Chiêu lừa bán điều hòa, tủ lạnh ‘thanh lý giá rẻ’
Một số người đã phải “nuốt đắng” sau khi mua phải các thiết bị điện máy cũ núp bóng hàng thanh lý “giá sinh viên” trên mạng.
Khi xem một trang bán đồ cũ trên Internet, chị Lê Thanh (quận Bình Thạnh) thấy có người bán điều hòa Panasonic mới sử dụng giá 1,9 triệu đồng, rẻ hơn 80% so với hàng đang bán tại siêu thị điện máy. “Khi liên lạc, phía bán nói là nhân viên văn phòng, do dịch bệnh sắp về quê nên để lại với giá rẻ. Xem xét sơ qua thấy còn mới, cắm điện thấy hoạt động nên tôi mua luôn”, chị Thanh kể lại.
Thế nhưng, khi mang về nhà và thuê thợ lắp đặt, chị Thanh mới “té ngửa” khi kỹ thuật viên cho biết đây là điều hòa đời 2013 được “mông má” lại. Bên trong đã cũ nát, có thể tốn điện và nguy hiểm khi sử dụng. Chị Thanh liên lạc lại với số điện thoại và tài khoản mạng xã hội của người bán thì đã bị chặn.
Chị Uyên ở TP Thủ Đức cũng lên một hội nhóm mua bán đồ điện tử cũ trên Facebook và thấy một bài đăng về tủ lạnh cũ từ một người tự giới thiệu là sinh viên. Chiếc tủ 300 lít hiệu Toshiba được bán với giá 1 triệu đồng, miễn phí vận chuyển trong thành phố. “Tôi thấy người bán là nữ, thông tin trên trang cá nhân cũng đầy đủ, nên quyết định mua mà không suy nghĩ nhiều. Thậm chí tôi đặt cọc 300.000 đồng vì sợ bị người khác giành mất”, chị Uyên kể.
Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng, chị Uyên nhận thấy rằng hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi dù không sử dụng thêm thiết bị nào ngoài tủ lạnh. Chiếc tủ cũng hoạt động khá ồn, rò rỉ nước, thực phẩm để ở ngăn mát nhanh hỏng, trong khi ngăn đông bị đông đá một lớp dày. Lúc này, chị Uyên mới biết mình mua phải đồ kém chất lượng, nhưng không thể làm gì hơn vì người bán cắt liên lạc.
Nhiều mẫu tủ lạnh, điều hòa đời cũ được tân trang và bán với “giá sinh viên” để lừa người dùng.
Không chỉ điều hòa, tủ lạnh, các thiết bị điện máy khác như máy giặt, nồi cơm điện, máy lọc không khí… cũng được rao bán nhiều trên các website bán đồ cũ, các hội nhóm Facebook với ngoại hình mới nhưng giá bán rất rẻ, chỉ bằng 1/3 tới 1/5 giá thị trường. Các bài đăng thường có tiêu đề: “sinh viên/nhân viên văn phòng chuyển trọ, nâng cấp thiết bị mới nên cần bán”. Đa phần người bán là nữ để gây lòng tin, nhưng thực tế, đằng sau là một nhóm người.
Theo anh Tuấn Vũ, một người chuyên kinh doanh đồ điện tử cũ, kịch bản thường là một người hoặc một nhóm người lập các tài khoản ảo để đăng bán các sản phẩm được tân trang, “mông má” với giá rất rẻ, nhưng không để lại số điện thoại hoặc liên lạc. Thay vào đó, họ yêu cầu “inbox” để biết thêm chi tiết.
Video đang HOT
Khi người mua chủ động nhắn tin, những người này sẽ gửi thêm hình ảnh hoặc video để làm tin. Nếu đồng ý, họ sẽ yêu cầu miễn phí vận chuyển, đồng thời gọi cho người mua để hỏi địa chỉ giao hàng. “Mục đích của việc miễn phí vận chuyển là để con mồi không biết nơi bán hàng của họ”, anh Vũ giải thích.
Sau khi vận chuyển đến nơi, người mua được khuyên nên để 2 đến 3 tiếng mới cắm điện. “Lúc này, người giao hàng xóa tài khoản Facebook, vứt sim cũ để cắt liên lạc”, anh Vũ nói. “Do không thể liên lạc lại, người mua chỉ còn cách phải dùng sản phẩm lỗi, hoặc vứt bỏ”.
Viết Phong, một kỹ thuật viên với 10 năm kinh nghiệm sửa chữa các thiết bị điện lạnh, cho biết, trong thời gian làm nghề, anh gặp hàng trăm trường hợp mua phải điều hòa, tủ lạnh cũ nát đã tân trang. Hầu hết nạn nhân ít hiểu biết về thiết bị, như bà nội trợ, sinh viên, người lớn tuổi…
“Với điều hòa, người bán đã vệ sinh bụi bên trong, thay thế bộ phận hỏng hóc, làm trắng nhựa bên ngoài, in nhãn bằng khung lụa rồi bán online. Sở dĩ họ chủ yếu bán online là để tránh bị phát hiện”, anh Phong chia sẻ. “Những thiết bị này thường đã bị can thiệp vào sâu bên trong, linh kiện và công nghệ cũ nên hoạt động kém, ồn, nhanh hỏng, tốn điện”.
Theo anh Phong, người dùng không nên mua các mặt hàng điện máy trôi nổi trên thị trường, nhất là các sản phẩm có mức giá rẻ bất thường. Trong trường hợp muốn mua, cần đi cùng người có kinh nghiệm để kiểm tra thiết bị trước khi “xuống tiền”. Ngoài việc chọn các nơi uy tín, người dùng không nên mua máy lạnh đời quá cũ.
Anh Vũ cho rằng khi mua online, người dùng cần xác thực độ uy tín của người bán. Những người bán nghiêm túc sẽ để số điện thoại và địa chỉ. Các trường hợp đòi “inbox”, sau khi có số điện thoại của người bán, người mua cần tìm thông tin đó trên Google để xem có bài đăng liên quan đến số điện thoại đó hay không. Nếu có, khả năng cao đó là người bán thiết bị chuyên nghiệp. Ngoài ra, cần đến địa chỉ nơi mua để xác thực, không để người bán vận chuyển đến nơi và không chuyển khoản trước khi mua.
Thói quen dùng điều hòa dễ gây sốc nhiệt
Vào phòng đang bật điều hòa ngay khi đi ngoài nắng về, ngồi quá lâu dưới gió điều hòa là những thói quen có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt.
Thay đổi môi trường đột ngột
Không ít người do quá nóng đã vào phòng đang bật điều hòa ngay để "giải nhiệt", hoặc đang ngồi trong phòng điều hòa lại lập tức ra ngoài trời nóng. Theo bác sĩ Đặng Hoàng Thiêm, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu bạn ở trong môi trường có điều hòa quá lâu, khi ra ngoài đột ngột rất dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt, do cơ thể chưa phản ứng kịp với nhiệt độ mới. Người già, trẻ nhỏ là nhóm dễ bị mất nước, mất muối do sốc nhiệt.
Việc đặt nhiệt độ điều hòa chênh lệch lớn với môi trường bên ngoài có thể gây sốc nhiệt.
Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi quá nhanh, từ nóng sang lạnh (và ngược lại) khiến thân nhiệt bên trong chưa kịp thích nghi. Khi cơ thể bị sốc nhiệt có thể gây ra tình trạng da nóng và khô nhanh, đỏ mặt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt, tức ngực, nhịp tim nhanh. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể khiến bạn bị lú lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu, mê sảng, co giật và hôn mê dẫn đến tử vong.
Theo chuyên trang y tế Mayoclinic , người dùng nên tắt điều hòa 30 phút trước khi ra ngoài. Nếu phòng bật sẵn điều hòa, người dùng không nên vào phòng ngay, mà nên ngồi ngoài khoảng 10 - 15 phút trước khi vào. Khi vào nhà, nên đứng ở cửa khoảng vài phút để cảm nhận nhiệt độ của phòng, sau đó tăng/giảm nhiệt độ điều hòa để cơ thể dễ thích nghi.
