Chính phủ: Không có “vùng cấm” trong điều tra tội phạm thâu tóm ngân hàng
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian qua, có nhiều cá nhân, tổ chức, bằng những thủ đoạn khác nhau đã tìm cách sở hữu số vốn lớn hơn quy định. Chính phủ khẳng định sẽ làm trong sạch hệ thống, không có bất kỳ vùng cấm nào.
Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra chiều nay (5/9), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao đổi với báo giới một số vấn đề liên quan đến hoạt động phòng chống tội phạm ngân hàng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngân hàng và tại phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo, đã nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm tội phạm thâu tóm ngân hàng trái pháp luật.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong Bộ Luật Hình sự cũng như tại các bộ luật hiện hành không có tội danh nào chính xác có tên là “thâu tóm ngân hàng trái pháp luật”.Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, những tội danh như “kinh doanh trái phép” hay “đầu cơ” thì đã được quy định rõ – “những tội danh này có thể nhằm để thực hiện mục tiêu thấu tóm các ngân hàng trái pháp luật”.
Video đang HOT
Người phát ngôn của Chính phủ đánh giá, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế và hiện trạng về hệ thống ngân hàng do chưa thực sự vững mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bất ổn về vĩ mô trong những năm gần đây. Do vậy, tái cơ cấu ngân hàng đóng vai trò là một trong 3 trụ cột của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế. Để đảm bảo nền kinh tế hoạt động một cách lành mạnh, nhiệm vụ này lại phải đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Không phải tới khi thực hiện bắt ông Nguyễn Đức Kiên thì vấn đề này mới được đưa ra. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các lực lượng chức năng, từ thanh tra cho đến cơ quan điều tra phải đặt nhiệm vụ hết sức quan trọng vào nhóm tội phạm liên quan đến ngân hàng, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, đặc biệt liên quan đến hành vi nhằm thâu tóm trái pháp luật”.
Theo Luật Tổ chức tín dụng 2010, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Đam, trong thời gian qua, có nhiều cá nhân và tổ chức bằng những hành vi, thủ đoạn khác nhau đã tìm cách sở hữu số vốn lớn hơn quy định, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Do vậy, Chính phủ đã có những hoạt động công khai và chưa công khai để ngăn chặn và xử lý các hành vi này. Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, “nhất định sẽ làm trong sạch hệ thống ngân hàng để đảm bảo mạch máu của cơ thể nền kinh tế được thông suốt và lành mạnh. Bất kỳ ai vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, không có bất kỳ một vùng cấm nào”.
Trao đổi bên lề họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hàng năm, cơ quan này đều có chương trình ra soát, thanh tra thường niên với những ngân hàng nhất định. Và lúc xảy ra biểu hiện bất thường tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào, NHNN sẽ cho kiểm tra, xác minh thông tin để có phương án xử lý kịp thời.
Theo Dantri
'Chính phủ đã lường tác động khi bắt bầu Kiên'
Nếu không đánh giá trước ảnh hưởng của việc bắt giữ ông Kiên thì làm sao ổn định như ngày hôm nay? Chính phủ đã xem xét tổng thể, nghiêm trị người vi phạm và đảm bảo ngân hàng không bị đổ vỡ", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.
Chiều 5/9 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trước khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngành chức năng đặt nhiệm vụ quan trọng tới nhóm tội phạm ngân hàng, tín dụng, đặc biệt là các hành vi thâu tóm ngân hàng.
Với việc bắt giữ ông Kiên, ông Đam khẳng định, khi Chính phủ chỉ đạo thì luôn đi kèm phương án đánh giá tác động. "Nếu không đánh giá trước ảnh hưởng của việc bắt giữ ông Kiên thì làm sao ổn định được như ngày hôm nay? Chính phủ đã xem xét tổng thể vụ việc, nghiêm trị người vi phạm và đảm bảo ngân hàng không bị đổ vỡ", ông Đam nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Hoàng Hà.
Bộ trưởng Đam cho rằng, thị trường chứng khoán vừa qua bị ảnh hưởng sau vụ bắt ông Kiên là do tâm lý và một phần không làm tốt công tác truyền thông. Khi bị bắt, ông Kiên không nắm bất kỳ chức vụ nào tại Ngân hàng ACB.
Ông Đam cho biết thêm, luật pháp hiện không có quy định chính xác về tội phạm thâu tóm ngân hàng nhưng có tội kinh doanh trái phép, đầu cơ. Những tội này có thể nhằm thâu tóm ngân hàng trái pháp luật. "Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, nguyên nhân của bất ổn nền kinh tế có một phần do hệ thống ngân hàng chưa vững mạnh", ông Đam nhìn nhận.
Trước đó, cơ quan chức năng đã nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật của 3 công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Căn cứ đơn thư tố cáo, công tác điều tra, ngày 21/8, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.
Ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hungary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi.Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên".Theo VNE