Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Lính Trung Quốc đông như kiến, chết như ngả rạ
Mọi vị trí chốt giữ thi nhau nhả đạn, phía dưới là những cột khói đen trùm lên, bốc cao nghi ngút là điều mà chiến tranh biên giới Vị Xuyên chứng kiến.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên Ảnh tư liệu.
Theo ký ức chiến tranh biên giới Vị Xuyên của những cựu binh Đỗ Minh Sáng, Đường Minh Tuấn (Sư đoàn 313), thì những ngày đầu tháng 4, pháo Trung Quốc bắn lên điểm cao 1509 rát lắm. Các chiến sĩ chốt giữ phải ăn gạo sấy thay cơm. Không ai được tắm. Phải đi bộ gần tiếng đồng hồ mới xuống được phía dưới để lấy nước, mà trên đường đi mất mạng như chơi.
Pháo Trung Quốc từ biên giới bên kia bắn sang không theo một quy luật nào cả. Có ngày từ sáng đến trưa chúng bắn cầm canh từng quả một, nhưng đến chiều lại dội xuống một lúc cả ngàn quả, khói bụi mịt mù, các chiến sĩ chốt giữ ai nấy tai ù điếc đặc.
Cựu binh Đường Minh Tuấn
Cựu binh Đường Minh Tuấn (Hương Canh, Vĩnh Phúc) là một trong những người chốt giữ trên điểm cao 1509 từ năm 1981, có nhiệm vụ quan trắc tính toán tọa độ bắn cho cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công. Kể về câu chuyện pháo Tàu bắn ròng rã suốt hơn 3 tuần lễ lên các điểm chốt giữ của bộ đội ta, ông nhận định: “Bên cạnh mục tiêu phá hoại các trận địa, thì việc chúng bắn pháo liên miên, lúc nhiều lúc ít chính là để nhằm gây ức chế, căng thẳng tột độ cho tất cả mọi người “.
Cấp trên nhận định địch có thể tiến công bộ binh bất cứ lúc nào. Cả tháng trời, mỗi đêm ai nấy chỉ ngủ được tầm 2 tiếng. Trên đỉnh 1509, mọi người thay nhau canh gác, chia thành các tổ, chỉ cần nghe thấy có tiếng loạt soạt ở bất cứ đâu là được lệnh bắn liền, bởi bọn thám báo Trung Quốc trong những ngày này hoạt động liên tục, tìm mọi cách mò lên đỉnh núi nắm tình hình phòng thủ của Đại đội 22.
Đúng 5h sáng ngày 28/4/1984, pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên cao điểm. Lần này, chúng bắn rát hơn hẳn, ai nấy chỉ còn nghe thấy tiếng “ục, ục”, một mớ âm thanh hỗn tạp cùng đất đá, mảnh đạn ném rào rào vào trong hầm, khói bụi mù mịt. Dự đoán bộ binh Trung Quốc sắp tấn công, mọi người giữ vững vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Cựu binh Đỗ Minh Sáng miêu tả khí thế chiến đấu của các chiến sĩ trên điểm cao 1509.
Khoảng hơn tiếng đồng hồ, tiếng pháo thưa dần, Trung Quốc lại chuyển sang bắn pháo giấy (loại pháo chỉ có tiếng nố trên không, không gây sát thương, mục đích hù dọa để mở đường cho bộ binh tiến công). Cựu binh Đường Minh Tuấn chạy ra khỏi hầm quan sát, chỉ thấy pháo địch cày nát cả trận địa phía trước, khu rừng trúc trên đỉnh 1509 trước xanh mướt, giờ thì chẳng còn gì.
Bên phía mỏm 1 do trung đội 3 chốt giữ, nghe rõ tiếng của Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng quát rất rõ nhắc anh em vào vị trí chiến đấu. Bên mỏm Cây Khô có tiếng súng AK và tiếng đại liên, lựu đạn nổ liên tục, địch đã tiến đánh lên vị trí ấy.
Qua ống nhòm, phía trước mặt cựu binh Đường Minh Tuấn liên tiếp xuất hiện những tốp người lố nhố, đi theo đội hình kéo dài, thi nhau tràn lên đỉnh 1509.
“Chúng quá đông, chắc phải cỡ trung đoàn. Địa hình nhỏ bé thế mà cứ chen chúc, xô đẩy nhau kiểu như chạy loạn ấy. Chúng tôi thấy đi đầu là tốp áo đen của dân công, mãi phía sau mới thấy xuất hiện các tốp lính chuyên nghiệp với quân phục xanh lét, nhìn rất rõ. Kiểu như chúng đẩy các tốp dân công lên trước làm bia đỡ đạn hay sao ấy.
Trước khi xảy ra chiến sự, trên đỉnh 1509 nhìn qua đất Trung Quốc, chúng tôi thấy vẫn cực kỳ lặng lẽ, không có những trại lính, không thấy có nhiều phương tiện chiến tranh, dân cư bên ấy vẫn sinh hoạt bình thường, không xảy ra các cuộc tranh chấp lẻ tẻ về đường biên trên đỉnh núi. Có vẻ như quân Trung Quốc đã lặng lẽ đào hầm hào, công sự lên tới gần đỉnh núi để mở đường cho bộ binh lên xâm lấn “, ông Tuấn hồi tưởng.
Nói về cuộc tấn công lên đỉnh 1509 của quân Trung Quốc, cựu binh Nguyễn Văn Hùng (Sơn Dương, Tuyên Quang) nhớ lại: “Miêu tả thế nào nhỉ, không phải nói quá nhưng lính Trung Quốc đông như kiến cỏ, đến mức mà cứ mỗi quả ĐKZ tôi phóng xuống, phải dọn sạch cỡ một trung đội. Nhưng vừa bắn xong, xác lính Trung Quốc bị hất tung lên, còn chưa kịp rơi xuống thì ngay vị trí vừa bắn ấy, quân địch đã lại đông đặc bâu kín, lớp này lớp khác, như là sóng nước ấy”.
Video đang HOT
Cựu binh Nguyễn Văn Hùng miêu tả cảnh bắn ĐKZ trên đỉnh 1509.
Cho đến hiện tại, các đồng đội vẫn gọi ông Hùng với cái tên thân mật “Hùng ĐK”, vì thành tích bắn ĐKZ trên đỉnh 1509 vào những ngày 32 năm trước. Ông Hùng bắn cỡ vài chục quả, diệt địch nhiều quá, không đếm được.
Ở trên đỉnh núi, không thể kê súng lên kệ như cách thông thường, ông Hùng cứ thế bê ĐKZ lên vai bắn xuống, bắn đến nỗi 2 lỗ tai điếc đặc ngẩn ngơ. 32 năm sau, giữa thời bình, ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn khiến các đồng đội nhiều lúc phải nói thật to bên tai, cựu binh Nguyễn Văn Hùng mới có thể nghe thấy.
Với ông Hùng, những ký ức trên 1509 vẫn còn ám ảnh, đến cả trong giấc mơ. Trở về sau cuộc chiến, nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ được vì thương nhớ đồng đội, vì những ký ức bi hùng trong trận tử chiến. Có những khi, người nhà bỗng thấy ông Hùng bật dậy giữa đêm khuya, hô lớn: “Bắn, bắn đi, quân Trung Quốc đến rồi, bắn cho bằng hết bọn xâm lược hung bạo này…”.
Quay trở lại câu chuyện về cuộc tấn công đầu tiên lên đỉnh 1509, cựu binh Đường Minh Tuấn kể tiếp: Ngay khi thấy lính Tàu tràn sang, mọi vị trí chốt giữ thi nhau nhả đạn, phía dưới là những cột khói đen trùm lên, bốc cao nghi ngút, kèm theo đó là những bóng đen bị hất tung lên, rơi xuống nằm bất động. Lúc này, ở các trận địa phối hợp, ta cũng phát hỏa đánh trả, pháo 105 ly, cối 82 ly, H12 đồng loạt bắn tới tấp. Trận địa cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt bắn vào đội hình địch rất chính xác.
Quân Trung Quốc thương vong vô số, kêu la náo loạn ở phía dưới. Những tốp đi đầu tập trung lại và tiến vào đường hào hình râu tôm có sẵn trên đỉnh 1509, nhưng ngay tức khắc tan xác do mấy quả mìn của một chiến sĩ tên Thủ cài sẵn, cộng thêm hỏa lực của các chiến sĩ khác, vài trung đội địch ra đi sạch sẽ.
Lính Tàu không dám xông lên nữa trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta. Cuộc tiến công đầu tiên lên đỉnh 1509 thất bại thảm hại, chúng kêu la ầm ỹ, gọi pháo và các loại hỏa lực khác bắn trùm lên các trận địa chốt giữ, phía các chiến sĩ đã bắt đầu có thương vong.
Còn tiếp
Theo VTC
Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Chết hóa thành bất tử!
Ngày 11-7, hàng trăm cựu chiến binh của sư đoàn 356 tề tựu về chiến trường xưa - chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên để tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh, hóa thân xác vào đất đá biên cương Tổ quốc.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 356 tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên tại đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh Thủy - Vị Xuyên sáng 11-7
Hàng trăm cựu chiến binh của sư đoàn 356 đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tề tựu về lại chiến trường xưa - chiến trường Thanh Thuỷ - Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), để thắp nén tâm hương lên đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh Thủy, tưởng nhớ những người đồng đội đã hi sinh.
Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989.
Ngày 12-7-1984, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch MB84 giành lại các điểm cao do quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn bộ binh 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các cánh quân của các Sư đoàn 313, 316 và nhiều đơn vị khác.
