Chiến tranh thương mại với Mỹ “thổi bùng” nỗi lo thất nghiệp ở Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quan ngại về tình trạng thất nghiệp ở nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt nhưng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
(Ảnh minh họa: Reuters)
SCMP đưa tin, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 5/12 đã đưa ra các chính sách mới liên quan tới tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, theo văn bản đăng tải trên một trang web chính phủ, các biện pháp trên bao gồm việc hoàn trả khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các công ty không sa thải nhân viên hay ban hành các chính sách cho người thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 thay vì chỉ có chính sách cho sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm như trước đây.
Theo SCMP, chính sách trên đã được soạn thảo từ ngày 16/11, nhưng mới chỉ được công bố trong tuần này. Tuy nhiên, nó đã được chuyển xuống cho các chính quyền địa phương từ tháng trước. Các chính quyền này có 30 ngày để tự soạn thảo ra chính sách riêng của họ dựa vào chính sách chung, nhằm phù hợp cho hoàn cảnh từng nơi.
Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn ưu tiên việc ổn định thị trường việc làm hơn các mục tiêu kinh tế. Văn bản mới được công bố cho thấy mối quan ngại của chính phủ trung ương về việc liệu họ có thể chống chọi với viễn cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng hay không, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang làm giảm nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp, tập đoàn, cụ thể là từ các nhà sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Trong khi các số liệu chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định, khoảng 4,9% vào tháng 10, thì các chỉ số khác cho thấy thị trường việc làm ở Bắc Kinh đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Điển hình như các nhà máy xuất khẩu ra nước ngoài trong vài tháng qua đã phải cắt bớt nguồn lao động do nhu cầu giảm sút.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu tuyển dụng giảm hơn một nửa so với quý 3, theo Viện nghiên cứu tình trạng thất nghiệp Trung Quốc. Thống kê trên cho thấy, số lượng việc làm đặc biệt giảm sút ở các thành phố duyên hải như Ninh Ba (Chiết Giang) hay Giang Tô (Tô Châu). Đây là những tỉnh có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
“Vấn đề việc làm đang đối mặt với những thách thức mới, cụ thể là từ khi căng thẳng thương mại bùng phát”, ông Zhang Yizhen, một quan chức về nguồn nhân lực và bảo hiểm xã hội, nhận định. Ông Zhang nói rằng những công ty có hoạt động làm ăn với Mỹ đều đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề nhân sự.
Video đang HOT
Chính vì vậy, động thái của Hội đồng Nhà nước được cho là nhằm giải quyết những mối lo ngại về thất nghiệp của chính phủ. Theo đó, các công ty không đuổi việc nhân viên hoặc chỉ cho một số ít nghỉ việc có thể được hoàn lại 50% tiền bảo hiểm thất nghiệp. Các công ty đang trong điều kiện khó khăn tạm thời nhưng không tinh giảm biên chế, sẽ có mức hoàn trả cao hơn.
Các công ty Trung Quốc thường phải trích ra 2% tổng doanh thu hàng tháng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân cũng như vừa và nhỏ với các khoản vay tài chính.
Ngoài ra, ở một số địa phương, những bên thứ 3 môi giới việc làm cũng được chính phủ trả tiền nếu như họ giúp các công nhân tìm được công việc. Các công ty quy mô nhỏ sẽ được hưởng các khoản vay ưu đãi dựa trên số lượng lao động và nhân viên họ thuê. Chính phủ Trung Quốc cũng có ưu đãi cho những người khởi nghiệp ở vùng nông thôn, các doanh nghiệp thuê lao động đang sống dưới mức nghèo đói.
Đức Hoàng
Theo Dantri/SCMP
Người chèo lái thương mại Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ngừng leo thang cuộc chiến thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc
Thỏa thuận được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thủ đô Buenos Aires của Argentina. Sau khi cuộc gặp kết thúc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, Bắc Kinh và Washington sẽ dừng việc áp thêm thuế và sẽ đẩy mạnh cuộc đàm phán thương mại song phương.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc liên tục ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến tranh thương mại. Khởi đầu, ông Trump đánh thuế 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Trung Quốc lập tức áp thuế lên thịt bò, đậu nành Mỹ, gây thiệt hại cho nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tiếp đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Và ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố trả đũa tương tự nhằm vào 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Những đòn ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động tới nền kinh tế hai bên, mà còn khiến bầu không khí thương mại toàn cầu trở nên ngột ngạt.
Trong bối cảnh cuộc chiến như vậy, dư luận đặc biệt quan tâm tới những nhân vật được xem là nòng cốt về chính sách thương mại song phương. Cụ thể, phía Bắc Kinh là Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, người đã có một số phát biểu cứng rắn về lập trường của nước này trong cuộc đấu tay đôi về thương mại với Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn sinh năm 1955, người tỉnh Chiết Giang. Ông chính thức tham gia công tác từ năm 1972. Tháng 11/2008, ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và từ tháng 2/2017 trở thành người đứng mũi chịu sào của cơ quan này.
