.
Lào năm 2012 khởi động dự án nhà máy thủy điện Xayaburi có công suất ước tính 1,285 MW, đây là đập đầu tiên Lào xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và nó sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất nước này. Đập cao 32,6 m, kéo dài 820 m qua sông Mekong. Đầu năm 2016, Lào khởi công xây dựng đập thứ hai trên dòng chính sông Mekong là Don Sahong với chiều cao 32 m và công suất ước tính 260 MW.
Lào đang thi công hai đập trên dòng chính sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong. Đồ họa: International Rivers.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã nhiều lần lên tiếng về các dự án thủy điện của Lào trên sông Mekong, cho rằng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy của nước, hoạt động của các loài cá và phù sa xuống hạ lưu, đe dọa sinh kế hàng chục triệu người sống dọc dòng sông.
Một báo cáo của Ủy hội Sông Mekong cho biết các dự án thủy điện trên dòng sông này làm sụt giảm sản lượng lúa, số lượng cá và phù sa ở vùng hạ nguồn, nơi các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam đóng góp khoảng 15% sản lượng lúa gạo toàn cầu, theo thống kê của tạp chí Economist.
Xây dựng đập cũng là vấn đề gây tranh cãi tại Lào. Những người ủng hộ cho rằng đập thủy điện cung cấp nguồn ngoại tệ bền vững quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, những người phản đối nói rằng người dân địa phương phải di dời vì công tác xây dựng không bao giờ được bồi thường xứng đáng.
Nguy cơ lũ lụt cũng đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân. Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có trụ sở ở Mỹ đã cảnh báo rằng các con đập ở Lào có thể không chống chịu được với các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Ngoài ra, các dự án còn có thể mang lại lợi nhuận thấp hơn dự kiến do sự thay đổi của thị trường.
Phương Vũ
Theo VNE
Ngôi làng ở Lào nhìn từ trên cao trước và sau vụ vỡ đập thủy điện Một ảnh chụp từ trên cao được công bố mới đây cho thấy làng Ban Hinlat, tỉnh Champasak, đông nam Lào đã bị tàn phá nghiêm trọng sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu hồi cuối tháng trước. Làng Ban Hinlat nhìn từ trên cao trước sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy. (Ảnh: AP)...