Chiến thuật phiến quân dùng để ghìm chân lính Philippines ở Marawi
Phiến quân Maute được trang bị hiện đại, di chuyển bằng hệ thống hầm ngầm để cầm chân quân chính phủ suốt 4 tháng.
Binh sĩ Philippines chuẩn bị cho một cuộc tấn công ở Marawi. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi mất một tuần chỉ để vượt qua con phố kia. Nó quả thực rất khó khăn”, Reuters dẫn lời tướng Melquiades Ordiales, tư lệnh Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 1 quân đội Philippines, nói hôm 25/9. Đây là một trong những lực lượng tham gia chiến đấu chống phiến quân Maute thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi, phía nam Philippines.
Chiến dịch giành lại Marawi đã phá hủy phần lớn trung tâm thành phố, thể hiện sự khốc liệt trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ IS tới Philippines và khu vực Đông Nam Á.
Khi phiến quân Maute bắt đầu đánh chiếm Marawi hôm 23/5, Manila tỏ ra rất tự tin. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khi đó khẳng định sẽ tái chiếm thành phố chỉ trong vòng một tuần. Nhưng một tuần đó đã kéo dài tới 4 tháng và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Sau 4 tháng không kích dữ dội cùng những trận đánh giành giật từng ngôi nhà, các chỉ huy quân đội Philippines tin rằng họ đang ở giai đoạn cuối cùng của chiến dịch tiêu diệt phiến quân Maute. Trong hai tuần qua, Manila cho biết đã phá hủy ba căn cứ của phiến quân, dồn 60 tay súng còn lại vào khu vực gồm 10 tòa nhà ở trung tâm thành phố. Quân đội Philippines đã tăng cường tuần tra để chặn nguồn tiếp viện vũ khí và nhân lực cho nhóm phiến quân bị bao vây.
Các sĩ quan từng đối đầu với phiến quân cho biết cuộc chiến giành lại Marawi dữ dội và khó khăn hơn các trận đánh trước rất nhiều. Đại úy Arnel Carandang, thành viên Tiểu đoàn biệt kích trinh sát số 1, khẳng định phiến quân Maute được trang bị tốt hơn hẳn, với vũ khí có uy lực mạnh, kính nhìn đêm, súng bắn tỉa đời mới và cả máy bay không người lái (UAV) để trinh sát.
Carandang từng chiến đấu gần 10 năm trong các khu rừng rậm và đồi núi tại Mindanao, hòn đảo phía nam Philippines khét tiếng vì hoạt động của phiến quân. Anh khẳng định quân đội chính phủ không hề quen với việc tác chiến trong thành phố. Phiến quân Maute đã tận dụng tối đa ưu thế chiến trường đô thị, giúp chúng cầm chân quân đội Philippines dù quân số chỉ bằng 1/10 lính chính phủ.
Chiến thuật của Maute được học hỏi nhiều từ IS trong cuộc chiến tại thành phố Mosul, Iraq. Chúng sử dụng con tin làm lá chắn sống, đồng thời bố trí bắn tỉa khắp các điểm cao và vị trí trọng yếu tại Marawi. Phiến quân còn đào hệ thống hầm ngầm dày đặc dựa vào cống thoát nước và lỗ đục giữa các tòa nhà, giúp chúng di chuyển bí mật, tránh bị trinh sát phát hiện và không kích.
Video đang HOT
Đại úy Arnel Carandang. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi tin có một số tên khủng bố nước ngoài đang chỉ đạo phiến quân tại Marawi, đó là lý do chúng chiến đấu rất tốt. Chúng tôi đã thấy xác của một số tay súng da trắng, da màu và cả người châu Á không phải dân bản địa. Ngoài ra, chúng tôi còn nghe thấy liên lạc vô tuyến bằng tiếng Anh giữa một số tên khủng bố”, địa úy Carandang cho biết.
Phiến quân cũng ép buộc nhiều con tin, đa số là người theo Cơ đốc giáo, phải chế tạo thiết bị nổ tự chế, tìm kiếm thức ăn và vũ khí, cũng như chiến đấu cho chúng.
“Khi bị tập trung ở một giáo đường Hồi giáo, nhóm chúng tôi có hơn 200 người. Con số này dần giảm đi theo thời gian. Mọi người được giao việc vặt, nhưng nhiều người không trở lại, một số trốn thoát được còn số khác thiệt mạng. Khi tôi rời đi, cả nhóm chỉ còn gần 100 người”, một con tin kể lại. Câu chuyện này không được chứng thực, nhưng quân đội Philippines khẳng định người này đã trốn thoát khỏi Marawi hồi tháng 8.
