Chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau không thể nào quên!
Ngày 7/1/1979 quân đội Việt Nam đã lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia vốn được Trung Quốc hậu thuẫn. Tại Việt Nam, vấn đề Hoa kiều cũng trở nên gay gắt, căng thẳng. Để trả đũa, ban lãnh đạo Trung Quốc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ kéo quân tràn qua biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây nên một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Bài 1: Trung Quốc ráo riết chuẩn bị tấn công Việt Nam
Biên cương bị xâm phạm, hàng ngàn thanh niên Việt Nam khi đó đã xung phong nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc.
Từ sau sự kiện 7/1/1979, ban lãnh đạo Trung Quốc ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Việt Nam. Một lực lượng quân đội hùng hậu được điều đến áp sát biên giới.
Nếu trong quý IV phía Trung Quốc gây khoảng 150 vụ khiêu khích biên giới thì chỉ trong 45 ngày đầu tiên của năm 1979 đã có hơn 300 vụ. Trong khi hai bên trao đổi công hàm ngoại giao về vấn đề này thì Trung Quốc âm thầm điều 9 sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam.
Không chỉ bộ binh mà lực lượng không quân Trung Quốc cũng được tăng cường tại các căn cứ ở các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… Hải quân cũng tập trung quanh đảo Hải Nam để sẵn sàng tác chiến. Tóm lại, Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt để thực hiện việc “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Trong số binh sĩ Trung Quốc tham gia đánh Việt Nam có khá nhiều Hoa kiều. Cần biết, trong 2 năm 1977-1978, Trung Quốc ra sức kêu gọi Hoa kiều rời bỏ Việt Nam để trở về “đất mẹ”. Họ chọn những thanh niên mạnh khỏe từ số Hoa kiều về nước, cho huấn luyện quân sự rồi sung vào những đơn vị chuẩn bị đánh Việt Nam. Trong chiến thuật “biển người”, binh sĩ Hoa kiều được bố trí thành những đơn vị đi đầu, dùng thân mình phá các bãi mìn của Việt Nam và chắn đạn cho những người đi sau.
Ngoài ra, có nhiều đàn ông Hoa kiều không đủ tiêu chuẩn chiến đấu thì bị sung vào các đội dân binh chuyên làm phu khuân vác, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị hậu cần… vì ở địa hình rừng núi rất khó sử dụng các phương tiện cơ giới. Số khác thì phải đi phá núi mở đường cho binh sĩ hành quân, xây dựng các kho tàng, bến bãi hậu cần. Đại đa số Hoa kiều hối hận vì đã nghe theo lời chiêu dụ của giới lãnh đạo Trung Quốc mà rời bỏ Việt Nam.
Tóm tại, phía Trung Quốc tập trung lực lượng mọi mặt trên một tuyến biên giới dài 200 km để chuẩn bị tấn công Việt Nam.
Lúc bấy giờ, Việt Nam đang có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, hai bên vừa ký với nhau Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện. Theo tinh thần Hiệp ước này, nếu Việt Nam bị xâm lược, Liên Xô có quyền can thiệp vũ trang để bảo vệ Việt Nam. Vì vậy, khi chuẩn bị tấn công Việt Nam, Bắc Kinh không thể không dè chừng Liên Xô và các nước khác trong khối XHCN. Để đề phòng sự can thiệp có thể có của Liên Xô, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng phòng thủ trên toàn tuyến biên giới với Liên Xô và Mông Cổ. Toàn bộ quân đội Trung Quốc được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, thậm chí những quân nhân đang nghỉ phép hoặc đang đi công tác đều bị gọi về đơn vị để trực chiến. Tình hình căng thẳng trong toàn quân.
Giới lãnh đạo và các tướng lĩnh Trung Quốc thời đó tỏ ra cũng biết lo xa. Họ đã tổ chức sơ tán cư dân ở những khu vực gần biên giới để đề phòng quân Việt Nam có thể phản công mạnh mẽ và vượt qua biên giới, tiến sâu vào đất Trung Quốc. Tình hình cũng tương tự tại những khu vực trọng yếu trên tuyến biên giới với Liên Xô. Ngoài lực lượng chính quy, tại các khu vực gần biên giới cũng tổ chức lực lượng địa phương quân và dân quân tự vệ có vũ trang đầy đủ. Tóm lại, Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn và cũng lường trước tình huống “lưỡng đầu thọ địch” có thể xảy ra.
Trên phương diện chính trị, Trung Quốc không che giấu ý đồ “trừng trị” Việt Nam, nhưng các công việc chuẩn bị cho chiến tranh thì họ thực hiện một cách âm thầm, bí mật. Phía Việt Nam chẳng lạ gì ý đồ thâm hiểm ấy nên từ tháng 1/1979 đã tổ chức sơ tán nhiều điểm dân cư ở những khu vực gần biên giới phía bắc.
Một lính bắn tỉa TQ mặc đồ dân sự lén lút vượt qua biên giới trước giờ nổ súng
Giới quan sát quốc tế cho rằng những động thái căng thẳng của Bắc Kinh chỉ là để hăm dọa hoặc gây áp lực lên Việt Nam mà thôi chứ Trung Quốc chưa chắc đã dám tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, đòn tung hỏa mù của Trung Quốc cũng phần nào che mắt được Việt Nam và Liên Xô (về hướng tấn công và quy mô lực lượng tham chiến) để rồi bất ngờ tung đòn chớp nhoáng.
Xét tổng thể, ở thời điểm ngay trước khi xảy ra cuộc chiến, tương quan lực lượng quân sự nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, chẳng hạn, về quân số là 3/1, về số lượng sư đoàn: 1,8/1, về số lượng xe tăng-thiết giáp: 7,6/1, về pháo hạng nặng: 4,5/1, về máy bay chiến đấu: 13/1, về tàu chiến: 5,3/1.
Xét cục bộ, tại ba hướng tấn công (Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai), ưu thế quân sự cũng nghiêng nhiều về Trung Quốc, với tương quan lực lượng như sau: về quân số là 4,8/1, về xe tăng thiết giáp là 7/1, về pháo hạng nặng là 12/1.
Nói chung phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc chiến và với ưu thế tuyệt đối về quân số cũng như vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, tưởng chừng Trung Quốc có thể đè bẹp rồi ăn tươi nuốt sống Việt Nam trong chớp mắt. Nhưng sự thật thì thế nào? Xin bạn đọc vui lòng đón đọc bài báo về những diễn biến của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong kỳ tới.
Phạm Bá Thủy
Nguồn:
VKO
Những bài học cay đắng của quân đội TQ trong Chiến tranh biên giới 1979
37 năm sau cuộc chiến tranh mà quân đội Trung Quốc gây ra trên biên giới Việt - Trung, nhiều bài học đã được rút ra. Chính dư luận Trung Quốc đã thừa nhận sai lầm trong chiến lược và yếu kém trong tác chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là QGPND).
Video đang HOT
Bản đồ mô tả các hướng tấn công của quân Trung Quốc.
Theo truyền thống của QGPND, tất cả các binh sĩ tham gia vào cuộc xung đột đã được lệnh phải viết tóm lược kinh nghiệm chiến đấu của họ.
Nhìn lại cuộc chiến, bộ chỉ huy QGPND cũng thấy những mâu thuẫn nội tại. Dù huyênh hoang tuyên bố sai sự thật rằng Trung Quốc "đã giành chiến thắng" nhưng họ cũng phải thừa nhận cái giá quá đắt mà QGPND đã phải trả.
Trong quan điểm của bộ chỉ huy QGPND, ở một chừng mực nào đó cần có đánh giá phần nào khách quan về những yếu kém của QGPND. Tuy nhiên, họ lại e ngại khuynh hướng đánh giá quá cao khả năng và hiệu năng chiến đấu của quân đội Việt Nam.
Cùng chiều hướng đó, nên niềm tự hào dân tộc và định kiến văn hóa của họ chắc chắn sẽ ngăn cản họ đưa ra những kết luận thẳng thắn về kinh nghiệm của QGPND trong chiến tranh.
Những kinh nghiệm đó có thể được tổng hợp thành sáu chủ đề sau:
Một trong những châm ngôn truyền thống của QGPND là "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Cuộc chiến Việt - Trung năm 1979 cho thấy, QGPND quan tâm rất ít đến binh pháp và chiến thuật của QĐND Việt Nam trước khi họ tấn công Việt Nam.
Kết quả là, quân đội Trung Quốc đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các đối thủ của mình. Có thể từ chỗ lo sợ vì đã tung hô quá nhiều danh tiếng của quân đội Việt Nam, nên tài liệu quân đội QGPND đã kết luận rằng lực lượng chính quy của kẻ địch thiếu kiên trì trong tiến công và phòng ngự và có rất ít các chiến dịch hiệp đồng. Nhưng lại thừa nhận rằng chiến thuật kiểu du kích, công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công đáng kinh ngạc trong việc kìm chân quân Trung Quốc, giảm thế cân bằng khi họ lo tìm kiếm những trận đánh quyết định với quân chính quy của QĐND Việt Nam trong một cuộc chiến hạn chế.
Một sĩ quan Mỹ khi tổng kết kinh nghiệm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã ghi nhận rằng, không thể "để xâm nhập, vòng sườn, hoặc bao vây" vị trí cố thủ của quân đội Việt Nam "mà không bị thương vong rất nặng".
Chiến thuật của QGPND đã xua bộ binh tấn công xáp lá cà vào vị trí đối phương, bất chấp tử vong cao đã giải thích tại sao Trung Quốc dám khẳng định rằng quân đội Việt Nam không có khả năng trong phòng thủ bảo vệ vị trí của họ.
Những khó khăn bất ngờ trong tác chiến đã khiến người Trung Quốc rút ra bài học thứ hai từ cuộc xung đột liên quan đến tình báo và lập kế hoạch.
Tù binh Trung Quốc tại Cao Bằng. Ảnh tư liệu
Thiếu thốn thông tin từ lâu về một đồng minh truyền thống đã là một thách thức lớn cho việc lập kế hoạch chiến tranh và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc. Các đánh giá về địa lý và địa hình của miền Bắc Việt Nam của QGPND thường dựa trên các bản đồ và thông tin địa lý đã lỗi thời, trong khi khả năng trinh sát chiến trường lại bị hạn chế.
Một trong những sai lầm lớn của quân đội Trung Quốc là đánh giá sai số lượng lực lượng dân quân rất lớn trong dự đoán về sức mạnh quân sự Việt Nam.
Kinh nghiệm của QGPND cho thấy, dân quân Việt thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào quân xâm lược không kém bộ đội chính quy QĐND Việt Nam.
Lúc đầu các nhà kế hoạch quân sự của QGPND tin rằng, họ đã tập hợp được một lực lượng vũ trang vượt trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công quân Việt Nam. Nhưng chỉ tính riêng tại khu vực Cao Bằng đã có 40.000 cho đến 50.000 dân quân khiến tỷ lệ lực lượng Trung Quốc chỉ còn hơn Việt Nam là 2:1.
Trong suốt chiến dịch, QGPND không bao giờ cho thấy khả năng đè bẹp đối phương bằng mức vượt trội về quân số.
Cuộc chiến tranh này còn cho thấy sự khó khăn như thế nào khi thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài nếu dân chúng địa phương được huy động vào việc kháng cự.
Bài học thứ ba là về khả năng chiến đấu của QGPND vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng tác chiến phối hợp với nhiều binh chủng gồm xe tăng, đại bác, bộ binh cùng với một lực lượng không quân và hải quân yểm trợ. Lạc hậu trong binh pháp và chiến thuật khiến quân đội Trung Quốc không thể phối hợp một cách bài bản trong tác chiến.
