Chiến tranh khu vực có thể bùng nổ từ Iraq
Tình hình căng thẳng ở Iraq đe doạ lợi ích của quốc gia này, song dường như lại trở thành “cơ hội” với quốc gia khác, và vì vậy, nó khiến nhiều nước không thể ngồi yên.
Mỹ đưa lính vào Iraq, triển khai tàu sân bay tại vùng Vịnh
Nhiều tàu vận tải, tàu sân bay của Mỹ điều tới vùng Vịnh, sẵn sàng cho một cuộc can thiệp vào để giải cứu Iraq nếu cần thiết, đồng thời tăng cường giám sát không phận Iraq.
Tại Iraq, Mỹ đã điều thêm 275 binh sĩ tới Baghdad, cùng 170 thuỷ quân lục chiến, ráo riết bảo vệ an ninh cho các cơ sở ngoại giao của mình. Số binh lính này của Mỹ sẽ triển khai tại Baghdad cho tới khi tình hình an ninh được bảo đảm.
Khoảng 1/5 trong số 5.000 nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ ở Iraq đã được di tản sang lãnh sự quán ở các thành phố khác hoặc sang Jordani.
Cùng lúc đó, khoảng 200 chuyên gia người Mỹ tại căn cứ không quân Balad, những người đang hỗ trợ cho việc bàn giao chiến đấu cơ F-16 của Mỹ cho quân đội Iraq, đã được không quân Iraq di tản sau khi Tirkit thất thủ. Lực lượng bảo vệ người Iraq đã nhanh chóng rút đi khi ISIS xuất hiện, và chỉ còn lại những nhân viên an ninh tư nhân người Mỹ ở lại chiến đấu để bảo vệ căn cứ.
Hành động triển khai quân của Mỹ ở Iraq đã được sự chấp thuận từ phía Iraq, thậm chí, chính Iraq đã đề nghị Mỹ tiến hành không kích chống lại các nhóm khủng bố tại nước này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn bỏ ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Iraq.
Video đang HOT
Xe cơ giới của quân đội Iraq bị bỏ lại
Iran đã dàn quân ở biên giới
Đa số người dân Iran, cũng như chính quyền Hồi giáo của nước này, theo hệ phái Shia. Do đó Iran hoàn toàn không muốn nhìn thấy nước láng giềng hùng mạnh của mình bị kiểm soát bởi một thế lực Sunni cực đoan.
Iran đã điều khoảng 3 tiểu đoàn đặc nhiệm Quds, chuyên đảm nhiệm các nhiệm vụ bí mật ở nước ngoài, đến Iraq nhằm giúp ngăn chặn đà tiến quân của ISIS. Trong đó, 1 được cho là triển khai tại Baghdad, 1 tại Najaf và Kerbala, và 1 hỗ trợ cho lực lượng Iraq tái chiếm Tikrit. Lực lượng này được cho là đã huấn luyện và cố vấn các nhóm phiến quân Shia tại Iraq trong thời gian Mỹ còn đóng quân tại đây. Iran thậm chí đề nghị gửi thêm 2 lữ đoàn với quân số đến hơn 10.000 người.
Hiện Iran đã dàn quân dọc biên giới với Iraq và đe dọa sẽ ném bom ISIS nếu lực lượng này xuất hiện trong vòng 100km cách biên giới. Ngoài lí do an ninh và chính trị, chính quyền Hồi giáo Iran còn lo ngại cho sự an nguy của các thánh địa linh thiêng của dòng Hồi giáo Shia ở Najaf và Karbala.
Tất nhiên Mỹ không muốn thấy sự hiện diện sâu rộng và đông đảo của Iran tại Iraq. Nhưng nếu tình hình không sớm được cải thiện, cùng với việc Mỹ không muốn can thiệp, Thủ tướng Iraq Maliki có thể không còn lựa nào khác ngoài việc dựa vào Iran.
Có thông tin cho rằng Iraq đang xem xét việc mời Tướng quân đội thuộc lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran Qassem Suleimani, tới cầm quân. Ông này là người đã cố vấn việc xây dựng sức mạnh cho Hezbollah trong nhiều năm qua, cũng là đã giúp quân đội Syria hồi phục và giành thế chủ động sau những thất bại ban đầu. Trong khi đó, ở phía bên kia, có nguồn tin cho rằng một trong những chỉ huy của ISIS là cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Saddam.
Syria, đồng minh của Iran, cũng đã hành động. Bộ quốc phòng Mỹ đã xác nhận việc chiến đấu cơ Syria đã vượt biên giới vào Iraq và tấn công 2 đoàn xe của ISIS hôm 14/6, với sự hỗ trợ của tình báo Iran.
Từ đối đầu thành đồng minh?
Quan hệ giữa Mỹ và Iran không phải lúc nào cũng thù địch như thường thấy trên các phương tiện thông tin. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tại Afghanistan, 2 bên đã có những trao đổi về tin tình báo, do Taliban cũng là một mối đe dọa đối với Iran.
Còn giờ đây, tình hình tại Iraq cũng có thể là chất xúc tác làm tan băng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, hoặc ít nhất cũng duy trì một thời kì tạm hòa hoãn để trở thành đồng minh tạm thời.
Khi được hỏi liệu có hợp tác với Mỹ để chống lại ISIS hay không, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một người mang tư tưởng ôn hòa, đã trả lời rằng: “Chúng tôi có thể xem xét điều này nếu Mỹ bắt đầu có hành động đối với những nhóm khủng bố tại Iraq và những nơi khác…”.
Sứ quán Mỹ tại Baghdad là cơ sở ngoại giao lớn nhất của Mỹ trên thế giới
Chính phủ Mỹ và Iran vẫn phủ nhận việc có bất kì sự hợp tác chính thức nào. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng đang có những chuyển động phía sau hậu trường để 2 bên cùng tìm ra giải pháp cho kẻ thù chung này.
Một dấu hiệu cho sự hòa hợp tạm thời này là việc Iran bất ngờ tuyên bố giảm đáng kể quy mô lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Theo đó, Cơ sở này sẽ chỉ sản xuất 1 kg plutonium, thay vì 10 kg như dự kiến.
Ẩn số Thổ Nhĩ Kỳ
Khi chiếm Mosul, ISIS bắt 49 người Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin, bao gồm tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, từng không ít lần đưa quân vào lãnh thổ Iraq để trấn áp phong trào ly khai người Kurd, những người thường từ phía Iraq vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên những chiến dịch đó chủ yếu diễn ra ở khu vực biên giới 2 nước chứ không sâu trong nội địa Iraq.
Đảng cầm quyền hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là một đảng Hồi giáo. Con trai của thủ tướng Erdogan, Bilal Erdogan, được cho là có quan hệ thân thiết với các thủ lĩnh ISIS.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng ủng hộ ý tưởng về một quốc gia riêng của người Kurd. Phát ngôn viên đảng cầm quyền, ông Huseyin Celik, tuyên bố: “Nếu Iraq tan rã, người Kurd sẽ có quyền tự quyết cho tương lai của mình.” Một quốc gia độc lập của người Kurd giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận nguồn dầu của Iraq dễ dàng hơn, nhất là khi người Kurd giờ đây đã kiểm soát thành phố dầu mỏ Kirkuk. Ngoài ra việc Iraq phân rã cũng sẽ càng củng cố vị thế cường quốc khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy, hiện nay cuộc khủng hoảng ở Iraq đang liên quan đến ít nhất 4 nước: Iran, Syria, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, với rất nhiều mâu thuẫn, lợi ích đan chéo nhau. Nếu tình hình không được kiểm soát, nhiều quốc gia có thể bị cuốn vào cuộc chiến này.
Theo Tri Thức