Chiến thắng trận đầu trong ký ức những người lính Hải quân
Chiến thắng trận đầu trở thành mốc son quan trọng, tự hào trong lịch sử Hải quân và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta
Cách đây 50 năm, ngày mùng 2 và mùng 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân đã ra quân trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.
Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox (ảnh) đã xâm nhập sâu vào vùng Vịnh Bắc Bộ và đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam. Biến cố này được biết đến như sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất.
Đây là chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ. Chiến thắng này có ý nghĩa động viên to lớn với toàn quân, toàn dân, chung sức, chung lòng lập nên những chiến công hiển hách, đập tan âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.
Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng một kịch bản chi tiết cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 7/1964, tàu biệt kích ngụy bắn phá Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An), đồng thời Mỹ đưa tàu khu trục Maddox tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ để khiêu khích, quấy phá nước ta.
Ông Nguyễn Xuân Bột
(Ảnh:Nguyên Nhung)
Nhớ lại trận đánh ngày 2/8/1964, ông Nguyễn Xuân Bột, nguyên thuyền trưởng tàu 333, phân đội trưởng phân đội 3, thuộc tiểu đoàn 135 làm nhiệm vụ đuổi tàu Maddox cho biết: “Để đánh tàu Maddox cần khoảng 12 tàu phóng lôi tấn công từ 4 phía, nhưng lực lượng của ta lúc đó chỉ có 3 tàu phóng lôi nhỏ với tổng cộng 6 quả ngư lôi, 3 khẩu pháo 14,5 ly và 39 chiến sỹ đã xông pha đánh lại tàu Maddox dài hơn 144 mét, rộng 12 mét với trang bị vũ khí hiện đại cùng hơn 270 sỹ quan và binh lính”.
Phân đội trưởng Bột lệnh cho 3 tàu, mỗi tàu tiếp cận các mạn khác nhau của tàu địch nhằm phân tán lực lượng, phân tán hỏa lực địch, tranh thủ tiếp cận gần mục tiêu để phóng ngư lôi. Tuy nhiên, trước vũ khí hiện đại của địch, cả 3 tàu đều bị địch bắn thủng, một số anh em bị thương. Trong lúc nguy nan, tất cả chiến sỹ vẫn kiên định, ở nguyên vị trí chờ lệnh. Vào thời khắc đó, một sáng kiến đã lóe lên trong đầu phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột.
Ông nhớ lại: “Khi xông vào gần như vậy tàu 339 là tàu bắn trước, phá ngư lôi. Còn tàu thứ 2 của đồng chí Tự là tàu 336 vào phóng ngư lôi, cũng bị chúng phá luôn ngư lôi của mình và đồng Tự đã hy sinh. Lúc đó pháo 14,5 ly chưa bắn được vì còn xa. Trước tình hình như vậy, tôi phải mở tốc độ 52 hải lý/giờ. Tôi chạy chừng 10 phút thì cách xa tàu Maddox hơn 3 hải lý rồi quay lại đánh. Chúng tôi quét pháo 14,5 ly trên mặt bong”.
Cựu thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột năm nay đã 83 tuổi. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào khi ông kể: “Sáng kiến này đã gây hậu quả lớn đối với quân Mỹ mà phải đến 40 năm sau Mỹ mới công bố: pháo 14,5 ly của Hải quân Việt Nam quét trên mặt bong làm hư hỏng một số thiết bị và thủng 1 lỗ, bắn rơi một máy bay và một chiếc khác cũng bị trúng đạn”.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Luyện
(Ảnh: Nguyên Nhung)
Còn đối với nguyên chiến sỹ rada trên tàu 333, thượng sỹ Nguyễn Văn Luyện, lúc đó mới ngoài đôi mươi, trận đánh đầu tiên ông tham gia với vai trò là pháo thủ. Sau khi xác định vị trí, hướng đi, tốc độ của tàu địch để báo cáo thuyền trưởng, ông đã vào vị trí pháo thủ, phối hợp cùng các xạ thủ khác bắn cháy máy bay của địch.
“Khi chúng tôi đánh tàu Maddox, trước đó tàu này đã săn đuổi tàu tuần tiễu của ta đánh rồi. Khi phát hiện chúng tôi, chúng bỏ tàu kia, tập trung hỏa lực bắn chúng tôi rồi bỏ chạy. Tàu chúng tôi vẫn chạy tốc độ nhanh, tiếp tục đánh đuổi. Tinh thần cán bộ chiến sỹ ai cũng phấn khởi bởi lần đầu tiên được làm nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị Hải quân”.
Sau sự kiện tàu Maddox phải bỏ chạy khỏi vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ chính thức tuyên bố trả đũa hải quân miền Bắc, dùng hải quân và không quân đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Ông Lê Chừng khi đó là trung úy, thuyền trưởng tàu săn tàu ngầm S225, thuộc Tiểu đoàn săn ngầm trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân, vẫn nhớ như in trận chiến đấu với không quân Mỹ chiều 5/8/1964.
