Chiêu bán xăng nâng giá ở Bến Tre
Với chiêu thức xóa mờ giá bán theo quy định và lợi dụng màn hình điện tử tại các trụ bơm bị mờ, một cây xăng ở Bến Tre đã nâng giá bán lên 160-650 đồng/lít xăng dầu.
Trong nhiều ngày tìm hiểu, ghi nhận thực tế, PV Tuổi Trẻ đã có đủ bằng chứng về hành vi gian lận của cây xăng Nguyễn Mai trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Mất 650 đồng mỗi lít xăng
Nằm trên con lộ chính vào xã An Thới (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), cây xăng Nguyễn Mai với ba trụ bơm xăng A95, xăng A92 và một trụ dầu DO, có lượng khách vào đổ xăng khá đông.
Phía trước các trụ bơm đều có ghi giá xăng dầu theo quy định của Nhà nước bằng viết màu đỏ, nhưng đã bị bôi nhòe nên nhìn rất khó thấy con số.
Mặc dù giá bán lẻ theo quy định hiện nay với xăng A95 là 18.780 đồng/lít, giá xăng A92 là 18.130 đồng/lít và giá đầu DO 0,05S là 13.720 đồng/lít, nhưng đơn giá hiển thị trong bảng điện tử tại các trụ bơm ở cây xăng Nguyễn Mai lại cao hơn mức trên.
Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường Bến Tre kiểm tra cây xăng Nguyễn Mai – Ảnh: M.Trường.
Cụ thể, tại trụ bơm xăng A95 có giá là 19.130 đồng/lít (cao hơn 350 đồng/lít), trụ xăng A92 là 18.780 đồng/lít (cao hơn 650 đồng/lít) và trụ dầu DO 0,05S là 13.880 đồng/lít (cao hơn 160 đồng/lít).
Không chỉ kê giá cao hơn quy định, cây xăng này còn cố tình đong thiếu. Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, khoảng 12h40 ngày 13/10, một thanh niên chạy xe máy biển số 66K3… vào cây xăng Nguyễn Mai mua 30.000 đồng loại xăng A92, lượng xăng hiển thị trên đồng hồ điện tử là 1,59 lít và giá xăng hiển thị là 18.780 đồng/lít.
Tuy nhiên, khi lấy số tiền (30.000 đồng) chia cho số lượng xăng (1,59 lít), nam thanh niên này phải mua xăng A92 với giá đến 18.867 đồng/lít (cao hơn cả giá hiển thị trên đồng hồ). Với số tiền trên, nếu thanh niên này mua xăng theo đúng giá thị trường (tức 18.130 đồng/lít) thì có thể mua được 1,65 lít. Như vậy tính ra vị khách này đã bị thiệt hơn 1.000 đồng cho lần đổ xăng trên.
Tiếp đến, một phụ nữ chạy xe vào mua 40.000 đồng cũng chỉ được 2,12 lít, tức giá xăng cho lượt đổ này cũng là 18.867 đồng/lít. Trong khi đáng lẽ người phụ nữ này phải được đổ hơn 2,2 lít. Tính ra khách hàng này bị mất hơn 1.450 đồng.
Video đang HOT
Còn tại trụ bơm xăng A95 của cây xăng này, vào cùng thời gian trên, khách ra vào đổ xăng khá đông. Một xe máy biển số 71F2… đổ 30.000 đồng cũng chỉ được 1,56 lít; xe máy khác 71H5… đổ 50.000 đồng cũng chỉ được cây xăng này đong cho 2,61 lít, trong khi đáng ra phải được đổ nhiều hơn thế.
Trong khoảng hai giờ có mặt tại cây xăng này, PV Tuổi Trẻ ghi nhận có hàng trăm lượt khách vào đổ xăng, mua dầu. Và ít người biết được mình đang bị móc túi một cách trắng trợn.
Giá nhà nước (phía dưới, khoanh tròn) và giá bán của cây xăng Nguyễn Mai chênh lệch gây thiệt hại cho khách hàng – Ảnh: M.TR.
Do nút chỉnh giá bị hư?
Giải thích về những điều bất thường ở cây xăng này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – chủ doanh nghiệp xăng dầu Nguyễn Mai – cho rằng, giá xăng trên đồng hồ điện tử của trụ bơm là giá xăng cũ, trước ngày 3/10.
Sau khi Nhà nước có sự điều chỉnh giá xăng giảm, các nút chỉnh trên trụ bơm bị hư nên chưa điều chỉnh giá xăng giảm theo giá thị trường bởi chưa gọi được thợ. “Nếu chỉnh được đã chỉnh hết rồi (!?)” – bà Mai nói thêm.
Theo bà Mai, mỗi ngày cây xăng này bán chỉ khoảng vài trăm lít. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem phiếu xuất nhập kho, thì bà Mai ậm ờ rồi tìm cách từ chối.
Sau khi nhận được thông tin từ PV báo Tuổi Trẻ, Đội quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Bến Tre) đã tổ chức đoàn kiểm tra cây xăng Nguyễn Mai. Ngày 15/10, ông La Văn Bé – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bến Tre – cho biết, đã nhận được báo cáo sơ bộ vụ việc tại cây xăng Nguyễn Mai.
Biên bản kiểm tra hiện trường của Đội quản lý thị trường số 4 cũng nêu tại bảng niêm yết giá thể hiện xăng Ron 92 giá 18.130 đồng/lít (giá Nhà nước), trên đồng hồ trụ bơm thể hiện 18.780 đồng/lít, chênh lệch 650 đồng/lít. Tại trụ bơm xăng Ron 95 giá bán thể hiện trên đồng hồ trụ bơm là 19.130 đồng, chênh lệch giá Nhà nước 350 đồng/lít. Tại trụ bơm dầu DO 0,05S giá bán thể hiện trên mặt đồng hồ trụ bơm là 13.880 đồng/lít, chênh lệch giá Nhà nước 160 đồng/lít.
Đội quản lý thị trường đã lập biên bản hiện trường và mời đại diện cây xăng đến làm việc.
Thách thức khách hàng
Anh Ph.H., nhân viên tiếp thị cho một nhãn hàng tại thị trấn Mỏ Cày Nam, cho biết, anh thường xuyên đổ xăng ở đây. Trước đây, trong một lần để ý thấy giá xăng trên mặt đồng hồ của trụ bơm cao hơn so với giá thị trường, anh đã thắc mắc với nhân viên của cây xăng nhưng không nhận được câu trả lời, đồng thời còn tỏ thái độ thách thức.
“Tôi tính gọi cho cơ quan chức năng để phản ảnh sự việc vì thấy xót cảnh người dân nghèo bị móc túi hằng ngày, nhưng thật sự tôi sợ bị phiền nhiễu, trả thù nên thôi”, anh H. nói.
Theo Tuổi Trẻ
Chuyến bay truy bắt người chế IC để các cây xăng gian lận
Có bức ảnh nhận diện nhưng nhân viên lễ tân không nhận ra vì Đức mang cặp kính râm quá lớn. Người này chỉ mô tả, nam thanh niên cao khoảng 1,65 m, mặt gầy, khá bảnh trai...
Cây xăng lương thực Yên Thành bị rút giấy phép kinh doanh một tháng nay đã được hoạt động trở lại.
Ngày 24/11, đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an Nghệ An) cho biết đã khởi tố, tạm giam Trần Lê Đức (35 tuổi) để điều tra hành vi Truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác.
3 nghi can có liên quan gồm: Nguyễn Sơn Hải (41 tuổi, ở huyện Diễn Châu), Lê Văn Toán (34 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu) và Bùi Thế Ái (45 tuổi, ở TP Vinh) cùng 12 người đứng đầu các trạm xăng có lắp chip điện tử IC giả đang tiếp tục bị điều tra hành vi Lừa dối khách hàng.
Theo kết quả điều tra bước đầu, Đức từng có 3 năm theo học công nghệ viễn thông - thông tin. Năm 2009, thanh niên này xin vào làm việc cho một công ty TNHH chuyên hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tự động hóa.
Trong quá trình làm việc tại đây, Đức đã thành thạo kỹ thuật lắp đặt các thiết bị ở cột bơm xăng dầu. Nhận thấy IC trong bàn phím của các cột xăng có thể làm giả và điều chỉnh bằng cách chạy lại chương trình, Đức về mở công ty riêng và bắt đầu chế tạo, cung cấp IC bán cho hàng loạt cây xăng dầu.
Từ lời khai của một số người có liên quan đến những chiếc IC giả trên thị trường, cảnh sát đã cho lập chuyên án và xác định người đứng đầu cung cấp mặt hàng này là Trần Lê Đức (ở quận Tây Hồ, Hà Nội). Tìm nơi cư trú của tên này, cơ quan chức năng phát hiện có đến 6 địa chỉ khác nhau.
Đêm 12/11, thượng tá Đặng Văn Hoạt, Phó trưởng phòng PC 46 - phó ban chuyên án và thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Đội trưởng đội điều tra án ra Hà Nội. Tuy nhiên lúc này, nghi can không có mặt ở nơi cư trú. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) xác định Đức đang ở sân bay quốc tế Nội Bài để bay vào Nha Trang.
Trần Lê Đức.
Đáp chuyến bay cuối cùng trong ngày, tổ công tác có mặt tại TP Nha Trang tối 14/11. Tại một khách sạn ở phường Phúc Thọ, các trinh sát nắm được thông tin có một sinh viên người Hà Nội đến đăng ký nghỉ từ trưa 14/11. Theo trình bày của nhân viên lễ tân, ngoài cô gái còn có nam thanh niên trên 30 tuổi ở cùng phòng.
Mặc dù có bức ảnh nhận diện nhưng nhân viên lễ tân không nhận ra vì Đức mang cặp kính râm quá lớn. Người này mô tả, nam thanh niên cao khoảng 1,65 m, mặt gầy, khá bảnh trai và nói giọng Bắc.
Xác định đây là người cần tìm, kế hoạch vây bắt được vạch ra. Khi cửa phòng vừa hé, cảnh sát nhanh chân ập vào hô lớn: "Anh Đức, anh đã bị bắt".
Khi nam thanh niên tra tay vào còng, kim đồng hồ chỉ lúc này là 0h ngày 15/11. Nhiều tang vật liên quan đến chuyên án được nhà chức trách thu giữ ngay sau đó.
Liên quan đến đường dây này, ông Phan Ngọc Quang - Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An cho Zing.vn biết, toàn tỉnh hiện có gần 400 trạm xăng với gần 1.000 cột xăng. Theo quy định, trung bình mỗi trạm xăng được cán bộ Chi cục đo lường chất lượng kiểm tra mỗi năm một lần. Những cây xăng vi phạm gian lận chủ yếu là của tư nhân.
Đề cập đến khách hàng có đòi lại được quyền lợi khi bị một số cây xăng "móc túi" hay không, ông Quang cho rằng điều này rất khó vì người mua đều không có hóa đơn, chứng từ. "Quan trọng lúc này là khách hàng cần đề cao cảnh giác, tự mình bảo vệ mình trước sự gian dối của các cây xăng", ông Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An nói và đưa ra lời khuyên, người mua cần yêu cầu nhân viên đưa số đo trên bảng điện tử về 0, không bơm tiếp theo số liệu đã có.
Ngoài ra, khi đổ xăng cần yêu cầu đổ số lít chứ không đổ bằng số tiền. Người tiêu dùng nên chọn các điểm uy tín bằng việc so sánh giữa các trạm xăng này với trạm xăng kia. Khi nghi ngờ có gian lận, cần thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chánh thanh tra Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, hiện có 12 trạm xăng bị rút giấy phép vì lắp IC giả để ăn bớt sản phẩm của người tiêu dùng. Trong số đó, có vài cửa hàng đã hoạt động trở lại vì thời hạn rút giấy phép đã hết.
"Chúng tôi vừa nhận được thông tin thêm một số cây xăng bị nghi ngờ có gắn chip IC giả để "móc túi" khách hàng. Sau khi có kết luận của cơ quan công an, sở sẽ tiến hành xử lý nghiêm nếu có gian lận", ông Hà nói.
Theo Zing
Hành trình truy bắt kẻ làm ic giả giúp các cây xăng gian lận Có bức ảnh nhận diện nhưng nhân viên lễ tân không nhận ra vì Đức mang cặp kính râm quá lớn. Người này chỉ mô tả, nam thanh niên cao khoảng 1,65 m, mặt gầy, khá bảnh trai. Hành trình truy bắt kẻ làm ic giả giúp các cây xăng gian lận Ngày 24/11, đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát...