Chiến tranh biên giới phía Bắc được đưa trong sách Lịch sử Việt Nam
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được nói đến nhiều hơn trong bộ sử đồ sộ mới công bố với tên gọi chiến tranh xâm lược.
Ngày 18.8, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành các bộ sách trọng tâm về lịch sử, văn hoá, biển đảo. Đồ sộ và gây chú ý nhất là bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ.
PGS.TS Trần Đức Cường, tổng chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam. Ảnh: H.P
Chia sẻ với báo giới bên lề buổi giới thiệu, PGS TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách chia sẻ đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử 15 tập, dày gần 10.000 trang này.
“Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam”, ông Cường khẳng định và cho biết bộ sách tiếp cận đa diện hơn các nhân vật, đưa vào nhiều nội dung mới như đánh giá khách quan công trạng của nhà Mạc, nhà Nguyễn, nói về chiến tranh biên giới Việt – Trung…
Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc vào bộ sử mới
Theo PGS Cường, bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử còn “khoảng trống”. Trong tập 14, từ trang 351 đến 359 viết rõ về “quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc”.
Nội dung tóm lược từ mối quan hệ Việt – Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17.2.1979. Bộ sử đã gọi đích danh đó là “một cuộc chiến tranh xâm lược” trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt…
“Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?”, ông nói.
Có một điều nữa, cuộc chiến tranh ấy không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2.1979 mà kéo dài. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam còn phải hy sinh nhiều xương máu để đến đầu thập niên 90 mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc.
Video đang HOT
Về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, ông Cường cho biết nội dung đề cập đến sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot đánh sang. Quân đội Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia đánh tan quân diệt chủng, giải phóng đất nước chùa tháp và sau đó lại bàn giao lại cho họ. Điều đó rất rõ ràng.
Không gọi là “nguỵ quân, nguỵ quyền”
PGS Cường cho rằng, vấn đề Việt Nam Cộng hoà trong các bộ sử tới sẽ phải nêu rõ hơn, khi đây là một thực thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam gần 21 năm. Có một sự gối nhau khi năm 1954 có thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm truất Bảo Đại để làm quốc trưởng, rồi trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống…
Thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách gọi trung tính hơn là “quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn”. Theo ông Cường, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận.
Nhìn nhận công trạng nhà Mạc, chúa Nguyễn
Vị tổng chủ biên cho hay, bộ sử đã đánh giá đầy đủ, khách quan trung thực hơn một số triều đại phong kiến Việt Nam, nhìn nhận đúng công lao của nhà Mạc, nhà Nguyễn. Ông khẳng định “Dù tồn tại không dài nhưng nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp cho lịch sử Việt Nam”.
PGS Cường lý giải khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê thì chính quyền này đã không còn trong thời kỳ hưng thịnh như buổi ban đầu nữa. Khủng hoảng kinh tế xã hội rất rõ ràng, để giải quyết vấn đề đó thì Mạc Đăng Dung đã làm cuộc chính biến giành ngôi.
Sự thật là các triều đại ra đời, phát triển rồi suy tàn là quy luật lịch sử. Từ thời Đinh, Lý, Trần đã vậy. Ngoài ổn định kinh tế, nhà Mạc còn phát triển về văn hóa, giáo dục, mở nhiều khoa thi, tìm nhân tài cho đất nước.
Câu chuyện của chúa Nguyễn, nhà Nguyễn cũng cần nhìn nhận khách quan hơn. Công lao được ghi nhận trên các khía cạnh: cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ; hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước nhà Tây Sơn mở ra nhưng chưa hoàn thiện được; củng cố bộ máy chính quyền từ Bắc đến Nam; đặc biệt là xác định chủ quyền đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời đó, mỗi năm triều đình đều cử đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ.
Bộ sử 15 tập bao quát lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành. Ảnh: H.P
Dưới thời Nguyễn, văn hoá Việt Nam phát triển, nhiều công trình nay được thế giới công nhận di sản UNESCO như cung đình Huế. Trong khu vực Đông Nam Á bấy giờ thì Việt Nam là vương quốc hùng mạnh.
Bên cạnh đó, triều đại này cũng có những sai lầm mà lịch sử lên án. Như việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Hay ký với Pháp những hiệp ước bất lợi, dựa dẫm vào Pháp, không chịu canh tân dù thời bấy giờ có nhiều nhân sĩ, trí thức có tư tưởng đổi mới như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… khiến đất nước bị lạc hậu đi, để rồi rơi vào tay ngoại bang gần một thế kỷ.
“Giới sử học đã đánh giá các triều đại này rõ ràng, khách quan, không phiến diện như trước đây”, ông khẳng định.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, sử học là ghi chép trung thực về những chuyện đã qua, tổng kết những gì là giá trị, đúc kết ưu khuyết điểm để đi tới cái đúng và điều tốt đẹp hơn. Bộ sách ra đời cho người đọc có nhiều so sánh, đối chiếu đâu là sự thật lịch sử, đâu chỉ là dân gian.
Ông cũng chia sẻ thêm, điều đáng tiếc là hầu hết các tư liệu nằm rải rác trên đất nước gây khó khăn cho quá trình biên soạn. Chưa kể, Việt Nam chưa có quy định pháp luật về việc giải mật, công bố các tư liệu lịch sử. Trong khi, các nước có quy định loại tư liệu nào trong 20 năm, 30 năm, 50 năm thì được bạch hoá.
“5h sáng ngày 17.2.1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km. Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”. Trích Lịch sử Việt Nam, tập 14, trang 355.
Theo Hoàng Phương (VNE)
Ký ức nhà báo 10 năm tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc tấn công nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với chiều dài 1.200km. Nhập vào đoàn quân lao lên biên giới cản địch có nhà báo Trần Hồng của Báo Quân Đội Nhân Dân. Nhưng ông không ngờ mình lại đi theo cuộc chiến đến 10 năm, ở tất cả các điểm nóng từ Lạng Sơn đến Vị Xuyên của Hà Giang, với những bức ảnh mang sức mạnh của một đoàn quân chiến đấu.
Từ nhà ra trận
38 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Trần Hồng, nay đã 71 tuổi, vẫn nhớ như in khi được hỏi về quá khứ. Ngồi trong khu tập thể quân đội số 3 Đường Thành (Hà Nội), ông kể: "Tôi là người lính, sau chiến thắng 1975, tôi về quê vợ ở Tiên Du (Bắc Ninh) nghỉ ngơi".
Vào một sáng sớm, nhà báo Trần Hồng nghe được bản tin đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông tin Trung Quốc tấn công xâm lược nước ta một lần nữa. Ông bảo vợ, ông phải lên biên giới để đưa tin về cuộc chiến. Vợ ông là người hiểu tính chồng, nấu cho ông mấy bát gạo xôi để ăn đường. Ông đi bộ ra bưu điện thị trấn Lim, gọi điện về tòa soạn, báo cáo mình lên vùng chiến sự Lạng Sơn. Tới nơi, ông may mắn được theo cánh quân của Sư đoàn 3. Nhưng khi quân ta đi cản địch, chỉ huy đơn vị dứt khoát không cho ông đi theo với lý do ngoài trận mạc tên bay đạn lạc, không có người đảm bảo an toàn được cho nhà báo.
Nhà báo Trần Hồng (Thứ hai bên phải) và Tổng Biên tập báo Sao Đỏ của Liên Xô (phải) tại chiến trường. ảnh: G.T
Khi đó, nhà báo Trần Hồng đã nói: "Tôi là một người lính, vũ khí của tôi là máy ảnh, và tôi cần phải chiến đấu trên mặt trận thông tin". Lúc đó, thông tin đúng là mặt trận. Những ngày đầu, tin tức về vùng chiến sự liên tục được cập nhật trên báo chí, những con số về ta tiêu diệt địch dày đặc, nhưng tuyệt nhiên chưa có một hình ảnh nào về thực tế trên chiến trường, điều mà cả làng báo chí lúc đó đang rất săn tìm. Hình ảnh về quân địch như thôi thúc Trần Hồng phải chụp bằng được. Nhưng ở trong vùng chiến sự tại km số 3 Đồng Đăng đến 3 ngày, Trần Hồng vẫn chưa chụp được một bức ảnh nào về thất bại của quân địch! Trinh sát của ta báo, nhiều xác địch chết nhưng đều lọt dưới khe núi, cùng với thời gian tiếp cận trận địa thường vào chiều tối, lúc đó chụp ảnh cực kỳ khó và không thể có những tấm hình lột tả được sự thất thủ của đối phương. Bị kẹt ở chiến trường tới ngày thứ 3, nhà báo Trần Hồng quyết định bám theo bộ đội chiến đấu của ta ngay từ đầu.
"Tôi đi theo một mũi chiến đấu, lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đang nấu cơm cho bữa tối thì đụng phải mũi tấn công của địch. Hai bên đấu súng giáp lá cà, quân Trung Quốc đông hơn, nhưng tấn công không mạch lạc, bị bộ đội của ta đẩy lùi, khi nghe tiếng xung phong của quân ta, tôi cũng ào lên theo một mũi chiến đấu. Chạy được vài bước, tôi thấy một tên địch đang giãy giụa vì bị thương, tôi lập tức đưa máy ảnh ra chụp. Lúc đó tôi muốn chụp thêm một kiểu đặc tả khuôn mặt thất thần của kẻ xâm lược, nhưng người bị thương đó nhắm mắt không tài nào chụp được. Nhưng hình ảnh xác lính Trung Quốc đã được tôi thu vào ống kính của mình rồi" - Trần Hồng kể. "Săn" được xác giặc, ông tức tốc trở về tòa soạn để đăng ảnh cho kịp thời sự.
