Chiến lược núp bóng kiểu mới của quân khủng bố
Al-Qaeda cùng các chi nhánh hiện đẩy mạnh liên kết với các nhóm vũ trang trong vùng, hạn chế áp đặt luật lệ hà khắc tại nơi chúng kiểm soát nhằm nhận viện trợ từ phương Tây và lôi kéo ủng hộ để tiếp tục hiện thực hóa mưu đồ bành trướng.
Thành viên nhóm khủng bố Mặt trận Nusra tháng trước tập trung lực lượng, chuẩn bị tấn công thành phố Ariha, Syria. Ảnh: Reuters
Sau khi chuyển quân xuống miền nam Yemen, các tay súng al-Qaeda lập tức triển khai tấn công thành phố Al Mukalla, chiếm giữ nhiều tòa nhà chính phủ, trộm hàng triệu USD từ ngân hàng trung tâm và trả tự do cho những tù nhân cực đoan Hồi giáo. Nhưng khác với trước đây, lần này, nhóm khủng bố khét tiếng khiến tất cả những người chứng kiến phải kinh ngạc. Thay vì dương cao lá cờ của tổ chức và cai trị bằng luật lệ hà khắc, al-Qaeda trao quyền điều hành cho một hội đồng nhân dân, cấp ngân sách trả lương, phân phối nhiên liệu và dọn dẹp sạch sẽ mọi dấu vết xung đột. Chúng rút lui hoàn toàn về hậu trường.
Al-Qaeda chiếm thành phố lớn thứ 4 Yemen từ hồi tháng 4. Bước tiến này là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy sức mạnh của tổ chức cùng các phân nhánh vẫn phát triển mặc dù hàng loạt thủ lĩnh cấp cao đã bị tiêu diệt sau nhiều năm hứng chịu đòn không kích của Mỹ. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang tích cực thay đổi để đối phó với những thách thức mới, trong đó có mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong khi tôn chỉ hành động của al-Qaeda là trú mình tại nơi hẻo lánh, hành động độc lập và tấn công nhằm vào phương Tây thì một nhánh của tổ chức ở Yemen và Syria lại có xu hướng kết bè phái với các nhóm nổi dậy khác trong vùng để thực hiện âm mưu lật đổ. Động thái này cho thấy al-Qaeda đang tự xa rời triết lý của trùm khủng bố Osama bin Laden, nhấn mạnh “các chiến binh chỉ nên tập trung vào những ‘kẻ thù xa’, tránh sa lầy vào những chiến dịch nổi dậy địa phương”.
Chi nhánh al-Qaeda ở Yemen vài tuần gần đây liên minh với một số tốc người địa phương chiến đấu với phiến quân Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn. Ở Syria, chiến binh thề trung thành với al-Qaeda hiện là những thành viên quan trọng của liên minh chống Tổng thống Bashar al-Assad. Bước phát triển này biến chúng thành nhóm cùng phe với các thế lực được phương Tây hỗ trợ.
Chiến thuật trên bước đầu cho phép al-Qaeda, tổ chức khủng bố luôn đứng hàng đầu trong danh sách kẻ thù của Mỹ, một mặt tranh thủ được sức mạnh của các nhóm nổi dậy địa phương mặt khác tận dụng vỏ bọc của những lực lượng này để né tránh can thiệp từ bên ngoài. Dù vậy, giới quan chức quân sự Mỹ nhận định al-Qaeda vẫn ấp ủ tham vọng tấn công phương Tây và mục tiêu này có thể được thực hiện dễ dàng nếu các lực lượng nổi dậy địa phương góp sức. Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác còn giúp al-Qaeda có được lợi thế dài hạn trong cuộc tranh đấu với các nhóm cực đoan khác như IS.
Núp bóng và lôi kéo
Video đang HOT
Mỹ đã tiến hành không kích nhiều cứ điểm của Mặt trận Nusra, trong đó có trung tâm đầu não của tổ chức ở Idlib, Syria. Ảnh: Reuters
Từ khi chính thức tách khỏi al-Qaeda vào năm ngoái, IS đã phủ sóng toàn cầu, cướp đi “hào quang” của al-Qaeda khi bành trướng với tốc độ nhanh chóng ở cả Iraq và Syria, đồng thời thành lập nhà nước Hồi giáo tại những nơi chúng nắm quyền kiểm soát. IS luôn mạnh miệng tuyên bố các nhóm cực đoan khác hoặc gia nhập hoặc trở thành kẻ thù của tổ chức. Thái độ tự mãn này khiến IS bị căm ghét tại một số nơi. Những hành vi bạo lực, máu lạnh mà IS thực hiện, ví dụ như công khai chặt đầu con tin phương Tây, còn khiến chúng trở thành kẻ thù chung của một liên minh quân sự quốc tế hùng hậu.
Chi nhánh al-Qaeda ở Syria và Yemen lại sử dụng chiến lược hoàn toàn khác. Chúng xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nhóm nổi dậy địa phương và hạn chế áp đặt những đạo luật Shariah hà khắc trong địa bàn kiểm soát, theo người dân tại khu vực al-Qaeda chiếm đóng.
Khi tấn công Al Mukalla, chúng chiếm các tòa nhà chính phủ và cướp đi khoảng 120 triệu USD từ ngân hàng trung tâm, theo ông Abdul-Qader Foulihan, giám đốc nhà băng. Tuy nhiên sau đó, chúng nhanh chóng chuyển quyền điều hành cho hội đồng nhân dân, cấp cho họ 4 triệu USD làm ngân sách. Hành động trên đem về cho nhóm sự ủng hộ của các quan chức địa phương, những người đang tìm cách để khôi phục cuộc sống của người dân ngay giữa thời chiến.
“Chúng tôi không phải bù nhìn của al-Qaeda”, ông Abdul-Hakeem bin Mahfood, tổng thư ký hội đồng, nói qua điện thoại. “Chúng tôi thành lập hội đồng này để cứu cả thành phố khỏi bị hủy diệt”.
Trong khi hội đồng cung cấp các dịch vụ thiết yếu và phân phối nhiên liệu, al-Qaeda chỉ duy trì một đồn cảnh sát để xử lý tranh chấp, người dân tại đây cho hay. Nhóm tới nay chưa cấm hút thuốc hay đề ra quy định về trang phục của nữ giới.
April Longley Alley, chuyên gia phân tích về Yemen từ nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, thì lại lo lắng khi liên kết với các nhóm vũ trang địa phương, al-Qaeda sẽ có khả năng lợi dụng tư cách của những lực lượng này để nhận viện trợ từ phương Tây.
Mặt trận Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria, hiện trở thành một phần không thể thiếu của lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền ông Assad. Chúng gần đây còn gia nhập một liên minh với tên gọi Đội quân Chinh phục. Điều này tạo cho chúng một vị thế hoàn toàn giống với các nhóm vũ trang trong vùng thường xuyên nhận được hỗ trợ từ bên ngoài.
“Họ cũng là người Hồi giáo, không khác gì bọn ta”, Al Jazeera dẫn lời Abu Mohammed al-Jolani, lãnh đạo Mặt trận Nusra nói trong một cuộc phỏng vấn.
Tên này nhấn mạnh Mặt trận Nusra đã nhận được mệnh lệnh của lãnh đạo tối cao al-Qaeda Ayman al-Zawahri không tiến hành tấn công ở nước ngoài để tránh ảnh hưởng tới công cuộc lật đổ chính phủ Syria.
Mỹ không tin tưởng vào tuyên bố trên, vẫn tiếp tục dội bom. Tuy nhiên, các cuộc không kích này lại nhận phải sự chỉ trích của các nhóm nổi dậy khác. Chúng cho rằng Mặt trận Nusra hiện là mắt xích không thể thiếu của liên minh. Rõ ràng, mối liên kết chặt chẽ với các thế lực địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Nusra bành trướng và củng cố sức mạnh. Liên minh kiểu này cũng cho phép chúng nhận các loại vũ khí từ phương Tây.
“Phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho bất kỳ bên nào giúp họ thực hiện kế hoạch và bọn ta cần đến chúng”, Abu Omar al-Muhajir, thành viên Mặt trận Nusra, nói.
Người dân sống tại khu vực do Mặt trận Nusra kiểm soát cho biết nhóm không áp đặt luật Shariah đối với những ai từ chối làm theo. Tại ngôi làng Binnish, chúng vừa tổ chức trận đấu bóng đá giao hữu với một nhóm vũ trang khác. “Nusra không phải những kẻ cực đoan”, một nhà hoạt động tham dự trận đấu nói. “Họ phát tờ rơi tại các điểm kiểm soát và kêu gọi mọi người tới dự”.
Đứng trước sự thay đổi thái độ của người dân, một số chuyên gia lo ngại Mặt trận Nusra đang xây dựng nền móng để áp đặt ý chí của nhóm tại những nơi chúng kiểm soát. Động thái này bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định.
“Tôi e rằng sau tất cả những gì mà Mặt trận Nusra thu được trong suốt 4 tháng qua, người dân địa phương cuối cùng sẽ chịu đựng và chấp nhận cách mà chúng quản lý những khu vực dưới quyền kiểm soát”, Hasan al-Ahmed, nhà hoạt động tại thị trấn Kafr Nubul, bình luận.
Vũ Hoàng
Theo New York Times
Người dân 8 nước NATO phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine
Đa số người dân ở 8 quốc gia thành viên NATO phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, theo một cuộc khảo sát công bố vào ngày 10.5.
Lính Ukraine trên một xe bọc thép chở quân tại một cứ điểm ở thị trấn Debaltseve, vùng Donetsk, miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters
Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) đã tiến hành cuộc khảo sát với 11.116 người, qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp, tại 8 quốc gia thành viên NATO trong giai đoạn từ 6.4 đến 15.5, theo AFP.
Chỉ khoảng 41% người tham gia khảo sát ủng hộ NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong khi 70% ủng hộ viện trợ kinh tế cho đất nước này, theo kết quả khảo sát của Pew.
Khoảng 50% người tham gia khảo sát ở Ba Lan ủng hộ NATO viện trợ quân sự cho Kiev, trong khi chỉ 19% ở Đức và 22% ở Ý ủng hộ, theo Pew. Ở Pháp, 40% người tham gia khảo sát ủng hộ cung cấp vũ khí cho Kiev, trong khi ở Mỹ con số này là 46%.
Ngoài ra, khoảng 48% trong tổng số người tham gia khảo sát ủng hộ NATO sử dụng vũ lực để bảo vệ đồng minh trong khối nếu bị Nga tấn công, trong khi 42% phản đối.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine và lãnh đạo các nước phương Tây cáo buộc Nga viện trợ vũ khí cho phe ly khai và triển khai binh lính đến miền đông Ukraine chống lại quân đội chính phủ Ukraine. Moscow luôn bác bỏ cáo buộc này.
Theo báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, xung đột ở miền đông Ukraine kéo dài từ tháng 4.2014 đến nay đã khiến trên 6.400 người thiệt mạng.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ sẽ viện trợ Việt Nam 18 triệu USD mua tàu tuần tra Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 31.5 đã cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp Viêt Nam mua tàu tuần tra cao tốc của Mỹ ngay sau khi đi xem chiếc tàu cảnh sát biển của Viêt Nam bị tàu Trung Quôc đâm húc ở Biển Đông hồi năm 2014. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter - Anh: Reuters...