Chính phủ đặt an toàn tính mạng người dân lên trên hết
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My về vấn đề an toàn đối với công trình đập thủy điện Sông Tranh 2.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My
Ngày 30/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.
Đập an toàn nhưng người dân vẫn hoang mang
Buổi tiếp xúc cử tri diễn ra trong lúc người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) vẫn chưa hết lo lắng do dư chấn động đất liên tiếp xảy ra.
Ngoài đông đảo cử tri các xã khu vực thủy điện Sông Tranh 2, buổi tiếp xúc còn có đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Công thương, KH-CN, TN-MT, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các sở ngành của địa phương.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã báo cáo đến cử tri huyện Bắc Trà My về tình hình kinh tế xã hội của cả nước 9 tháng, những nội dung chính của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vào cuối tháng 10 tới.
Ông Thanh cũng báo cáo đến toàn thể cử tri các xã xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 kết luận của các nhà khoa học về việc chống thấm thủy điện này, kết quả giám sát về sự an toàn của công trình này và tình hình động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây làm cho người dân lo lắng.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng thông báo cho cử tri trong huyện Bắc Trà My về việc Chính phủ đã chỉ đạo không cho phép tích nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa mưa bão năm nay.
Ngay sau phần trình bày của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đại diện lãnh đạo huyện Bắc Trà My, các xã xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 bị ảnh hưởng bởi những trận động đất vừa qua bày tỏ những lo lắng, bức xúc của mình đối với công trình này.
Chủ tịch huyện Bắc Trà My – ông Đặng Phong nêu những bức xúc của cử tri trong huyện
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Đặng Phong cho rằng việc Chính phủ chưa cho tích nước ở thủy điện Sông Tranh 2 làm cho bà con cử tri trong huyện “đặc biệt hoan nghênh” vì người dân rất lo lắng trong mùa mưa bão sắp đến.
Ông Phong cũng cho biết đến nay theo thống kê của UBND huyện, đã có hơn 250 nhà người dân, gần 10 công trình công cộng trên địa bàn đã bị hư hỏng sau những trận động đất vừa qua khiến cho người dân rất lo lắng, công việc dạy và học, sản xuất kinh doanh bị đình trệ…
Chủ tịch huyện Bắc Trà My cũng cho rằng khi mùa lũ đến, mực nước trong hồ sẽ lên đến cao trình 161 mét mới xả tràn tự nhiên, lúc này khối lượng nước trong hồ lên đến khoảng 480 triệu mét khối. Đây chính là vấn đề người dân lo lắng. Do đó, ông đề nghị các cấp ngành chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra về tình hình động đất trên địa bàn trong tương lai ảnh hưởng đến vấn đề tích nước trong hồ như thế nào rồi thông báo để người dân biết.
Ngoài ra, Chủ tịch huyện Bắc Trà My cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư chú ý đến vấn đề TĐC vì đến nay đã 5 năm giải tỏa di dời nhưng công tác TĐC vẫn chưa ổn định cuộc sống, nhất là trong thời gian qua xảy ra nhiều trận động đất thì người dân lại rời nhà TĐC vì hư hỏng và lo sợ có thể đe dọa đến tính mạng.
Đại diện cử tri, ông Huỳnh Tấn Sâm (người dân tộc Co, cử tri thị trấn Bắc Trà My, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My) cho rằng người dân huyện trong tình trạng hoang mang sợ hãi trước tình hình động đất ở Sông Tranh 2, nhất là một số nhà TĐC bị nứt, một số hộ dân muốn bán nhà đi nơi khác để sinh sống học sinh và cô giáo dạy và học không yên tâm…
Video đang HOT
Ông Huỳnh Tấn Sâm, đại diện cử tri lão thành cách mạng
Ông cũng thẳng thắn cho rằng sự giải thích của các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ thiếu thống nhất về động đất liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 càng làm cho người dân thêm bất an. “Chính phủ không cho tích nước nhưng ở mực nước chết người dân vẫn rất lo”, ông Sâm nói.
Ông Đinh Mươk (người dân tộc Xê Đăng, nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam) cho rằng, đối với tình hình động đất ở huyện Bắc Trà My, quan trọng nhất là thông tin thống nhất và ổn định tư tưởng cho người dân. Hiện nay, có quá nhiều thông tin chưa thống nhất về tình hình động đất làm cho người dân càng thêm hoang mang. “Có người hỏi tôi vài ngày nữa có xảy ra tận thế không? Tôi không biết trả lời như thế nào”, ông Mươk nói.