Từ vùng chiến sự Đồng Đăng về Báo Quân Đội Nhân Dân (Hà Nội), ông không nhớ rõ mình phải đi nhờ bao nhiêu phương tiện, nhiều lần ông phải cãi nhau để được đi nhờ xe ôtô. Khi về đến tòa soạn, rất nhiều người đang chờ ông, kíp làm ảnh nhanh chóng bắt tay vào làm việc... Ngày hôm sau, bức ảnh chụp xác một tên địch bị hạ gục ngay trên tuyến biên giới với chú thích "Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục" của nhà báo Trần Hồng được đăng trên trang nhất Báo Quân Đội Nhân Dân và nhiều tờ báo khác của ta đã kích lên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đây là bức hình đầu tiên chúng ta ghi lại được sự thất bại của quân xâm lược Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc. Đây là một bức ảnh để đời của người lính - nhà báo Trần Hồng, góp một tiếng nói đáng kể trên mặt trận truyền thông chống quân xâm lược.
Những khoảnh khắc chiến trận
Trong hơn 10 năm cầm máy ảnh trên suốt những điểm nóng của chiến tranh biên giới, với nhà báo Trần Hồng, có những khoảnh khắc của chiến tranh đối với ông không bao giờ quên được và để lại nhiều tiếc nuối. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, mặt trận Lạng Sơn nóng bỏng nhất. Lúc đó Trần Hồng được coi là khách quen của những vùng chiến sự. Ông nhận nhiệm vụ đưa nhà báo Philatop - Tổng Biên tập Báo Sao Đỏ của Liên Xô lên vùng chiến sự. Khi đi phía ta rất lo cho sự an toàn của vị Tổng biên tập này nhưng Philatop vẫn quả quyết: "Không sao, làm báo thì Tổng biên tập cũng như một phóng viên, cần phải ra mặt trận, phải xuống hầm xem bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược như thế nào?". Và ông Philatop đã trực tiếp có những bài viết hết sức nóng bỏng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của nước ta trên báo Sao Đỏ. Khi về nước, ông chỉ xin kỷ vật là chiếc mũ cối mà nhà báo Trần Hồng đã nhường cho ông khi đi vào vùng chiến sự, bởi Philatop nghĩ đồng nghiệp Việt Nam thật dũng cảm, đã nhường ông vật bảo vệ tính mạng duy nhất cho mình.
Tấm ảnh để đời "Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục" của nhà báo Trần Hồng. T.H
Nhà báo Trần Hồng chia sẻ thêm: Với ông, những ngày ở mặt trận Vị Xuyên là ác liệt nhất. Là một nhà báo - chiến sĩ đã rèn luyện trong chiến tranh giải phóng miền Nam và những ngày đầu của cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược ở biên giới Lạng Sơn, nhưng năm 1984 khi ông lên mặt trận Vị Xuyên mới hiểu thế nào là sự ác liệt.
Ông kể: "Hàng tháng trời, ban ngày tôi và một đồng nghiệp khác chỉ chui ở trong hầm để tránh những trận pháo kích của quân Trung Quốc. Những trận pháo này khiến những núi đá hóa vôi, những ngày nắng bụi bay mù trời; còn ngày mưa, chiến trường bị biến thành những bãi sình lầy, có những chỗ ngập quá đầu gối toàn bột đá".
Chính trong chiến trận như thế, ông đã để tuột mất khoảnh khắc nhân văn trong chiến tranh. Đó là lúc quân Trung Quốc ở trên đỉnh núi, bộ đội ta phòng ngự ở lưng chừng núi. Ban ngày bắn nhau không khoan nhượng, nhưng đến khoảng 6 giờ tối thì không bên nào nổ súng. Lúc đó, chiến trường yên bình đến lạ thường. Trần Hồng từng tận mắt chứng kiến cảnh có một không hai trong cuộc chiến, đó là người lính Trung Quốc đột nhập xuống suối lấy nước, anh ta cũng gặp một anh bộ đội Việt Nam đi lấy nước về cho đơn vị, họ bỏ hai thùng nước xuống ôm nhau và cười với nhau vô cùng rạng ngời, giây phút đó giờ chỉ còn trong tâm trí của nhiếp ảnh gia duyên nợ với chiến tranh này mà không thể ghi lại được khoảnh khắc tình người vì lúc đó trời tối, tình huống quá bất ngờ không thể phản ứng kịp. Đến giờ Trần Hồng vẫn tiếc ngẩn ngơ trên cuộc đời cầm máy.
Theo Danviet
Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa "Từ 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, sau những trận pháo, hỏa tiễn của địch là gần 1000 tên lính đội mũ "Bát nhất" ào đến, hòng chiếm giữ trận địa. Bốn anh em tôi kiên cường giữ đất, giành giật với địch từng mét công sự", Cựu chiến binh Cao Toàn bồi hồi nhớ lại. Trưa nay (ngày 17/2), đúng dịp 38 năm...