Chính phủ đồng ý 19 tỉnh thành áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16
Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn.
Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý trong Nghị quyết số 78 về phiên họp chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ vừa ban hành.
Lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ đặt tại TP.HCM
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng.
Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16. Đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương.
Chính phủ khẳng định rõ mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
“Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”, Nghị quyết nêu rõ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.
Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu.
Bộ Y tế chủ trì, cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp… dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở lưu thông hàng hóa
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thống nhất quan điểm chỉ đạo: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch.
Đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết…
Video đang HOT
Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%. Việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác
Tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại TP.HCM với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác; bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội…
“Các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ”, Chính phủ lưu ý.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc, tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin để mua được nhiều nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Sẵn sàng huy động khách sạn làm nơi cách ly khi dịch bùng phát
Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (19 tỉnh thành) phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Các địa phương này chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố…; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.
Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Huy động cả hệ thống chính trị tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 16…
Các tỉnh thành, chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác… Trên cơ sở đó sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát. Làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến”.
Bên trong bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 lớn nhất TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Chính phủ thống nhất phân công trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế, chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng, chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế nhất là oxy, máy thở.
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc kịp thời mua sắm đủ thiết bị bảo hộ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, trong đó có tỷ lệ mua sắm dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch cao hơn; có văn bản hướng dẫn ban hành theo thủ tục rút gọn; có hướng dẫn bằng văn bản việc thực hiện rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
Đồng thời, khẩn trương, kịp thời có hướng dẫn phân loại các trường hợp F0, F1, F2 để có biện pháp quản lý phù hợp, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả…
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc; giám sát, đánh giá tình hình, kết quả triển khai để liên tục hoàn thiện các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung.
Các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính (hoặc qua hình thức lưu động) cho người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng, chống dịch.
Qua đó để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng…
Thị trường hàng hoá ổn định, vận chuyển lưu thông được cải thiện
Thông tin nhanh từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho biết, tính đến trưa ngày 17/7, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đã được cải thiện, nguồn hàng cung ứng ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên trong siêu thị Co.opXtra thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hàng hóa đầy ắp trên quầy kệ. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh, theo Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 ngày sức mua hàng tăng cao do tin đồn phong tỏa toàn thành phố, từ trưa ngày 16/7, lượng người đến siêu thị mua sắm giảm mạnh. Ngày 17/7, lượng khách hàng thưa thớt, các siêu thị không còn phát phiếu hẹn giờ vào siêu thị.
Theo ghi nhận, các siêu thị, hệ thống bán lẻ đều thực hiện nghiêm quy tắc phòng, chống dịch 5K. Nguồn hàng được bổ sung liên tục, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, trong chiều 16/7, có vài khu vực hết rau xanh cục bộ, nguyên nhân là do trước đó, trong ngày 14 và 15/7, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ nên nhiều siêu thị, cửa hàng chưa kịp bổ sung nguồn hàng.
Trong ngày 17/7, một số chợ truyền thống đã mở quầy bán rau, củ, quả... mặc dù TP Hồ Chí Minh chưa chính thức cho mở cửa. Thông tin từ Sở Công Thương Thành phố cũng cho biết, đơn vị này đang vận động nhiều doanh nghiệp tham gia mở nhiều điểm bán lẻ thực phẩm tươi sống và thí điểm 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cho phép một số hộ mở lại mua bán rau, củ, quả, thịt.
Đáng chú ý, trong ngày, việc vận chuyển thực phẩm tươi sống vào TP Hồ Chí Minh được thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện, giá một số mặt hàng thiết yếu như trứng gà, trứng vịt... bán bên ngoài siêu thị có giá khá cao, từ 35.000-45.000 đồng/10 trứng, cá biệt có một số người lén lút bán 55.000 đồng/10 trứng gà.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngay trong chiều 16/7, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng giá nhiều mặt hàng trong dịch COVID-19 các Đội Quản lý thị trường của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã lập tức tiến hành kiểm tra và làm việc với 75/641 cửa hàng tại các địa bàn quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định.
Trong những ngày tới, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng khó khăn tăng giá, trục lợi, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên nắm bắt, kiểm tra kịp thời để phát hiện những hành vi vi phạm, nhất là với những mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng bà con tiêu dùng hàng ngày như rau củ quả, thịt, cá trứng...
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân, siêu thị phản ánh khi có tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán hoặc tăng giá bất hợp lý. Các Đội Quản lý thị trường sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra trong những ngày tiếp theo.
Tại tỉnh Phú Yên, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, một số chợ truyền thống còn hoạt động... nhìn chung ổn định, cung ứng đủ nhu cầu người dân.
Tại tỉnh Ninh Thuận, sau khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sức mua tăng mạnh, đến nay lượng hàng hoá tại siêu thị và chợ được cung ứng đầy đủ, giá có tăng nhẹ.
Hàng hoá qua địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, các xe vận chuyển hàng hoá chỉ cần có Tờ khai lịch trình di chuyển gửi mail đến Sở Giao thông vận tải và lái xe có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 có thời hạn trong vòng 72 giờ xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch, thực hiện 5K.
Thực phẩm thiết yếu từ các nhà máy sản xuất về tỉnh hiện có chậm hơn trước do diễn biến dịch phức tạp tại các địa phương và việc vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh đang gặp khó khan về thủ tục kiểm soát dịch bệnh.
Tại tỉnh Bình Thuận, sức mua hàng hóa của người dân vẫn còn cao nhưng đã giảm so với hôm qua. Giá các mặt hàng thịt heo, thịt bò, trứng và các loại rau củ quả không tăng so với ngày 16/7/2021 nhưng có tăng so với ngày 1/7/2021 (mặt hàng trứng tăng từ 40-50%, rau củ quả tăng từ 20-30%...); các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cũng như tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, hàng hóa thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm đa dạng, dồi dào, bảo đảm đủ cung ứng cho người dân.
Riêng đối với mặt hàng trứng gà, trứng vịt tại địa bàn thị xã La Gi, hiện nay lượng hàng cung cấp cho nhu cầu của nhân dân còn ít, một số nơi không còn mặt hàng này do chỉ còn 04 chợ hoạt động (chợ Tân Hải, chợ Tân Phước, chợ Tân Tiến, chợ Tân An hoạt động 1 phần), các chợ còn lại đã bị phong tỏa tạm thời.
Tại tỉnh Đồng Nai, tình hình cung ứng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... dồi dào, ổn định. Sức mua của người dân đã giảm hơn so với các ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên do các chợ truyền thống vẫn đang tạm dừng nên lượng người đến mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn còn đông, hàng hóa đa dạng, giá các loại lương thực, thực phẩm ổn định.
Cùng với đó, tại tỉnh Bình Phước, hàng hoá tại siêu thị, chợ truyền thống đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Mặt hàng lương thực thực phẩm tăng giá khoảng 7%-52% so với đầu tháng.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố khác, do lo ngại tình hình dịch COVID-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu. Tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra các mặt hàng bày bán trong Bách Hóa Xanh sau khi nhận được phản ánh, hệ thống siêu thị này tăng giá bán trong dịch COVID-19.
Điển hình, từ ngày 8/7 đến nay, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã kiểm tra, xử phạt 21 vụ, số tiền là gần 16 triệu đồng về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán.
Tương tự, tại Cục Quản lý thị trường Tiền Giang, từ ngày 1/6/2021 đến nay Cục kiểm tra đột xuất 41 vụ, thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phía Nam đều công khai đường dây nóng của Đội trưởng, Lãnh đạo Cục/Văn phòng Cục Quản lý thị trường để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và phòng chống COVID-19.
TP Hồ Chí Minh: Siêu thị hết hàng cục bộ là do có tình trạng đầu cơ, tích trữ Theo đại diện các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, hiện lượng khách đến mua hàng tại các siêu thị đã giảm hơn so với hai ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, một số cửa hàng tiện lợi vẫn hết hàng cục bộ do xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Sức mua trứng gà...