Chìm tàu ở Trung Quốc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót
Trên 200 thợ lặn đang chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm hàng trăm người mất tích trong vụ chìm tàu Ngôi Sao Phương Đông chở 458 người trên sông Dương Tử, Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi mở cuộc điều tra minh bạch nguyên nhân vụ chìm tàu.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người sống sót tại khu vực chìm tàu trên sông Dương Tử, tối 2.6 – Ảnh: Reuters
Theo Tân Hoa xã sáng 3.6, lực lượng cứu hộ chỉ mới vớt được 7 thi thể, cứu sống 14 người và trên 430 người vẫn còn mất tích sau khi tàu Ngôi Sao Phương Đông chìm ở sông Dương Tử đoạn qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tối ngày 1.6.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng hình ảnh lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong suốt đêm qua đến sáng nay 3.6.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thông tin thường xuyên và cập nhật tình hình cứu hộ cũng như công tác điều tra.
Trước đó, nhiều thân nhân hành khách bức xúc vì không được thông tin đầy đủ về số phận người thân của họ trên tàu. Đa số hành khách trên tàu là người cao tuổi đặt tour của công ty du lịch Shanghai Xiehe Travel (văn phòng ở thành phố Thượng Hải).
Thuyền trưởng và kỹ sư trưởng là hai trong số ít những người được cứu sống đã bị cảnh sát tạm giữ để thẩm vấn. Họ cho biết con tàu chìm chỉ trong “trong vòng 1-2 phút” do cơn lốc xoáy bất thường. Cục thời tiết Trung Quốc xác nhận một cơn lốc xoáy bất thường xuất hiện tại khu vực con tàu đang di chuyển trên sông Dương Tử.
Video đang HOT
Khu vực tàu chìm với phần đáy tàu nổi trên mặt sông Dương Tử – Ảnh: Reuters
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy con tàu không chở quá tải, tàu có khả năng chở tối đa 534 người và đủ áo phao cho tất cả hành khách trên tàu. Tuy nhiên, hướng dẫn viên du lịch Zhang Hui, người may mắn sống sót từ vụ chìm tàu, cho biết ông chỉ có 30 giây để chộp lấy áo phao trước khi con tàu chìm.
Đây là vụ chìm tàu được cho là nghiêm trọng nhất trên sông Dương Tử kể từ vụ một tàu kéo đang vận hành thử nghiệm bị chìm hồi tháng 1.2015, khiến 22 trong số 25 người trên tàu thiệt mạng, theo Reuters.
Hồi năm 1948, một vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra ở Trung Quốc, khi đó tàu hành khách hơi nước Kiangya phát nổ trên sông Hoàng Phố, Thượng Hải làm trên 1.000 người chết.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ sắp để mất "sân sau" vào tay Trung Quốc?
Thời kỳ mà Mỹ và châu Âu có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Mỹ Latinh sắp trở thành dĩ vãng. Khu vực vốn được coi là "sân sau" của Mỹ dường như đang "ngả" dần về phía Trung Quốc...
...Trung Quốc là quốc gia đang vươn vòi bạch tuộc đi khắp thế giới để thỏa mãn "cơn khát" nguyên liệu của mình.
"Phao cứu sinh"...
Nếu so sánh sự hiện diện của Trung Quốc ở Mỹ Latinh trong giai đoạn 2001 - 2002 với lúc này, rõ ràng ai cũng thấy có sự gia tăng đáng kể. Thương mại tăng theo cấp số nhân và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của một số quốc gia ở khu vực. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn là "chủ nợ" cực kỳ hào phóng của họ. Theo tổng kết vào cuối năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Inter-American Dialogue ở Washington và Trường đại học Boston (Mỹ), từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước hay doanh nghiệp Mỹ Latinh vay trên 119 tỉ USD, riêng trong năm 2014 là 22,1 tỉ USD. Đứng đầu là Venezuela (56,3 tỉ), tiếp theo là Brazil (22 tỉ), Argentina (19 tỉ).
Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng tỏ rõ sự quan tâm của mình khi liên tục tới thăm khu vực trong những năm gần đây. Riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Mỹ Latinh 2 lần liên tiếp. Chuyến thăm thứ nhất diễn ra vào tháng 6-2013, bao gồm các nước Trinidad & Tobago, Costa Rica, Argentina, Venezuela và Cuba. Gần đây nhất, trong chuyến công du 4 nước Mỹ Latinh gồm Brazil, Colombia, Peru và Chile vừa kết thúc hôm 25-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục mang đến những hợp đồng bạc tỉ cho những quốc gia đang gặp nhiều khó khăn này.
Tại Brazil, Bắc Kinh đã thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới đang bên bờ suy thoái kinh tế một kế hoạch đầu tư lên đến 53 tỉ USD, ký kết 35 hợp đồng kinh tế, trong khuôn khổ một "kế hoạch hành động chung" đến năm 2021. Trước đó, hồi cuối tháng 4-2015, Trung Quốc đã đầu tư 3,5 tỉ USD vào Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras). Nhân dịp này, Bắc Kinh lại ký thêm 2 hợp đồng, bơm tiếp 7 tỉ USD cho tập đoàn đang suy sụp vì scandal tham nhũng ở quy mô lớn khiến khó có thể vay mượn trên thị trường. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc cũng sẽ rót đến 4 tỉ USD vào Tập đoàn khai thác mỏ và khoáng sản Vale của Brazil - đang dẫn đầu thế giới về khai thác quặng sắt, nhưng hiềm một nỗi giá mặt hàng này đang xuống thấp.