Ông kể: “Đúng 13h20′, 8 chiếc máy bay địch ào vào vịnh Bắc bộ bắn phá. Thuyền trưởng Lê Chừng lập tức cơ động tàu ra cửa vịnh để đánh trả. Trận đánh diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, ông và các chiến sỹ trên tàu đã bắn rơi máy bay địch, lần đầu tiên bắt sống giặc lái Mỹ ở miền Bắc”.
Ông Lê Chừng
(Ảnh: Nguyên Nhung)
Ông Lê Chừng nhớ lại: “Máy bay địch bâu lại nhiều lắm, cái bổ nhào, cái bay trên cao. Nhưng mình chọn đúng lúc chúng bổ xuống đánh mình để bắn lại nó. Chính lúc địch bổ nhào là lúc nguy hiểm nhất thì lúc đó mình mới bắn và mình đã bắn trúng máy bay. Khi đó máy bay bay ra vịnh Bái Tử Long mới rơi và bắt sống được giặc lái Alvarez”.
Chiến thắng của 50 năm trước đã khiến cho ngày 2 và 5/8/1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân và lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Cho đến hôm nay, những kinh nghiệm trong chiến thắng trận đầu vẫn được Quân chủng Hải quân vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nhất là trong giai đoạn xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc nói riêng./.
Nguyên Nhung
Theo_VOV
Con gái Pháo trưởng tàu CSB 2015 chào bố qua ảnh vào mỗi sáng
Nhìn con gái đang xếp hình trong đó có hình của lính hải quân, pháo trưởng tàu CSB 2015, chị Nguyễn Vân Anh không giấu nổi niềm hạnh phúc.
Mong nhìn thấy con trên truyền hình
Trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Điệp (mẹ trung úy Đinh Văn Hiệp) ở Phục Lễ, Thủy Nguyên (Hải Phòng), cả gia đình đang ngồi quây quần theo dõi thông tin về tình hình biển Đông qua chiếc ti vi nhỏ. Trung úy Hiệp hiện là Pháo trưởng tàu CBS 2015 đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa.
Khi có người nhắc tới tên con trai, giọng bà Điệp trùng xuống trong chốc lát. Bà cho biết, ngày anh Hiệp nhận nhiệm vụ mới tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam, bà không hay biết gì. Bà chỉ biết thông tin khi mọi người xung quanh bàn tán về vụ việc trên và nhắc đến lực lượng cảnh sát biển - nơi con bà đang công tác. Lúc ấy. bà gọi điện hỏi con dâu và biết con trai mình đang công tác tại tàu CSB 2015.
Bà Điệp cùng những người thân trong gia đình theo dõi thông tin về biển Đông được phát trên truyền hình
"Khi mới nghe tin con đi công tác tại nơi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, tôi lo lắng vô cùng. Nhưng sau đó, được sự động viên của mọi người, lại thêm các thông tin cập nhật thường xuyên trên báo đài, tôi cũng dần yên tâm. Ở ngoài đó, không chỉ có riêng con tôi mà còn có anh em, đồng đội luôn sát cánh cùng nhau. Mỗi lần xem tivi về tình hình biển đảo, tôi đều cố gắng nhìn xem có thấy con ở đó không nhưng chưa lần nào nhìn thấy Hiệp cả", bà Điệp nghẹn ngào.
Bé Diễm chỉ vào hình chú hải quân và gọi tên bố
Trong mắt bà Điệp, trung úy Hiệp đã thực sự trưởng thành chỉ sau 3 tháng đứng trong quân ngũ. Thế nhưng bà vẫn lo cho sức khỏe của con: "Nó rất hay viêm họng và mỗi bữa chỉ ăn hai bát cơm. Lúc con vào đất liền lấy thêm nhu yếu phẩm, tôi cũng dặn con phải giữ gìn sức khỏe để công tác tốt và nhanh chóng về với vợ con và gia đình.
Nghe giọng con dù chỉ ít phút nhưng tôi thấy vui nhiều. Hiệp cũng dặn mẹ dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, bố ít uống rượu đi, còn bản thân sẽ cố gắng góp tiền cùng mọi người để xây lại căn nhà cho bố mẹ", bà Điệp tâm sự.
Và từ trong sâu thẳm suy nghĩ của người mẹ ấy là nỗi mong ngóng con trở về để bà được nghe con kể trực tiếp những ngày cùng đồng đội lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nỗi niềm người vợ trẻ
Nằm ở trung tâm thành phố cảng, ngôi nhà của chị Nguyễn Vân Anh (vợ trung úy Đinh Văn Hiệp) những ngày này chất chứa nhiều tâm sự. Hàng ngày, dù bận rộn với công việc nhưng chị Vân Anh vẫn dành thời gian theo dõi thông tin về tình hình biển Đông. Đôi mắt chị đã có lúc mờ đi bởi những giọt nước đọng lại nơi khóe mi mỗi khi nhớ tới chồng.
