Chính phủ hứa 2016 bắt đầu cắt giảm đáng kể nợ công
Lý giải nợ công tăng cao, Chính phủ “than”, suy thoái vừa qua, tỷ trọng thu ngân sách thấp trong khi yêu cầu chi tăng mạnh, nguồn kinh phí kích thích kinh tế, cải cách tiền lương rất lớn nên nguồn ngân sách còn lại để bố trí cho trả nợ rất hạn hẹp.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10/2014, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép, sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp (tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước giảm từ 24,8% GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2011-2015).
Trong khi đó, yêu cầu chi ngân sách tăng mạnh, phải dành nguồn kinh phí lớn cho thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội (tỷ trọng chi cho con người trong tổng chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%; giai đoạn 2011-2014 đã 3 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu và 2 lần tăng phụ cấp công vụ; chi an sinh xã hội tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10% của thu, chi ngân sách).
Video đang HOT
Do đó, nguồn ngân sách nhà nước còn lại để bố trí cho trả nợ và đầu tư phát triển là rất hạn hẹp trong khi nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là rất lớn.
Vì vậy, giai đoạn 2011-2015 phải phát hành trái phiếu Chính phủ 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2011-2014 đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng, năm 2015 theo kế hoạch phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng), đồng thời đã đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới… theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và 64% GDP vào cuối năm 2015.
Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược nợ công. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn (năm 2012, kỳ hạn phát hành bình quân là 2,9 năm, lãi suất bình quân 10%/năm; năm 2013 là 3,4 năm và 7,96%/năm; 10 tháng đầu năm 2014 là 4,84 năm và 6,81%/năm) dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%). Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn (năm 2014 vay đảo nợ khoảng 77 nghìn tỷ đồng). Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương: (1) Tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia; tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch. (2) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định. (3) Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. (4) Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. (5) Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ đúng hạn. (6) Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn.
Phấn đấu giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016 – 2020 để đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (giới hạn quy định là không quá 25%). Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng: 'Sân bay Long Thành lỡ nhịp vì nỗi lo nợ công'
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Đinh La Thăng thừa nhận một trong những bất lợi của dự án Sân bay Long Thành là được xem xét khi mối lo về nợ công đang dâng cao.
- Thay vì xem xét thông qua dự án Sân bay Long Thành tại kỳ họp này như đề xuất, Quốc hội sẽ chỉ tiến hành cho ý kiến. Lý do của việc này là gì thưa ông?
- Mặc dù nhiều đại biểu chia sẻ việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, song ý kiến chung của Quốc hội là quyết định ở thời điểm này chưa phù hợp. Rõ ràng đưa dự án Long Thành ra là không có lợi vì Quốc hội đang bàn nhiều về nợ công. Theo báo cáo cáo của Chính phủ thì nợ vẫn trong tầm kiểm soát, song đang có chiều hướng tăng nhanh.
Hơn nữa, theo Nghị quyết 49 của Quốc hội, Long Thành thuộc diện dự án phải trình qua 2 kỳ họp. Do vậy, kỳ này chỉ tiến hành cho ý kiến. Việc trình dự án chậm so với quy định cũng có thể là lý do khiến Quốc hội chưa đồng ý.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận dự án Sân bay Long Thành có nhiều khó khăn. Ảnh: Chí Hiếu
- Dự án cũng đã được xin ý kiến Bộ Chính trị. Ý kiến của cơ quan này như thế nào?
- Về Bộ Chính trị, trong Nghị quyết 13 của Trung ương đã nêu rõ việc sử dụng vốn ODA và huy động các nguồn khác để đầu tư. Thực tế triển khai cụ thể sau này cũng sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Hiện cơ quan này chưa tiếp tục xem xét triệt để vì Quốc hội vẫn chưa thông qua. Sau khi có ý kiến Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo lại một lần nữa để Bộ Chính trị cho ý kiến.
- Như vậy, việc xây dựng Sân bay Long Thành vẫn phải đang trong quá trình nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng trình dự án gấp giống như việc đặt Quốc hội vào thế "phải làm". Ông bình luận ra sao?
- Chính phủ mong muốn được Quốc hội thông qua chủ trương, sau đó sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo, chứ không nói nhất nhất phải làm. Trong báo cáo, chúng tôi nói có cả thuận lợi và khó khăn. Nhưng vì lâu nay ta nói nhiều quá về thuận lợi, chứ thực tế triển khai không hề đơn giản. Vốn, năng lực cạnh tranh, giải phóng mặt bằng... đều khó. Nhưng ta phải đặt chúng lên bàn để giải quyết. Không có dự án nào chỉ toàn thuận lợi. Với những công trình lớn như thế này càng cần phải thận trọng.
- Thông thường với các công trình lớn, nhiều nước đã thuê tư vấn quốc tế lập dự án, được các định chế tài chính thẩm định. Nếu hiệu quả, chủ đầu tư có thể vay ngân hàng mà không cần bảo lãnh, không lo nợ công. Tại sao Long Thành không làm như vậy?
- Mình chưa làm chứ không phải không làm, vì dự án vẫn chưa được thông qua chủ trương. Vấn đề đáng quan tâm nhất là tiền đâu cũng đã được nêu, nhưng báo cáo tiền khả thi chỉ nêu được khái toán. Để đảm bảo chính xác thì phải trong giai đoạn khả thi, phải có khảo sát, thiết kế... Làm những việc đó cũng cần kinh phí. Nếu bây giờ cứ đi làm mà Quốc hội không thông qua thì cũng thành chuyện.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào tuần sau để xin chủ trương đầu tư. Theo lịch dự kiến trước đó thì ngày 28/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không. Tuy nhiên trước phiên khai mạc, nội dung này đã được đưa ra khỏi kỳ họp, thay vào đó chỉ tiến hành cho ý kiến. Dự án Sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18 tỷ USD.
Chí Hiếu
Theo VNE
Nợ công có thực sự an toàn? Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: "Trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ... xin Bộ trưởng cho biết nợ công có thực sự an toàn không?" Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn Chiều 10/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính...