Chính phủ Chile thông báo sửa đổi Hiến pháp
Chính phủ Chile đã chấp nhận một trong những đòi hỏi của người biểu tình trong suốt 3 tuần qua khi ngày 10/11 thông báo chấp thuận “mở đường cho một bản Hiến pháp mới” thông qua một hội đồng soạn thảo.
Biểu tình ở Santiago, Chile vào ngày 8/11/2019. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Nội vụ Chile Gonzalo Blumel tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý mở đường cho một Hiến pháp mới. Chúng tôi tin rằng đó là một công việc mà chúng tôi phải làm để nghĩ cho đất nước mình”. Theo Bộ trưởng Blumel, Hiến pháp mới sẽ do một hội đồng lập hiến soạn thảo và sau đó sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.
Thông báo trên được ông Blumel đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Sebastian Pinera và các nhà lãnh đạo của các đảng cánh hữu và trung hữu vốn không ủng hộ thay đổi Hiến pháp thi hành từ thời chính quyền nhà lãnh đạo Pinochet giai đoạn 1973 – 1990.
Công thức tốt nhất cho sự thay đổi này là triệu tập một hội đồng lập hiến dựa trên “sự tham gia rộng rãi của người dân, sau đó sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý phê chuẩn thứ hai” – ông Blumel nói thêm tại Santiago.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do tổ chức Cadem công bố hồi đầu tháng 11 này, có tới 87% người dân Chile ủng hộ cải cách Hiến pháp.
Video đang HOT
Trả lời phỏng vấn trên tờ nhật báo El Mercurio ngày 9/11, Tổng thống Sebastian Pinera lưu ý bản Hiến pháp hiện tại, có hiệu lực từ năm 1980, đã trải qua hơn 200 thay đổi trong hơn 40 điều khoản. Trong số các thay đổi được đề xuất, đáng chú ý là “một định nghĩa tốt hơn về quyền con người và cách thực thi” các quyền này. Ông Pinera nêu rõ những sửa đổi cũng làm rõ “nghĩa vụ của nhà nước” và thiết lập “các cơ chế tham gia tốt hơn” của công dân.
Chile rơi vào tình trạng rối ren xã hội từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm, sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.
Trước tình hình đó, chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp./.
Khánh Linh (Theo AFP, Reuters)
Theo cpv.org.vn/
Chile tan hoang sau bạo lực giữa cảnh sát với người biểu tình
Bạo lực lan rộng tại nhiều thành phố lớn ở Chile sau khi chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera ban bố một loạt biện pháp siết chặt an ninh chống người biểu tình.
Tình trạng bạo lực tiếp tục xảy ra tại các thành phố ở Chile trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera không tỏ ra nhượng bộ. Hôm 8/11, cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại hàng loạt thành phố lớn. Trong ảnh, người biểu tình ném gạch đá về phía lực lượng chính phủ ở thành phố Concepcion. Ảnh: Reuters.
Hôm 7/11, chính quyền Chile ban bố sắc lệnh hành pháp mới, bổ sung hàng loạt biện pháp an ninh nhằm đối phó với tình trạng cướp phá và bạo lực. Theo đó, người biểu tình bị cấm mặc áo che đầu, đốt phá rào chắn đồng thời cho phép cảnh sát có thêm quyền tự vệ lớn hơn. Ảnh: Reuters.
Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh bạo lực đã lần đầu tiên lan đến Providencia, khu vực giàu có nhất ở thủ đô Santiago. Trong ảnh, người biểu tình che chắn trước sự trấn áp của cảnh sát ở thủ đô Santiago. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pinera cho biết sẽ thành lập nhóm truy tố đặc biệt để xét xử những kẻ phạm pháp, đồng thời cải tổ khả năng thu thập tin tức tình báo. "Chúng tôi tin rằng những biện pháp này sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng bạo vệ trật tự công cộng của lực lượng chấp pháp", Tổng thống Pinera tuyên bố. Nhà lãnh đạo Chile đã bác bỏ kêu gọi từ chức từ phía phe đối lập và người biểu tình. Ảnh: Reuters.
Tình trạng bất ổn tại Chile bùng phát từ hôm 14/10 khi người dân bắt đầu xuống đường biểu tình, phản đối tình trạng người lao động bị trả lương rẻ mạt, chất lượng hệ thống giáo dục và y tế tồi tệ, trong khi chi phí cho các dịch vụ đời sống cơ bản bị cho là cao quá khả năng chi trả của đa số người dân. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pinera sau đó đã công khai xin lỗi người dân Chile, cho biết chính phủ không lường trước được tình trạng bất ổn xã hội bùng nổ. Ông Pinera đồng thời công bố một loạt biện pháp giúp xoa dịu dư luận như tăng lương hưu và lương tối thiểu. Tuy nhiên, những nhượng bộ ban đầu của ông Pinera không làm giảm căng thẳng tại quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh: Reuters.
Chile đã tiến hành cải tổ chính phủ với việc bãi nhiệm 8 quan chức hàm bộ trưởng gồm người đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, hai lãnh đạo của Văn phòng Tổng thống, Bộ Kinh tế, Bộ Lao động, Bộ Tài nguyên quốc gia và Bộ Thể thao. Hôm 30/10, Tổng thống Pinera đã tuyên bố hủy đăng cai Hội nghị APEC và Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.
Đến nay, tình trạng bạo lực tại Chile đã khiến 20 người thiệt mạng, và hơn 2.500 người bị thương. Nhà chức trách Chile đã bắt giữ hơn 2.800 người do có hành vi quá khích và bạo lực. Các tổ chức nhân quyền cho biết nhận được báo cáo về các hành vi tra tấn và lạm dụng tình dục đối với người biểu tình nhưng chưa được kiểm chứng. Ảnh: Reuters.
Theo Zing.vn
Mỹ thảo luận với Chile về đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC 2020 Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 7/11 cho biết, chính phủ nước này và Chile đang thảo luận về việc đồng đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Mỹ vào tháng 1/2020 sau khi quốc gia Nam Mỹ từ bỏ kế hoạch tổ chức sự kiện...