Chiêu trò đột nhập của giới đạo chích
Khoa học kỹ thuật chế tạo khóa luôn đi sau những chiêu trò của bọn đạo chích và chẳng có loại khóa nào là an toàn, Thiếu tá Hoàng nói.
Thiếu tá Luyện Huy Hoàng (Đội phó Đội cảnh sát hình sự – Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể cho chúng tôi về chiêu trò của những kẻ chuyên đột nhập, hành nghề trộm cắp. Nhiều năm chiến đấu với loại tội phạm này nên Thiếu tá Hoàng đã thuộc như lòng bàn tay những thủ đoạn của chúng.
Viên cảnh sát hình sự này phải thừa nhận một điều rằng, không có một loại khóa nào là an toàn trước kẻ trộm. “Khoa học kỹ thuật chế tạo khóa luôn đi sau chiêu trò của bọn đạo chích.” – Thiếu tá Hoàng nói.
Mọi loại cửa đều bị phá
Trước khi hành động, tất nhiên bọn trộm sẽ phải chọn vị trí nào ít người qua lại nhất. Một trong những nơi bọn đạo chích yêu thích nhất, theo Thiếu tá Hoàng, chính là cửa tum.
Thiếu tá Luyện Huy Hoàng cho biết, hiện nay, ở thành phố hầu hết gia đình đều có cửa tum trên tầng thượng. Trên này vừa khuất vắng, lại cách xa vị trí sinh hoạt của chủ nhà ở tầng dưới.
Cửa tum thường được làm bằng tôn, phía trong được chốt khóa lại. Nhiều gia đình chỉ chốt vào chứ không khóa. Kẻ trộm chỉ cần cắt một đoạn tôn trên cánh cửa đủ để thò tay vào mở chốt là xong.
Thiếu tá Hoàng cho rằng, cửa chính là lựa chọn cuối cùng của dân đạo chích. Đây thường là vị trí chắc chắn nhất của ngôi nhà, lại quay ra ngoài, nhiều người qua lại. Tuy nhiên, không vì thế mà kẻ trộm bỏ qua. Đặc biệt là ở nhà chung cư hoặc phòng trọ. Nhà chung cư thường có bảo vệ, cửa sổ lại nằm phía ngoài. Dù cửa sổ không chắc chắn nhưng vẫn không thể leo lên được vì rất dễ bị lộ, nên cửa chính là lựa chọn tối ưu nhất. Còn phòng trọ, cửa chính lại thường không chắc chắn.
Theo Thiếu tá Hoàng, hầu hết nhà chung cư có camera, nhưng camera chỉ phát huy tác dụng vào ban ngày. Còn ban đêm, bảo vệ vẫn khó quét mắt quan sát được tất cả các tầng.
Cửa tum chính là một trong những vị trí mà đạo chích yêu thích nhất (Ảnh minh họa)
Riêng cửa sổ hiện nay có nhiều loại nhất. Trong đó, 2 loại phổ biến là khung sắt cánh nhôm kính và cánh gỗ khung sắt. Việc phá cánh cửa gỗ hoặc kính bên ngoài là rất dễ. Phần phải giải quyết chính là khung sắt phía trong. Nhưng theo Thiếu tá Luyện Huy Hoàng, nhiều gia đình dùng khung bắt vít, không khác gì tiếp tay cho kẻ trộm. Chúng chỉ cần một chiếc tua vít là có thể bê cả khung sắt cửa sổ đặt sang một bên. Nếu khung sắt được hàn chôn chân vào tường sẽ phần nào gây khó khăn hơn cho bọn đạo chích, nhưng nhiều gia đình làm bằng sắt mỏng cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Chỉ vài lát cắt bằng kìm là khung cửa bị phá. Thậm chí, tên trộm Mai Ngọc Thái, kẻ có biệt danh “Tôn Ngộ Không” trong câu chuyện mà Thiếu tá Hoàng từng kể, chỉ cần quấn vải, xoắn vài vòng là bẻ được.
Video đang HOT
“Cửa dày hay mỏng, to hay nhỏ có chăng chỉ khiến kẻ trộm nhanh chậm hơn đôi chút mà thôi.” – Thiếu tá Hoàng nhận xét.
Không cần đồ nghề mở khóa
Nhiều người nghĩ rằng bọn đạo chích chuyên nghiệp có đồ nghề mở khóa tinh vi, nhưng theo Thiếu tá Hoàng, chẳng có đồ nghề nào gọi là dụng cụ mở khóa.
Thiếu tá Hoàng cho biết, dụng cụ phổ biến nhất để bọn trộm cắp đột nhập vào nhà chủ yếu là: kìm, đục, tua vít, xà cầy… Đây là những thứ mang lại hiệu quả cao nhất cho giới đạo chích. Có những tên trộm chẳng cần mang đồ nghề gì giống như Mai Ngọc Thái, chúng chỉ đi tay không. Khi phát hiện sơ hở, chúng tìm cây sào, que sắt, miếng vải… là xong.
Nhiều gia đình nghĩ rằng mua khóa to, xịn để chống trộm là yên tâm nhưng Thiếu tá Hoàng cho rằng, họ đã nhầm. “Chỗ nào yếu nhất thì chúng nó bẻ chứ đâu cần bẻ khóa.” – Thiếu tá Hoàng nói.
Những cánh cửa bằng sắt rất chắc, nhưng tai khóa lại mỏng và yếu. Kẻ trộm chỉ cần cắt tai khóa thì dẫu khóa có to, cánh có chắc cũng vô nghĩa
Thiếu tá Hoàng nhận xét, suy cho cùng, trên cánh cửa, chẳng có vị trí nào chắc chắn, khó phá bằng chiếc khóa. Kẻ trộm chỉ cần dùng kìm cộng lực cắt vào tai khóa là xong. Khóa tốt cũng vô hiệu. Một vị trí khác là phần ốp pa nô trên cửa gỗ. Đó cũng là nơi rất dễ phá. Kể cả thủ đoạn phá két sắt của bọn đạo chích, thông thường cũng chỉ có một cách là dùng đèn xì và xà cầy.
Cuối cùng, Thiếu tá Luyện Huy Hoàng đánh giá, phương thức trộm cắp hiệu quả nhất của bọn đạo chích vẫn là cách làm thủ công chứ không phải hiện đại, tinh vi như mọi người vẫn nghĩ.
Nhưng dù sao, cán bộ công an này vẫn cho rằng, hầu hết các vụ mất trộm là do sự sơ hở, mất cảnh giác. Chính Mai Ngọc Thái, kẻ có tài đột nhập, cũng thừa nhận điều đó. Những nhà cửa đóng, then cài kiên cố, Thái và đồng bọn không bao giờ đụng đến. Những nhà nuôi chó, gắn camera, chúng lại càng tránh xa. Tay trộm lão luyện như Thái thừa hiểu, mò vào những ngôi nhà đó có tỷ lệ rủi ro rất cao. Một bên là ngôi nhà sơ hở, một bên kiên cố, không ai dại gì chọn nhà kiên cố cho mất công, tốn sức.
Thiếu tá Hoàng dẫn chứng, mỗi phường có khoảng 4.000 hộ dân. Nếu cho rằng 30% số gia đình là khá giả, có của cải, chỉ cần có 1% số nhà sơ hở mất cảnh giác đã là khoảng 10 – 15 hộ. Kẻ trộm chỉ cần chọn một trong số này là đủ.
Cán bộ cảnh sát hình sự này cho rằng, lực lượng chức năng dù nỗ lực tuần tra kiểm soát, vẫn khó có thể ứng trực thường xuyên cho từng gia đình được. Thiếu tá Hoàng khuyến cáo, hiện nay cửa chính bằng sắt của nhiều gia đình nhìn tưởng kiên cố nhưng thực ra không phải. Một điều dễ gặp là cánh cửa chắc, khóa to, nhưng tai khóa lại rất mỏng và yếu. Kẻ trộm chỉ cần cắt tai khóa thì khóa to, cánh chắc vô nghĩa. Khung sắt cửa sổ các gia đình nên làm to hơn và tuyệt đối không làm bằng cách bắt vít vào tường mà phải hàn chôn sâu.