Khi đang ngồi trong phòng, người dùng cũng nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không quá chênh lệch so với môi trường ngoài trời để tránh bị sốc nhiệt nếu bước ra ngoài. Theo khuyến cáo, mức chênh lệch cho phép khoảng 7 - 10 độ C, tức là nếu bên ngoài đang 37 độ C, trong phòng cần điều chỉnh khoảng 25 - 28 độ C là phù hợp.
Ngồi trong phòng điều hòa quá lâu
Trong thời tiết nắng nóng, nhiều người cũng có thói quen "ngồi lì" trong phòng điều hòa nhiều giờ, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ thấp hơn bên ngoài nhiều độ C. Tuy nhiên, thói quen này có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, như cảm lạnh, viêm họng hoặc các bệnh về da như khô da, dị ứng...
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng này thường xảy ra với các mẫu điều hòa lâu ngày không được vệ sinh, khiến bên trong tích tụ nấm mốc và vi khuẩn gây hại. Theo khuyến cáo, người dùng chỉ nên ngồi trong phòng điều hòa từ 4 đến 5 tiếng, trừ lúc ngủ. Sau đó nên ra môi trường bên ngoài hít thở không khí tự nhiên. Sau khoảng 7 - 8 tiếng sử dụng, bạn nên tắt máy lạnh, mở cửa để thoát tạo sự thông thoáng. Khi sử dụng, có thể đặt một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm cho da, không bị khô da, có thể kết hợp với quạt cây, quạt điều hòa để không khí lưu thông tốt hơn.
Vệ sinh điều hòa thường xuyên để tránh việc chúng tích tụ vi khuẩn, bụi bẩn.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần vệ sinh điều hòa thường xuyên. Theo các chuyên gia, trung bình nên vệ sinh điều hòa 3 tháng/lần hoặc khoảng 1- 2 tháng/lần nếu không gian có nhiều bụi bẩn.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo rằng thói quen ở trong môi trường điều hòa quá lâu và trong thời gian dài cũng khiến cơ thể mất đi sức đề kháng cần thiết. Những người này cũng khó thích nghi hơn với thời tiết nắng nóng.
Ngồi trực tiếp trước luồng gió
Một số người có thói quen ngồi ngay trước luồng không khí lạnh để làm mát nhanh hơn. Tuy vậy, do nhiệt độ của luồng khí này chênh lệch so với không khí trong phòng, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, người dùng nên tránh để điều hòa thổi luồng khí trực tiếp vào người hoặc nơi sinh hoạt. Bên cạnh đó, khi lắp đặt, người dùng có thể yêu cầu kỹ thuật viên tư vấn vị trí lắp sao cho luồng không khí có thể tỏa ra đều khắp phòng nhất và không lắp điều hòa ở vị trí quá thấp.
Lưu ý với gia đình có trẻ nhỏ, người già
Việc ngồi lâu dưới điều hòa hoặc điều chỉnh nhiệt độ quá thấp khiến người già dễ mắc bệnh hơn. Nguyên nhân là thân nhiệt của người già không ổn định, sức đề kháng yếu, họ rất dễ mắc bệnh huyết áp, thấp khớp... Theo các chuyên gia, mức 26 - 27 độ C là hợp lý nhất đối với người cao tuổi. Nếu người già cần ra ngoài, phải tắt điều hòa trước khoảng 30 phút để cơ thể thích nghi với nhiệt độ mới.
Tương tự với trẻ em, mức nhiệt độ hợp lý không quá 25 độ C, tốt nhất là 27 - 28 độ C, đối với trẻ sơ sinh chỉ nên để 28 - 29 độ C. Khi ngủ, nên kết hợp cho bé mặc quần áo dài tay và đắp chăn để tránh tình trạng nhiễm lạnh. Nếu quá nóng, bố mẹ nên kết hợp với quạt làm mát thay vì hạ nhiệt độ xuống quá thấp.
Bật tắt điều hòa liên tục gây tốn điện Thói quen tắt điều hòa khi đã cảm thấy mát của nhiều người thực tế làm tốn điện hơn thông thường. Khởi động là quá trình tốn nhiều điện năng nhất của một chiếc điều hòa. Khi mới mở, máy sẽ hoạt động ở công suất tối đa để sản sinh ra khí lạnh. Với các máy có chế độ làm lạnh nhanh...