Chiến lược “thay đổi nhận thức” đầy nguy hiểm của Trung Quốc
TQ tìm cách thay đổi nhận thức thế giới bằng biện pháp phi quân sự trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Ngày 29/6, trong một bài phân tích đăng trên website của Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh), chuyên gia Harry J. Kazianis cho rằng trong bối cảnh Mỹ đang phải đau đầu tìm cách đối phó với phiến quân nổi dậy ở Iraq, có vẻ như Trung Quốc lại đang áp dụng một chiến lược khác để phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Theo ông Kazianis, dường như giờ đây Bắc Kinh đã tìm ra một cách mới để hiện thực hóa tham vọng của mình tại vùng biển mà chuyên gia phân tích Robert Kaplan từng gọi là “Chiếc vạc châu Á”. Theo đó, Trung Quốc sẽ làm nóng “chiếc vạc” này mà không cần phải sử dụng lực lượng quân sự hay trình bày thẳng thắn trước tòa án quốc tế, bởi họ có thể huy động các giàn khoan và bản đồ để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.
Ông Harry J. Kazianis (ảnh nhỏ) là một chuyên gia về chính sách Trung Quốc
Chuyên gia Kazianis cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và tiếp sau đó là một loạt giàn khoan khác được đưa xuống Biển Đông thể hiện một nước cờ đã được tính toán kỹ của Trung Quốc khiến các nước châu Á phải vô cùng cảnh giác.
Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc đã cho xuất bản tấm bản đồ khổ dọc đầu tiên gom trọn Biển Đông vào lãnh thổ của mình bằng một “đường mười đoạn” phi pháp do họ đơn phương vẽ ra mà không tuân thủ bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.
Việc sử dụng bản đồ để phục vụ cho tham vọng lãnh thổ của mình không phải là thủ đoạn mới mẻ của Trung Quốc. Trước đây họ đã từng cho in tấm bản đồ có “đường chín đoạn” trái phép đó vào hộ chiếu cấp cho công dân nước này, tuy nhiên việc xuất bản bản đồ chính thức như thế này thể hiện một nấc thang mới trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Với tấm bản đồ này, Trung Quốc muốn vơ trọn vào mình cả một vùng biển rộng gần bằng diện tích đất liền của họ, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc trong việc xuất bản bản đồ kiểu này không chỉ là nhằm từ từ thay đổi hiện trạng trên biển, mà còn để thay đổi nhận thức của người dân trong nước và quốc tế về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Với tấm bản đồ này, Trung Quốc đang hành động như thể họ đã có chủ quyền đối với Biển Đông từ lâu, đồng thời hướng luồng dư luận theo hướng có lợi cho họ, và hành động này nằm trong một chiến lược tổng thể đã được tính toán cẩn thận của Trung Quốc.
Video đang HOT
Bản đồ “mười đoạn” phi lý (đã bị gạch chéo) do Trung Quốc mới công bố
Trung Quốc biết rằng những đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý và không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thế nên nếu họ cứng rắn quá mức và sử dụng lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền của mình, chắc chắn chiến tranh với các nước láng giềng sẽ nổ ra, và Mỹ sẽ có cơ hội để can thiệp vào khu vực.
Thế nên, Trung Quốc đang tìm mọi cách để giành ưu thế trên những mặt trận ít có nguy cơ nổ ra chiến tranh hơn, bằng những công cụ có vẻ hợp pháp hơn, chẳng hạn như giàn khoan, bản đồ cùng lực lượng chấp pháp trên biển. Mục đích của họ vẫn là khẳng định quyền sở hữu đối với Biển Đông bằng một vũ khí vô cùng lợi hại, đó chính là trò chơi nhận thức.
Bằng việc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, sử dụng các loại phương tiện không phải của hải quân để hộ tống, bảo vệ, và sử dụng bản đồ để “phục vụ cho nhu cầu của người dân”, Trung Quốc đang muốn dần dần thay đổi nhận thức của dư luận trong nước và quốc tế, nhằm lừa mị và buộc họ phải thừa nhận rằng Biển Đông là của Trung Quốc.
Đây là một chiến lược vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc, và các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải vô cùng cảnh giác để đưa ra những đối sách hợp lý với chiến lược này.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Kiểm ngư của Việt Nam trên Biển Đông
Đối với các quốc gia ASEAN, thách thức đến từ “đường chín đoạn” trước đây và “đường mười đoạn” hiện nay là vô cùng rõ ràng. Thế nên, theo chuyên gia Kazianis, các nước này phải thể hiện sự phản đối của mình đối với tham vọng của Trung Quốc bằng mọi cách.
Một chiến lược đáp trả khả dĩ là cách mà Philippines đã và đang làm, đó là sử dụng “chiến tranh pháp lý” để chống lại Trung Quốc. Philippines đã kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực nhằm sử dụng luật pháp quốc tế để đưa Trung Quốc vào thế bị “mất mặt” nếu không chịu nhượng bộ.
Tuy nhiên, ông Kazianis cho rằng nỗ lực của riêng Philippines là chưa đủ. Chiến lược đối phó đó cần được đẩy lên ở một cấp độ mới, đó là tất cả các quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc cùng đệ đơn kiện tập thể lên tòa án quốc tế, cùng sát cánh bên nhau thử thách Trung Quốc.
Đây có thể coi là vụ kiện lớn nhất mọi thời đại, trong đó lý lẽ và dư luận đều đứng về phía các quốc gia ASEAN trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Đây có thể là cách thức duy nhất để các quốc gia ASEAN có thể phản công trước mưu đồ của Bắc Kinh, bởi chiến tranh pháp lý là cách thức tốt nhất để đạt được mục đích đó.
Còn đối với Mỹ, thách thức đến từ chiến lược mới của Trung Quốc cũng khá rõ ràng: Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, và trong trường hợp này là bằng việc xuất bản bản đồ. Nếu Trung Quốc thực hiện được tham vọng của mình, tự do hàng hải trên tuyến đường biển trị giá 5 ngàn tỉ USD qua Biển Đông sẽ bị đe dọa.
Tự do hàng hải trên Biển Đông có nguy cơ bị đe dọa nếu Trung Quốc thực hiện được tham vọng của mình
Ngoài ra, Nếu Bắc Kinh tìm cách thay đổi được quan niệm có từ lâu đời rằng đại dương không phải là lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào mà là nơi các quốc gia cùng chia sẻ lợi ích, họ sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm.
Ai dám đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không thực hiện hành động tương tự ở các khu vực khác, chẳng hạn như trên biển Hoa Đông, và các quốc gia khác trên thế giới không áp dụng chiến lược tương tự để thu về lợi ích cho mình.
Chuyên gia Kazianis kết luận: “Tất cả mọi quốc gia trân trọng các giá trị chung toàn cầu đang đứng trước thách thức mới từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, và họ không thể để những chiến lược kiểu bản đồ hay giàn khoan làm ảnh hưởng đến những giá trị chung vô cùng quan trọng như vậy.”
Theo Khám phá
Thuyết "Trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc: Tiến ba bước, lùi hai bước
Gần 2 tháng sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có bước đi nguy hiểm khi công bố bản đồ đường lưỡi bò 10 đoạn, ôm trọn các vùng biển, đảo và bãi đá tranh chấp trên Biển Đông.
Điều này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, đồng thời phản ánh tham vọng bá quyền, bất chấp pháp luật quốc tế của Trung Quốc.
Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc. Nguồn: Tân Hoa Xã
Bản đồ có tên gọi Bản đồ nước CHND Trung Hoa được trình bày theo khổ dọc, do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam vẽ, đã được Cục Thông tin địa lý đo lường quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và chính thức xuất bản phát hành. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện vùng biển đảo theo tỷ lệ tương đương với các khu vực đại lục, thay vì thể hiện với tỷ lệ nhỏ trong một ô vuông góc phía dưới bên phải trên bản đồ ngang như trước đây. Điều sai trái gây bức xúc dư luận trong khu vực về tấm bản đồ này là Trung Quốc đưa gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả Hoàng Sa - Trường Sa vào đây.
