Chiêu bài dùng Trung Quốc hút phiếu cử tri của ông Trump hết thời?
Tổng thống Trump dùng loạt phát ngôn chỉ trích Trung Quốc như bí quyết để hút cử tri, nhưng các chuyên gia cho rằng chiêu bài này đã không còn tác dụng.
Công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group nhận định nỗ lực sử dụng COVID-19 và các vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc như một phần của chiến lược tái tranh cử của Tổng thống Trump dường như đã thất bại. Chưa kể nó còn gây tổn hại thêm cho mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng trên nhiều mặt trận.
“Chiến dịch tranh cử ông Trump phát hiện ra rằng việc đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch không mang lại hiệu quả, không phải vì người Mỹ không có tâm lý chống Trung Quốc mà vì họ đang dồn sự quan tâm vào dịch bệnh thay vì để tâm tới Bắc Kinh”, Ian Bremmer – người sáng lập Eurasia Group cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)
“ Tôi không thực sự cho rằng vấn đề Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử này”, ông Bremmer nói trong cuộc báo ngắn về các ưu tiên chính sách đối ngoại của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 7, có 73% người Mỹ được hỏi bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc, thiếp lập một “kỉ lục mới trong lịch sử”.
Video đang HOT
Nhưng tới cuối tháng 9, trong cuộc thăm dò của Gallup Poll, cử tri Mỹ xếp mối quan tâm với Trung Quốc ở vị trí thứ 2 từ dưới lên trong danh sách 16 vấn đề liên quan tới bầu cử.
Yun Sun – giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Washington) nhận định 3 vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất hiện nay là y tế công cộng, nền kinh tế và công bằng chủng tộc. Trung Quốc nằm ngoài phạm vi này, vì vậy các ứng viên sẽ không có nhiều lợi thế nếu bấu víu vào đây để hút phiếu cử tri.
“Công chúng Mỹ có thể có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, nhưng điều đó không đồng nghĩa ai cứng rắn với Trung Quốc hơn sẽ giành lá phiếu của họ. Họ có thể thấy cách tiếp cận của ông Trump không hiệu quả như mình mong muốn hoặc thấy lợi ích từ chính sách Trung Quốc của ông ấy không đáng kể so với cái giá phải trả cho các chính sách khác”, bà Sun cho biết.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden tập trung chỉ trích cách ứng phó với đại dịch của chính quyền đương nhiệm thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc để dịch bệnh lây lan.
Phó chủ tịch của Eurasia – ông Gerry Butts cho rằng các cáo buộc của chiến dịch Trump về việc con trai của ông Biden – Hunter Biden có quan hệ làm ăn mờ ám với Trung Quốc cũng không thu hút được sự chú ý như kỳ vọng.
“Chiến dịch tranh cử của Trump rất muốn có một cuộc tranh chấp lớn với ông Biden về Trung Quốc. Nhưng chiến dịch của Biden lại quyết định bỏ qua vấn đề này bằng cách tỏ ra gay gắt với Trung Quốc hơn so với thực tế trong nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến mà họ biết chắc sẽ thua”, ông Butts cho hay.
Yingyi Ma – giáo sư chuyên ngành xã hội học tại Đại học Syracuse (New York) cho rằng “kỹ năng tư duy phản biện” giúp cử tri Mỹ tách bạch Trung Quốc với các vấn đề trong nước.
“Hầu hết người Mỹ không nhất thiết coi các vấn đề của họ với Trung Quốc liên quan tới vấn đề nội bộ nước mình. Tôi cho rằng quan điểm này là do kỹ năng tư duy phản biện của họ bất chấp câu chuyện Trump đổ lỗi cho Trung Quốc”, Ma nhận định.
Bầu cử Mỹ: Trump bị đẩy vào thế nguy hiểm ở các bang chiến trường
Khi các ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục tăng cao ở các bang chiến trường, sự thất vọng của cử tri về cách xử lý đại dịch của đương kim Tổng thống Donald Trump đang đẩy ông vào thế nguy hiểm ở các bang mà ông cần nhất, đặc biệt là ở Wisconsin and Iowa.
Gabe Loiacono thuộc nhóm cử tri mà ông chủ Nhà Trắng có thể phải trả giá đắt một khi để mất. Ông Loiacono - một giáo sư lịch sử đại học sống ở một quận quan trọng của một bang chiến trường thuộc nhóm quyết định thắng thua trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Lần cuối ông Loiacono bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Dân chủ là từ 20 năm trước. Nhưng năm nay, ông quyết định bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vì cho rằng, đương kim Tổng thống Trump đã thất bại hoàn toàn trong việc xử lý đại dịch Covid-19.
"Tổng thống Trump dường như vẫn chưa nhìn nhận đại dịch một cách đủ nghiêm túc. Tôi ước ông ấy đã làm như vậy", ông Loiacono nói và chia sẻ thêm, ông chưa từng nghĩ rằng, ông Trump làm "mọi thứ đều tệ" nhưng nhận thấy ông chủ Nhà Trắng "vẫn còn quá nhiều mơ tưởng và không đưa ra đủ các hướng dẫn rõ ràng".
Hiện tại, Covid-19 đang trở nên tồi tệ hơn ở những bang mà tổng thống Đảng Cộng hòa cần thắng nhất, ít nhất là vào giai đoạn nước rút trong cuộc bầu cử hiện nay. Các ca nhiễm mới đang tăng cao ở Wisconsin cũng như các nơi khác ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ báo cáo hôm Chủ nhật 25/10 rằng trong số các bang của Mỹ, Wisconsin có tỷ lệ các ca nhiễm mới cao thứ 3 trong bảy ngày trước đó. Iowa đứng thứ 10.
Giám đốc cuộc thăm dò của Đại học Luật Marquette, ông Charles Franklin cho biết, phản ứng với đại dịch của ông Trump đang đe dọa khả năng bảo vệ chiến thắng ở Wisconsin của ông năm 2016. Ông Trump đã giành được gần 23.000 phiếu bầu vào năm 2016.
Ông Trump đã thắng hạt Winnebago của Wisconsin vốn được xem là hạt "xanh" (trung thành với đảng Dân chủ) và Oshkosh vào năm 2016. Trước đó, cựu Tổng thống Barack Obama thắng các hạt này vào năm 2012. Hiện Winnebago nằm trong số 10 hạt có các ca nhiễm Covid-19 cao hàng đầu ở Wisconsin, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins thu thập.
Xu hướng tương tự ở Iowa. Hạt Dubuque vốn được xem là hạt "xanh" cũng ủng hộ ông Trump năm 2016 dù kể từ năm 1950 hạt này chỉ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ. Nhưng Dubuque hiện là 1 trong 10 hạt của bang Iowa có các ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh nhất trong 2 tuần qua.
Tại Wisconsin, tỷ lệ tán thành với ông Trump về cách xử lý đại dịch Covid-19 đã giảm đáng kể từ 51% vào tháng 3 xuống còn 41% vào tháng 10, theo một cuộc thăm dò của Trường Luật Đại học Marquette. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy, ông Biden đang giành được lợi thế không quá lớn nhưng nhất quán trước Trump ở bang này.
Quan điểm của người Iowa về cách ông Trump xử lý đại dịch Covid-19 cũng được cho là tiêu cực nhiều hơn tích cực, theo các cuộc thăm dò của The Des Moines Register's Iowa Poll và Đại học Monmouth.
Theo dữ liệu của Johns Hopkins, các trường hợp mắc Covid-19 cũng đã tăng lên trong suốt hai tuần qua ở các bang chiến trường miền Trung Tây của Mỹ như Michigan, Minnesota và Ohio, mặc dù không tăng mạnh như ở Wisconsin và Iowa.
Ông Terry Madonna, học giả kỳ cựu về chính trị ở Pennsylvania bình luận, đại dịch Covid-19 đang tạo ra sức ảnh hưởng chi phối bởi vì nó tác động đến cá nhân tất cả người Mỹ và hầu hết mọi người về mặt kinh tế.
Và những cử tri như ông Loiacono, 44 tuổi nói rằng họ sẽ buộc tổng thống phải giải trình.
"Công việc của chính phủ là dẫn dắt trong thời kỳ khủng hoảng. Tổng thống đã thừa nhận rằng ông ấy đã nói chuyện tích cực hơn nhiều về đại dịch Covid-19 bởi vì ông ấy thấy vai trò của mình là một người cổ vũ. Và tôi hiểu điều đó, nhưng tôi nghĩ đó là một bước đi sai lầm", ông Loiacono đeo khẩu trang và đứng trước hiên nhà ở Oshkosh, cách hồ Winnebago vài dãy nhà nhấn mạnh.
Melania Trump ca ngợi chồng là 'chiến binh' Đệ nhất phu nhân Melania ngày 27/10 gọi Tổng thống Trump là một "chiến binh", đồng thời bày tỏ cảm thông với các nạn nhân Covid-19. "Donald là một chiến binh. Ông ấy yêu đất nước này và đang chiến đấu cho tất cả các bạn mỗi ngày", Đệ nhất phu nhân Melania Trump phát biểu trước những người ủng hộ Tổng thống...