Chiều gió đông qua ngõ bỗng thèm hơi ấm của cha
Nếu ngày đông năm ấy, cuộc sống không mang ba của con đi khỏi gia đình thì có lẽ bây giờ con là đứa con gái hạnh phúc nhất. Mất ba, bình yên trong con mất đi một nửa.
Nghe bài hát Cha yêu (Lam Trường)
Ba ơi, mãi xa rồi kỷ niệm tuổi thơ con những ngày đông gió lạnh. Thời gian vô tình trôi đi mang theo bao nỗi nhớ thương, bao niềm day dứt. Sáu năm trôi đi mà ngỡ như chỉ mới ngày hôm qua thôi, chiều nay đông lại về. Đông – mùa của yêu thương, người ta tìm về nơi bình yên nhất, nơi ấp ám nhất trong những ngày đông gió và con cũng từng như vậy.
Nếu ngày đông năm ấy, cuộc sống không mang ba của con đi khỏi gia đình thì có lẽ bây giờ con là đứa con gái hạnh phúc nhất. Mất ba, bình yên trong con mất đi một nữa.
Ba! Thân thương quá đỗi tiếng gọi ấy, nhớ lắm những cuộc điện thoại mỗi chiều cuối tuần hỏi con có về không, nhớ lắm dáng hình thân thuộc đợi con trước hiên nhà mỗi khi con về muộn nhưng giờ đây tất cả chỉ còn trong niềm nhớ. Vẫn còn đó ngôi nhà yêu dấu, nơi anh em con được sinh ra, lớn lên và tìm về sau mỗi chuyến đi xa, tất cả vẫn còn nguyên vị trí chỉ có duy nhất dáng hình con mãi tìm nhưng không bao giờ thấy được nữa.
Dẫu biết rằng quy luật sinh tử của cuộc đời là điều không thể tránh nhưng sao vẫn đau, vẫn thương lắm ba tôi. Thương lắm một người đàn ông đi qua bao mưa nắng, hy sinh cả cuộc đời mình cho những đứa con.
25 tuổi không phải già nhưng cũng không còn là quá trẻ, cái tuổi đủ để cho con thấy được cuộc sống không thật sự dễ dàng và 25 tuổi đủ cho con nhận ra được giá trị của gia đình, của sự bình yên bên ba. Giá như tất cả chỉ như một giấc mơ để con được gần ba lâu hơn nữa, giá như khi đó con đủ lớn để làm cho ba một điều gì đó mà không phải lúc nào cũng chỉ biết nhận từ ba. Nhưng vốn dĩ làm gì có giá như đúng không ạ? Con đã không kịp về để nghe ba nói lời sau cuối và cũng chưa nói được với ba con yêu ba nhiều lắm, lời sau cùng con ba nói với con là cuối tuần này về nhà con nhé- con cũng đã về nhiều cuối tuần sau đó nhưng người con thương thì mãi xa rồi.
Đau! Con có rất nhiều thứ muốn làm, nhiều điều muốn nói nhưng giờ chỉ biết viết ra những lời này với hy vọng rằng nơi xa xôi đó ba thấy được con gái nhớ và thương ba nhiều lắm. Dù có kiếp sau hay 100 kiếp sau đi chăng nữa vẫn mong được làm con gái của ba.
“Chiều nay gió đông về qua ngõ
Bỗng chạnh lòng thèm hơi ấm một bàn tay
Bàn tay đó bao nhiêu năm vất vả
Nuôi lớn đời con chẳng nghĩ đến thân mình
Gió đông về mang theo bao niềm nhớ
Đã bao mùa gió lạnh vắng bóng cha
Con nhớ lắm một dáng hình thân thuộc
Đợi trước hiên nhà những đứa con xa
Vội vã trở về sau những chuyến đi
Vội tìm dáng hình đợi mình chiều đông gió
Giờ chỉ mình con với bao niềm nhớ
Mãi xa rồi hình bóng cha yêu”
Bich Tram
Theo blogradio.vn
Tết thơm mùi gánh ve chai của mẹ tôi
Buổi sáng cuối cùng của chuyến công tác Hà Thành, tôi dậy thật sớm chạy bộ vài vòng quanh Hồ Gươm rồi trở về khách sạn. Từ Hồ Gươm về khách sạn khá gần nên tôi tản bộ sẵn tiện ngắm mảnh đất Kinh kỳ mấy ngàn năm vào độ xuân về.
Hà Nội cũng như bất cứ nơi nào ở dọc mảnh đất chữ hình chữ S này, cứ vào cuối năm khi đất trời phả những con gió xuân đầu tiên vào da thịt đất nước, thì không ai bảo ai, nhà nhà cứ đua nhau dọn nhà ăn Tết.
"Nồi đồng, quạt cháy, máy bơm, đồ lâu cũ hỏng thành hàng bán đêrrrr".
Tiếng rao như rót vào tai tôi cả một dòng kí ức sóng sánh những kỷ niệm tuổi thơ. Trong cái tiết trời Hà Nội những ngày hăm bốn Tết, người đốt chân nhang của một năm đã cũ, người thì cúng đưa ông Táo về trời, người tưới bón những cây mai đã lúp xúp nụ to nụ nhỏ và những chiếc xe đạp nhẹ tênh chở những cành đào ngược gió lấp phất thơm, kí ức trong tôi lại líu ríu dắt nhau tìm về cái Tết của những năm tháng cũ.
Mọi người đổ ra Hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh dịp Tết. Ảnh: IT.