Trong khi đó ở Bắc Kinh, sự ràng buộc chính trị và tư duy quân sự lạc hậu đã bác bỏ phương án yểm trợ tác chiến của không quân. Các lực lượng mặt đất cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa bộ binh, xe tăng và các đơn vị pháo binh để có thể triển khai việc phối hợp tác chiến sao cho hiệu quả.
Một ví dụ rõ ràng là bộ binh đã không bao giờ được huấn luyện kiến thức đầy đủ về phương án tấn công phối hợp với các đơn vị xe tăng. Lính bộ binh, những người bị buộc bằng dây thừng vào tháp pháo xe tăng để khỏi ngã khi hành quân đã bị mắc kẹt khi bị bắn hạ. Mặt khác, các đơn vị xe tăng thường phải chiến đấu không có bộ binh tháp tùng và thiếu liên lạc trực tiếp giữa hai bên nên đã phải chịu nhiều thiệt hại và tổn thất khôn lường.
Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh 1979 đã dạy cho QGPND bài học giá trị về kỹ năng phối hợp tác chiến đa binh chủng.
Bài học thứ tư là về hiệu năng chỉ huy và điều khiển mà phần lớn bắt nguồn từ truyền thống và văn hóa của QGPND. Mối quan hệ cá nhân giữa sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ, vốn đã được vun trồng trong quá khứ, vẫn tạo nhiều rắc rối trong hàng ngũ QGPND.
Khi mà mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên quan trọng hơn cả điều lệnh thì chẳng ngạc nhiên khi biết rằng các chỉ huy của Quân khu Quảng Châu sau này thừa nhận rằng họ cảm thấy khó chịu khi chỉ huy quân sĩ được chuyển từ Quân khu Vũ Hán và Thành Đô đến trong thời gian phục vụ chiến dịch.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nghe nhiều cấp dưới phàn nàn về phong cách chỉ huy của họ Hứa (Hứa Thế Hữu) vì trước đó ông ta chưa từng chỉ huy họ. QGPND còn gặp khó khăn do nhiều sĩ quan chưa có kinh nghiệm trận mạc.
Mặc dù nhiều sĩ quan có cấp bậc cao hơn và có thâm niên chiến đấu đã được cử đến để chỉ huy các đơn vị cấp thấp hơn để giúp đỡ chấp hành mệnh lệnh, nhưng khả năng tác chiến của QGPND vẫn thất bại vì các sĩ quan cấp thấp vẫn còn thiếu khả năng quyết đoán độc lập và phối hợp tác chiến trong những thời điểm quyết định.
Tuy nhiên, cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã khai sinh ra một thế hệ mới các cán bộ quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm chiến trường, và nhiều người trong số họ hiện nay đang phục vụ tại các vị trí cao cấp của QGPND.
QGPND thiếu một hệ thống và cơ cấu cung cấp hậu cần hiện đại để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự đòi hỏi di chuyển nhanh và ở vùng xa xôi. Các số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại.
Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh.
Hoạt động hậu cần là một lĩnh vực lớn để QGPND rút ra bài học. Vì không có đầy đủ dự trữ và phương tiện giao thông vận tải, khiến cả Quân khu Quảng Châu và Côn Minh đã phải đặt dưới cùng một hệ thống cung cấp, mà hệ thống đó chẳng bao giờ hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Một số lượng đáng kể các nguồn cung cấp bị mất hoặc là do quản lý kém hay bị Việt Nam phá hoại. Khi lực lượng của họ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Việt Nam, để bảo vệ mình, các sĩ quan hậu cần đã phải rất khó khăn để giữ liên lạc không bị trệch hướng với đại quân.
QGPND đã kết luận rằng, cần thiết phải tạo ra bộ chỉ huy về giao thông vận tải để đối phó với các vấn đề mà bộ đội của họ đã phải đối mặt trong chiến dịch.
Kinh nghiệm này có vẻ vẫn còn giá trị cho Trung Quốc đến tận hôm nay khi cựu phó chỉ huy của Đại học Quốc phòng QGPND Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về "kiểm soát truyền thông" vào năm 2002.
Bài học cuối cùng là làm thế nào để có thể diễn giải một học thuyết cũ về chiến tranh nhân dân vào các cuộc xung đột diễn ra bên ngoài biên giới Trung Quốc. Một trong những nguyên tắc của học thuyết chiến tranh nhân dân của Trung Quốc là việc huy động dân thường để hỗ trợ cho chiến tranh.
Những kinh nghiệm chiến tranh 1979 đã chỉ ra rằng, hầu như không thể đưa một lực lượng khổng lồ QGPND hoạt động ở nước ngoài mà không có sự ủng hộ chiến tranh của nhân dân trong nước.
Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã đánh thức lòng yêu nước của công chúng và lòng tự hào về người lính Trung Quốc. Biểu hiện mạnh mẽ của lòng yêu nước đã giúp QGPND nhận được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động từ người dân sống tại hai tỉnh biên giới.
Tại riêng tỉnh Quảng Tây, hơn 215.000 cư dân địa phương đã được huy động để làm người vận chuyển, nhân viên bảo vệ và khuân vác để hỗ trợ tiền tuyến, và hơn 26.000 dân quân từ khu vực biên giới đã thực sự tham gia vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp.
QGPND vào thời điểm đó chỉ có một hệ thống cung cấp vá víu đòi hỏi các đơn vị phải tự túc hệ thống cung cấp trên chiến trường theo kiểu "hậu cần bán lẻ". Chính quyền địa phương đã làm mọi việc dễ dàng cho binh lính bằng cách đơn giản hóa thủ tục, giúp họ nhận được đầy đủ vật chất và thực phẩm tươi trong thời gian ngắn nhất có thể.
Kinh nghiệm này đã thuyết phục bộ chỉ huy QGPND rằng huy động chính quyền địa phương và dân chúng để hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh vẫn là chìa khóa cho chiến thắng.
Những bài học mà Trung Quốc đã rút ra được từ cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể thiếu toàn diện và khó mà khách quan vì QGPND không đánh giá sự thành công về chiến dịch quân sự của họ trên cơ sở kết quả tác chiến mà là trên cơ sở các tác động của cuộc xung đột đến tình hình chung.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Mao là chiến tranh về cơ bản là một vụ kinh doanh chính trị, miễn là Trung Quốc cho là họ đã thành công trong việc đạt được mục tiêu quân sự và chiến lược đề ra, còn các vấn đề gây ra từ thất bại của chiến thuật chỉ là thứ yếu.
Đây cũng là lý do tại sao các bài học đó đã có những khác biệt đáng kể so với các nghiên cứu của phương Tây, nơi mà nhiều thông tin tương đối khả tín, mặc dầu đôi khi vẫn thấy xuất hiện đây đó một chút thái quá do lạm dụng các nguồn tin hạn chế để kết luận về một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Các nghiên cứu của QGPND nhìn nhận rằng cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đã tạo bất lợi và hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của QGPND, và kết quả là, các lực lượng của Trung Quốc thực hành tác chiến tồi tệ trong chiến tranh.
Những bài học rút ra của QGPND đã tập trung nhiều vào cấp độ chiến thuật của chiến tranh với sự nhấn mạnh vào chỉ huy và kiểm soát, phối hợp tác chiến giữa các đơn vị, cơ cấu lực lượng và vũ khí hơn là chiến lược và triết lý mang tính học thuyết.
Trong quá trình đánh giá kinh nghiệm chiến tranh 1979, QGPND có vẻ như không tìm cách che đậy hoặc bỏ qua thiếu sót về các hạn chế của họ vào thời điểm đó, tuy nhiên họ đã mắc sai lầm khi không đề cập đến những khiếm khuyết trong tư duy quân sự và binh pháp truyền thống.
Xe tăng Trung Quốc bị quân đội Việt Nam bắn cháy.
Các nghiên cứu của phương Tây đã so sánh những bài học mà QGPND đã rút ra từ cuộc chiến Việt - Trung 1979 với việc đánh giá lại vào năm 1985 của ban lãnh đạo Trung Quốc về bản chất của chiến tranh hiện đại và các mối đe dọa đang rình rập Trung Quốc cộng với những nỗ lực tiếp theo để cải tiến và chuyên nghiệp hóa QGPND trong suốt những năm 1980.
Bài học Việt Nam đối với QGPND và những cuộc giao tranh vẫn liên tục xảy ra trên biên giới Trung - Việt trong những năm 1980 đã giúp cho cho ban lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện những cuộc chuyển đổi chiến lược từ việc nhấn mạnh đến sự chuẩn bị cho chiến tranh tổng hợp đến việc chuẩn bị cho chiến tranh cục bộ và chiến tranh hạn chế theo xu hướng của thời gian.
Trong quá trình chuyển đổi QGPND thành một lực lượng hiện đại vào những năm 1980, có rất ít những nỗ lực được thực hiện nhằm sửa chữa thiếu sót về tư duy quân sự, đó là thái độ luôn luôn coi nhẹ vai trò của của không quân.
Kết quả là, nếu có điều gì còn chưa trung thực trong việc rút kinh nghiệm của QGPND thì đó chính là bài học về ưu thế trên không hoặc yểm trợ không quân.
Tài liệu của QGPND vẫn cho rằng việc hạn chế khả năng của lực lượng không quân Trung Quốc là lý do chính khiến không quân Việt Nam không tham gia vào xung đột.
Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) thậm chí còn nhận xét một cách lố bịch rằng hoạt động giả vờ của không quân Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Việt Nam là một "đòn nghi binh khéo léo trong tác chiến không quân".
Nhận xét đó rõ ràng cho thấy vẫn còn sai lầm trong giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ tiếp tục đánh giá chưa cao vai trò quan trọng của không quân trong chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, tổng kết các kinh nghiệm của QGPND trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã cung cấp một cái nhìn hữu ích về việc giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc tiếp cận vấn đề chiến tranh và chiến lược như thế nào.
Cái nhìn này cũng phù hợp với những phát hiện nằm trong các công trình nghiên cứu gần đây.
Trước tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận và tính toán thời điểm và như thế nào khi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng đã không ngần ngại quyết định khởi chiến khi họ cho rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang bị hăm doạ hoặc lâm nguy.
Thứ hai, QGPND thể hiện quyết tâm giành và giữ thế chủ động tác chiến bằng việc triển khai quân số vượt trội (chiến thuật biển người).
Thứ ba, ý thức về chiến thắng quân sự của Trung Quốc đặt nhiều hơn vào việc đánh giá kết quả địa chính trị khi đem so với phê phán về hiệu năng tác chiến trên chiến trường.
Kể từ sau cuộc chiến 1979 với Việt Nam, QGPND đã tiến hành sửa đổi sâu rộng trong học thuyết quốc phòng, chỉ huy và điều khiển, chiến thuật tác chiến, và cơ cấu lực lượng, trong khi các hoạt động quân sự thế giới cũng đã chuyển đổi đáng kể từ cuộc chiến năm 1979.
Ngày nay, không ai nghĩ rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ lặp lại những gì họ đã làm trong chiến tranh biên giới với Việt Nam.
Từ góc độ lịch sử, những nét đặc thù của người Trung Quốc đã bộc lộ trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể vẫn còn có giá trị trong các giáo trình của học viện quân sự của Trung Quốc cũng như đối với những người hằng quan tâm đến phương pháp sử dụng sức mạnh quân sự của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ mà cả với hiện tại và trong tương lai.
P.V
Nguồn:
Thời đại mới
Tướng Nguyễn Quốc Thước: Lãng quên cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung là có tội! Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: "Trong cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới năm 1979, quân và dân ta đã giành chiến thắng. Chẳng có lý do gì để những người đã nằm xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị lãng quên". Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: "Bất luận lý do gì cũng không thể lờ...