Chiều 14/1: Đã phân bổ 187,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Người bệnh F0 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện
Đến nay cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 187,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19; cả nước đã tiêm hơn 165,5 triệu liều; 34 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi từ 12-17; Người bệnh F0 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện…
Cả nước đã tiêm hơn 165,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h30 ngày 14/1 cho biết, cả nước đã tiêm 165.524.173 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 13/1, tiêm 1.041.860 liều.
Bộ Y tế cho biết, trong tổng số 206,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ tổng số 187,6 triệu liều , còn khoảng 18,9 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Đến ngày 13/1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 150.253.014 liều, trong đó có 70.425.386 mũi 1; 65.511.252 mũi 2; 1.315.622 mũi 3 (vaccine Abdala); 3.792.525 liều bổ sung và 9.208.229 liều nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h30 ngày 14/1 cho biết, cả nước đã tiêm 165,524,173 liều vaccine phòng COVID-19
39/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 20/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản từ 80 – dưới 90%; 04/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,3%), Cao Bằng (78,9%) và Sơn La (75,4%).
Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.229.299 liều, trong đó có 8.033.522 mũi 1 và 6.195.777 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 90,1% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 69,5% dân số từ 12 -17 tuổi.
34 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Video đang HOT
Chủ động kế hoạch, phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.
Khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 01 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam.
Tăng cường quản lý người có nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi); thực hiện xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Người bệnh COVID-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện
BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 1.050 ca khám hậu COVID-19. Trong đó, 59% kèm theo bệnh lý nền, 341 trường hợp phải nhập viện điều trị. Chúng tôi khuyến cáo tất cả người bệnh COVID-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện, để đảm bảo khỏe mạnh hoàn toàn, không còn di chứng.
Trong 1.050 bệnh nhân khám hậu nhiễm COVID-19, vấn đề chủ yếu là hô hấp cấp, hô hấp mãn tính, tim mạch, một số bệnh lý có thể gây xuất huyết não. Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, nhóm bệnh nhân COVID-19 từ 30-50 tuổi, không có bệnh lý nền, vẫn ghi nhận triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress… hậu nhiễm.
Theo BS Phan Minh Hoàng, khi bệnh nhân trở lại thăm khám sớm, sẽ được thực hiện xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng. Từ đó, kịp thời điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
Sở Y tế TP HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu COVID-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Cụ thể, ở tầng thấp nhất là tuyền y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.
Ở tầng 2 – Bệnh viện tuyến quận huyện: thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu Covid-19 mức độ trung bình.
Ở tầng 3 – Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…
Quảng Bình: Có 68/78 ca mắc mới COVID-19 là ca cộng đồng
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 13/01/2022 đến 6 giờ ngày 14/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 78 ca mắc COVID19, trong đó có 68 ca cộng đồng.
Tổng số người về từ vùng dịch dương tính với virus SARS-CoV-2 là 755 ca
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.692; số ca điều trị khỏi là 3.844 còn 256 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 522 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Hiện 95,93 % người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 90,48%; Có 95,68% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã bắt đầu tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường, nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu và các đơn vị thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Ấn Độ ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất kể từ tháng 9: Nhiều bang vật lộn chống đỡ Omicron
Số ca nhiễm COVID-19 của Ấn Độ đang tăng trở lại khi một số bang nước này phải vật lộn chống chọi với số ca nhiễm Omicron ngày càng tăng, CNBC đưa tin.
Ngày 4/1, Ấn Độ báo cáo thêm 37.379 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24h. Đây là số ca nhiễm trong một ngày cao nhất kể từ tháng 9 và đánh dấu một sự gia tăng đáng kể từ 6.358 ca vào ngày 28 tháng 12.
Một nhân viên y tế tiêm vaccine Covaxin cho người dân tại trung tâm tiêm chủng COVID-19 được thành lập tại Trung tâm Y tế Công cộng Thành phố Delhi ở khu vực Daryagunj của New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 21 tháng 6 năm 2021. Ảnh: Sumit Dayal | Bloomberg | Getty Images
Bang Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, cho đến nay đã phát hiện 568 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, khu vực thủ đô Delhi báo cáo 382 trường hợp Omicron. Hai khu vực này chiếm khoảng một nửa số ca Omicron ở Ấn Độ.
Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal, cho biết hôm 4/1 rằng ông đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19 và đang có "các triệu chứng nhẹ". Ông nói thêm rằng mình đã tự cách ly ở nhà và kêu gọi những người tiếp xúc gần làm điều tương tự và đi xét nghiệm.
Biến thể Omicron được các nhà khoa học ở miền nam châu Phi xác định lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2021. Biến thể này đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia như Mỹ và Vương quốc Anh.
Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, Anh và Scotland được công bố vào tháng trước cho thấy những người nhiễm Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn nhiều so với những người nhiễm các biến thể COVID-19 khác như Delta.
Nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh rằng còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu Omicron có nhẹ hơn hay không. Một số lượng lớn ca nhiễm Omicron vẫn có thể tạo gánh nặng lên các bệnh viện.
Năm ngoái, Ấn Độ phải hứng chịu một làn sóng COVID-19 khổng lồ, một phần do biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở nước này vào tháng 10 năm 2020, các sự kiện tôn giáo đông người và các cuộc vận động bầu cử. Khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 và tử vong mỗi ngày gia tăng với tốc độ đáng báo động, cuộc khủng hoảng đã đẩy hệ thống y tế của Ấn Độ đến bờ vực.
Kể từ đó, Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực tiêm vaccine COVID-19. Tháng 10 năm ngoái, nước này đã đạt mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine. Khoảng 44% dân số của Ấn Độ hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.
Chiều 17/12: Đã tiêm gần 137 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Bác sĩ quân y lập nhóm hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà Cập nhật đến 13h30 ngày 17/12 trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, cả nước đã tiêm gần 137 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Bác sĩ quân y lập nhóm hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; Ca COVID-19 tăng mạnh, Cà Mau có 74 đơn vị cấp xã thuộc "vùng cam". Cả nước đã tiêm gần 137 triệu liều...