“Đặc biệt, các gia đình ở thành phố hiện nay rất ít khi ‘đi gửi về thưa’ với hàng xóm láng giềng. Điều này tạo thuận lợi cho kẻ trộm hành sự mà không ai để ý.” – Thiếu tá Luyện Huy Hoàng nói.
Theo 24h
Ngón nghề của tên trộm "Tôn Ngộ Không"
Đó là tên trộm có tài leo trèo, đu bám như khỉ. Gã nói rằng, lỗ nào mà đầu gã lọt qua được nghĩa là cả người gã sẽ chui qua được.
Hai năm trước, nhiều người dân sống trong khu vực các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy (Hà Nội) từng rúng động bởi những vụ đột nhập của băng nhóm "siêu trộm".
Mai Ngọc Thái chính là kẻ cầm đầu nhóm trộm cắp này. Sau khi nhóm trộm bị bắt, nhiều tình tiết khó hiểu trong những cuộc đột nhập của Mai Ngọc Thái và đồng bọn mới được hé mở.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Luyện Huy Hoàng (Đội phó Đội CSHS - Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) thừa nhận: "Mai Ngọc Thái quả là tên trộm siêu đẳng".
Mai Ngọc Thái (SN 1985) người xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Gã được dân giang hồ đặt cho biệt danh "Tôn Ngộ Không". Sở dĩ như vậy bởi Thái có một khả năng leo trèo cực siêu và luồn lách rất dẻo.
Thái sống thiếu tình cảm của gia đình từ nhỏ. Bố mẹ Thái bỏ nhau khi gã mới lên hai. Thái chỉ học hết lớp 6 rồi sống lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó. Có một thời gian dài Thái sang Trung Quốc làm gì không ai biết, khi trở về Thái tiếp tục cuộc sống lêu lổng, kết giao với những thành phần bất hảo.
Dù không nhiều tuổi nhất trong nhóm trộm cắp nhưng Thái lại là kẻ cầm đầu, dắt theo 2 đồng bọn là Hà Mạnh Linh (SN 1986, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) và Lê Chu Kha (SN 1982, ở Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội).
Thiếu tá Hoàng nhớ lại, sau ngày bị bắt, Thái khai nhận với cán bộ điều tra rằng, chính những ngày tháng sống bên Trung Quốc, gã đã học được nghề đạo chích. Nơi đất khách quê người, Thái gặp được kỳ nhân. Người này đã truyền cho gã những ngón nghề, chiêu trò đột nhập cực kỳ lợi hại mặc dù chỉ bằng những động tác trông rất đơn giản.
Thái tiết lộ một điều khiến Thiếu tá Hoàng và đồng đội lúc đó không khỏi giật mình: "Lỗ nào mà đầu em lọt qua được nghĩa là cả người em chui qua được".
Với khả năng trời cho cộng ngón nghề điêu luyện, Thái và 2 tên đồng bọn đã gây ra hàng chục vụ trộm, khoắng không biết bao nhiêu món đồ giá trị của các gia đình.
Đã thành thói quen ngày ngủ, đêm đi, Thái và hai tên Linh, Kha cứ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhà nào khóa chốt kiên cố, Thái chẳng dại gì mó vào cho mất công tốn sức. Thái thừa hiểu một điều, trong hàng trăm, hàng nghìn gia đình, không phải ai cũng cảnh giác. Gã và 2 tên đàn em vẫn kiên nhẫn quan sát, chỉ cần một nhà nào đó hơi sơ hở, đó sẽ là mục tiêu của chúng.