Chủ tịch xã Trà Bui – ông Hồ Văn Tiến – đại diện lãnh đạo các xã
Chủ tịch UBND các xã Trà Đốc, Trà Bui thay mặt bà con trong xã nêu rõ thực trạng nhà cửa, công trình hạ tầng khu TĐC xuống cấp, lại phải chịu thêm ảnh hưởng động đất, vì vậy đề nghị chủ đầu tư phải có trách nhiệm với bà con để họ sửa chữa nhà cửa.
Bà Châu Thị Liên, đại diện cử tri thị trấn Bắc Trà My
“Đề nghị chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đền bù thiệt hại cho người dân chứ không phải “hỗ trợ”. Hiện nay, người dân bỏ nhà TĐC vào rừng đốn cây về làm nhà tạm để ở dẫn đến rừng phòng hộ bị phá”, Chủ tịch Trà Bui – ông Hồ Văn Tiến bức xúc.
Chủ tịch EVN nhận trách nhiệm với người dân
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam – khẳng định với cử tri huyện Bắc Trà My là những trận động đất vừa qua không ảnh hưởng đến an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Hiện nay đập vẫn an toàn.
Chủ tịch EVN – ông Hoàng Quốc Vượng nhận trách nhiệm với người dân Bắc Trà My
Ngoài ra, đại diện Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) – ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng ông Nguyễn Thanh Nghị – Thứ Trưởng Bộ Xây dựng ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch EVN và lãnh đạo các bộ ngành liên quan đều khẳng định với bà con cử tri huyện Bắc Trà My là đập thủy điện Sông Tranh 2 sau khi xử lý chống thấm đã đạt kết quả tốt, động đất không vượt quá chấn động cực đại 5,5 độ richter như thiết kế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra đập Sông Tranh 2
Các nhà khoa học, nhà quản lý khuyến cáo bà con nên yên tâm tin tưởng vào các nghiên cứu kết luận của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình động đất và an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đặc biệt, đại diện EVN – ông Hoàng Quốc Vượng – cho rằng với những thông tin trái chiều như vừa qua nhưng người dân trên địa bàn vẫn sống và sản xuất làm ông đánh giá cao.
“Chúng tôi chia sẻ những lo lắng của bà con và nhận trách nhiệm trước những xáo trộn về sản xuất, đời sống của người dân”, Chủ tịch EVN nói với cử tri huyện Bắc Trà My.
Chủ tịch EVN cũng cho rằng, EVN sẽ phối hợp với chính quyền các cấp, thường xuyên kiểm tra theo dõi tại địa bàn để phát hiện những sự cố nếu có để xử lý kịp thời. Ông cũng cam kết phối hợp với tỉnh Quảng Nam thường xuyên kiểm tra, nếu có thiệt hại thì hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Đây là máy đo gia tốc nền của đập thủy điện Sông Tranh 2
Phát biểu với cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những lo lắng, bất an của bà con Bắc Trà My trong thời gian qua do động đất kích thích ở khu vực này. Về vấn đề an toàn thủy điện Sông Tranh 2 và động đất ở khu vực huyện Bắc Trà My, Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội, Chính phủ sẽ thực hiện hết trách nhiệm của mình để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản của người dân.
Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bô ngành Trung ương và địa phương thị sát trong thân đập Sông Tranh 2
“Chính phủ đặt an toàn tính mạng, tài sản của người dân lên trên hết, nếu không an toàn thì không tích nước và không phát điện”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với bà con.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh cần có phương án phòng chống bão lụt cụ thể, kể cả phương án trong trường hợp xấu nhất. EVN chỉ đạo BQL dự án thủy điện 3 hỗ trợ cho người dân, trước hết là đối với 250 nhà dân, 10 công trình công cộng. Bên cạnh đó, báo chí và nhà khoa học cùng nhau một ý kiến để người dân yên tâm.
Theo Dantri
"Báo cáo về động đất": Cẩu thả và liều!
Trong khi những trận động đất tại Bắc Trà My vẫn tiếp diễn thì dư luận lại không khỏi ngỡ ngàng về "Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2" của EVN. Báo cáo khẳng định, thủy điện Sông Tranh 2 "Không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước".
Báo cáo sơ sài
Bản "Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2" của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành vào tháng 12/2006, dày gần 200 trang, do nguyên Phó Tổng Giám đốc EVN là ông Trần Văn Được ký duyệt.
Toàn cảnh bờ đập thủy điện Sông Tranh 2
Trước khi xây thủy điện Sông Tranh 2, báo cáo này đã được gửi đến các bộ ngành, địa phương liên quan để theo dõi.
