Chiến sự Nga-Ukraine ngày 2/3: Ukraine diệt sát thủ Chechnya cứu mạng Zelensky, Kiev hứng mưa tên lửa
Ukraine tuyên bố họ vừa tiêu diệt được một nhóm sát thủ Chechnya được cử đến để giết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ khiến nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin phải “trả giá” vì phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Toán sát thủ Chechnya bị tiêu diệt
Các phương tiện quân sự Nga được cho là bị phát hủy trên một con đường ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, Ukraine, Thứ Ba, ngày 1 tháng 3 năm 2022. Ảnh AP
Theo Times Of Israel, một toán sát thủ Chechnya được cử đến để ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bị “loại bỏ” sau khi âm mưu của họ bị phát hiện, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov xác nhận.
Thông báo từ ông Oleksiy Danilov được đưa ra vài ngày sau khi quân đội Ukraine được cho là đã phá hủy một đoàn xe tăng Chechnya gần Hostomel, một chiến trường quan trọng bên ngoài Kiev.
“Đơn vị Kadyrov (đặc nhiệm Chechnya) được điều đến để giết Tổng thống của chúng tôi đã bị tiêu diệt. Chúng tôi sẽ không trao Tổng thống hay đất nước của mình cho bất kỳ ai. Đây là đất của chúng tôi, hãy ra khỏi đây”, ông Danilov nói với Ukraine 24 TV.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa thoát âm mưu ám sát.
Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cũng tiết lộ thông tin sốc rằng về âm mưu ám sát do các đặc vụ thuộc cơ quan an ninh FSB của Nga, những người phản đối chiến tranh rò rỉ cho phía Ukraine.
Theo ông Danilov, nhóm đặc nhiệm Kadyrovites được chia làm hai tốp, một nửa bị khống chế ở Hostomel, gần thủ đô Kiev, tốp còn lại đang đấu súng với các lực lượng Ukraine. Hiện chưa rõ các đơn vị này đã tiếp cận Tổng thống Zelensky gần đến đâu.
Video đang HOT
Trước đó, Tổng thống Zelensky từng nói rằng mình là “mục tiêu số một” kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Mỹ cũng từng đề xuất sơ tán ông Zelensky để đảm bảo an toàn, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine từ chối.
Kiev hứng “mưa” tên lửa
Một cuộc không kích đã xé toạc hai khu chung cư ở Borodjanka, cách trung tâm Kiev khoảng 50 km. Ảnh Facebook.
Theo CNN, Kiev đang bị bắn phá dữ dội khi thủ đô Ukraine chuẩn bị cho các cuộc tấn công dồn dập hơn từ lực lượng Nga.
Các vụ bắn phá nhằm vào thị trấn phía tây Kiev được cho là đã xé toạc nhiều khu chung cư. Các video trên mạng xã hội cho thấy các cuộc tấn công vào thị trấn nhỏ Borodjanka của Ukraine hôm 1/3 đã xé toạc 2 khu chung cư.
Borodjanka nằm cách trung tâm thủ đô Kiev khoảng 50 km (30 dặm), là khu vực dân sự mới nhất đang đối mặt với làn sóng tấn công bằng tên lửa, bom đạn của Nga khi các lực lượng Nga tiến vào trung tâm thủ đô.
Các video cho thấy một nhà hàng ở tầng 1 một chung cư đã biến thành đống đổ nát. Các video khác cho thấy mức độ tàn phá nặng nề hơn với phần đất phía sau khu chung cư ngập tràn những chiếc ô tô đang bốc cháy.
“Một chiếc máy bay đã 2 lần thả ba hoặc bốn quả bom ở đây. Chúng tôi đang tìm xem có ai còn sống sót trong đống đổ nát hay không”, một nhân chứng cho biết.
Vitaliy Gyrin, giám đốc phòng khám phụ sản Adonis cũng đăng bài lên Facebook nói rằng, một tên lửa đã bắn trúng một phòng khám phụ sản tư nhân gần Kiev. “Một quả tên lửa đã bắn trúng phòng khám phụ sản gây thiệt hại nặng nhưng tòa nhà vẫn đứng vững. Mọi người đã được sơ tán”, ông Gyrin viết trên trang Facebook cá nhân.
