Chính phủ hành động thế nào để chống suy thoái, tự diễn biến?
“Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý điều hành, kiểm soát việc thực hiện thi hành quyền lực công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin cho vượt cấp, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, sân sau…”.
Đó là một trong những nội dung cần lưu ý được Chính phủ đưa ra khi thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chống suy thoái, chống “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”.
Tọa đàm tìm giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái. (Ảnh: dangcongsan)
Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự thảo đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đó là tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, kế hoạch số 04, chương trình hành động của Chính phủ đối với các cấp các ngành; đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng tự phê bình và phê bình; xây dựng quy định tăng thẩm quyền đề cao trách nhiệm người đứng đầu, hoàn thiên thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó các quy định về xử lý kỷ luật, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế ngộ đãi ngộ với cán bộ, công chức; đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong quá trình thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, các bộ, ngành địa phương cần lưu lý: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng về những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, rà soát và xử lý, miễn nhiệm thay thế, cho từ chức những cán bộ suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tăng cường giáo dục về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ, kỷ cương, kỷ luật cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý điều hành, kiểm soát việc thực hiện thi hành quyền lực công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin cho vượt cấp, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, sân sau và trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế, tăng cường hiệu quả công tác chống rửa tiền…
Đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, TS Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – cho rằng, trong thực tế hệ thống kiểm soát chúng ta có, ví dụ như Quốc hội có quyền kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp ở T.Ư, ở dưới địa phương có HĐND để kiểm soát các hoạt động của UBND, các cơ quan tư pháp ở địa phương, kể cả giám sát cán bộ.
Video đang HOT
“Nói như vậy để thấy các văn bản đều có cả, nhưng đấy là những quy định có tính chất chung, còn quy định có tính pháp lý, chế tài thì chưa có. Chính vì thế cần phải cụ thể hóa các quy định đề cao thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan trong việc giám sát, kiểm soát lẫn nhau” – TS Phúc bày tỏ.
Vẫn theo TS Phúc, trong Hiến pháp năm 2013 có nêu, các cơ quan không chỉ phối hợp, phân công phối hợp mà còn có quyền là kiểm soát lẫn nhau. “Công cụ để kiểm soát lẫn nhau cần được hình thành từ một thể chế pháp lý, như vậy mới đảm bảo việc thực hiện” – TS Phúc nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giang – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, kiểm tra quyền chúng ta cũng đã có những quy chế, quy định nhưng chưa đủ, chính vì thời gian qua đã bộc lộ ra vấn đề như lạm quyền, vi phạm quyền diễn ra khá phổ biến.
“Trước thực tế đó cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự hiệu quả hơn, tức là phải hoàn thiện thêm, bổ sung thêm những quy định đảm bảo cụ thể, chặt chẽ hơn” – PGS Giang nói.
Theo Danviet
"Đấu tranh với suy thoái vẫn chưa trúng người có trách nhiệm lớn"
Gợi ý biện pháp chỉnh đốn Đảng thiết thực nhất nên làm lúc này là làm rõ những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh, cần "truy" gốc rễ ở những cấp lãnh đạo, người phụ trách lĩnh vực, ông Phạm Thế Duyệt nhận xét, cuộc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái đang... lệch địa chỉ, chưa trúng chỗ những người có trách nhiệm lớn.
Bên hành lang Quốc hội ngày 2/11, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi về các vấn đề đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XII.
Nguyên Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt bên hành lang Quốc hội ngày 2/11 (ảnh: Hoàng Long).
- Nghị quyết TƯ 4 lần này về việc tăng cường chỉnh đốn Đảng vừa ban hành được ghi nhận, đánh giá cao ở điểm mới là lần đầu tiên hệ thống được những biểu hiện của hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá (27 biểu hiện) trong nội bộ Đảng. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Những nội dung, quan điểm về việc chỉnh đốn Đảng nêu ra tôi thấy rất thống nhất, nhất quán với những nhận định đưa ra từ những khoá trước. Ngay Nghị quyết hồi mới đổi mới cũng đã chỉ ra 4 nguy cơ đối với chế độ, với Đảng (như nguy cơ diễn biến hoà bình, chệch hướng mục tiêu, tham nhũng tiêu cực) thì đến giờ, Nghị quyết cũng vẫn khẳng định những nguy cơ đó.
Nhưng lần này khác một điểm mới là đã nói cụ thể và chi tiết về từng vấn đề phải quan tâm. Đến Nghị quyết này, Đảng đã thấy được sự yếu kém của từng lĩnh vực, từng loại hình diễn biến cần phải chú ý, những vấn đề cần phải quan tâm nắn chỉnh.
Tựu chung lại, tôi thấy Nghị quyết của ta như thế rất tốt, người dân rất đồng tình nhưng vẫn có một dấu hỏi lớn đặt ra, đó là phải làm thế nào làm cho được những tư tưởng chỉ đạo vạch ra mà trước hết, chính là xử lý những việc đã xảy ra nơi này nơi khác. Những vụ việc đó thể hiện sự phức tạp mà người dân ai cũng quan tâm. Đảng cần sớm làm rõ, đừng để dở chừng.
Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh... cần làm sao kết luận thật rõ ràng thì người dân sẽ có niềm tin. Người dân hiện giờ cần những việc đi vào chi tiết để xử lý vấn đề cho hiệu quả. Chứ nếu chậm chễ, để kéo dài mãi tình trạng này thì chắc chắn dù có đi vào những lĩnh vực cụ thể, chỉ ra được những chuyện như vậy nhưng lòng tin của người dân vẫn sẽ khó thuận.
- Như ông nói, định hướng chỉnh đốn Đảng đã có từ nhiều khoá trước nhưng Nghị quyết vừa ban hành nhấn mạnh chủ trương nhìn thẳng, nói thẳng, đánh giá thẳng tình trạng thực tại để quyết tâm chỉnh sửa. Với những nội dung đưa ra trong Nghị quyết, ông thấy tinh thần nói thẳng đã thể hiện thích đáng?
- Việc này thì Đảng cũng đã nói từ lâu rồi, trước giờ Đảng vẫn muốn nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật, đánh giá đúng thực chất tình trạng chứ không phải bây giờ mới nói. Nhưng chỉ tiếc là mình đã nói thế mà lâu nay vẫn không thực hiện được như mong muốn, nguyện vọng.
Giờ các lãnh đạo Đảng đã nói nhiều những sự thật, những việc cụ thể hơn. Tuy nhiên, những điều đó cũng không phải là đã thể hiện được hết những vấn đề quan trọng đâu. Nhiều chuyện khác người dân vẫn muốn phải phanh phui, làm rõ trắng đen ra.
Cụ thể như vụ việc Trịnh Xuân Thanh có khuyết điểm như thế, người dân rõ ràng muốn xem trách nhiệm thuộc ai. Việc này phải sớm kết luận đi, đừng để kéo dài mãi. Mà việc làm rõ, theo tôi cũng dễ thôi, gốc rễ của nó là mấy ông lãnh đạo, người phụ trách có quyền trong lĩnh vực đó thôi chứ chẳng đi đâu cả. Đó là một việc cụ thể tiêu biểu cần làm đi, việc thiết thực nhất.
- Những phân tích của ông về việc cần thiết làm rõ ngay trách nhiệm người lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực trong những vụ việc cụ thể dường như rất "khớp" mới một điểm hạn chế khiến công tác chỉnh đốn Đảng thời gian qua chưa thực sự hiệu quả mà TƯ Đảng đã nhận định trong Nghị quyết là "việc xử lý cán bộ sai phạm vẫn nhẹ trên, nặng dưới"?
- Như vậy có thể thấy những nhận định chung của chúng ta cũng trùng nhau thôi. Đúng là mình đấu tranh vẫn "lệch địa chỉ", mới đi vào những cấp dưới một chút hoặc mới chỉ làm nghiêm ở cơ sở mà chưa trúng vào chỗ những người có trách nhiệm lớn.
- Ông đã nhấn mạnh yêu cầu hành động để lấy lại niềm tin của người dân. Nghị quyết TƯ 4 cũng đề cập một giải pháp là tăng cường giám sát người dân, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng. Là một lãnh đạo Uỷ banTƯ MTTQ Việt Nam trong thời kỳ dài trước đây, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi là người mong nhất việc đó, nói sớm nhất, góp ý nhiều nhất về vấn đề đó. Một vấn đề tồn tại tôi thấy là "vế" nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến thời gian qua còn rất hạn chế. Hạn chế không phải vì nhân dân không biết mà là vì các cơ quan chưa chịu lắng nghe, chưa chịu tiếp cận về những vấn đề nhân dân phát hiện để giải quyết. Hệ thống giám sát vẫn mới chỉ dựa vào các cơ quan thanh tra, kiểm tra chứ không lấy những ý kiến thực chất từ nhân dân.
Mà nhân dân là ai, tôi cho chính là Mặt trận Tổ quốc, là các tổ chức chính trị xã hội, là công đoàn của cơ quan đơn vị, mọi chuyện ai cũng biết cả nhưng có nói được đâu. Tôi suy nghĩ mãi khi cả Đại hội thi đua yêu nước, tổng kết hoạt động 5 năm qua mà không có gương dũng sỹ nào trong việc đấu tranh diệt nội xâm được ghi nhận. Thời chống Mỹ ta có nhiều dũng sỹ lắm mà sao giờ chỉ mới những người tích cực lao động được biểu dương? Mà chuyện toàn dân quan tâm nhất là chống tham nhũng thì không thấy nêu được gương, ghi nhận?
Ngược lại, cũng chưa có đánh giá một cấp uỷ Đảng nào có thành tích trong việc quản lý, lãnh đạo để chống tham nhũng, chưa đánh giá được một tổ chức chính quyền nào làm tốt công tác này.
Vậy nên tôi rất quan tâm "vế" nhân dân, Mặt trận hay các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát cán bộ, Đảng viên. Công cụ này chưa phát huy tác dụng chính là do chính quyền chưa dựa vào các lực lượng xã hội này, chưa mạnh dạn giao anh em làm việc này.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Định nghĩa lại lương tối thiểu Việc thay đổi định nghĩa về lương tối thiểu là hợp lý nhưng quan trọng hơn là cần xác định mức sống tối thiểu của người lao động đang ở đâu. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2012, dự...