Chiến sự Nga-Ukraine: Bạo lực, phân biệt chủng tộc khiến người di tản khiếp sợ
Tại các nhà ga Ukraine, phụ nữ và trẻ em được quyền ưu tiên. Nhưng những người da trắng cũng được cho lên tàu trước.
Khi đến lượt, người châu Phi không còn đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng suốt 14 giờ đồng hồ – một người Kenya kể về chuyến di tản ác mộng khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.
Công dân từ các quốc gia khác nhau – từ Châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ – hầu hết là sinh viên của các trường đại học Ukraine tập trung tại khu vực biên giới Medyka dành cho người chạy trốn khỏi xung đột ở Ukraine, miền đông Ba Lan vào ngày 27/2. Ảnh The East African
Theo The East African, anh Karanja Mwaura đã chuyển từ Kenya đến định cư ở Ukraine hơn 5 năm trước. Ngày 14/2, Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine, khiến anh phải vội vã di tản.
Vì vậy, anh đã lên một chuyến tàu từ Kiev hướng đến Uzhgorod, phía tây đất nước gần biên giới với Hungary, cùng với những người châu Phi khác. Đó là một chuyến đi “ác mộng” đối với anh.
Tại nhà ga, phụ nữ và trẻ em được quyền ưu tiên. Nhưng những người da trắng cũng được cho lên tàu trước, theo Mwaura. Khi đến lượt những người châu Phi, không còn đủ chỗ ngồi trên tàu. “Chúng tôi phải đứng suốt chuyến đi kéo dài 14 giờ”, Mwaura cho biết, nhưng thực tế chuyến đi kéo dài tới 20 giờ.
“Tôi quyết định đến Hungary, sau khi nghe những câu chuyện khủng khiếp về nạn bạo lực, phân biệt chủng tộc mà các sinh viên châu Phi gặp phải ở biên giới Ba Lan”, Mwaura nói.
Video đang HOT
Hành khách cố chen lên một chuyến tàu chuẩn bị rời nhà ga Lviv, phía tây Ukraine đi Slovakia ngày 2/3. Ảnh: AP
Mwaura đã chia sẻ các video với The East African cho thấy, người di tản châu Phi bị nhồi nhét trong các toa tàu chật cứng, không có ghế phải ngồi trên sàn, hoặc đứng trong góc, hoặc ngồi chung ghế với nhau.
Tại Lviv, gần biên giới với Ba Lan, họ tiến về phía nam. Tại đây, Mwaura gặp một sinh viên năm nhất người Tanzania bắt taxi đến Chop cho biết, giá taxi đã tăng gấp 4 lần.
Sau khi vượt quãng đường dài, những người di tản châu Phi đến được đồn Hải quan Hungary nhưng tình hình ở đây đã khiến Mwaura thất vọng.
“Người châu Phi và người Ấn Độ phải chờ, trong khi người Ukraine đang được giải quyết một cách nhanh chóng”, Mwaura cho biết.
Mwaura nằm trong số 201 người Kenya sống ở Ukraine. Ít nhất 74 người trong số họ đã rời khỏi đất nước khi giao tranh nổ ra, Bộ Ngoại giao Kenya cho biết hôm thứ Tư 2/3.
Đám đông người tị nạn từ Ukraine xuống tàu ở Przemysl, Ba Lan. Ảnh: AP
Msabah Salum Msabah, một sinh viên Y khoa người Tanzania tại Đại học Quốc gia Sumy của Ukraine gần biên giới Nga đã chọn ở lại cùng với những người khác, với hy vọng xung đột sẽ nhanh chóng lắng xuống.
Msabah chia sẻ với kênh Wasafi TV của Tanzania rằng: “Tất cả những người Tanzania ở đây ở Sumy đều an toàn nhưng mọi người trong thành phố này đều lo sợ. Gần như không ai có thể ra ngoài được. Có binh lính và rào chắn ở khắp mọi nơi. Hầu hết các con đường ra khỏi thị trấn đã bị chặn vì bị hư hại. Chúng tôi bị mắc kẹt ở đây”.
“Các ngân hàng đã bị đóng cửa vô thời hạn và hầu hết các doanh nghiệp khác cũng đóng cửa. Chỉ những dịch vụ thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, nhà thuốc là còn hoạt động”, Msabah nói.
Vài ngày trước đó, các sinh viên Tanzania tại Đại học Sumy đã chính thức yêu cầu sự giúp đỡ của chính phủ. “Chúng tôi cần tiền để duy trì cuộc sống và đi lại trong trường hợp chúng tôi có thể phải di tản”, nhóm sinh viên cho biết và nói thêm rằng một số người đã phải đi bộ hơn 70 km từ Lviv đến biên giới Ba Lan.
Theo Bộ Ngoại giao Tanzania, 38 người Tanzania đã rời Ukraine đến Ba Lan vào thứ Ba 1/3. Họ đã được cấp thị thực 55 ngày để thu xếp về nước.
71 sinh viên khác đến Hungary, 11 người trong số họ đã trở lại Tanzania và 59 người đến các quốc gia khác. Một người vẫn bị cách ly ở Hungary sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tanzania Emmanuel Buhohela cho biết hôm thứ Tư 2/3.
Phát biểu tại một cuộc họp ở Dar es Salaam với phụ huynh của các sinh viên Tanzania ở Ukraine hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Tanzania Liberata Mulamula cho biết chính phủ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Đại sứ quán Nga tại Tanzania để các sinh viên được cung cấp lối đi an toàn qua biên giới Nga.
Trong khi đó, các sinh viên Rwandan ở Ukraine cho biết họ đang mắc kẹt trong những khu vực không an toàn, không có thức ăn hoặc phương tiện để di tản. Có 86 người Rwanda ở Ukraine, và theo phó phát ngôn viên chính phủ Alain Mukuralinda vẫn còn 15 công dân của họ đang mắc kẹt trong các vùng chiến sự.
Liên hợp quốc: 677.000 người đã sơ tán khỏi Ukraine an toàn
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi ngày 1/3 cho biết khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước.
Người tị nạn Ukraine tới Przemysl, Đông Nam Ba Lan ngày 1/3/2022. Ảnh: PAP/TTXVN
Trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Grandi nói số lượng người phải di tản là "đặc biệt đáng quan ngại" và một nửa trong số trên đã sang Ba Lan, Hungary (gần 90.000 người), Moldova (60.000), Slovakia (50.000 người), Romania (40.000 người). Theo ông, tình hình trên có thể trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này.
Tại cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn của UNHCR, bà Shabia Mantoo cảnh báo rằng số người tị nạn đang tăng lên theo cấp số nhân, đồng thời kêu gọi các chính phủ duy trì chính sách tiếp cận lãnh thổ cho người tị nạn, trong đó có người Ukraine và công dân nước thứ 3 tại Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép người tị nạn Ukraine tới nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, người phát ngôn chính phủ, bà Isabel Rodriguez cho biết người tị nạn Ukraine sẽ được hưởng quy chế "công dân đầy đủ" ngay khi đến Tây Ban Nha, đặc biệt là về việc được tiếp cận với việc làm.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc trao cho Ukraine quy chế đặc biệt theo Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời năm 2001, theo đó cho phép những người tị nạn từ các cuộc xung đột sống và làm việc trong khối trong tối đa 3 năm. Tuy nhiên, để văn bản trên có hiệu lực, đa số các quốc gia thành viênEU, tức là phải có 15 trong số 27 nước, đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối, ủng hộ.
Theo văn phòng thống kê quốc gia INE, có khoảng 112.000 người Ukraine hiện đang sống ở Tây Ban Nha.
Cùng ngày, tổ chức cứu trợ Caritas ở Ba Lan cho biết sẽ đón 2.000 trẻ em mồ côi ở Ukraine, nhóm đầu tiên gồm 300 em đang trên đường đến Ba Lan. Theo người đứng đầu Caritas, ông Marcin Izycki, nhóm trẻ đầu tiên sẽ được đưa đến Opole và Czestochowa ở miền Nam Ba Lan và đưa vào các trung tâm nhân đạo và các cơ sở tôn giáo.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1/3 cho biết nước này có thể tiếp nhận ít nhất 200.000 người tị nạn Ukraine sau khi chính quyền mở rộng chương trình trợ giúp những người tị nạn đến từ nước này. Chương trình này cho phép những người Ukraine định cư ở Anh được đưa cha mẹ, ông bà, con cái trên 18 tuổi, và anh chị em tới Anh. Các công ty của Anh cũng có thể tài trợ cho các cá nhân người Ukraine nhập cảnh nước này.
Phát biểu trong chuyến thăm Ba Lan cùng ngày, Thủ tướng Johnson cho biết các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi, và khẳng định chính phủ đang mở rộng chương trình thị thực gia đình, theo đó số người đủ tiêu chuẩn nhập cảnh Anh sẽ tăng đáng kể, ở mức vài trăm nghìn người hoặc cao hơn. Ông cũng cho biết Anh sẽ cung cấp 220 triệu bảng Anh viện trợ nhân đạo và khẩn cấp cho Ukraine.
Tấm lòng người Việt ở Hungary với đồng bào từ Ukraine lánh nạn "Cộng đồng người Việt ở Hungary ai cũng có công việc bận rộn của mình, nhưng mọi người sẵn sàng dành nhiều thời gian công sức giúp đồng bào mình lúc hoạn nạn" - chị Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary nói về những nỗ lực giúp đỡ người Việt từ Ukraine. Khi bắt đầu có...