Nói là sơ hở, nhưng thực chất, đối với người bình thường hay mấy tên trộm vặt đôi khi vẫn là điều không tưởng. Có nhà, cửa tầng tum chốt không chặt, nhưng muốn lên đó không hề đơn giản. Thái phải để hai gã đồng bọn đứng cảnh giới, còn mình trổ tài nghệ leo trèo, đu bám như Tôn Ngộ Không.
Mai Ngọc Thái (ngoài cùng bên phải) và đồng bọn tại cơ quan điều tra
Nhiều người vẫn nghĩ, những tên trộm chuyên nghiệp như Thái chắc hẳn có rất nhiều đồ nghề bẻ khóa tinh vi, nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Chúng thừa nhận với các trinh sát rằng, mang đồ nghề đi đêm càng bất lợi. Mang dụng cụ phá khóa, búa kìm đi đêm mà gặp công an phường đi tuần thì chỉ có nước tự chui đầu vào rọ. Băng trộm của Thái bao giờ cũng đi tay không, mà thực chất, Thái cũng chẳng cần đồ nghề gì.
Chúng cũng gần như không phải nghiên cứu, theo dõi gia đình nào hết, cứ đi và gặp là chúng hành động. Gã chỉ cần xem xét một lượt rồi chọn nơi dễ phá nhất. Vụ đột nhập nhà ông Đ.Q.T (ở Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng vậy.
Đêm hôm đó, sau một lúc lang thang, Thái thấy ô cửa sổ nhà ông T. có khung làm bằng sắt nhưng không chắc chắn lắm. Gã liền kiếm một tấm vải dày vấn lại. Gã quấn dải vải qua hai mấu khung cửa sổ rồi bắt đầu xoắn. Xoắn một lúc, khung sắt không chịu nổi lực, gãy ra.
Vào được nhà rồi, Thái thong thả mở cửa chính. Gã lấy chìa khóa nổ máy con xế hộp Mercedes, hai tên đồng bọn cũng tiếp sức dắt chiếc xe SH ra khỏi nhà. Đến tận sáng hôm sau, ông T. mới biết mất trộm.
Tùy địa thế và hoàn cảnh từng nhà mà chúng biểu diễn những ngón nghề khác nhau, nhưng cách thức Thái thực hiện hết sức đơn giản. Cần phá ô cửa kính, chúng dùng băng dính dán kín vào. Như vậy chúng có thể đập vỡ kính khá nhẹ nhàng mà mảnh vỡ không văng ra gây ồn ào. Đôi khi chúng chỉ cần kiếm đâu đó một thanh sắt, một đoạn sào là giải quyết xong mọi việc.
Thái và đàn em chỉ thích lấy những món đồ có giá trị lớn, bán được nhiều tiền, đồ lặt vặt hoặc cồng kềnh chúng không bao giờ để ý đến. Những cuộc đột nhập đem lại cho Thái và đồng bọn một cuộc sống xa hoa, vương giả suốt thời gian dài. Chúng chọn các khách sạn làm nơi thường trú. Sau những phi vụ, túi tiền rủng rỉnh, chúng lại lao vào ăn chơi vũ trường, quán bar... Khuya về tàn cuộc ăn chơi, chúng lại đi lang thang. Lâu lâu thấy nhà nào sơ hở, Thái và đàn em tiếp tục ra tay.
Sau một năm trời gây ra những vụ đột nhập, trộm cắp đáng sợ, Thái và đồng bọn vẫn không thể thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát. Dù liên tục thay đổi khách sạn để trốn, một ngày gần cuối năm 2011, gã trộm có biệt danh "Tôn Ngộ Không" đã bị Công an quận Thanh Xuân bắt giữ.
Theo 24h
Băng "siêu trộm" và những phi vụ táo tợn Hàng chục vụ đột nhập táo tợn xảy ra suốt một năm. Có khi, hiện trường để lại chỉ là một lỗ nhỏ nằm tít trên cao, tường lại không có chỗ bám. Vì sao trộm vẫn vào được? Tên trộm đó được giới đạo chích đặt cho biệt danh "Tôn Ngộ Không". Đó là tên trộm mà Thiếu tá Luyện Huy Hoàng...