Cái Tết xưa trong miền nhớ của tôi là những ngày tiếng rao của mẹ vang ở mọi ngõ đường trong con xóm nhỏ: "Ai thau bể, mũ bể, sắt vụn, lông gà, lông vịt, bán khôngggg?" Và, cả căn nhà nhỏ ven sông lúc nào cũng sực nức mùi nước tương nước mắm trong đống đồ phế liệu người ta bán đi, mùi lông gà lông vịt ẩm ương phơi chưa kịp ráo.
Mẹ tôi là người đi mua ve chai, mỗi mùa Tết về, mẹ bận rộn hẳn ra, mẹ mua được nhiều đồ ve chai lắm. Có lần tôi hỏi mẹ: "Sao Tết năm nào mẹ cũng đi gom đồ nhiều thế, con thấy mẹ thằng Tin cứ ở nhà cúng ông Táo thôi". Mẹ tôi cười rồi phe phẩy cái nón lá trưng ra gương mặt đỏ lơ đỏ lửng lấm tấm mồ hôi: "Mẹ đi gom nhiều hơn thường ngày để có tiền mua vài bộ đồ Tết cho con". Nghe đến đồ Tết thì tôi đã hoa cả mắt, mừng quýnh nhảy tưng lên, quên bẵng những giọt mồ hôi đang đẫm đầy lưng áo mẹ.
Tết của những năm ấy đối với tôi thật sự là những ngày sướng nhất trên đời. Không phải đến lớp, mỗi ngày đều bám theo để được đi mua ve chai cùng mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng mà khi ấy tôi vẫn gọi là "chú ngựa sắt". Những ngày thường, cách một ngày mẹ mới phân loại ve chai rồi mang ra chợ bán lại cho vựa, nhưng mấy ngày giáp Tết ngày nào mẹ cũng đi chợ tận hai lần và lần nào cũng chở những bao tải cồng kềnh đồ phế liệu. Tôi khi ấy được dịp nên ngày nào cũng quấn lấy mẹ để được cùng đi chợ Tết.
Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, mẹ chở tôi cùng lỉnh khỉnh đồ ve chai, băng qua con chợ hoa những ngày giáp Tết vàng rực những cúc mâm xôi, vạn thọ, cát tường, phản phất cái mùi đặc trưng của Tết. Lượt về, lần nào tôi cũng nài nỉ mẹ chạy ngang chợ hoa để ngắm thêm lần nữa, mãi chẳng chán.
Người mẹ già tranh thủ thu nhặt ve chai để con có một cái Tết ấm no. Ảnh: IT.
Để được ngắm chợ hoa mỗi ngày tôi phải phụ mẹ phân loại ve chai. Ngôi nhà nhỏ của tôi khi đó dường như lúc nào cũng thoang thoảng mùi hăng hăng nồng nồng của đủ thứ đồ phế liệu. Đến nỗi tôi chợt thấy thân quen quá đỗi, cho đến khi mẹ không còn đi mua phế liệu nữa, mỗi dịp Tết về tôi lại cứ thấy thiếu thiếu và nhớ đáo để cái cảm giác được ngồi lọt thỏm giữa những chai nước ngọt, những lon sữa bò, những chai nước tương, nước mắm để phân loại cùng mẹ. Cũng nhớ những buổi trưa phơi lông vịt, cứ ngồi canh sợ gió thổi bay những sợi lông trắng bồng bềnh.
Cứ thế những ngày Tết xưa không ồn ào, cứ bình đạm mà trôi qua.
Hai bảy, hai tám Tết hằng năm là những ngày tôi thích nhất. Mẹ sau khi bán lại đồ phế liệu cho vựa thì sẽ chở tôi đi sắm đồ Tết. Tôi được mua tận ba bộ cho ba ngày Tết.
Tết của những năm ấy gia đình tôi không sắm sửa quá nhiều, nhà nội sẽ nấu bánh tét vào đêm hai chín và cho nhà tôi vài đòn. Tôi thích trải chiếu ngồi canh nồi bánh cùng các chị các cô, nghe mọi người kể chuyện rồi ngủ thiếp đi bên ánh lửa hồng của nồi bánh tét. Đến khi tôi nghe được mùi của chảo mứt gừng đang sên dở cùng những làn khói nóng hổi phả ra từ nồi bánh tét thì trời đã sáng.
Cái Tết cũ ở miền quê nghèo không có lấy những ngọn đèn xanh đỏ đủ màu như nơi tôi đang đứng. Tết của những năm ấy trong tâm trí của những đứa trẻ khi ấy chỉ vỏn vẹn là nồi bánh nhà nhà đều nấu, là chảo mứt gừng tự tay chị sên, là mùi của cúc mâm xôi quyện vào những chậu vạn thọ những ngày giáp Tết hay mùi của bộ quần áo Tết với cái áo đỏ lè như bao lì xì và cái quần ống loe đang là mốt. Nhưng cái Tết trong trí nhớ tôi còn là mùi hăng hăng từ đống ve chai của mẹ, là làn gió mang hương hoa Tết phả từng đợt vào gương mặt ngây ngô những ngày được mẹ đèo ngang chợ hoa Tết, cái thứ hương vị và thanh sắc mà bây giờ tôi chẳng còn tìm thấy nữa.
MỸ XUYÊN
Theo thegioitiepthi.vn
Gần Tết, tôi lại chênh vênh với những nỗi sợ vô hình 25 tuổi là cái tuổi đã hết thời mơ mộng nhưng cũng chưa phải độ tuổi trưởng thành thực sự, mọi thứ đang dần hoàn thiện. Tôi bắt đầu bơi giữa dòng đời hối hả đầy bon chen, cám dỗ, cùng bao bất ổn trong khi nghĩ về tương lai. Tôi có một công việc nhưng không ổn định. Tôi được coi là...