‘Chiến thuật của Trung Quốc đang gây bất ngờ’
Cùng với việc điều hàng loạt tàu tới bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981, tàu thăm dò dầu khí Hải dương 201, tổ hợp chế biến Hải Nam Bảo Sa 001 ra biển Đông.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông trao đổi với VnExpress xung quanh động thái mới nhất của Trung Quốc.
- Biển Đông đang gây sự chú ý của thế giới bởi hàng loạt động thái của Trung Quốc sau tuyên bố về Đường lưỡi bò. Ô ng đánh giá thế nào về điều này?
- Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bị quốc tế phản đối gay gắt vì đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế. Nhưng vì lợi ích của mình, Trung Quốc vẫn đang ra sức nỗ lực để biến yêu sách này thành hiện thực.
Vừa qua, Trung Quốc và Philippines đã rất căng thẳng xung quanh bãi ngầm Scarborough – nơi chỉ cách Philippines chưa tới 130 hải lý. Trung Quốc tìm cách gây hấn với Philippines ngay tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được quy định tại Công ước Luật Biển 1982 ( UNCLOS 1982). Trung Quốc thì lại cho đây là vùng đánh cá truyền thống của mình, đây chính là lập luận cho “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa.
Với các tuyên bố cứng rắn, có thể thấy chiến lược của Trung Quốc về biển Đông không thay đổi. Tuy nhiên, chiến thuật để thực hiện mục đích đó năm nay có nhiều điều khá bất ngờ.
Video đang HOT
Trung Quốc đang triển khai ra Biển Đông đội tàu hùng hậu đóng vai trò như một tổ hợp chế biến hải sản di động. Giữ vị trí trung tâm của đội tàu này là tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có trọng tải 32.000 tấn. Ảnh: Dwnews
- Ông nói gì trước quan điểm cho rằng, Trung Quốc đang muốn mở đầu một giai đoạn mới trong chiến lược độc chiếm biển Đông?
- Khi xem xét các chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông, học giả Mỹ Mark J. Valencia đã tổng kết: Trung Quốc tăng cường sức mạnh của hải quân; mở rộng và bành trướng sự hiện diện thực tế tại các khu vực tranh chấp, từ đó hợp thức hóa việc chiếm đóng của họ; thu hút các công ty dầu khí phương Tây đến thăm dò khai thác tại các vùng tranh chấp; khăng khăng đòi thương lượng song phương với từng quốc gia có tranh chấp.
Báo cáo về an ninh Trung Quốc năm 2011 của Học Viện nghiên cứu quốc phòng của Nhật Bản thì cho hay, Trung Quốc đang tiến hành ba cuộc chiến nằm ngoài cuộc chiến quân sự: cuộc chiến truyền thông; tâm lý và luật pháp. Chính sách này của họ luôn là nhất quán và xuyên suốt, tuy họ trình bày với thế giới hết sức mập mờ, có thể lúc vận dụng UNCLOS, lúc vận dụng yêu sách “đường lưỡi bò” với mục đích là để duy trì được lợi ích của họ trên biển Đông.
- Trung quốc hành động bất chấp sự phản ứng của các nước trong khu vực và thế giới. Vậy lợi thế của Trung Quốc là gì thưa ông?
- Sự căng thẳng xung quanh tranh chấp bãi ngầm Scarborough gần đây cho thấy cả Philippines và Trung Quốc đều đang đi những nước cờ chiến lược đầy toan tính. Philippines khá tự tin khi mời Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp này trước Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS). Đây không phải là lần đầu Philippines làm như vậy.
Nhưng Trung Quốc cũng tự tin không kém với nước đi của họ. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi Scarborough, Philippines đã không đủ sức mạnh cho các lực lượng tuần duyên khi so sánh với các lực lượng tương tự của Trung Quốc. Khả năng để duy trì sức mạnh trên biển thông qua các lực lượng không phải quân sự của Philippines hay của các quốc gia ASEAN khác là yếu so với Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc có những lợi thế nhất định của kẻ mạnh.
Tôi cho rằng, khả năng xung đột quân sự tại khu vực này hiện nay không cao. Nhìn vào hành động của cả Philippines và Trung Quốc ta sẽ thấy điều đó. Philippines đã phải rút ngay lực lượng tàu chiến của hải quân mình, còn Trung Quốc cũng không đưa lực lượng hải quân tới, và cũng có những hành động hạ nhiệt nhất định. Tuy một số báo đài Trung Quốc tuyên bố rất mạnh, nhưng gây chiến trong lúc này đều là điều bất lợi cho cả hai.
Xin nói thêm là Philippines đã có Hiệp ước an ninh 1951 với Mỹ, trong trường hợp Philippines bị đe dọa thì chắc chắn Mỹ sẽ phải dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ Philippines. Nhưng cũng còn một ẩn số là hiệp ước này có bao gồm cả vùng bãi ngầm Scarborough thì chưa rõ.
- Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain vừa cho rằng, Washington cần ủng hộ các nước thành viên ASEAN trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại biển Đông và “Mỹ cần bảo đảm Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm”. Ông bình luận gì về ý kiến của ông McCain ?
- Mỹ đang là cường quốc biển, chi phối rất nhiều đến quyền lực biển trên thế giới. Nếu không có vai trò của Mỹ thì khó có quốc gia nào có thể ngăn chặn được tham vọng rất lớn của Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc thành công trong việc độc chiếm biển Đông, thì Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi rất nhiều. Đó là lý do ông John McCain đã tuyên bố như vậy.
Nhưng chỉ tuyên bố thôi thì chưa đủ. Trong tranh chấp tại bãi Scarborough vừa rồi, Mỹ có thể tuyên bố rõ ràng hơn về Hiệp ước an ninh Mỹ – Philippines có bao gồm vùng biển xung quanh bãi ngầm Scarborough không. Trong Hiệp ước này, Mỹ đã nhiều lần giải thích là không bao gồm vùng KIG (Kalayaan Island Group – tức quần đảo Trường Sa), nhưng bãi ngầm Scarborough lại không thuộc quần đảo Trường Sa.
- Với những chiến thuật mới của Trung Quốc như ông vừa nói, c ác quốc gia trong khối ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ gì?
- Nếu Trung Quốc thành công trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough, khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng tương tự với các quốc gia khác. Như vậy, Trung Quốc sẽ thành công khi độc chiếm biển Đông. Tất cả quốc gia ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế sẽ bị thua thiệt khi một vùng biển rộng lớn và quan trọng nhất nhì thế giới lại bị một quốc gia đầy tham vọng xâm chiếm.
Như một chuyên gia Australia đã lên tiếng, nếu Philippines thất bại trong tranh chấp này, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ có thêm một bước tiến, và đó sẽ là một nguy cơ đối với các nước ASEAN. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc sau khi “liếm” Philippines sẽ “liếm” tới các quốc gia ASEAN khác liên quan, như Trung Quốc từng làm.
Theo VNExpress
Tàu ngầm tối tân Mỹ tiếp cận bãi cạn Scarborough
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ vừa bất ngờ xuất hiện gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp căng thẳng.
AFP dẫn lời trung tá Omar Tonsay, phát ngôn viên hải quân Philippines, ngày 15.5 cho hay tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ hiện đang có mặt tại cảng Subic, cách bãi cạn Scarborough 234 km về phía tây. Thuộc lớp Virginia, tàu ngầm USS North Carolina được triển khai hồi năm 2008, với độ choán nước 8.700 tấn, sử dụng năng lượng hạt nhân kèm theo nhiều vũ khí tối tân như tên lửa hành trình Tomahawk, ngư lôi. Chiếc tàu ngầm này còn được trang bị khả năng tàng hình vào loại tối tân nhất của Mỹ và có thể di chuyển cực êm. Vốn dĩ, cảng Subic, thuộc tỉnh Zambales, từng là một căn cứ hải quân của Mỹ tại Philippines cho đến năm 1991. Vì thế, diễn biến lần này khiến người ta nhớ đến việc Mỹ gần đây đề nghị được đưa binh sĩ đến đồn trú không thường trực tại Philippines.
Tàu USS North Carolina hiện đang có mặt gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: WN
Trả lời về việc USS North Carolina xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Manila xung quanh bãi cạn Scarborough, trung tá Tonsay cho rằng đây chỉ là hoạt động bình thường của hải quân Mỹ. Về phía Mỹ, báo The Philippine Star dẫn tuyên bố của sĩ quan chỉ huy USS North Carolina Richard Rhinehart: "Thủy thủ đoàn chúng tôi tự hào đóng góp vào sự cam kết của Mỹ đối với việc giữ vững quyền tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực". Ngoài ra, thông cáo của Bộ Tư lệnh hải quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương cho biết thêm rằng chiếc tàu này luôn sẵn sàng tác chiến đa nhiệm khi cần thiết. Chưa ghi nhận thông tin nào từ phía Mỹ và Philippines về việc tàu USS North Carolina sẽ ở lại cảng Subic trong bao lâu. Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận nào về diễn biến trên.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Manila xung quanh bãi cạn Scarborough, vốn bùng phát từ ngày 8.4, vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Báo Kinh Hoa ngày 15.5 cho biết dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Asean tuyên bố "sẽ chấm dứt việc ngư dân Philippines đánh bắt gần bãi cạn Hoàng Nham (tên mà Bắc Kinh đặt cho bãi cạn Scarborough - NV)".
Theo Thanh Niên
Tàu chiến Trung Quốc đến gần Philippines Một đội tàu chiến của Trung Quốc tập trận tại vùng biển gần với Philippines trong khi căng thẳng giữa hai bên quanh bãi cạn Scarborough vẫn chưa kết thúc. Tờ Taipei Times đưa tin Lực lượng phòng vệ Đài Loan, từ ngày 10.5, đã theo dõi chặt chẽ đợt tập trận của hải quân Trung Quốc diễn ra tại vùng biển phía...