Chiến thuật ngoại giao của Kim Jong Un
Chuyến thăm Hàn Quốc bất ngờ của một phái đoàn cấp cao Triều Tiên và sự mất tích kỳ lạ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un suốt một tháng qua đã làm bùng nổ các tin đồn về sức khỏe của Jong Un và sự ổn định của chính phủ dưới quyền ông này.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các nhà phân tích Mỹ cho rằng cả hai sự việc trên là rất dễ hiểu, đó là chiến thuật ngoại giao của Bình Nhưỡng nhằm chia rẽ và làm suy yếu sức ép của quốc tế với chương trình hạt nhân của nước này và chương trình tuyên truyền trong nước.
Các quan chức Triều Tiên đã phủ nhận việc Kim Jong Un không xuất hiện trước công chúng từ hôm 3/9 có liên quan tới vấn đề sức khỏe của ông này. Ngoài ra, một quan chức Mỹ theo dõi các vấn đề về Triều Tiên cũng cho hay, không có dấu hiệu nào cho thấy Jong Un bị ốm nặng hay gặp rắc rối về chính trị.
Trong khi những vấn đề nhỏ về sức khỏe của Jong Un không được loại trừ, Washington tin rằng cuộc thanh trừng năm ngoái – khiến chú của Jong Un, đồng thời là cựu cố vấn an ninh cấp cao bị tử hình, đã củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ này, quan chức Mỹ đề nghị giấu tên nói.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy có vấn đề gì lớn đang diễn ra”, quan chức Mỹ trên cho hay. Ông này cho biết thêm, việc Jong Un không tham dự một số hội nghị cấp cao chả có gì bất thường vì cha và ông nội của nhà lãnh đạo này là Kim Jong Il, Kim Nhật Thành không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ ở các cuộc họp.
Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 4/10 nhất trí nối lại các cuộc hội đàm hòa giải sau khi Triều Tiên đưa phái đoàn cấp cao nhất tới nước láng giềng mà chỉ thông báo trước một ngày.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hy đã thúc đẩy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai miền Triều Tiên từ tháng 2 và Triều Tiên đã nhất trí rằng quan chức cấp cao hai bên sẽ gặp gỡ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Đây là sự thay đổi đáng chú ý của Triều Tiên sau nhiều tháng mà gần như ngày nào truyền thông quốc gia phía bắc này cũng công kích Hàn Quốc và bà Park dữ dội.
Alexandre Mansourov, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học John Hopkins nói, Bình Nhưỡng muốn nổi bật ở Á vận hội vì mục đích tuyên truyền trong nước.
Tuy nhiên, ông Mansourov cũng cho hay, đó có thể là kế hoạch nhằm chia rẽ và gây suy yếu quyết tâm của quốc tế nhằm ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cải thiện những vấn đề nhân quyền.
Động thái trên của Triều Tiên diễn ra vài tuần trước khi một nghị quyết chỉ trích Triều Tiên về nhân quyền sẽ được đưa ra thảo luận tại LHQ.
Joel Wit, người điều hành dự án giám sát Triều Tiên -38 độ Bắc cho biết, nếu hội đàm Nam Bắc Triều diễn ra, nó có thể khiến Washington bị cô lập hơn do Mỹ đã áp đặt các điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc hội đàm quốc tế về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mansourov nói, ông hy vọng sẽ thấy Kim Jong Un sớm xuất hiện trước công chúng và thời điểm then chốt sẽ là thứ sáu 10/10 – ngày nghỉ lễ ở Triều Tiên để mừng ngày thành lập đảng Cộng sản Triều Tiên. Dịp này, các lãnh đạo nhà nước thường xuất hiện trước công chúng.
Theo Vietnamnet