Chiêu lừa tinh vi gần 67.000 nhà đầu tư của công ty Liên Kết Việt
Ngoài gắn mác Bộ Quốc phòng cho 2 công ty tư nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt và đồng phạm dùng nhiều bằng khen giả của Thủ tướng để lừa gạt 67.000 nhà đầu tư đa cấp.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên Kết Việt) và các đơn vị khác có liên quan.
Trong số 7 người bị đề nghị truy tố có ông Lê Xuân Giang (46 tuổi Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), ông Lê Văn Tú (32 tuổi, Tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thủy (47 tuổi, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng nhóm quản lý phát triển kinh doanh).
Mua 12 bằng khen giả của Thủ tướng
Theo kết luận điều tra, Công ty Liên Kết Việt được thành lập từ tháng 6/2010 có vốn điều lệ 10,8 tỷ đồng. Theo đăng ký kinh doanh, các thành viên HĐQT cùng góp vốn nhưng thực tế, Giang là người bỏ 100% vốn điều lệ.
Sau khi Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy chứng nhận đa cấp, Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Giang đã ký hợp đồng bán hàng, yêu cầu khách nộp tiền để hưởng khuyến mại có tỷ lệ lên đến 65% tổng doanh thu.
Cơ quan chức năng xác định Công ty Liên Kết Việt không chỉ quảng cáo sai thực tế, đặt tên Công ty là BQP khiến khách hàng lầm tưởng đơn vị này thuộc Bộ Quốc phòng, mà còn sử dụng bằng khen giả của Thủ tướng.
Cụ thể, vào cuối năm 2014, Giang vào TP.HCM nhờ người làm bằng khen của lãnh đạo cấp cao. Sau khi đưa 31 triệu đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt nhận được 3 quyết định giả về việc tặng 12 bằng khen của Thủ tướng cho công ty và một số cá nhân.
Để lừa gạt người dân, Giang và đồng phạm thường mặc trang phục quân đội, mời các sĩ quan lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu đến dự các chương trình trả hoa hồng hoặc khen thưởng do công ty tổ chức.
Video đang HOT
Sau 2 năm (từ 2014 đến cuối 2015), Giang và đồng phạm đã mở 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh thành trên cả nước. Căn cứ tài liệu thu thập, cảnh sát xác định nhóm này đã lôi kéo 66.880 người ký hợp đồng bán hàng đa cấp với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau đó, nhóm lãnh đạo Liên Kết Việt chi 1.100 tỷ đồng cho các nhà đầu tư và hoạt động của công ty. Riêng Giang sử dụng hơn 870 tỷ đồng. Hai bị can Nguyễn Thị Thuỷ, Lê Văn Tú lần lượt hưởng lợi hơn 36 tỷ đồng và 61 tỷ đồng.
“Phù phép” công ty tư nhân thành đơn vị quân đội
Theo cơ quan tố tụng, 9.100 khách hàng của Công ty Liên kết Việt được Bộ Công an và công an 49 tỉnh thành lấy lời khai khi vào điều tra vụ án. Hầu hết người liên quan khai được bạn bè, họ hàng rủ rê đến các chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đại lý để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt.
Khi đó, họ được công ty thuê xe đưa đón đến địa điểm tổ chức sự kiện đại hội hoa hồng tôn vinh nhà phân phối có thành tích xuất sắc. Tất cả kỳ cuộc đều được nhóm của Giang tổ chức hoành tráng với hàng nghìn người tham dự, trong đó có nhiều người mặc quân phục bộ đội.
Mỗi lần như vậy, khách hàng hoặc người đến tìm hiểu về kinh doanh đa cấp được xem những bức ảnh chụp Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt mặc quân phục quân đội đứng cạnh lãnh đạo Nhà nước và các tướng lĩnh.
Còn đội ngũ nhân viên dưới quyền Lê Xuân Giang quảng cáo Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng. Nhóm người này cũng tung hô Chủ tịch HĐQT công ty là sĩ quan quân đội mang hàm đại tá.