Trong ngày 12-7 năm ấy, do tương quan lực lượng và địa hình phức tạp, hàng trăm chiến sĩ ta trên mặt trận đã anh dũng hi sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
32 năm sau trận chiến đấu ác liệt, rất nhiều hài cốt của những người lính hi sinh vì Tổ quốc vẫn còn nằm lại ở chiến trường, chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội do mìn còn nhiều, để lại nỗi day dứt, khắc khoải khôn nguôi trong tâm can của những đồng đội còn sống.
Tại lễ tưởng nhớ, những người lính già của sư đoàn 356 ngày nào, đã không thể kìm được nước mắt, khi nghe cựu binh Đỗ Huy thay mặt các cựu chiến binh sư đoàn đọc lời tưởng niệm tại nhà tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên ở điểm cao 468 trong niềm xúc động dâng trào:
"Kính thưa vong linh các anh hùng liệt sĩ, kính thưa các đồng đội thân yêu, 32 năm đã trôi qua, chúng ta, những người may mắn từ mọi miền đất nước trở về đây. Mảnh đất Vị Xuyên mà chúng ta và các đồng đội đã dành một phần của thời trai trẻ quyết giữ đất này... Tháng bảy - tháng nhớ về đồng đội, nhớ tới biết bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh thân mình để ngăn quân thù ngày đó.
Ba mươi hai năm dãi dầu sương gió biên thùy... thân xác hóa vào đất đá biên cương... đúng như lời anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã khắc trên báng súng: "Sống bám đá, chết hóa đá... thành bất tử.
Những người lính của các đơn vị trong toàn quân, từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến nơi đây, ngăn không cho kẻ thù hung ác từ bên kia biên giới giày xéo lên mảnh đất này. Các chiến dịch đánh chiếm cao điểm 772, đánh lấn dũi 685 bình độ 300-400 của sư đoàn 356, thu hồi A6B của trung đoàn 567 mà bây giờ nhắc đến 6B211 các cựu binh bên kia vẫn còn kinh hãi. Phòng ngự dài ngày của các sư đoàn 313, 314, ..tăng cường cho mặt trận còn có các đơn vị như sư đoàn 312, 316, 325, 328.. sư 31 và Sư đoàn 3 Sao vàng.. đã làm nên một bản anh hùng ca, một niềm tự hào mang tên Vị Xuyên.
Những người lính không về sau trận đánh
Chiến trường xưa đẫm máu đã bao ngày
Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh
Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay...
Mảnh đất Vị Xuyên đã thay da đổi thịt, lò vôi thế kỷ đã trở nên xanh tươi, Thanh Thủy, Thanh Hương, Thanh Đức rộn tiếng cười... Để có được ngày này là nhờ công ơn các anh, những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống.
Chúng tôi những người đồng đội may mắn hơn được trở về, xin dâng tới các đồng đội nén hương và lời gọi tha thiết. Hãy về đồng đội ơi... còn nằm khe đá hay thung sâu.
Xin dâng hương tưởng nhớ
Đồng đội của chúng tôi
Những linh hồn bất tử..
Mãi mãi tuổi đôi mươi...."
Tiếp đó, nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu binh của Sư đoàn 356, đã cùng các đồng đội, nhiều người nước mắt nhạt nhoà, hát vang bài hát "Về đây đồng đội ơi" đầy day dứt.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên sáng 11-7:
Những cựu chiến binh Sư đoàn 356 tại Hà Nội chuẩn bị cho chuyến về lại chiến trường xưa.
Những chiến sĩ tuyên văn năm nào sáng 11-7 đã dậy từ rất sớm, chuẩn bị trang phục chỉnh tề để lên thăm đồng đội
Họ đã thành kính làm lễ trước anh linh các đồng đội ở Đài tưởng niệm Thanh Thủy
Nữ cựu binh Kim Thanh đã không kìm được những giọt nước mắt
Những cựu chiến binh Sư đoàn 356 lên thắp hương và tưởng niệm các đồng đội trên Nhà tưởng niệm trên điểm cao 468.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải (bìa phải), cựu binh Sư đoàn 356, cùng các đồng đội hát vang bài hát "Về đây đồng đội ơi" do anh sáng tác với sự day dứt và tiếc thương không nguôi để nhớ về những đồng đội đã ngã xuống và thân xác vẫn đang còn nằm lại chiến trường
Những người lính chào đồng đội trước lúc chia tay
Cao điểm 685, nơi trận chiến ác liệt của 32 năm trước, vẫn còn đó rất nhiều đồng đội của những cựu binh đang nằm đó. Các anh mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền Tỉnh Hà Giang sớm tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội họ trở về với gia đình, đồng đội
Theo Người Lao Động
Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào SGK: Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn! GS.TS Vũ Minh Giang: "Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn, kịp thời hơn, sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào sách giáo khoa để tôn trọng lịch sử, hướng tới giáo dục truyền thống và hướng tới tương lai tốt đẹp". Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng...