Chính phủ Colombia và ELN kết thúc vòng đàm phán hòa bình đầu tiên
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 12/12, chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên tại Venezuela với một số cam kết nhất định, đồng thời thông báo sẽ tiếp tục tiến trình đối thoại vào đầu năm 2023 tại Mexico sau khi nước này chấp thuận lời mời tham gia với tư cách là một bên trong nhóm các nước bảo lãnh.
Các thành viên phái đoàn Chính phủ Colombia (phải) và nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN – trái) tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán hòa bình ở Caracas, Venezuela, ngày 21/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông cáo chung vừa được công bố, chính phủ Colombia và ELN đã đạt được thỏa thuận trong 4 điểm, trong đó cùng thừa nhận về “tính nghiêm trọng của tình hình bạo lực”, ký thỏa thuận một phần về việc xử lý các tình huống khẩn cấp từ năm 2023 tại các tỉnh Choco và Valle del Cauca.
Trưởng đoàn đàm phán của ELN Pablo Beltran cho biết hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để có thể nối lại tiến trình đối thoại ngay trong quí 1/2023 với mục tiêu là đạt được thỏa thuận ngừng bắn song phương. Hai bên cũng nhất trí sẽ mời thêm một số nước như Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha tham gia với tư cách là các đối tác đồng hành, đồng thời gửi công hàm ngoại giao chính thức tới chính phủ Mỹ để nước này cử một đặc phái viên tham gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Iván Velásquez thừa nhận các hoạt động vũ trang của ELN đã giảm đáng kể từ khi tiến trình đối thoại được nối lại.
ELN là một trong hai nhóm du kích vũ trang lâu đời nhất tại Colombia. Hiện nay nhóm này chỉ còn khoảng 2.400 tay súng nhưng vẫn hoạt động và có ảnh hưởng tại các vùng nông thôn rừng núi của quốc gia Nam Mỹ này. Hồi năm 2016, một nhóm du kích khác là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos để giải giáp và sau đó đã trở thành một đảng chính trị.
Số người di cư qua rừng rậm Darien vượt kỉ lục năm 2021
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ, giới chức Panama mới đây cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 134.178 người di cư vượt rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa nước này và Colombia, vượt mức kỉ lục ghi nhận năm 2021.
Người di cư Haiti băng qua rừng rậm Darien gần Acandi thuộc tỉnh Choco (Colombia) để sang Panama ngày 26/9/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Bộ An ninh Công cộng Panama cho hay trong số những người này có cả phụ nữ mang thai, gia đình có con nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Khi đến lãnh thổ Panama, những người này bị "mất nước, chân đầy vết lở loét" cùng thương tích trên khắp cơ thể trong hành trình tìm kiếm "giấc mơ Mỹ" đầy rủi ro.
Từ nhiều năm nay, hàng trăm nghìn người di cư đã trung chuyển qua tỉnh Darien và vùng lân cân Guna Yala, ở Panama trên đường đến Bắc Mỹ, bất chấp thiên nhiên hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và các loại tội phạm như buôn người, cướp bóc, tống tiền và lạm dụng tình dục. Mới đây nhất, đầu tuần này nhà chức trách Panama ghi nhận một trẻ em đã thiệt mạng và hai người lớn bị thương trong một vụ cướp xảy ra trong rừng Darien.
Trước dòng người di cư ngày càng gia tăng, Bộ An ninh Công cộng Panama đã tăng cường an ninh và hỗ trợ nhân đạo ở các cộng đồng biên giới Canaán Membrillo và Bajo Chiquito. Tại đây có các trung tâm tiếp nhận người di cư, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu và lương thực thực phẩm.
Theo số liệu chính thức, năm ngoái đã có 133.726 người di cư vượt rừng rậm Darien để đến Mỹ, một con số kỉ lục buộc chính phủ Panama, Colombia và các nước khác trong khu vực phải bắt tay cùng đối phó với cuộc khủng hoảng di cư ngày một trầm trọng.
Lợi ích của Venezuela và Colombia khi khôi phục quan hệ ngoại giao Cả Venezuela và Colombia đều có lợi khi hàn gắn quan hệ song phương sau 3 năm bị đóng băng. Venezuela và Colombia nối lại quan hệ thương mại, tìm kiếm sự phát triển kinh tế. Ảnh: Venezuela.detailzero.com Theo hãng tin AFP, Venezuela và Colombia đã khôi phục lại quan hệ ngoại giao đầy đủ ngày 28/8 sau ba năm đóng băng, khi...