Bản đồ mới đã tăng thêm 1 đoạn so với bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn thường được Bắc Kinh dùng làm căn cứ lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực. Bản đồ đường 10 đoạn thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, trải dài xuống các vùng biển của Việt Nam, Malaysia và Philippines, ôm trọn các đảo và bãi đá tranh chấp, trong đó có Hoàng Sa - Trường Sa. Các bản đồ trình bày theo chiều ngang trước đây của Trung Quốc thể hiện phần lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc. Còn trong bản đồ đường 10 đoạn mới phát hành, các đảo và vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền được vẽ với tỷ lệ tương đương với khu vực đại lục, thể hiện Trung Quốc là một cường quốc biển thay vì là một cường quốc lục địa.
Việt Nam và Philippines đã ngay lập tức phản đối bản đồ mới của Trung Quốc, cho rằng việc phát hành bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò liếm gần như toàn bộ Biển Đông là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là phi lý, đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Phủ Tổng thống Philippines khẳng định, đường biên giới trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ không có giá trị pháp lý. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và Philippines, phản đối Trung Quốc phát hành bản đồ mới, ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi chủ quyền của Bắc Kinh. Theo ông Goldberg, trên bản đồ đường 10 đoạn, các yếu tố về cơ bản vẫn giữ nguyên như "đường 9 đoạn" và nó hoàn toàn không có cơ sở theo luật quốc tế.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, việc phát hành bản đồ mới cho thấy Trung Quốc vẫn từng bước lấn tới trong việc xác định chủ quyền trên Biển Đông, song song với những hành động khác như đưa nhiều giàn khoan ra Biển Đông. Các chuyên gia nhận định, hành động mới nhằm hiện thực hóa chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò là hành động xâm phạm chủ quyền của những nước khác trong khu vực, đã được Luật Biển quy định. Không dừng ở đó, truyền thông Trung Quốc nói, bản đồ này dự kiến sẽ được đưa vào học đường để giảng dạy cho các thế hệ trẻ của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Điều này chứng tỏ giới chức Bắc Kinh đã tính về lâu dài thể hiện bá quyền trên biển lẫn trên thế giới, từng bước biến các tuyên bố chủ quyền thành sự việc đã rồi ở tất cả các vùng tranh chấp có dính dáng tới Trung Quốc.
Truyền thông quốc tế đã lựa chọn những từ khá mạnh để phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cưỡng bức, răn đe hay sự đã rồi là những từ ngữ mà hai tờ báo lớn của Pháp Le Monde và Les Echos sử dụng để nhận định về chiến thuật mà Trung Quốc đang dùng để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của mình trên toàn bộ Biển Đông. Cùng với việc mạo danh quyền lịch sử, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng biên giới lãnh hải. Các quốc gia láng giềng trong khu vực nghi ngờ học thuyết trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Trong bài viết có đề tựa Bắc Kinh áp đặt điều kiện ở Biển Đông đăng trên tờ Le Monde, tác giả Brice Pedroletti nhận định, Trung Quốc đang chơi trò cưỡng ép và răn đe đối với các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines trong các cuộc xung đột lãnh hải. Một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson ở Washington cho rằng, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc được thể hiện bằng hành động cưỡng bức và răn đe.
Theo Les Echos, với kiểu chiến lược sự đã rồi, Bắc Kinh đang đặt các nước láng giềng vào tình trạng báo động. Trung Quốc không còn cách nào khác là thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả mà sẽ có những điều chỉnh trong lối ứng xử của mình. Báo trên trích dẫn nhận định của bà Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược cho rằng: Nếu vấp phải phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm bớt hành động, còn nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc không phản ứng gì, Bắc Kinh sẽ rộng đường hành động. Ông Jean-Francois Di Meglio đến từ Trung tâm châu Á cũng cho rằng, Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược tiến ba bước rồi lùi lại hai bước.
(Theo Tạp chí tài chính
Năng lượng - ám ảnh ẩn giấu sau giàn khoan Hải Dương 981 Có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, những chỉ trích của cộng đồng quốc tế chẳng là gì so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển, cũng như nhu cầu khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Ngày 2/5, Trung Quốc hạ đã đặt giàn khoan nửa chìm Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam...