Chiến thuật thâm hiểm về cái gọi là Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc
Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là quận Tây Sa và Nam Sa trong bối cảnh thế giới đang căng thẳng vì đại dịch Covid -19, có thể thấy hành động này của họ tính toán rất có chiến thuật nhưng lại thua về uy tín.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (ảnh IT).
Trước việc Trung Quốc vào ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Đây là hành động sai trái vi phạm chủ quyền của Việt Nam, PV Dân Việt có trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng xung quanh vấn đề này.
Giữa lúc cả thế giới đang căng thẳng, tập trung lo chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc đơn phương có những hành động phi pháp trên Biển Đông khi tuyên bố thành lập cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, như vậy họ đã lợi dụng tình hình thế giới để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đối với Trung Quốc, vấn đề độc chiếm Biển Đông là mang tính chiến lược hay còn gọi vấn đề lâu dài của họ. Trong khu vực Biển Đông quan trọng nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam). Trung Quốc muốn thiết lập hai căn cứ tại khu vực này để khống chế Biển Đông.
Còn việc lợi dụng cả thế giới đang phải tập trung chống đại dịch Covid -19, để Trung Quốc thực hiện hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế tuyên bố về cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, có thể đây thuộc về chiến thuật của họ. Họ vận dụng chiến thuật trong thực hiện chiến lược, nghĩa là lợi dụng thời cơ đại dịch thực hiện ý đồ nhằm không bị thế giới chú ý, phản ứng mạnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc lợi dụng tình hình để thực hiện ý đồ như trên chỉ đem đến điều hại cho họ. Sau một thời gian Trung Quốc bắt đầu ổn định trước đại dịch Covid -19, còn cả thế giới đang phải tập trung phòng, chống. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Pháp đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để thế giới tập trung vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong khi cả thế giới đang căng thẳng vì đại dịch Covid-19, tàu sân bay của Mỹ phải tạm dừng hoạt động ở châu Á vì Covid-19, Trung Quốc lại có các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, không xứng đáng với vai trò của một cường quốc, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc lợi dụng tình hình thế giới để thực hiện hành vi phi pháp, Trung Quốc sẽ mất uy tín lớn trên trường quốc tế, thưa ông?
- Trung Quốc nghĩ làm như vậy họ sẽ thuận lợi, tuy nhiên theo tôi vấn đề không hoàn toàn như vậy. Một cường quốc lại cậy thế, bất chấp luật pháp quốc tế để có hành động ngang ngược thì càng khiến họ mất uy tín với thế giới. Mới đây, Trung Quốc đưa hải quân và không quân ra biển diễn tập, sau đó tuyên bố thành lập cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thuộc Tam Sa, đây là vô lý. Có thể thấy hành động của họ có tính toán rất chiến thuật nhưng lại thua về uy tín. Với những gì diễn ra vừa qua, hiện Trung Quốc cần phải thiết lập uy tín với thế giới, đây mới là vấn đề quan trọng chứ không phải chuyện mấy hòn đảo.
Dù thế giới quốc tế đang phải lo chống đại dịch nhưng khi Trung Quốc có hành động ngang ngược thì dư luận vẫn phản ứng mạnh, như mới đây Mỹ đã lên án việc Trung Quốc đâm tàu cá của Việt Nam, ông nghĩ sao?
- Đúng như vậy. Trước hết, hành động của Trung Quốc liên quan trực tiếp đến Việt Nam, chúng ta đã phản ứng và phản ứng này hợp lý, hợp tình, trên cơ sở tôn trọng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trên thế giới, Mỹ với vai trò là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì vấn đề tự do hàng hải, vì luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ luôn theo dõi sát tình hình ở Biển Đông và tuyên bố mạnh mẽ. Bên cạnh đó là EU, Nhật Bản, ASEAN…
Mới đây, Mỹ đã lên án mạnh mẽ việc tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Tuyên bố của phía Mỹ rất đáng chú ý, trong đó phía Mỹ cho rằng: Bắc Kinh công bố các trạm nghiên cứu mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc vào tháng 7/2016 đã bị Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc coi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp căn cứ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu, đồng thời chấm dứt ngay việc lợi dụng sự sao nhãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác hòng mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền (ảnh cảnh sát biển).
Trước hành động sai trái của Trung Quốc, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ bằng con đường hòa bình và điều quan trọng là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, thưa Thượng tướng?
- Trong việc bảo vệ chủ quyền bao giờ chúng ta cũng lấy chính nghĩa, nội lực của dân tộc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, của những người yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng công lý. Đây là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt từ trước tới nay. Chúng ta quyết liệt đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên cơ sở hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ thức tỉnh công luận.
Đối với nước lớn nói riêng và cộng động quốc tế nói chung, chúng ta không thể lôi kéo họ đứng về phía mình khi thiếu lẽ phải, chỉ có lẽ phải, khi chúng ta có lẽ phải, có chính nghĩa thì sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi.
Xin cảm ơn Thượng tướng (!).
Lương Kết
Lập 'Tây Sa' và 'Nam Sa': Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế
"Chủ quyền" của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô căn cứ, không có giá trị, vì vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế". Đây là ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trí thức Việt Nam khẳng định mạnh mẽ trước sự việc Trung Quốc vừa phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là 2 huyện "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. (Ảnh: CSIS/AMTI)
Qua theo dõi các phương tiện báo chí Việt Nam, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khẳng định cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô căn cứ, không có giá trị, vì vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Trong các phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Chủ quyền có từ lâu đời, trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, ông cha chúng ta đã xác định chủ quyền cách đây mấy thể kỷ. Chúng ta liên tục khẳng định cho đến bây giờ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta có quyền đưa những quyền của mình, đó là bằng các biện pháp hòa bình. Một trong các biện pháp đó chính là đưa ra các cơ quan tố tụng quốc tế. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam nên sử dụng các biện pháp hòa bình hoàn toàn hợp pháp đó", luật sư Nghĩa chia sẻ.
Theo Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, việc thành lập cái gọi là 2 huyện "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" là hành vi nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Ngang nhiên ra quyết định thành lập 2 huyện là hành động đáng lên án chắc chắn phải đưa ra tòa quốc tế để xem xét. Theo luật pháp quốc tế không thể nào ngang ngược, ỉ sức mạnh độc bá Biển Đông. Lịch sử đã chứng minh, khẳng định hai cái quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là mảnh đất của Việt Nam và không thể chối cãi được.
Toàn thể nhân dân Việt Nam cũng sẽ kiên quyết đấu tranh, ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa vốn quen thuộc với hàng vạn ngư dân miền Trung bao đời nay. Sự hiện diện của ngư dân trên biển chính là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Nhường cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng: Hành động của Trung Quốc lúc này là đi ngược xu thế hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia: "Xu thế hợp tác hòa bình và phối hợp giữa các quốc gia với nhau trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ là các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân theo luật pháp quốc tế. Những việc gì chúng ta bất đồng với nhau thì nên thảo luận để giải quyết chứ không phải là tự tiện làm những việc trái với luật pháp quốc tế hiện nay. Tôi nghĩ Trung Quốc phải tôn trọng các luật pháp quốc tế và có sự hợp tác tốt với tất cả quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề còn tranh cãi".
Video: Năm 2018, Facebook bỏ Trường Sa, Hoàng Sa khỏi bản đồ Trung Quốc
Yêu cầu TQ hủy quyết định lập 2 quận quản lý Trường Sa và Hoàng Sa Trước việc Trung Quốc hôm 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối các quyết định này. "Việt...