Chiêu độc “bắt” 2.000 gốc cam sai trĩu: Bón phân bằng… cá tươi
Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo “lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam”, người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để “sai khiến” gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.
Giảm chi phí phân bón
Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.
Được bón phân làm từ cá, vườn cam nhà ông Tiến luôn trĩu quả, chất lượng rất ngon
“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” – ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.
Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.
Cam được bón phân cá, căng tròn, mọng nước, được khách hàng đánh giá rất cao
Video đang HOT
“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng – Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.
Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng
Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng” – ông Tiến bảo vậy.
Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây
Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.
“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn” -ông Tiến khẳng định như vậy.
Theo Danviet
Bứt phá cán đích nông thôn mới, Noong Hẹt "thay da đổi thịt"
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã cán đích nông thôn mới. Để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân trong việc hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, giao thông, nâng cao thu nhập...
Huy động sức dân vào cuộc
Trong câu chuyện về Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, nói về những khó khăn của những ngày mới triển khai: "Khi bắt tay vào thực hiện, cả xã đều lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, vì triển khai tiêu trí nào cũng vướng, cũng khó. Để hoàn thành các tiêu chí, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch từng năm cho từng tiêu chí. Lấy sức dân làm gốc, vận động bà con cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới".
Là xã vùng lòng chảo Điện Biên, có nhiều thuận lợi để thực hiện các tiêu chí; trình độ nhận thức cũng được nâng cao, vì thế chỉ mất thời gian đầu triển khai còn gặp khó khăn. Khi người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình thì họ cùng bắt tay với chính quyền triển khai thực hiện.
Con đường vào thôn Văn Biên được đổ bê tông sạch đẹp, có sự đóng góp công sức của người dân trong thôn
"Trước đây vào thôn Văn Biên, đường đất lầy lội, nhưng khi được vận động, nhà nước hỗ trợ, dân thôn chúng tôi đã góp đất, công để làm đường gia thông. Chỉ trong thời gian ngắn con đường dẫn vào thôn dài gần 400m đã được đổ bê tông, thuận lợi cho người dân đi lại" ông Trần Thế Cương, Trưởng thôn Văn Biên cho biết.
Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Văn Biên đã thay da đổi thịt. Đường, trường, trạm, nhà văn hóa... đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Con đường sạch sẽ, trải bê tông phẳng lỳ dẫn vào thôn có một phần đóng góp không nhỏ của người dân. Nhiều gia đình rất tích cực tham gia đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất để làm đường, nhà văn hóa...
Để nâng cao thu nhập, người dân trong xã đã đưa những giống cây, con đặc sản vào trồng và chăn nuôi. Trong ảnh bà Trần Thị Quý, thôn Văn Biên nuôi gà đen, đang được thị trường ưa chuộng,.
Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã đánh giá, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, thì người dân là nhân tố chính để xã hoàn thành Chương trình nông thôn mới: "Tiêu chí khó nhất của chúng tôi là thu nhập, nhưng sự thay đổi tư duy, cách làm ăn nên tiêu chí khó nhất lại cán đích đầu tiên. Thu nhập trung bình trên đầu người của xã hiện đã đạt trên 23 triệu đồng/người/năm". Ngoài ra các tiêu chí về môi trường, văn hóa... cũng có đóng góp không nhỏ của người dân. Trước đây vào ngày mùa, học sinh hay bỏ học ở nhà giúp bố mẹ, nhưng hiện nay đã có chuyển biến rõ nét, không còn cảnh mỗi lớp vắng gần chục học sinh mỗi khi mùa gặt đến.
Nông thôn mới, con đường mới
Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Noong Hẹt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sức mạnh của toàn dân. Đối với những tiêu chí nào khó đạt được, cần sự đóng góp của dân, ban lãnh đạo xã vận động người dân cùng hưởng ứng. Với cách làm như vậy, xã Noong Hẹt đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong tổng số trên 13,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua, nhân dân xã Noong Hẹt đã đóng góp khoảng 2 tỷ đồng và trên 1.000 ngày công lao động để xã sớm đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phát triển chăn nuôi gia súc, hướng thoát nghèo của người dân Noong Hẹt
"Chúng tôi phải bứt phá, không để tụt hậu so với các xã đã được công nhận hoàn thành Chương trình nông thôn mới. Đầu tiên phải nâng cao thu nhập cho người dân, biến những lợi thế của cánh đồng Mường Thanh để nâng cao thu nhập. Xã đã chỉ đạo bà con, thay đổi cơ cấu giống, để phù hợp với nhu cầu thị trường. Những giống lúa mới có năng suất, chất lượng, được thịt trường ưa chuộng được bà con trong xã trồng ngày càng nhiều" ông Trần Công Kha nói về những bứt phá của xã trong thời gian tới.
Không như những địa phương khác sau khi hoàn thành Chương trình nông thôn mới còn nợ lại vốn rất lớn. Xã Noong Hẹt, dựa vào sức dân để xây dựng nông thôn mới, tất cả các công trình thuộc nông thôn mới được triển khai tại xã đều được đưa ra bàn tại các thôn, bản. Người dân cùng đóng góp ngày công, hiến đất, góp kinh phí để làm. "Ngoài những công trình lớn, nhà nước phải đầu tư, còn những công trình nhỏ như đường giao thông nội bản, nhà văn hóa... người dân tự bảo nhau, góp vốn, ngày công cùng với số vốn nhà nước cấp để làm" ông Trần Công Kha cho biết.
Theo Danviet
Dồn lực cứu vườn điều thoát cảnh "tiêu điều" chưa từng có Không lâu nữa mùa mưa sẽ kết thúc, nhưng không ai dự đoán được thời tiết có lại thất thường như đầu năm 2017. Những biện pháp chăm sóc khẩn trương đang được tích cực triển khai để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tiếp theo, sau vụ điều 2017 thất bát... Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều trong nước...