Chiến tranh Lạnh: CIA huấn luyện chim để theo dõi Liên Xô như thế nào?
CIA từng coi những con chim di cư là “cảm biến sống” để dò các loại chất bí mật mà Liên Xô thử nghiệm.
Không những vậy, cơ quan này còn huấn luyện các loài chim tiềm năng cho nhiệm vụ gián điệp.
Một con quạ là “ngôi sao” của dự án huấn luyện chim làm nhiệm vụ gián điệp của CIA. Ảnh minh họa
Năm 2019, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố hàng chục hồ sơ liên quan tới các dự án thử nghiệm trên các loài động vật như mèo, chó, cá heo, chim… ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sau những lần thử nghiệm thất bại với mèo và cá heo trong nhiệm vụ gián điệp, các thủ lĩnh tình báo Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để ý tới các loài bay trên trời như bồ câu, diều hâu, cú, quạ, và thậm chí là cả các đàn chim di cư hoang dã.
CIA từng mời các nhà điểu học để xác định những loài chim di cư sinh sống ở khu vực Shikhany thuộc lưu vực sông Volga, phía đông nam Moscow. Đây được cho là khu vực mà Liên Xô khi đó vận hành một cơ sở chế tạo vũ khí hóa học.
CIA coi những con chim di cư này như “cảm biến sống”, dựa trên những thứ chúng ăn để xác định loại chất mà Liên Xô thử nghiệm. Tuy nhiên, ý tưởng này được xác định là không khả thi vì các loài chim chỉ di cư theo mùa. Ngoài ra, việc xác định và phân loại chim di cư hoang dã tốn rất nhiều công sức.
Đầu thập niên 70, CIA chuyển hướng sang chim săn mồi và quạ, kỳ vọng chúng có thể sẵn sàng cho các nhiệm vụ như thả thiết bị nghe lén trên bậu cửa sổ hoặc nhiệm vụ chụp ảnh.
Trong dự án Axiolite, những người huấn luyện chim làm việc trên đảo San Clemente, ngoài khơi phía nam bang California. Họ được giao nhiệm vụ đào tạo lũ chim bay hàng km trên mặt nước từ trên đảo tới một con thuyền ngoài khơi và ngược lại.
Nếu khóa huấn luyện diễn ra suôn sẻ, “ứng viên” được chọn sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn. Trong nhiệm vụ này, con chim sẽ tới Liên Xô bằng đường buôn lậu rồi được bí mật thả ra ngoài thực địa. Con chim này sẽ bay 25km và mang theo một máy ảnh tự động siêu nhỏ, chụp ảnh radar của tên lửa SA-5 rồi bay trở lại vị trí có người đợi sẵn.
Các loài chim tham gia huấn luyện gồm diều hâu đuôi đỏ, cú, kền kền, vẹt và quạ. Việc huấn luyện những con chim không hề suôn sẻ. Vẹt là loài “bay thông minh” nhưng quá chậm để tránh bị mòng biển tấn công.
Video đang HOT
Hai con diều hâu chết vì bệnh tật, trong khi các ứng viên còn lại không đáp ứng được kỳ vọng.
“Ngôi sao” của dự án Axiolite là con quạ Do Da. Ban đầu, con quạ này bay được quãng đường 1,2km từ đảo tới thuyền trong 1 ngày. Sau 3 tháng được huấn luyện, Do Da đã di chuyển quãng đường 9,6km từ đảo tới thuyền và 6,4 km từ thuyền về đảo trong khoảng thời gian tương tự.
Do Da là “ứng viên” triển vọng nhất cho nhiệm vụ ở Liên Xô. “Ngôi sao của dự án”, một nhà khoa học bình luận. “Nó tìm được độ cao lý tưởng trong điều kiện gió phù hợp và đủ mưu mẹo để đánh lừa những con quạ và mòng biển bản địa”.
Tuy nhiên, sự cố bất ngờ xảy ra với Do Da khiến các nhà khoa học của CIA thất vọng. Trong một nhiệm vụ huấn luyện, Do Da bị 2 con quạ khác tấn công rồi mất tích từ đó.
Bồ câu cũng được CIA thử nghiệm cho nhiệm vụ điệp viên. Ảnh minh họa
Sau khi thất bại với nhiều loài chim, CIA vẫn tiếp tục thử nghiệm với bồ câu – loài được sử dụng phổ biến để truyền tin trong Thế chiến I. Thách thức của việc sử dụng loài chim này là chúng thường bay và hoạt động tốt ở những nơi quen thuộc. Trong khi đó, nhiệm vụ CIA giao cho chúng là ở Liên Xô, nơi chúng phải bay ở các địa điểm xa lạ và các mục tiêu cần chụp ảnh.
CIA đã mua hàng trăm con chim bồ câu, cho chúng bay thử với camera ở các khu vực trên khắp nước Mỹ để xem liệu chúng có thể được huấn luyện bay trên các tuyến đường mô phỏng hay không.
Mục tiêu mà CIA nhắm tới ở Liên Xô là xưởng đóng tàu ở Leningrad (nay là St. Petersburg), nơi Liên Xô chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Sau nhiều khóa huấn luyện, những con chim bồ câu được đưa đến Washington để kiểm tra. Kết quả thu về rất khác nhau. Một số bức ảnh rất hoàn hảo, nhưng cũng không ít ảnh mất nét. Một số con bay về mà không còn máy ảnh đắt tiền. Một số khác bị chim săn mồi tấn công.
Các tài liệu của CIA công bố không nói liệu chiến dịch do thám Leningrad có tiếp tục được thực hiện hay không. Nhưng một đánh giá của CIA năm 1978 nêu rõ rằng, còn nhiều vấn đề về độ tin cậy khi do thám bằng các loài chim.
CIA Mỹ đổ 20 triệu USD biến mèo thành "điệp viên" để tung vào Liên Xô ra sao?
Với mục đích do thám các thông tin mật từ Liên Xô, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chi hàng chục triệu USD để tạo ra một con mèo lạ chưa từng thấy.
Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan chức tình báo Mỹ đã ấp ủ kế hoạch theo dõi người Liên Xô ở thủ đô Washington, D.C bằng cách sử dụng mèo. Ảnh minh họa
Huấn luyện động vật để giao cho chúng nhiệm vụ nghe lén, chụp ảnh do thám hay đánh chìm tàu địch là một số dự án thử nghiệm từng được đánh giá cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vì sao các dự án này được đánh giá cao? Chúng được phát triển như thế nào? Mời độc giả cùng đón đọc trong loạt bài này.
Theo The Atlantic, vào thập niên 60 của thế kỷ 20 (đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh), các quan chức tình báo Mỹ đã ấp ủ kế hoạch theo dõi người Liên Xô ở thủ đô Washington, D.C. nhằm nghe lén các thông tin mật.
Tuy nhiên, các thiết bị nghe lén khi đó vẫn chưa đủ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ gián điệp.
"Vấn đề nằm ở chỗ thiết bị nghe lén thu mọi tiếng động", Vince Houghton, một học giả dạy các khóa học về lịch sử Chiến tranh Lạnh và lịch sử tình báo tại Đại học Maryland (Mỹ), viết trong một cuốn sách. "Điều đó có nghĩa là nó sẽ thu về cả những tạp âm có trong cuộc nói chuyện như tiếng chim hót, tiếng xe cộ qua lại... Bản ghi âm lúc đó không còn giá trị".
CIA sau đó nảy ra ý tưởng về "mèo điệp viên" và chi khoảng 20 triệu USD để phát triển dự án "Acoustic Kitty" (tạm dịch: Mèo nghe lén) trong 5 năm.
Lý do loài mèo lọt vào "mắt xanh" của CIA là vì chúng có thể đi tới bất cứ đâu: nhảy qua hàng rào, chui vào khe cửa... và quan trọng là chúng không bị lính canh chặn lại. CIA còn cho rằng không ai nghi ngờ một con mèo lảng vảng ở địa điểm họp vì loài này là thú cưng với nhiều người.
Ở thời đại trước khi có vi mạch và thiết bị kỹ thuật số, các nhà khoa học của CIA phải tìm cách để gắn micro, ăng ten, máy phát audio và pin vào bên trong cơ thể con mèo.
"Họ mổ bụng con mèo rồi nhét pin vào bên trong. Họ đã tạo ra một sinh vật quái dị", Victor Marchetti, một cựu nhân viên CIA, chia sẻ.
Các vị trí gắn thiết bị trên "mèo điệp viên". Ảnh minh họa
Xét cho cùng, tạo ra một con mèo công nghệ cao không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong thời đại máy tính có kích thước bằng cả căn phòng. Con mèo đó phải mang cả đống thiết bị trên người, phải còn sống mà vẫn phải trông giống mèo, không có bất kỳ vết sẹo hay chỗ lồi lõm nào, theo tạp chí Smithsonian.
"Phối hợp với một số nhà thầu thiết bị âm thanh, CIA chế tạo một máy phát audio dài gần 2cm để cấy vào đáy hộp sọ của con mèo. Micro được đặt trong ống tai. Ăng ten được gắn dọc sống lưng, dưới lớp lông dày để dễ che giấu. Các kỹ thuật viên gặp chút rắc rối về pin vì kích thước của con mèo có giới hạn nên họ chỉ sử dụng được loại pin nhỏ nhất. Điều này hạn chế thời gian ghi âm", Matt Soniak, cây viết của trang Mental Floss cho hay.
Sau cuộc phẫu thuật, thành công bước đầu đã đến khi con mèo còn sống và máy ghi âm hoạt động tốt. Nhóm nhà khoa học của CIA dành nhiều tháng để huấn luyện con mèo với các chỉ dẫn đơn giản.
Thời điểm đó, cựu nhân viên CIA Marchetti cho biết, quá trình huấn luyện đầy hứa hẹn nhờ một bước đột phá trong kích thích não. Các nhà khoa học đã huấn luyện con mèo đến các địa điểm cụ thể và ngồi ở đó trước khi di chuyển ra vị trí khác.
Theo Marchetti, con mèo thường đi lang thang khi nó đói nên các nhà khoa học đã cấy một sợi dây khác trên thân mèo để kiểm soát cảm giác thèm ăn của nó.
CIA rất tự tin với "mèo điệp viên" mà họ tạo ra. Ảnh minh họa: How stuff works
Sau khi đào tạo thành công, CIA tự tin vào khả năng hoạt động của "mèo điệp viên" và quyết định thử nghiệm ngoài thực địa. Nhưng các quan chức của CIA đã bị dội gáo nước lạnh khi chứng kiến kết cục của "điệp viên" mà họ kỳ công đào tạo.
Các nhân viên CIA dùng xe tải chở con mèo "điệp viên" tới một công viên. Sau đó, họ mở cửa để con mèo làm "nhiệm vụ": Di chuyển tới gần một chiếc ghế và nghe lén cuộc trò chuyện của 2 người đàn ông.
"Họ thả con mèo để nó chạy ra khỏi xe. Một chiếc taxi từ xa lao đến và đâm chết con mèo trước khi nó kịp hoàn thành nhiệm vụ", cựu nhân viên CIA Marchetti nói.
Không chỉ con mèo bị cán chết mà ngay cả dự án "mèo điệp viên" Acoustic Kitty cũng bị "khai tử". Ban đầu, CIA nói rằng dự án là một thành tựu khoa học đáng chú ý và ca ngợi các nhà khoa học vì "công việc tiên phong" của họ. Nhưng cuối cùng, khi dự án bị hủy, CIA kết luận rằng, vì "các yếu tố môi trường và an ninh khi sử dụng ở nước ngoài, mèo điệp viên không mang lại hiệu quả".
Nga phản đối OSCE vì họp nhưng không mời Ngoại trưởng Lavrov Các ngoại trưởng OSCE đang nhóm họp tại Ba Lan nhưng nước này đã không mời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Nga đã phản đối hành động này, còn các nước phương Tây cho rằng lỗi do chính Nga gây ra. Quang cảnh cuộc họp của OSCE diễn ra tại Ba Lan ngày 1/12. Ảnh: DW Theo báo Deutsche Welle (Đức),...