Chính phủ Ethiopia đàm phán hòa bình với phiến quân OLA
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 24/4, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed xác nhận chính phủ của ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân Quân đội Giải phóng Oromo (OLA), dự kiến bắt đầu diễn ra vào ngày 25/4 tại Tanzania.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Addis Ababa. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Ethiopia xác nhận sẽ tham gia đàm phán hòa bình với phiến quân OLA, vốn chống lại các lực lượng chính phủ trong nhiều năm qua ở các vùng khác nhau ở Oromia, khu vực lớn nhất của đất nước.
Cũng trong ngày 24/4, OLA đã đưa ra tuyên bố xác nhận sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ, với sự có mặt của “bên hòa giải thứ ba độc lập”. OLA hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ mở đường cho một bước tích cực nhằm mang lại hòa bình cho khu vực Oromia.
OLA là một nhánh nhỏ thuộc nhóm phiến quân trước đây là Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF), một đảng chính trị đối lập tuyên bố vận động cho quyền của người dân tộc Oromo, chiếm khoảng 35% dân số Ethiopia. Với khoảng 3.000 chiến binh, lực lượng này hoạt động chủ yếu ở phía Tây và phía Nam của vùng Oromia, vùng đất của người Oromo.
Vào tháng 5/2021, Quốc hội Ethiopia đã đưa OLA vào danh sách các nhóm khủng bố.
Chính phủ Ethiopia đàm phán với nhóm vũ trang Oromo
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed ngày 28/3 cho biết chính quyền đang nỗ lực đàm phán với nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Oromo (OLA) hoạt động chủ yếu ở khu vực Oromia.
Binh sĩ tuần tra tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước các nghị sĩ Ethiopia, ông Ahmed khẳng định chính phủ rất quan tâm đến việc giải quyết xung đột với OLA bằng các biện pháp hòa bình. Bằng chứng là chính quyền đã thành lập một ủy ban được giao nhiệm vụ lãnh đạo tiến trình hòa bình và ông cũng bày tỏ hy vọng người dân Ethiopia sẽ ủng hộ lộ trình này.
Theo người đứng đầu Chính phủ Ethiopia, cho tới nay đã có nhiều nỗ lực từ chính phủ nhằm liên hệ đàm phán với OLA. Vấn đề hiện nay là các bên chưa thể thống nhất được ý kiến, lập trường và ủy ban phụ trách đàm phán đang nỗ lực nhằm tháo gỡ những vướng mắc này. Trong khi đó, người phát ngôn của OLA Odaa Tarbii xác nhận rằng "có những dấu hiệu tích cực" trong các cuộc đàm phán và nhóm này đã sẵn sàng đối thoại, nhưng "cần có một bên trung gian quốc tế thứ ba" để đảm bảo sự thành công cho thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Ethiopia đã liệt OLA là một nhóm khủng bố với cáo buộc tổ chức này thực hiện các vụ giết người hàng loạt chống lại các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Amhara ở vùng Oromia. Các cuộc đàm phán với OLA diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Ethiopia đang nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình và giải quyết cuộc xung đột ở khu vực phía Bắc nước này.
Tuần trước, Ethiopia cũng đã đưa lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray ra khỏi danh sách khủng bố 5 tháng sau khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở các vùng phía Bắc.
Trung Quốc ngỏ ý tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình Israel - Palestine Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẵn sàng sàng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israeli và Palestine. Cảnh sát Israel tuần tra tại khu vực đền thờ Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem ngày 5/4. Ảnh: AFP/TTXVN Trong các cuộc điện đàm riêng biệt với người đồng cấp...