Ông Gyrin cũng đặc biệt yêu cầu mọi người không đến phòng khám. “Điều quan trọng nhất là đừng đến phòng khám bây giờ để tìm ai. Mọi người đang ở một nơi an toàn. Đây là điều chắc chắn”, ông Gyrin tuyên bố.
Gyrin cũng đăng ảnh lên trang Facebook của mình cho thấy phòng khám bị hư hại sau vụ tấn công.
Trong khi đó, Moshe Reuven Azman, Giáo sĩ trưởng của Ukraine đã lên tiếng về vụ tấn công tên lửa gần đài tưởng niệm Babyn Yar ở Kiev, nói rằng ba tên lửa đã bắn trúng khu vực này.
“Tôi liên tục nhận được các cuộc gọi từ người Do Thái, không chỉ người Do Thái, người Ukraine và Nga từ khắp Kiev cũng yêu cầu giúp đỡ. Họ cần viện trợ nhân đạo. Tôi đang cố gắng giúp đỡ họ mỗi ngày. Những người già gọi điện nói rằng họ không có thuốc thiết yếu, các bà mẹ đang gọi điện nói rằng họ không có thức ăn cho con, họ đang phải chịu đựng các cuộc pháo kích”, Giáo sĩ cho biết.
Tổng thống Biden tuyên bố Putin sẽ phải trả giá
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ khiến nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin phải “trả giá” cho chiến dịch tấn công của Nga vào Ukraine trong bài diễn văn liên bang đầu tiên tại Hạ viện.
Ông Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ cấm máy bay Nga bay vào không phận Mỹ, bên cạnh sự gia tăng ngày càng nhiều quốc gia đóng cửa bầu trời với Nga.
Trong bài diễn văn, ông Biden nói 6 ngày trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở chiến dịch quân sự vào Ukraine và gọi đây là “tính toán sai lầm”.
“Ông ấy nghĩ có thể tiến vào Ukraine và thế giới sẽ đảo ngược. Thay vào đó, ông ấy vấp phải bức tường sức mạnh mà ông ấy không bao giờ lường trước được, đó là người dân Ukraine”, ông Biden nói.
Để đáp lại động thái trên, Biden cho biết chính phủ của ông đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga, bao gồm các nhà tài phiệt Nga. “Chúng tôi sẽ cùng các đồng minh châu Âu truy tìm và tịch thu du thuyền, căn hộ sang trọng, máy bay riêng của họ. Chúng tôi hành động nhắm vào lợi ích bất chính của họ”, Tổng thống Mỹ tuyên bố.
Ông Biden cũng tái khẳng định rằng, Mỹ sẽ không triển khai lực lượng đến Ukraine: “Hãy để tôi nói rõ, lực lượng của chúng ta sẽ không tham gia cuộc xung đột với lực lượng Nga ở Ukraine”.
Quân đội Mỹ đã được triển khai đến châu Âu nhưng không phải để chiến đấu ở Ukraine, “mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng ta trong trường hợp Putin quyết định tiếp tục di chuyển về phía tây”, ông chủ Nhà Trắng cho biết.
“Chúng tôi đã huy động bộ binh, không quân, triển khai tàu chiến Mỹ để bảo vệ các nước NATO, bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Litva và Estonia”, ông Biden tuyên bố.
Trung Đông đối diện nguy cơ đứt gãy cung ứng lương thực do xung đột Nga-Ukraine
Trong ngắn hạn, các nước thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ gặp khó khăn về nguồn cung lương thực, do phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine đe dọa nguồn cung lúa mỳ cho khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Ảnh: AFP
Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu lúa Mỳ chủ chốt của thế giới. Nên khi hai nước này bị cuốn vào một cuộc xung đột, các nước thuộc khu vực Trung Đông- Bắc Phi (MENA) sẽ gặp khó khăn về tiếp cận nguồn cung. Nga hiện đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu và thứ ba thế giới về sản xuất lúa Mỳ. Trong khi Ukraine cũng đứng ở vị trí thứ ba thế về xuất khẩu mặt hàng này.
"Mùa thu hoạch lúa mỳ bắt đầu vào tháng 7. Năm nay, sản lượng hứa hẹn sẽ tích cực, đồng nghĩa với việc nguồn cung lúa mỳ dồi dào trên thị trường toàn cầu xét trong điều kiện bình thường. Nhưng cuộc chiến kéo dài ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch tại nước này và vì thế tác động đến nguồn cung" Karabekir Akkoyunlu, học giả chuyên về chính trị Trung Đông tại Đại học London nhận định.
Ngoài ra, việc Mỹ và phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT được dự báo cũng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Nga, trong đó có mặt hàng lúa Mỳ. Theo ông Akkoyunlu, ở thời điểm khủng hoảng lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa lắng dịu, xung đột Nga-Ukraine lại tạo thêm mối quan ngại thực sự và đó là nhân tố đẩy giá lương thực lên mức kỉ lục như hiện nay.
Giá tăng và nguồn cung thiếu hụt đang là thực tế trên thị trường lúa mỳ ở khu vực MENA. Tự chủ được khoảng 50% nhu cầu lúa mỳ trong nước, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu mặt hàng này, với 85% sản lượng nhập khẩu do Nga và Ukraine cung cấp. Nhập khẩu lúa mỳ từ Ukraine đạt mức kỷ lục trong năm 2021.
Chiến sự tại Ukraine kéo dài sẽ khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với một năm tồi tệ hơn, với phần bánh mỳ mua được ít hơn nhưng số tiền phải bỏ ra lại tăng lên, cùng với đó là hóa đơn tiền điện cao kỉ lục do giá năng lượng tăng. Gần đây, cảnh tượng người dân xếp hàng dài để chờ đến lượt mua bánh mỳ trợ giá đã là điều không còn xa lạ ở nhiều quận trung tâm của thành phố Istanbul. Họ sẵn sàng bỏ thời gian để tiết kiệm được vài đồng lira mua bánh mỳ, khi mà lạm phát tăng vọt, còn đồng nội tệ mất giá, giá hàng hóa nhập khẩu tăng, giảm sức mua.
Đó cũng là khó khăn chung của nhiều nước trong khu vực MENA vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lúa mỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tại Ai Cập, 85% nhập lượng lúa mỳ nhập khẩu do Nga và Ukraine cung cấp. Ukraine đáp ứng khoảng 50-60% lúa mỳ nhập khẩu cho Tunisia. Yemen và Libya nhập khẩu lần lượt 22% và 43% tổng lượng lúa mỳ từ Ukraine. Hai nước này cũng lo ngại thiếu nguồn cung do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Ngoài Ai Cập và Tunisia, Lebanon, Yemen và Sudan cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu thụ lúa mỳ tăng vọt với mức giá cao hơn. Maroc đang trải quan nạn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, đẩy giá lương thực tăng cao, buộc chính phủ phải thực thi chính sách trợ giá nhập khẩu lương thực. Lúa mỳ là một trong những mặt hàng cơ bản quan trọng nhất đối với người dân Maroc, do đó nước này cũng đang lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng tới nguồn cung.
Chiến sự Nga-Ukraine vì thế tiềm ẩn nguy cơ làm giảm sản lượng xuất khẩu lúa mỳ từ hai nước này. Và đó sẽ là lúc những nước dễ bị tổn thương ở MENA cảm nhận được tác động thực sự. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung lúa mỳ từ Ukraine đã bị cắt giảm. Quân đội Ukraine đã đình chỉ hoạt động vận tải thương mại tại các cảng của nước này sau khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc và hạt tinh dầu.
WB và IMF cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã thông báo về gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ USD của WB cho Ukraine, trong khi đó, IMF sẽ sớm xem xét các đề xuất viện trợ khẩn cấp. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva....