Chiến lược nhờ Trung Quốc ngăn Triều Tiên của Trump gây hoài nghi
Các cố vấn đang ngày càng hoài nghi trước chiến lược nhờ cậy Trung Quốc can thiệp khủng hoảng Triều Tiên mà Tổng thống Mỹ theo đuổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Palm Beach, Florida, hồi tháng 4. Ảnh: New York Times
Ván cược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt vào dựa trên ý tưởng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gây sức ép mạnh mẽ buộc Triều Tiên hạn chế hoặc ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Để đổi lấy sự hợp tác từ Bắc Kinh, ông Trump phải làm mềm giọng điệu cứng rắn trước đây về thương mại Trung Quốc cũng như đưa ra một vài nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các cố vấn cho Tổng thống Mỹ ngày càng lo lắng sự nhượng bộ của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ không đem lại lợi ích gì, theo New York Times.
Hoài nghi
Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ động thái gia tăng áp lực đáng kể nào lên Triều Tiên kể từ khi ông Trump và ông Tập có cuộc gặp mặt tại Palm Beach, bang Florida, Mỹ, hồi tháng 4. Việc Bắc Kinh không làm gì để xử lý khủng hoảng Triều Tiên khiến một số quan chức Nhà Trắng thất vọng. Họ dự định nêu vấn đề với các đối tác Trung Quốc tại một cuộc họp cấp cao vào ngày 21/6 tới.
Mặt khác, việc Bắc Kinh ngần ngại gây tác động lên Bình Nhưỡng đẩy chính quyền Trump vào cảnh nắm trong tay rất ít lựa chọn đối phó với khủng hoảng Triều Tiên. Thực tế trên mở ra khả năng Tổng thống Mỹ có thể tìm cách thỏa hiệp với giới lãnh đạo Triều Tiên. Phương pháp này từng thất bại dưới thời những người tiền nhiệm, song ông Trump dường như khá quan tâm tới nó, cây bút Mark Landler từ New York Times đánh giá.
Nhà Trắng tuần qua gửi một nhà ngoại giao hàng đầu tới Bình Nhưỡng đón sinh viên Otto F. Warmbier, người bị Triều Tiên bắt giữ hồi năm ngoái. Nhiều cựu quan chức Mỹ cho rằng sự kiện này sẽ đặt nền tảng cho những cuộc đối thoại khác giữa Triều Tiên và Mỹ.
Nhưng việc Warmbier được trả về trong tình trạng hôn mê, tổn thương thần kinh nghiêm trọng khiến các triển vọng ngoại giao trở nên mù mịt. Tại một cuộc họp báo vào hôm qua, cha Warmbier cho biết con trai ông bị “bạo hành và khủng bố” suốt 18 tháng ở Triều Tiên.
Video đang HOT
Song chuyên gia nhận định chính quyền Trump có lẽ không tính đến chuyện thay đổi chiến lược đối với Triều Tiên chỉ vì một công dân. Kịch bản dễ xảy ra nhất là từ nay, những liên lạc giữa Mỹ với Triều Tiên sẽ được thực hiện bí mật tối đa.
“Chính quyền Trump đã nêu rõ rằng đây là phương pháp hữu hiệu hơn cả”, ông Daniel R. Russel, người giữ chức thư ký ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét. “Họ sẽ tìm hiểu xem cách tiếp cận chính thức và phi chính thức nào với Triều Tiên mang lại hiệu quả nhất”.
Ngoài ra, các trợ lý cho ông Trump cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử gần đây ở Hàn Quốc, khi mà ông Moon Jae-in, một người có tư tưởng thỏa hiệp thay vì đối đầu với Triều Tiên, được bầu làm tổng thống nước này. Tổng thống Moon thậm chí còn ra lệnh ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên đất Hàn Quốc.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc là bên hứng thú hơn cả trước viễn cảnh về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một phần vì nó giúp đẩy áp lực giải quyết khủng hoảng về phía Mỹ. Nhưng hiện tại, Nhà Trắng vẫn tập trung nhiều hơn cho việc thuyết phục Trung Quốc tác động lên người hàng xóm Triều Tiên.
Lo âu
Ông Trump bước chân vào Nhà Trắng với lời hứa đặt ra thách thức với Trung Quốc trước một loạt vấn đề. Tuy nhiên, mối nguy hiểm tiềm ẩn trong chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã làm thay đổi các tính toán của Tổng thống Mỹ.
Hồi tháng 4, Tổng thống Trump nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trở thành đối tác của ông trong nỗ lực kiềm chế lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai tuần sau, Bộ Tài chính Mỹ bác bỏ những nhận định nói Trung Quốc thao túng tiền tệ, điều mà ông Trump, suốt quá trình vận động tranh cử, luôn đề cập đến.
Tới nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh thực sự muốn gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Chính phủ Trung Quốc chưa tích cực trong việc thực thi các biện pháp hạn chế giao lưu thương mại với Triều Tiên.
“Việc Tổng thống dường như nghĩ rằng ông ấy thuyết phục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay đổi chính sách thật đáng lo ngại”, Michael J. Green, cố vấn cấp cao về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, bình luận. “Ông ấy đã công khai thể hiện suy nghĩ ấy và điều đó gây ảnh hưởng lớn tới khu vực. Ông ấy không nên thổi phồng nó”.
Sự ngộ nhận đi kèm kỳ vọng của Tổng thống Mỹ khiến Nhật Bản và Đông Nam Á không khỏi lo âu, Landler đánh giá. Họ lo ngại vì muốn lấy lòng đối tác, Washington có thể làm ngơ trước những động thái gây hấn ở Biển Đông mà Bắc Kinh thực hiện.
Nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc, các quan chức chính quyền ở Washington cho hay Mỹ đang cân nhắc áp đặt trừng phạt lên một số cá nhân và ngân hàng Trung Quốc có quan hệ làm ăn, kinh doanh với Triều Tiên. Bước đi này ẩn chứa nguy cơ gây leo thang căng thẳng Mỹ – Trung và làm rạn nứt mối quan hệ “bước đầu nồng ấm” giữa ông Trump và ông Tập, chuyên gia nhận định.
Cơ hội tiếp theo để hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung gặp mặt trực tiếp là tại hội nghị G20 tổ chức ở Hamburg, Đức, vào tháng tới. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết cách phản ứng của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên có thể ảnh hưởng tới quyết định lên kế hoạch cho một cuộc gặp riêng giữa hai ông.
Theo những nguồn tin am hiểu vấn đề, sự mất kiên nhẫn đối với Bắc Kinh đã hiện hữu ở Nhà Trắng nhiều tuần qua.Tuy nhiên, chỉ vài ngày gần đây, chúng mới bắt đầu được thể hiện.
“Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để mở lối thoát cho các vấn đề, kể cả việc quân sự hóa ở Biển Đông hay thất bại trong việc gây áp lực phù hợp lên Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson tuần trước tuyên bố tại Sydney, Australia.
Các nhà ngoại giao lâu năm dự đoán Trung Quốc trong tương lai gần có thể thông báo thực hiện vài biện pháp nhẹ tay nhằm vào một số công ty hay ngân hàng nước này có giao dịch với Triều Tiên nhưng không gây tác động xấu tới quan hệ ngoại giao. Đây giống như cách để Bắc Kinh cho Tổng thống Mỹ thấy ông không hoàn toàn sai lầm khi đặt niềm tin vào Chủ tịch Trung Quốc.
“Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang hành động nương theo thái độ của Tổng thống Trump và khiến ông ấy ngộ nhận”, Christopher R. Hill, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên dưới thời chính quyền George W. Bush, nói. “Điều này đẩy ông Trump vào tình thế tồi tệ. Theo tôi, họ biết toan tính của ông ấy và muốn lợi dụng nó”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương: Khủng hoảng Triều Tiên tồi tệ chưa từng có
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoàn thiện năng lực tên lửa đạn đọa liên lục địa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đô đốc Harry Harris tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters
"Kim Jong-un không phải một lãnh đạo sợ thất bại trước công chúng. Vì vậy, các vị biết đấy, tôi đã nói về Thomas Edison. Ông thử 1.000 lần trước khi bóng đèn hoạt động. Kim Jong-un sẽ tiếp tục thử nghiệm cho tới khi ông làm cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa hoạt động", Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, hôm 27/4 cho biết trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Ông cho rằng Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp nhất với an ninh của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo Yonhap. "Tất cả các nước cần xem xét nghiêm túc mối đe dọa này vì các tên lửa Triều Tiên hướng về mọi phía".
"Năng lực Triều Tiên chưa phải là mối đe dọa đã hiện hữu với Mỹ, nhưng nếu không bị ngăn cản, nước này cuối cùng cũng sẽ đạt được năng lực như trong những lời đe dọa thù địch", ông Harris cho hay, nói thêm rằng khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên "trên thực tế đang ở mức tồi tệ nhất tôi từng thấy".
John McCain, Chủ tịch Ủy ban, cho rằng Triều Tiên đang có tiến triển thực sự trong việc phát triển tên lửa hạt nhân. "Một tên lửa Triều Tiên có đầu đạn hạt nhân tấn công được một thành phố Mỹ không còn là giả định xa vời mà là mối nguy hiểm trước mắt, tạo ra và gia tăng đe dọa xung đột thực sự", thượng nghị sĩ nói.
Ông McCain cũng cho rằng việc Trung Quốc "ức hiếp" Hàn Quốc vì tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ là điều "đáng tiếc". "Ủy ban hiểu rằng triển khai hệ thống này là quyết định của liên minh, một điều cần thiết để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc của chúng ta", ông nói.
Trọng Giáp
Theo VNE