Tuy nhiên, sau hàng loạt trận động đất xảy ra tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, bản báo cáo này đã bị các nhà khoa học, chuyện gia "mổ xẻ" vì sự sơ sài và cầu thả thậm chí có người còn nghi ngờ, bản báo cáo này có sự sao chép từ những báo cáo trước đó.
Sự sơ sài của báo cáo thể hiện ở mục IV.2.1.5 "Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án" chỉ dài khoảng 20 dòng.
Theo báo cáo này, thủy điện Sông Tranh 2: "Không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường". Cơ sở để báo cáo khẳng định "không có động đất kích thích" chỉ dựa vào công trình "Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện" năm 2002 của tác giả Lê Trần Chấn (Viện Địa lý).
Trong khi kết luận về những trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu lại cho đó là "động đất kích thích".
Trên báo Lao Động, ông Dương Chí Công - GĐ Sở TN - MT Quảng Nam, cho biết: "Cái sai trong báo cáo này là chủ đầu tư đánh giá, nhận định sai khi cho rằng tích nước hồ chứa không gây động đất kích thích. Đáng nói là cái sai chồng lên cái sai, sau khi xảy ra động đất liên tục, chủ đầu tư vẫn không quan tâm nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề trong báo cáo, cũng không chịu nhận sai để nghiên cứu lại toàn diện".
Sự sao chép cẩu thả?
Điều đáng nói là "Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2" của EVN có những đánh giá và nhận định về động đất, động đất kích thích khá giống với 2 báo cáo tác động môi trường của thủy điện A Vương 1 và Đakmi 4 (tỉnh Quảng Nam).
Trên báo Tiền Phong, ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam cho rằng: Đó là tính toán của các nhà khoa học và cần người có chuyên môn xem xét, đánh giá lại các báo cáo. Tuy nhiên, ông Công cũng tỏ ra nghi ngờ có sự sao chép ở bản báo cáo này.
Ngoài ra, trong phần đánh giá động đất kích thích của bản "Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2", EVN đã có sự "tham khảo" từ báo cáo của chuyên gia... địa lý sinh vật.
Trong bản báo cáo gây nhiều tranh cãi này, cơ sở để khẳng định "không có động đất kích thích tại Sông Tranh 2", báo cáo đã dựa vào công trình "Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện" năm 2002 của tác giả Lê Trần Chấn (Viện Địa lý).
Tuy nhiên, trả lời báo Dân Việt, tác giả Lê Trần Chấn, một nhà địa lý sinh vật, chuyên nghiên cứu về đa dạng sinh học, khẳng định ông không phải là một chuyên gia về động đất và ông cũng không biết đánh giá của mình được EVN đưa vào báo cáo.
"EVN liều thật. Họ đã hợp pháp hóa tài liệu của hội thảo thành nghiên cứu khoa học về động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2). Thậm chí họ liều đến mức còn "bịa" rằng trong báo cáo phân tích... của tôi đánh giá về TĐST2", ông Chấn cũng chia sẻ trên báo Lao động
Thêm vào đó, EVN còn lấy lại kết quả báo cáo đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 do Viện Vật lý Địa cầu khảo sát trong tháng 8/2005.
Cụ thể, chấn động cực đại có thể xảy ra ở khu vực công trình là 5,5 độ Richter và gia tốc cực đại là 150 m/s2. Chấn động này là do động đất kiến tạo phát sinh trên đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và Trà Bồng gây ra.
Thế nhưng, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) lại cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM: Trong năm 2003 và 2005, Viện Vật lý Địa cầu có báo cáo tiền khả thi độ nguy hiểm động đất đối với khu vực Sông Tranh 2.
Trong các báo cáo không đề cập gì đến động đất kích thích cũng như kiến tạo phát sinh mà chỉ nói độ rung động cực đại áp vào thân đập trong bối cảnh nghiên cứu tại thời điểm đó là bao nhiêu.
Liên quan tới một số thông tin nghi ngờ về chất lượng "Báo cáo tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2", chiều 27/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ giao cho các cơ quan chức năng xem xét.
"Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng xem xét vì các cơ quan tư vấn hoạt động theo quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc họ làm", ông Đam khẳng định.
Theo Dantri
Đánh giá về động đất ở Sông Tranh 2: Sai chồng lên sai Hiện tượng" Sông Tranh đã trở thành điểm nóng không chỉ trên phương tiện thông tin, mà còn thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Có nhà khoa học đã trực tiếp khảo sát, nhưng có những ý kiến lại chỉ dựa trên hiện tượng xảy ra... khiến người dân Bắc Trà My hoài nghi về những lời trấn an về...