Nhóm phiến quân dường như rất hài lòng với chiến dịch tại Marawi. Chúng thường đề cập tới lợi thế trong tác chiến đô thị, đồng thời nói về những mục tiêu tiềm tàng tiếp theo như các thành phố lớn trên đảo Mindanao và thủ đô Manila. “Chúng nói có thể ẩn mình dễ dàng trong thành phố và bắt con tin. Điều này dễ dàng hơn chiến đấu ở vùng đồi núi, nơi chỉ có binh sĩ chính phủ”, con tin này cho biết thêm.
Binh sĩ chính phủ thường chỉ quen tác chiến trên rừng núi. Ảnh: Reuters.
Nhiều tay súng đang ở độ tuổi rất trẻ, nhưng có kỹ năng chiến đấu rất tốt. “Nhìn cách chúng di chuyển và áp dụng chiến thuật, bạn có thể hiểu rằng chúng được huấn luyện kỹ”, đại tá Jose Maria Cuerpo, phó tư lệnh Lữ đoàn số 103 đang tham chiến tại Marawi, khẳng định.
Nhiều sĩ quan quân đội Philippines hy vọng một số tay súng sẽ ra đầu hàng và giao nộp khoảng 45-50 con tin trong tay chúng. Tuy nhiên, đại úy Carandang cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân Maute đang chuẩn bị cho một cuộc tử thủ đẫm máu trong thành phố.
“Chúng tôi đang theo dõi liên lạc vô tuyến của chúng, có vẻ quân Maute đang dần trở nên cuồng tín hơn. Các cuộc trò chuyện cho thấy chúng đang chuẩn bị cho những vụ đánh bom tự sát”, đại úy Carandang tiết lộ. Một chiếc áo gắn bom đã được tìm thấy ở đại giáo đường thành phố Marawi, cứ điểm từng được phiến quân Maute sử dụng.
Chiến thuật đánh bom tự sát hiếm khi được phiến quân sử dụng tại Philippines trong hàng chục năm qua. “Đó là sự khác biệt giữa cuộc chiến tại đây với Syria và Iraq. Chiến thuật của phiến quân khá giống nhau, khác biệt duy nhất chính là những kẻ đánh bom tự sát. Nó chỉ chưa xảy ra mà thôi”, tướng Ordiales nhận định.
Tử Quỳnh
Theo VNE
"Ngày tàn" của phiến quân thân IS tại Marawi sau chiến sự 100 ngày?
Khi cuộc chiến "cân não" đánh đuổi nhóm phiến quân thân IS ra khỏi thành phố Marawi tròn 100 ngày, quân đội Philippines tự tin rằng những ngày sau đây sẽ là ngày tàn của nhóm khủng bố cực đoan.
Binh sĩ Philippines tiến về chảo lửa Marawi. (Ảnh: Reuters)
Đầu hàng hoặc bị tiêu diệt
Kể từ sau lần tấn công chớp nhoáng vào thành phố Marawi ngày 23/5, phiến quân Hồi giáo thân IS Maute đã kháng cự lại các đợt tấn công bằng hỏa lực, các cuộc không kích và ném bom của quân đội chính phủ. Những tay súng bắn tỉa trong hàng ngũ của chúng vẫn ẩn nấp sau đống đổ nát của thành phố bị chiếm đóng.
Theo ông Romeo Brawner, chỉ huy phó Lực lượng Đặc nhiệm ở Marawi, các khu vực phiến quân kiểm soát đang thu hẹp dần, và có dấu hiệu cho thấy chúng đã suy yếu do thiếu lương thực, đạn dược. "Hy vọng chiến dịch bao vây Marawi sẽ kết thúc trong vài tuần tới. Lực lượng phiến quân đang suy yếu. Chúng tôi khiến tổn thất của chúng tăng lên mỗi ngày", ông nói với các phóng viên.
Quân đội Philippine nhiều lần hứa hẹn về việc giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi, nhưng có vẻ họ đã đánh giá thấp sức mạnh của phiến quân Maute. Chiến sự khu vực phía Nam đảo Mindanao đã buộc hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Thống kê của chính phủ cho thấy gần 800 người đã thiệt mạng gồm 133 lính và cảnh sát, 45 thường dân và khoảng 617 tên phiến quân.
Nhiều thi thể được cho là vẫn còn nằm rải rác trong đống đổ nát của thành phố này. Ước tính số thường dân bị mắc kẹt trong khu vực chiến sự là hơn 2.000 người, mặc dù nhà chức trách tuyên bố 1.728 thường dân đã được giải cứu. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết họ đang điều tra về 179 trường hợp mất tích.