Nhắc lại mối tình của vợ chồng mình, chị Vân Anh cười bảo: "Chúng tôi nên duyên là qua sự giới thiệu của bạn bè. Vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc vì cả hai đều là những người có trách nhiệm với gia đình. Người này giận thì người kia phải nhún nhường, đó là quan điểm giữ lửa hạnh phúc của gia đình tôi".
Ngày anh Hiệp nhận quyết định vào công tác tại Đà Nẵng, chị Vân Anh rất buồn. Bởi lẽ, lúc đó bé Đinh Minh Diễm mới được 8 tháng tuổi.
"Người phụ nữ nào cũng luôn cần một bờ vai bên cạnh, nhất là khi con còn nhỏ. Nhưng tôi luôn hiểu tính chất công việc của chồng mình. Chính vì có anh và các đồng đội bảo vệ Tổ quốc mà hai mẹ con tôi ở nhà mới có cuộc sống yên bình. Bé Minh Diễm cũng không thiếu thốn tình cảm của bố vì khi còn công tác trong đất liền, ngày nào anh cũng gọi điện về cho hai mẹ con tôi.
Anh ấy rất yêu con. Hôm nào bé Diễm ốm thì cả ngày hôm đó tôi gần như chỉ nghe điện thoại anh gọi về hỏi thăm sức khỏe của bé", chị Vân Anh kể.
Từ khi Trung úy Hiệp nhận nhiệm vụ pháo trưởng trên tàu CSB 2015, mọi sự liên lạc của anh về gia đình, người thân không còn thường xuyên như trước. "Từ khi yêu nhau tôi đã hiểu tính chất công việc của chồng mình. Có công việc anh chia sẻ được nhưng có nhiệm vụ anh tuyệt đối im lặng. Hiện tại, anh Hiệp đang tham gia thực thi pháp luật ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam. Tôi có chút lo lắng nhưng không hụt hẫng, vì nhiệm vụ mà chồng tôi đang làm là bảo vệ Tổ quốc", giọng chị Vân Anh đầy tự hào khi nhắc đến công việc của chồng.
Dù biết những thông tin trên biển Đông chỉ là qua các phương tiện thông tin đại chúng mà chưa được nghe trực tiếp chồng kể, nhưng người vợ trẻ vẫn đặt niềm tin vững chắc vào những người lính như trung úy Hiệp. Hàng ngày, để củng cố thêm thông tin về tình hình biển Đông, chị hỏi qua bạn bè của chồng. Trước khi đi ngủ chị lại lướt web, xem tivi để cập nhật thông tin mới, để trấn an lòng mình trong mỗi giấc ngủ.
Và như sực nhớ ra điều gì, giọng chị hồ hởi: "Bé Diễm còn quá nhỏ để hiểu được công việc của bố đang làm nhưng mỗi sáng thức dậy, con đều chỉ tay lên tờ lịch có hình cảnh sát biển treo ở tường nhà. Khi tôi bảo "Con chào bố đi!", Diễm đều giơ tay chào bố như một cảnh sát biển mặc dù động tác chưa được chuẩn như bố".
Bà Nguyễn Thị Điệp (mẹ của Trung úy Đinh Văn Hiệp) chia sẻ niềm tự hào khi con trai đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
"Hàng ngày, bé Diễm vẫn thích chơi bộ ghép hình về nghề nghiệp. Tôi chỉ cho cháu hình chú bộ đội hải quân và nói đó là bố Hiệp, vì trong bộ ghép ấy không có hình cảnh sát biển. Sau hai lần được mẹ chỉ, những lần sau cứ bày bộ đồ ghép hình đó ra là Diễm lại chỉ cho mẹ đúng hình bố Hiệp" - Vừa kể chuyện, chị Vân Anh vừa nở nụ cười hạnh phúc.
Mỗi khoảnh khắc đáng yêu ấy của con đều được chị Vân Anh chụp lại để khi trung úy Hiệp vào đất liền, có sóng 3G, chị sẽ gửi "thành tích" của cô con gái nhỏ cho chồng xem. Nhắc đến chồng, chị Vân Anh mỉm cười và chia sẻ với chúng tôi ước mơ về một ngày không xa, 2 mẹ con sẽ được đón trung úy Hiệp trở về sau khi anh cùng đồng đội đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Theo Tri Thức
Nhạc sĩ 'Nơi đảo xa' lâm bệnh nặng Nhạc sĩ Thế Song (sinh năm 1933), đang trải qua đợt điều trị kéo dài vì tai biến mạch máu não lần 2. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện 108, ông mới được về nhà để tiếp tục "chiến đấu" với căn bệnh cao huyết áp và tiểu đường. Hiện nhạc sĩ đang bị liệt nửa người, phải ăn bằng ống...