Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan đối mặt với nhiều thách thức
Liên hợp quốc yêu cầu Nam Sudan cần khẩn trương thực hiện các nội dung của thỏa thuận hòa bình 2018, nổi bật trong đó là các cam kết về an ninh.
Ông Riek Machar (thứ 2, phải), lãnh đạo lực lượng phiến quân, tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan tại Juba ngày 22/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 4/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Nam Sudan David Shearer cho biết Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan đang phải đối mặt với một loạt thách thức.
Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ chính là phép thử quan trọng để đánh giá nỗ lực và sự thống nhất của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Shearer đã yêu cầu Nam Sudan cần khẩn trương thực hiện các nội dung của thỏa thuận hòa bình 2018, nổi bật trong đó là các cam kết về an ninh.
Ông cho rằng, chính phủ đoàn kết có thể thúc đẩy những thay đổi tích cực, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho những người phải rời bỏ nhà cửa sang các địa phương khác trong nước để lánh nạn về nhà và hồi hương người tị nạn.
Sau khi thỏa thuận hòa bình 2018 được ký kết giữa Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar, khoảng 800.000 người dân lánh nạn trong nước đã quay trở về nhà.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Kiir vẫn tiếp tục đề nghị những người dân đang sống trong các trại tập trung trong cả nước và tị nạn ở các nước láng giềng nhanh chóng hồi hương.
Ông cũng yêu cầu cần phải đảm bảo sự an toàn cho các khu vực tái định cư để người dân yên tâm trở về.
Mặc dù Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, song đặc phái viên Liên hợp quốc vẫn đánh giá cao các nhà lãnh đạo Nam Sudan trong thời gian qua khi thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình.
Ông Shearer bày tỏ hy vọng thời gian tới nhiều chính sách tiến bộ sẽ tiếp tục được chính quyền Nam Sudan thực hiện.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ cũng như tạo áp lực nhất định để thúc đẩy và duy trì nỗ lực của chính phủ đoàn kết trong tiến trình tái thiết đất nước.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan được thành lập vào ngày 22/2 vừa qua, theo thoả thuận hoà bình được ký kết tháng 9/2018 giữa Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar.
Ông Machar cũng đồng thời tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của đất nước.
Các bên liên quan tại Nam Sudan đang đàm phán về việc phân bổ các chức bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp. Giai đoạn chuyển tiếp ở Nam Sudan sẽ kéo dài trong 3 năm, và kết thúc bằng tổng tuyển cử trong cả nước./.
Theo Quang Trường (TTXVN/Vietnam )
Việt Nam kêu gọi HĐBA đánh giá lại cơ chế trừng phạt Nam Sudan
Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan, cho rằng nếu giữ vững quyết tâm chính trị này, các lãnh đạo Nam Sudan có thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Ngày 4/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp nghe báo cáo về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại nước này (UNMISS).
Tại cuộc họp diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm người đứng đầu UNMISS, ông David Shearer và Điều phối viên Diễn đàn phụ nữ về tiến trình hòa bình và chính trị ở Nam Sudan (WMF), bà Betty Sunday đã báo cáo tình hình, theo đó đánh giá tình hình tại Nam Sudan có nhiều tiến triển tích cực, đặc biệt là việc quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp ngày 22/2 và giảm số lượng các bang từ 32 xuống còn 10 như trước năm 2015.
Các báo cáo viên cho rằng điều này thể hiện sự thỏa hiệp, cam kết chính trị và quyết tâm hành động vì lợi ích đất nước của các nhà lãnh đạo Nam Sudan.
Tuy nhiên, chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan cũng đang đối mặt với một loạt thách thức và đây sẽ là "liều thuốc thử" để đánh giá nỗ lực cũng như sự thống nhất của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp.
Những khó khăn bao gồm xung đột và bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hàng triệu người mất nơi cư trú và khoảng 7,5 triệu người cần được nhận hỗ trợ nhân đạo.
Ông David Shearer khẳng định UNMISS sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tại Nam Sudan theo đúng sứ mệnh do tình hình còn phức tạp và Các cơ quan liên chính phủ và phát triển (IGAD), cũng như các bên liên quan ở Nam Sudan, vẫn cần được hỗ trợ trong triển khai Thỏa thuận Hòa bình 2018.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ ủng hộ việc triển khai đầy đủ Thỏa thuận Hòa bình, hoan nghênh quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Các nước đặc biệt quan tâm và ủng hộ việc cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho Nam Sudan.
Nhiều nước đề nghị trong thời gian tới, Nam Sudan cần chú trọng thực thi công lý trong giai đoạn chuyển tiếp, đẩy mạnh chống tham nhũng và xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, bảo đảm các quyền tự do và sự tham gia của các thành phần xã hội trong quá trình tái thiết đất nước, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ.
Các nước đánh giá cao vai trò của UNMISS và ủng hộ phái bộ tiếp tục hoạt động tại Nam Sudan.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan, cho rằng nếu giữ vững quyết tâm chính trị này, các lãnh đạo Nam Sudan có thể giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng.
Đại sứ đánh giá cao hoạt động của UNMISS, trong đó có đóng góp của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Đại sứ kêu gọi Hội đồng Bảo an có đánh giá lại về cơ chế trừng phạt Nam Sudan.
Chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan được thành lập ngày 22/2/2020 với việc Tổng thống Salva Kiir tiếp tục tại vị, trong khi lãnh đạo phe đối lập Riek Marchar được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống thứ nhất.
Hiện các lãnh đạo Nam Sudan đang tiếp tục thảo luận, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để vận hành chính phủ chuyển tiếp./.
Theo Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam )
LNA khiến Thổ choáng váng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vừa gây bất ngờ lớn khi tuyên bố bắn hạ tới 6 chiếc máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Chưa bao giờ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại chịu thiệt hại nặng nề đến thế kể từ khi hoạt động ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Libya, một...