Lo ngại tăng cao khi chiến sự kéo dài, cho thấy hệ tư tưởng cực đoan của IS có thể đã bén rễ sâu rộng ở miền Nam hơn dự đoán từ trước. Điều này dấy lên lo ngại rằng liệu quân đội Philippines có thể ứng phó với một cuộc nổi dậy quy mô lớn hơn hay không. Sự xuất hiện của những tên phiến quân nước ngoài trong hàng ngũ đang gây ra mối lo về việc đảo Mindanao có thể trở thành một điểm đến mới, thu hút các phần tử cực đoan từ Indonesia, Malaysia và Singapore, cũng như những phiến quân đến từ Syria và Iraq.
Tướng Eduardo Ano, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết phiến quân Maute đã mất nhiều vị trí phòng thủ trong tuần qua, quan trọng nhất là trụ sở cảnh sát và nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố. Hôm 29/8, ông cho biết tất cả các tuyến đường ra vào Marawi đã bị phong tỏa và khoảng 50 tên phiến quân còn lại sắp đến "thời khắc cuối cùng". Chúng sẽ phải lựa chọn quyết định đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.
"Tình hình là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nếu chúng muốn lên chầu trời như từng tuyên bố, chúng tôi sẽ giúp chúng toại nguyện", tướng Ano cho biết.
Thách thức cho tương lai
Khói bốc lên sau trận không kích của quân đội Philippines vào sào huyệt của nhóm khủng bố thân IS ở Marawi. (Ảnh: Reuters)
Chiến sự ở thành phố Marawi trở thành cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất đối với tổng thống Rodrigo Duterte. Bản thân ông đã tuyên bố thiết quân luật ở đảo Mindanao cho đến cuối năm cũng như kêu gọi các nhà lập pháp thông qua một quỹ giúp tăng quân số thêm 20.000 binh sĩ. Vào ngày 30/8, ông Duterte phát biểu rằng xung đột xảy ra do chủ nghĩa ly khai đã kéo dài hàng chục năm qua ở đây vẫn chưa tìm được giải pháp.
Theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng sẽ có một liên minh giữa hai nhóm phiến quân từ các vùng khác nhau của đảo Mindanao - nhóm mới nổi Maute và nhóm cũ Abu Sayyaf đã được thành lập. Mỗi nhóm sẽ chiếm đóng một thành phố để làm căn cứ cho những phần tử cực đoan tập trung, từ đó phát triển các kế hoạch tiếp theo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Quân đội nói rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề là bắt hoặc tiêu diệt được các thủ lĩnh, những kẻ được cho là đang ẩn náu trong vùng chiến sự. Thách thức là phải đảm bảo an toàn cho hàng chục con tin. Thất bại trong việc này sẽ trở thành một thảm hoạ cho quân đội, họ đã hứng chịu nhiều chỉ trích khi các cuộc không kích phá hủy cơ sở hạ tầng mà không đem lại hiệu quả. Lực lượng chiến đấu dưới đất bị ném bom nhầm đến 2 lần.
Tổng thống Duterte lý giải cuộc chiến kéo dài quá lâu là do chính phủ muốn đảm bảo an toàn cho các con tin, và họ không thể ném bom vào một nhà thờ Hồi giáo - nơi các thủ lĩnh phiến quân đang trú ẩn. "Điều đó ngay lập tức sẽ tạo thêm sự thù địch đối với chính phủ", ông nói.
Cựu nghị sĩ Rodolfo Biazon, người từng giữ chức tham mưu trong quân đội, cho rằng sau khi chiếm lại được thành phố Marawi, chính phủ cần bớt chú trọng vào giải pháp quân sự và cố gắng tập trung vào các biện pháp dân vận, coi đó là chiến lược nền tảng cốt lõi. Thực tế là khi những nhóm nổi dậy, chúng vẫn nhận được sự hỗ trợ từ người dân địa phương. "Khi tách cá ra khỏi nước, chúng sẽ không thể duy trì được", ông nói.
Đỗ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Philippines không kích nhầm khiến 2 binh sĩ thiệt mạng ở Marawi Philippines ngày 12/7 không kích các phiến quân Hồi giáo ở thành phố Marawi nhưng nhầm mục tiêu, khiến 2 binh sĩ thiệt mạng và 11 người bị thương. Khói đen bốc lên sau một cuộc không kích ở Marawi. Ảnh: CNN. Sự việc xảy ra khi một máy bay quân sự Philippines dội bom các cứ điểm mà phiến quân Hồi giáo...