Qua chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, Brazil - nước chăn nuôi bò lấy thịt hàng đầu thế giới đã được mở lại thị trường xuất khẩu đã bị đình trệ lâu nay vì lý do dịch tễ. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ xa lộ cho đến cảng hàng không và cảng biển. Trong số đó có đề án đầy tham vọng: lập một "hành lang đường sắt" giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để vận chuyển quặng sắt và đậu nành sang Trung Quốc với chi phí rẻ nhất.
Tại Chile - nước đầu tiên trong khu vực ký kết hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc năm 2006, Ngân hàng Trung ương đôi bên đã loan báo chuẩn bị sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch.
Rõ ràng, Trung Quốc đã mang rất nhiều cám dỗ tới Mỹ Latinh. Nhiều người dường như coi Trung Quốc là "phao cứu sinh" để có thể giải quyết mọi vấn đề quốc gia cũng như khu vực trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhiều nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ Latinh còn nhắc lại thường xuyên trong các tuyên bố của mình về vai trò của Trung Quốc như một liều "thuốc giải độc" để khu vực này có thể giải thoát hoàn toàn khỏi Mỹ.
... hay "con dao hai lưỡi"?
Thực tế đương nhiên không đơn giản như vậy.
Trước hết, quan điểm "thoát Mỹ" nhờ hợp tác với Trung Quốc là một cách tiếp cận ngắn hạn và nông cạn, bỏ qua cơ hội hội quốc tế của Mỹ Latinh và những lợi thế có được từ sự phối hợp tốt hơn giữa Washington và Bắc Kinh trong các vấn đề quan trọng đối với tương lai khu vực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hay thương mại quốc tế.
Thứ hai, nếu kỳ vọng hợp tác với Trung Quốc là cơ hội để nắm bắt nhu cầu khổng lồ của thị trường đất nước đông dân nhất thế giới này thì Mỹ Latinh lại có nguy cơ bị phụ thuộc. Hiện tại, ai cũng nhận thấy hệ lụy của sự suy giảm trong nền kinh tế Trung Quốc gây áp lực về giá cả đối với các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ Latinh và tác động tiêu cực đối với kinh tế khu vực. Khi Mỹ và Liên minh châu Âu là những thị trường chính cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ Latinh, người ta đã đề cập đến những rủi ro cũng như sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường. Giờ đây, điều tương tự cũng cần phải đề cập đến khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Điều đáng nói hơn cả là mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc là bất bình đẳng, theo bà Margaret Mayer, Giám đốc chương trình Trung Quốc - Mỹ Latinh ở Trung tâm Inter-American Dialogue.
Hãy nhìn xem Mỹ Latinh có lợi gì cho Trung Quốc?
Mỹ Latinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu gần như vô tận và là nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng Trung Quốc. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribean (Cepal) thuộc Liên Hiệp Quốc khẳng định gần 90% đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này từ năm 2010 đến 2013 là để khai thác tài nguyên.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp Brazil. Thương mại giữa Brazil và Bắc Kinh từ 3,2 tỉ USD năm 2001 đã tăng vọt lên 83 tỉ USD trong năm 2013, tăng gấp 25 lần. Trung Quốc đói nguyên liệu, còn Brazil thì dồi dào từ quặng sắt đến dầu khí từ đậu nành, đường cho đến cà phê. Nhưng do cơ sở hạ tầng cũ kỹ, việc vận chuyển hàng hóa không những tốn thời gian lâu hơn mà mà chi phí cũng bị đội lên. Để mua được nguyên vật liệu giá rẻ, Trung Quốc đề nghị tài trợ cải thiện hệ thống giao thông. Dường như đó là giải pháp đôi bên cùng có lợi, nhưng vấn đề là Trung Quốc chỉ muốn mua nguyên liệu thô còn Brazil thì mong xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến.
Bên cạnh đó, không phải quốc gia Mỹ Latinh nào cũng đều có ưu thế khi đàm phán với Trung Quốc, nhất là những nước đang khủng hoảng như Venezuela. Bắc Kinh vừa cho Caracas vay thêm 5 tỉ USD, nâng tổng số nợ Trung Quốc của Venezuela từ năm 2008 đến nay lên 56 tỉ USD. Đổi lại, Venezuela trả nợ Bắc Kinh bằng dầu mỏ rút ra từ trữ lượng dầu khí khổng lồ của mình và tiếp tục lao vào vòng xoáy nợ nần.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, tỉ lệ nguyên vật liệu trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu từ châu Mỹ Latinh sang Trung Quốc từ 27% vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đã tăng lên 40% vào năm 2009. Như vậy, trao đổi thương mại tăng lên không phải là cơ hội để các nước Mỹ Latinh đa dạng hóa, sáng tạo, thêm vào giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của mình. Vị trí nước xuất nguyên liệu thô không cho phép các quốc gia này hội nhập vào thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển.
Rõ ràng, hợp tác với Trung Quốc là một cơ hội lớn cho Mỹ Latinh, nhưng cũng là một "con dao hai lưỡi" với lục địa này. Để điều này không xảy ra, Mỹ Latinh nên tiếp cận mối quan hệ với Trung Quốc một cách thực dụng hơn giống như cách mà Bắc Kinh đang làm, tránh để rơi vào những cám dỗ mà trong tương lai dài hạn có thể tác động tiêu cực tới việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Theo Ánh Nguyệt
PetroTimes
Trung Quốc quyến rũ khu vực sân sau của Mỹ Hướng mũi nhọn sang Nam Mỹ, Trung Quốc muốn áp dụng chiến lược "tấn công quyến rũ" nhằm tăng cường hợp tác, từ đó gia tăng ảnh hưởng, chiếm lĩnh sân sau của Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (áo đen, cầm hoa) hôm 19/5 tới Brasilia, thủ đô của Brazil, trong chuyến công du dài 8 ngày tới 4 nước...