Trong những chào mời khách hàng, phía Liên Kết Việt khẳng định hàng hóa bán ra gồm máy vật lý trị liệu, máy khử độc Ozone hay thực phẩm chức năng là sản phẩm được công ty liên doanh, liên kết với các đơn vị của Bộ quốc phòng, như Bệnh viện Quân y 108 và Công ty Thanh Hà…
Theo nhân viên tư vấn, khách hàng nộp 8,6 triệu đồng để mua mã sản phẩm sẽ có cơ hội hưởng nhiều chính sách hoa hồng, trả thưởng hấp dẫn như ôtô, chung cư, hoặc tiền mặt lên đến hơn 400 triệu đồng.
Trước tháng 8.2015, những người tham gia được trả đầy đủ hoa hồng. Nhưng chỉ 3 tháng sau, họ không nhận được các khoản tiền thưởng như công ty đã cam kết. Trừ các khoản hoa hồng, khuyến mại và giá trị hàng hoá đã mua, nhà đầu tư thấy vẫn bị mất tiền nên đến cơ quan công an tố cáo.
Theo lời khai những người liên quan, khách hàng muốn mở đại lý cấp tỉnh phải đạt cấp bậc phó phòng trở lên tại công ty và có ít nhất 200 nhà đầu tư hoạt động độc lập. Chủ đại lý cũng phải có đơn hàng đầu tiên trị giá 350 triệu đồng.
Để mở đại lý cấp quận huyện, nhà đầu tư cũng phải đạt cấp bậc phó phòng trở lên và nộp vốn điều lệ 139 triệu đồng. Còn các thành viên nhóm quản lý được trả lương 25 triệu đồng/tháng cộng thêm doanh số phát sinh.
Theo P.V (Zing)
Tiếp vụ Liên kết Việt lừa đảo: Cơ quan quản lý nhận trách nhiệm gì?
Theo phân tích của luật sư, cần thiết phải khởi tố vụ án về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Đối với các cơ quan khác cần xử lý kỷ luật nghiêm khắc với những người đừng đầu, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp...
Trong vòng một năm, có 60.000 người dân, chủ yếu là nông dân đã lao vào mạng lưới đa cấp ở Công ty Liên kết Việt. 1.900 tỉ đồng của những nạn nhân này đã bốc hơi vì đa cấp lừa đảo. Trước thời điểm Liên kết Việt bị phanh phui về hành vi lừa đảo, còn có Muaban24 và hiện tại là nhiều công ty đa cấp khác vẫn đang hoạt động rầm rộ với biểu hiện lừa đảo đánh vào đối tượng là dân nghèo và kém hiểu biết.
Hoạt động kinh doanh đa cấp đã xuất hiện, tồn tại và phát triển từ lâu trên thế giới, nó được du nhập vào Việt Nam cuối những năm 1990 đầu năm 2000 với những tên tuổi như Sinh Lợi, Thiên Ngọc Minh Uy, sau này có Vision, Hefline.... rồi sau này khi công nghệ thông tin, internet phát triển, thương mại điện tử phát triển nó biến tướng dưới các dạng như muaban24h...
Lợi dụng hệ thống luật pháp còn hạn chế, lỏng lẻo, sự bị động trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước, sự thiếu hiểu biết của người dân, cộng với ham muốn làm giàu một cách nhanh chóng của một bộ phận không nhỏ nên đa số các doanh nghiệp đa cấp không ngần ngại vi phạm pháp luật, sử dụng các chiêu trò, tiểu xảo để thu hút sự quan tâm của những người muốn làm giàu một cách nhanh chóng nhưng thiếu hiểu biết dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là những vụ lừa đảo trong những năm gần đây.
Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hoạt động kinh doanh đa cấp trong những năm gần đây hầu hết đều không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các vi phạm chủ yếu như: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào; Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác.
Chân dung Giang và Thủy, hai lãnh đạo cao cấp của Liên kết Việt.
Bên cạnh đó là hình thức yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo; Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định; Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó; Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên; Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp; Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp; Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm; Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Một trong những vi phạm của hoạt động bán hàng đa cấp trên thực tế còn thể hiện ở việc doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
"Như vậy cứ hành vi nào mà pháp luật cấm thì họ vi phạm, không những thế hành vi vi phạm còn rất ngang nhiên", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của luật sư Nguyễn Văn Kiệm, trách nhiệm quản lý kinh doanh đa cấp được quy định tại Nghị định 42/NĐ-CP ngày 14/05/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước; Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương trong các nội dung quản lý cụ thể sau đây: Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; Thông báo việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tới các Sở Công Thương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp; Lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công Thương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp; Trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp khi cần thiết; xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bảo đảm trật tự trong tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, người tiêu dùng và giữ ổn định kinh tế xã hội;
Như vậy về trách nhiệm tổng thể, trách nhiệm chính là Bộ Công Thương, cơ quan được phân công cụ thể là Cục quản lý cạnh tranh. Theo phân tích của luật sư Nguyễn Văn Kiệm, để xảy ra tình trạng và hậu quả như trên thì Cục quản lý cạnh tranh phải chịu trách nhiệm chính, đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý nhà nước, đã phát hiện ra sai phạm, đã xử phạt mà không có thông báo, cảnh báo tới người dân để ngăn chặn, phòng ngừa gây ra hậu quả thiệt hại rất lớn cho người dân. Không yêu cầu, kiến nghị, thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an, ... để điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong vụ này có đủ căn cứ, yếu tố để khởi tố vụ án đối với những người có trách nhiệm của Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, ngoài Bộ Công Thương thì UBND tỉnh (những địa phương mà Công ty Liên kết Việt) đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã để cho các chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động sai phạm trong một thời gian dài mà không kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tại Nghị định 42/NĐ-CP ngày 14/05/2014 thay thế Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 đã quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan cụ thể, Bộ Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ươngSở Công Thương. Chính vì vậy, việc dồn hết trách nhiệm cho người dân kiểu như khi nhẹ dạ tham gia, ham làm giàu mà không phải làm việc... rõ ràng là một hành vi thoái thác, trốn tránh trách nhiệm.
Đặc biệt trong vụ Liên kết Việt này là Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, cần thiết phải khởi tố vụ án về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đối với các cơ quan khác cần phải có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc với những người đừng đầu, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp để buộc các cơ quan sau này phải có trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ được giao, được phân cấp quản lý nhằm tránh xảy ra hậu quả tương tự.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cũng cho rằng, đối với mỗi người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, nâng cao sự hiểu biết, nắm bắt các thông tin để qua đó cảnh giác với những thủ đoạn, chiêu trò kinh doanh đa cấp biết tướng để tránh những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và gia đình như đã xảy ra đối với rất nhiều người vừa qua. Thời buổi hiện nay, việc kinh doanh và kiếm tiền không phải là việc dễ dãi, đơn giản mà phải có đầu tư kiến thức, sự tính toán bài bản, trí tuệ thì mới có khả năng kinh doanh có hiệu quả. Người dân cần cảnh giác, đặt câu hỏi với những lời mời gọi hấp dẫn với lãi suất và lợi nhuận cao để tránh rơi vào những cái bẫy đang được giăng ra và rình rập sẵn chờ đón những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết...
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Vụ Liên Kết Việt "lừa" 60.000 người: Khó quy trách nhiệm Bộ Công thương! Để công ty này vươn "chân rết" ra tận 27 tỉnh thành, lừa đảo 60.000 người trong suốt một năm với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng, ngoài sự tinh vi của ban quan trị Liên Kết Việt phải chăng do lỗ hổng trong hoạch định chính sách và quản lý của các cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây...