Chính kiểu “bí mật” về sức khỏe lãnh đạo khiến tình hình phức tạp
Ngày 12/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về luật Tiếp cận thông tin – một luật được “thúc” nhiều lần qua 2 khóa Quốc hội. Nhiều bức xúc thực tế, từ chuyện “bí mật” thông tin sức khỏe lãnh đạo tới công khai học phí trường công, trường tư… được đưa ra phân tích.
Thư mời họp cũng đóng dấu… mật!
Thảo luận về dự án luật Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý, nếu không cụ thể hoá thì luật khó khả thi. Bởi lẽ, mục đích xây dựng luật đặt ra rất cao nhưng các quy định lại chung chung.
“Điều 20 đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân vì chỉ mới “có thể” ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì cơ quan chức năng đã từ chối cũng cấp rồi. Trong khi thực tế, tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật”, ông Huỳnh Ngọc Sơn phàn nàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chính việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, thông tin về tình hình sức khỏe lãnh đạo không có gì nhạy cảm để phải đặt vào “vùng cấm” thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ loại thông tin người dân được tiếp cận, quy định cụ thể thông tin nào là “mật” và “mật” đến khi nào. Ông Sơn nhận định, luật muốn mở quy định để người dân dễ tiếp cận nhưng quy định lại chưa rõ.
Dẫn chứng từ câu chuyện thời sự gây sốt vừa qua về tình hình sức khoẻ của lãnh đạo nhà nước, nhân sự cấp cao chỉ vì thông tin vẫn “úp mở”, coi là nhạy cảm, ông Sơn phân tích, người đi chữa bệnh, khi nào về nước thì thông tin cần cung cấp bình thường, “có gì đâu mà bí mật”.
“Chính kiểu “bí mật” của mình làm phức tạp thêm tình hình. Do đó cần rà soát hết lại, phải rõ cái nào được cung cấp và không cung cấp thì luật ra mới khả thi”, ông Sơn nêu quan điểm.
Video đang HOT
Nhìn thẳng vào thực tế là quyền tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng tinh thần Hiến pháp 2013, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.
Ông Lý lập luận: “Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng cộp dấu Mật như anh Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”.
Theo hướng này, báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật đối với dự thảo luật trình lần này nêu rõ, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được làm ảnh hưởng đến các quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, như quyền về bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh, bí mật nhà nước…
Để luật Tiếp cận thông tin có tính khả thi cao thì cần phải giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về thông tin được tiếp cận, người được quyền tiếp cận, người có trách nhiệm cung cấp thông tin, điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục để thực hiện quyền tiếp cận thông tin. trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin….
Sao học phí trường công lập phải công bố, trường tư lại không?
Đi sâu vào việc, công dân được tiếp cận những thông tin nào, các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội mổ xẻ nội dung trong dự thảo luật quy định, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là cơ quan đã tạo ra và nắm giữ thông tin trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà không có trách nhiệm cung cấp thông tin do nhận được từ cơ quan khác.
Theo Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, thì nên quy định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của dân, của cộng đồng thì phải cung cấp chứ không phải là do ai tạo ra. Ông Thi cho rằng, quy định chỉ cung cấp do cơ quan nhà nước tạo ra là hơi hẹp, nên mở rộng hơn đến những thông tin liên qian đén tài chính tài sản công, dự án, công trình và những thông tin liên quan đến lợi ích của xã hội.
Cũng theo ông Thi, nếu không xác định cụ thể thì sẽ tạo sự bất bình đẳng. “Tại sao học phí của trường công lập thì phải công bố còn tư tục thì không cung cấp mặc dù bản chất như nhau? Viện phí và các khoản tài chính của doanh nghiệp cũng vậy” – ông Thi đề nghị phải xác định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào, kể cả thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước.
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu dân muốn hỏi về quy hoạch hay cụ thể về một dịch bệnh nào đó thì đó là nhu cầu đó là có thật và luật này phải tạo cơ chế thuận lợi mang tính phục vụ thực sự để dân có quyền tiếp cận thông tin. Còn nếu đặt nặng vấn đề phải trả đủ phí mới cung cấp thì tính phục vụ có vẻ “hơi yêu yếu”.
Bà Mai cũng dẫn chứng thực tế, người dân muốn biết khu đất này quy hoạch chưa, quy hoạch đến khi nào; hay dịch bệnh có thể lan đến vùng này không… Nhu cầu đó là có thật, nên luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người ta tiếp cận và trên tinh thần phục vụ thực sự.
Có những thông tin công dân rất cần, ví dụ liên quan đến kinh doanh độc quyền nhà nước như xăng, dầu, điện thì dân có được tiếp cận hay không, cơ quan nhà nước có phải cung cấp cho công dân không thì luật không đề cập, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Đại diện cơ quan soạn thảo – Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để lần trình tới đây, quy định tại dự thảo luật sẽ cụ thể hơn.
P.Thảo
Theo Dantri
An toàn thông tin - quản lý phải chặt như với... vũ khí
Sáng 6/4, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật An toàn thông tin. Cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cùng thống nhất quan điểm, việc quản lý chặt chẽ thông tin phải áp dụng như đối với vũ khí.
Trình bày tờ trình về dự án luật An toàn thông tin, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, dự thảo luật quy định về hoạt động an toàn thông tin bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.
Đáng chú ý, dự luật quy định, việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm không được giả mạo, làm sai lệch nguồn gốc gửi thông tin; không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa có sự đồng ý, yêu cầu của người nhận.
Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng, dự luật quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các nội dung ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng còn phải thực hiện chống lại việc phát tán thông tin sai lệch nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức trong và ngoài nước hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia; ngăn chặn phát tán vũ khí thông tin cho mục đích xung đột thông tin. Quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; đảm bảo an toàn thông tin cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trình dự án luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, dự luật quy định trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập thông tin; thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến trước khi sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu khi tiến hành thu thập thông tin; không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, chủ thể thông tin cá nhân còn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đó thu thập, lưu trữ.
Dự thảo luật An toàn thông tin cũng quy định về sản xuất sản phẩm mật mã dân sự; tiêu thụ sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; an toàn, bảo mật mật mã dân sự; kiểm tra, đánh giá và giám sát mã dân sự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng (Chủ tịch Hội đồng thẩm định luật của Bộ) cho rằng, để bảo đảm dự luật phù hợp với quy định về bảo vệ bí mật cá nhân trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về quy định ngoại trừ, không phải xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân khi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức trong trường hợp để tính giá cước, lập hóa đơn, chứng từ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng, ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối với các trường hợp phải xin ý kiến của chủ thể thông tin cá nhân, đề nghị bổ sung quy định xử lý trường hợp chủ thể thông tin cá nhân không cho phép thu thập, sử dụng thông tin.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng thông tin, có ý kiến khác cho rằng, việc quy định chặt chẽ về việc lựa chọn đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự là phù hợp với điều kiện thực tế đất nước và nhằm bảo đảm được an ninh, chủ quyền của quốc gia, tránh để kẻ xấu lợi dụng mật mã để hoạt động phi pháp chống lại nhà nước.
Ông Tụng nhấn mạnh, việc quản lý phải chặt chẽ thông tin phải tương đương như quy định áp dụng đối với vũ khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, vấn đề quan trọng nhất của dự án luật này là vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh an ninh mạng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, báo chí cũng là thông tin, mạng xã hội, blog cũng là thông tin, những loại hình truyền thông này đưa thông tin tốt, an toàn, chính xác nhưng nếu bị đột nhập, lấy cắp, xuyên tạc thì trở thành không an toàn. Khi đó, các hoạt động tấn công vào người truyền tin, người nhận tin, luật phải làm rõ trách nhiệm.
Dự kiến luật An toàn thông tin sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 bắt đầu vào tháng 5 tới đây.
P.Thảo
Theo dantri
Đệ nhị phu nhân nước Mỹ thăm Văn Miếu Sáng nay, bà Jill Biden, Phu nhân Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bà Mai Thị Hạnh. Sau đó, bà Biden cũng tới thăm trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS tại Ba Vì. Bà Biden (áo trắng), cùng bà Mai Thị Hạnh (áo vàng) và Phó Chủ tịch...