Hồi tháng 3 năm nay, ông Chung Sơn khẳng định, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và sẽ không khơi mào một cuộc chiến như vậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giải quyết bất cứ thách thức liên quan nào, đồng thời sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân.
Ông Chung Sơn cho rằng, trong chiến tranh thương mại không có người chiến thắng, chỉ có những kết cục tồi tệ đối với hai bên và cả thế giới. Ngoài ra, ông cũng lưu ý các phương thức thống kê khác nhau đã làm tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái thêm khoảng 20%.
Quan chức này nhận định, sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là vấn đề cơ cấu khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn và nhập khẩu nhiều dịch vụ hơn từ nước này. Theo ông, cạnh tranh thương mại được quyết định bởi các ngành công nghiệp và việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến mất cân bằng thương mại song phương.
Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn cho rằng, hiện hai nước có những nhu cầu khác nhau về việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, ô tô, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác do các điều kiện khác nhau tại từng quốc gia. Bên cạnh đó, lập trường khác nhau trong an ninh mạng Internet, quyền sở hữu trí tuệ cũng tác động đến đầu tư và thương mại song phương.
Đầu tháng 10 vừa qua, người đứng đầu Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn. Ông nói, "có một quan điểm tồn tại lâu nay ở Mỹ là nếu Mỹ duy trì biện pháp tăng thuế, Trung Quốc sẽ chịu thua. Họ không hiểu biết lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Đất nước chúng tôi bị nước ngoài bắt nạt rất nhiều lần trong lịch sử, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bị khuất phục dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất".
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định, sự phát triển kinh tế, khoa học và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc là nhờ chính sách cải tổ, mở cửa và của nỗ lực của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ "chiếm ưu thế của Mỹ", ngay cả khi Trung Quốc có mức thặng dư thương mại 31,05 tỷ USD với Mỹ hồi tháng 8/2018.
"Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng sẽ đứng lên chống lại nếu cuộc chiến đó bùng nổ. Mỹ chớ nên xem thường ý chí và sự quyết tâm của Trung Quốc", ông Chung Sơn tuyên bố.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, đây có thể coi là lời đáp trả đanh thép nhất từ phía Bắc Kinh, kể từ khi cuộc xung đột gay gắt về thương mại nổ ra giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ, dù trước đó Bắc Kinh đã công bố Sách Trắng mới với nội dung chỉ trích những hành vi ức hiếp thương mại của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc là một trong những cơ quan có vai trò "tiền tuyến" trong các cuộc đối thoại và đàm phán về thương mại với Mỹ. Việc người đứng đầu cơ quan này đưa ra tuyên bố cứng rắn cho thấy tình trạng xấu đi trông thấy trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định.
Mặc dù hiện tại Mỹ và Trung Quốc đã tạm ngưng cuộc chiến thương mại, nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn những đòn ăn miếng trả miếng. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ sẽ giữ nguyên thuế suất bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ở mức 10% như hiện nay, không nâng thuế suất lên 25% kể từ đầu 2019.
Ngược lại, Mỹ muốn lập tức bắt đầu đàm phán về những mối lo lớn nhất của ông Trump về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, gồm cáo buộc về đánh cắp tài sản trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, và tấn công mạng. Sau 90 ngày, nếu Bắc Kinh không có tiến bộ nào về cải cách cơ cấu, Mỹ sẽ nâng thuế suất lên 25%.
Ông Vương Huy Diệu, Chủ tịch Trung tâm toàn cầu hóa Trung Quốc, lạc quan dè dặt: "Sau nhiều tháng căng thẳng thương mại Mỹ -Trung thì thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạm thời giải tỏa xung đột. Tạm dừng áp thuế mới được coi là cam kết mà 2 bên cần nỗ lực thực hiện".
"Trong vài tháng tới, hai bên sẽ phải cố gắng thu hẹp các bất đồng dù khó khăn tới mức nào bởi nền kinh tế của 2 nước rất gắn kết, có quan hệ chặt chẽ, không bên nào có lợi nếu xảy ra tranh chấp. Tôi không dám chắc thời hạn 90 ngày có đạt được hay không nhưng về lâu dài, hai nước sẽ phải giải quyết bằng được các tranh chấp".
Theo Tuấn Trần
Vietnamnet
"Cánh tay phải" kín tiếng giúp ông Trump đối phó Trung Quốc Trong đội ngũ cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, Michael Pillsbury dường như là người được Tổng thống Mỹ Donald Trump tín nhiệm nhất khi cần lời khuyên hoặc các đề xuất đối phó với Trung Quốc. Ông Michael Pillsbury là cố vấn về Trung Quốc rất được Tổng thống Trump tin tưởng. (Ảnh: NYT) Thứ ba tuần trước (27/11), ông Pillsbury...